Trang chủ    Thực tiễn    Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và công tác dân vận ở tỉnh Đồng Tháp hiện nay
Thứ tư, 24 Tháng 7 2019 10:08
2916 Lượt xem

Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và công tác dân vận ở tỉnh Đồng Tháp hiện nay

(LLCT) - Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, từ trong đấu tranh giành độc lập dân tộc đến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước ta luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Dân vận: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thực hiện lời dạy của Người, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp ra sức thực hiện tốt công dân vận và đã đạt được nhiều kết quả thiết thực.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Dân vận đăng trên báo Sự thật, ngày 15-10-1949, là thời điểm cuộc kháng chiến, kiến quốc của nhân dân ta đang gặp vô vàn cam go, phức tạp. Tuy tác phẩm chỉ có 573 từ, nhưng hàm chứa nhiều nội dung công việc thiết thực và cấp bách với những chỉ dẫn quý báu về cách thức tiến hành công tác dân vận, mà tới bây giờ vẫn còn nguyên giá trị, đầy sức sống lý luận và khả năng ứng dụng vào thực tiễn. Đây được xem là bản tuyên ngôn, là cương lĩnh, là “kim chỉ nam” về công tác dân vận của Đảng để chúng ta học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện(1).

1. Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Dân vận

Trong tác phẩm Dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lý giải rõ ràng khái niệm Dân vận. Theo Người, “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”(2). Cho nên, cần hiểu công tác dân vận là khoa học về hoạt động lãnh đạo, là một nhiệm vụ cơ bản, có ý nghĩa chiến lược, có tính quy luật của Đảng để tuyên truyền, giáo dục, vận động, tập hợp tất cả lực lượng, tạo thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với việc làm rõ khái niệm dân vận, Người đã chỉ ra nhiệm vụ quan trọng của dân vận là vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân để thực hiện tốt chủ trương, đường lối, nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Theo Người, để vận động nhân dân thì “không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ”, mà “phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”. Đồng thời, muốn triển khai công việc nào cũng cần phải “bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”. Người còn căn dặn rất cụ thể: “Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân”, “Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”(3). Có thể thấy, Người yêu cầu những nội dung, nhiệm vụ và biện pháp thực hiện công tác dân vận rất khoa học, cụ thể. Trước hết, phải có chủ trương đúng, có kế hoạch cụ thể và phương tiện thích hợp để tuyên truyền rộng rãi những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, động viên toàn dân tham gia. Tiếp đó, là toàn bộ quy trình của công tác dân vận, nhằm làm cho chủ trương của Đảng đến với người dân, để tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến được với Đảng, tạo thành quan hệ khăng khít, mật thiết.

Trong tác phẩm Dân vận, Người còn chỉ rõ lực lượng phụ trách công tác dân vận, là “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân... đều phải phụ trách dân vận”. Người nói đến cán bộ chính quyền trước, vì Đảng ta là Đảng cầm quyền, cán bộ chính quyền có chức năng ra quyết định về chính sách, về nhân lực và thực hiện các chính sách có liên quan. Chính quyền còn có trách nhiệm tạo điều kiện và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để làm tốt công tác dân vận. Cùng với cán bộ chính quyền, cán bộ đảng, cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội đều phải tham gia công tác dân vận. Để thực hiện tốt công tác dân vận, cán bộ phải có kiến thức, trăn trở với công việc, phải biết nhìn xa, trông rộng, phải sâu sát cơ sở để nắm được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, nói đi đôi với làm, gương mẫu cả trong lời nói và hành động. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ phụ trách dân vận “không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”. Do vậy, để thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, cán bộ phụ trách dân vận cần khắc phục bệnh quan liêu, giấy tờ, xa dân, không tôn trọng dân, không quan tâm giải quyết những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của dân.

Cùng với lực lượng thì phương pháp làm công tác dân vận cũng rất quan trọng, trong tác phẩm Dân vận, Người đặt ra yêu cầu rất cao đối với cán bộ làm công tác dân vận, đội ngũ này phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Mười hai từ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra vừa là tiêu chuẩn của cán bộ dân vận, vừa là phương pháp thực hiện có hiệu quả công tác dân vận. Người cho rằng: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”(4). Thực vậy, dân vận là yếu tố thành công của cách mạng, là vấn đề chiến lược của Đảng, là phương thức vận động, tồn tại, phát triển của Đảng.

2. Tỉnh Đồng Tháp thực hiện tốt công tác dân vận theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Từ những lời dạy của Người trong tác phẩm Dân vận, Tỉnh ủy Đồng Tháp đã và đang tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công tác dân vận. Cụ thể, năm 2018, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Ban cán sự đảng UBND tỉnh Đồng Tháp thực hiện “Năm dân vận chính quyền - 2018” với 4 nội dung: nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân; củng cố, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm; kiểm tra, giám sát. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ chính quyền các cấp trong mối quan hệ với người dân, từ đó phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, đến nay đã có 12/12 huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện “Năm dân vận chính quyền”. Việc triển khai thực hiện được các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh quán triệt đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để có nhận thức đúng đắn, hành động chuẩn mực, tôn trọng nhân dân, nhất là trong thực hiện đạo đức công vụ, với phương châm hành động: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng và củng cố các mô hình trong công tác dân vận chính quyền tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các mô hình, cách làm sáng tạo như: nụ cười công sở; chính quyền đồng hành cùng nhân dân, đối thoại với nhân dân trên sóng truyền thanh; đường dây nóng phản ánh, phản hồi; phương châm “6 biết”... đã kịp thời phản ánh thông tin, giải quyết những bức xúc của nhân dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Nổi bật là mô hình Trung tâm Hành chính công tiếp tục được thực hiện và phát huy hiệu quả, không có hồ sơ trễ hẹn; tiếp nhận và trao trả hồ sơ giải quyết hành chính thông qua bưu điện, góp phần tinh giản biên chế, giảm tải công việc; sử dụng phần mềm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp thông qua mạng xã hội và cổng thông tin điện tử. Việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ở các cấp đạt tỷ lệ cao, số vụ khiếu nại, nhất là khiếu nại đông người, phức tạp giảm cả về tính chất và mức độ, góp phần bảo đảm tốt tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2018, các cơ quan hành chính đã tiếp 2.894 lượt khiếu nại với 3077 người đến khiếu nại, tố cáo, giảm 645 lượt (tương đương 18%) so với cùng kỳ năm 2017; giải quyết đơn thư khiếu nại đạt 88,27% (tỷ lệ giải quyết cao hơn cùng kỳ năm 2017 là 22,76%); giải quyết đơn tố cáo đạt 75%(5). Để làm tốt “Năm dân vận chính quyền”, tỉnh Đồng Tháp tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhìn chung, công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp có sự chuyển biến tích cực, nhất là việc nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Công tác tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, cải cách hành chính ngày càng mang lại hiệu quả tích cực. Nội dung và phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng, điều hành của chính quyền phù hợp với thực tế, giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Hiện tại, các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tổ chức thực hiện các mô hình dân vận với phương châm “Tự lực, chăm chỉ, hợp tác” trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Đồng Tháp còn chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và các ngành liên quan tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án của tỉnh; phối hợp xây dựng, bồi dưỡng nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, như mô hình “Sổ tay đảng viên làm theo gương Bác” của huyện Cao Lãnh; “Huy động sức dân xây dựng cầu đường nông thôn ở các xã, thị trấn” của huyện Lai Vung; “Nghĩa tình đồng chí” của huyện Châu Thành; “Cán bộ, công chức tiếp xúc đối thoại nhân dân cuối tuần” của huyện Thanh Bình; “Giải quyết thủ tục hành chính một cửa lưu động” của xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự; “Cấp chứng minh nhân dân tận nhà cho người cao tuổi thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo, bệnh tật, khó khăn đi lại” của Công an tỉnh; Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp; “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, vận động 3 hộ khá, giàu giúp 1 hộ thoát nghèo bền vững” của Hội liên hiệp phụ nữ; “Cựu chiến binh gương mẫu” của Hội cựu chiến binh; “Gia đình, dòng tộc hiếu học” của Hội khuyến học; “Nuôi heo đất khuyến học” của huyện Tháp Mười, thành phố Cao Lãnh(6).

Để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác dân vận, Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Tháp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức hội cấp tỉnh thực hiện chuyên mục “Dân vận khéo”, tập trung giới thiệu các mô hình, gương điển hình tiêu biểu người thật, việc thật gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Thông qua chuyên mục, các phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội được thể hiện rõ nét hơn, thể hiện qua kết quả thực hiện các đề án, chủ trương lớn của tỉnh như: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đề án phát triển du lịch, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn, phát triển các mô hình liên kết, hội quán, hợp tác xã,...(7).

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là, công tác triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận có nội dung còn chậm, chưa sâu; một vài địa phương thiếu đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện “Năm dân vận chính quyền”; một bộ phận công chức, viên chức còn gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ cấp ủy giao còn chưa chặt chẽ. Mặc dù Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đã đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động chi đoàn, chi hội ở cơ sở nhưng kết quả đạt được chưa nhiều; việc theo dõi nắm tình hình nhân dân và đề xuất biện pháp giải quyết có việc chưa kịp thời. Một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ, chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể ở một số nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, còn hình thức. Những hạn chế này là do cấp uỷ, chính quyền chưa nhận thức đúng vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận. Ngoài ra, công tác tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận đôi khi thiếu kịp thời; cán bộ làm công tác dân vận có nơi chưa phát huy được hiệu quả công tác, theo dõi, phát hiện và đề xuất giải quyết các vấn đề nảy sinh ở cơ sở có việc hiệu quả chưa cao; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan nhà nước chưa quan tâm thực hiện tốt công tác dân vận(8).

Trong thời gian tới, để làm tốt hơn nữa công tác dân vận, mang lại hiệu quả cụ thể, lợi ích thiết thực cho nhân dân trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy Đồng Tháp, các cấp ủy đảng, chính quyền đang quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về công tác dân vận nhằm tạo sự chuyển biến thực chất hơn nữa trong quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Tỉnh Đồng Tháp cần tăng cường tuyên truyền, định hướng công tác dân vận gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh. Phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Mặt khác, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị phải định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mô hình và có giải pháp để nhân rộng các mô hình có hiệu quả.

Hai là, chính quyền tỉnh Đồng Tháp cần tập trung nâng cao đạo đức công vụ; quan tâm giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo, những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Tiếp tục tham mưu nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Ban Chỉ đạo công tác nhân quyền - tôn giáo và an ninh tư tưởng - văn hóa (về công tác tôn giáo). Đồng thời, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước; tổ chức sơ kết đánh giá kết quả công tác phối hợp thực hiện công tác dân vận; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, phục vụ nhân dân; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng chính quyền.

Ba là, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động, nhất là ở chi đoàn, chi hội khóm, ấp; tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân nâng cao nhận thức theo phương châm “Tự lực - chăm chỉ - hợp tác”, tích cực tham gia thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”; phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình dư luận, đề xuất giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề bức xúc, đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân.

Bốn là, thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức công tác dân vận, tôn giáo, quy chế dân chủ ở cơ sở cho cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong tỉnh về vai trò, vị trí, tầm quan trọng công tác dân vận. Chú trọng thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” khi làm công tác dân vận.

________________________

(1)Nguyễn Thế Trung: “Tác phẩm “Dân vận” của Bác Hồ mãi soi đường cho công tác dân vận của Đảng”, Tạp chí Dân vận, số 1+2, 2019, tr.12.

(2), (3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.232, 233, 234.

(5) Dũng Chinh: “Hoàn thành nhiệm vụ công tác dân vận hiệu quả, chất lượng”, Báo điện tử Đồng Tháp, http://www.baodongthap.vn.

(6) Đoàn Minh Lý, Hồ Thị Hồng Cúc: “Đồng Tháp học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”, Tạp chí Thông tin khoa học chính trị, số 02, 2018, tr.79-80.

(7), (8) Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Tháp: Báo cáo tổng kết công tác dân vận năm 2018, chương trình công tác năm 2019, số 399-BC/BDVTU, ngày 20-12-2018, tr.2,5.

 

Phạm Ngọc Hòa

Học viện Chính trị khu vực IV

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền