Trang chủ    Thực tiễn    Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai thực hiện phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở các xã biên giới
Thứ hai, 26 Tháng 8 2019 09:06
1365 Lượt xem

Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai thực hiện phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở các xã biên giới

(LLCT) - Trong những năm qua, hệ thống chính trị nói chung và Bộ đội biên phòng tỉnh Gia Lai nói riêng luôn chú trọng thực hiện phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở các xã biên giới, góp phần ổn định chính trị - xã hội tại địa phương. Phát huy những kết quả đã đạt được, Bộ đội biên phòng Gia Lai sẽ tiếp tục chủ động sâu sát nắm chắc địa bàn, dự báo đúng tình hình không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống, kiên quyết không để xảy ra “điểm nóng” chính trị - xã hội trên khu vực biên giới; tích cực, chủ động tham gia thực hiện có hiệu quả phong trào “Bộ đội biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới” và xóa nghèo bền vững trên khu vực biên giới...

Tỉnh Gia Lai có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng - an ninh ở Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 15.495 km2, gồm 17 huyện, thị xã, thành phố. Dân số của tỉnh trên 1,4 triệu người, trong đó người kinh chiếm khoảng 55%, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 45% (Jrai 30,36%, Barnah 12,45%, các dân tộc khác 1,47%). Trên địa bàn tỉnh có nhiều tôn giáo, trong đó có 4 tôn giáo lớn là Thiên chúa giáo, Phật giáo, Cao đài và Tin lành với 273.363 tín đồ (chiếm 23% dân số toàn tỉnh), trong đó có 132.478 tín đồ là người các dân tộc Jrai và Bahnar theo đạo Công giáo và Tin lành. Đã có thời điểm vấn đề dân tộc và tôn giáo luôn bị các thế lực thù địch khai thác, lợi dụng, kích động gây nên các “điểm nóng” chính trị - xã hội ở Gia Lai. Khu vực biên giới của tỉnh hiện có 50 thôn, làng thuộc 7 xã, 3 huyện với tổng dân số hơn 46.700 người, trong đó chủ yếu là người JaRai chiếm 55,6%, người Kinh chiếm 41,8%. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, với 1.804 hộ nghèo (chiếm 17,7%), 1.039 hộ cận nghèo (chiếm 10,2%). Cấp ủy, chính quyền địa phương 7 xã có 7 đảng bộ/66 chi bộ/ 864 đảng viên (230 nữ, 208 người dân tộc thiểu số), thực lực chính trị các xã biên giới thường xuyên được củng cố, kiện toàn.

Xác định rõ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của khu vực biên giới và yêu cầu nhiệm vụ xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về mọi mặt, hệ thống chính trị nói chung và Bộ đội biên phòng tỉnh Gia Lai nói riêng luôn coi thực hiện phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở các xã biên giới góp phần ổn định chính trị - xã hội là nhiệm vụ hàng đầu và đã triển khai thực hiện có kết quả trong thực tiễn. Có thể khái quát một số kết quả tích cực trong công tác này của Đảng bộ và Bộ đội biên phòng Gia Lai như sau:

1. Trong công tác xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội: Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các Đồn Biên phòng chủ động, tích cực phối hợp vận động nhân dân xã hội hóa trong xây dựng 2 cầu dân sinh đi vào khu lao động sản xuất của thôn (làng) với tổng số tiền là 25.545.000 đồng; vận động kinh phí đóng góp lắp 743 bóng điện thắp sáng trước cổng nhà ở dọc trục đường của các thôn (làng) với tổng trị giá tiền là 151.250.000 đồng; phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể huy động hơn 200 ngày công tổ chức phát dọn 6 km hai bên trục đường từ trung tâm xã đi các làng. Cán bộ, chiến sỹ các Đồn Biên phòng phối hợp với các ban ngành, các đơn vị đứng chân trên địa bàn tổ chức nạo vét, khơi thông 1.500m kênh mương; phối hợp, hoàn thành việc xây dựng và bàn giao 10 căn nhà cho gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, cụ thể: xây dựng 5 căn nhà theo phân công của UBND tỉnh trong chương trình kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ 27-7 với tổng kinh phí 300 triệu đồng (UBND tỉnh hỗ trợ 250 triệu đồng, các Đồn Biên phòng ủng hộ 50 triệu đồng và 140 ngày công xây dựng), 5 căn nhà cho người có công tại địa bàn 3 xã biên giới huyện Đức Cơ với tổng trị giá tiền xây dựng 660 triệu đồng (trong đó địa phương hỗ trợ và gia đình đóng góp 540 triệu đồng; Bộ đội Biên phòng tỉnh ủng hộ ngày công xây dựng trị giá thành tiền 120 triệu đồng). Phối hợp với địa phương tham gia giúp đỡ 45 hộ gia đình sửa chữa nhà bị ảnh hưởng do dông lốc (hỗ trợ mỗi hộ trị giá 15 triệu đồng).

2. Trong việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất, chuyển giao kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới: Bộ đội biên phòng tỉnh tích cực tham gia hướng dẫn người dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hướng tới sản xuất nông sản có giá trị kinh tế cao; xây dựng các mô hình trồng trọt và chăn nuôi giúp bà con nông dân các cách thức thâm canh tăng vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất, sử dụng giống mới năng suất, chất lượng cao song song với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, vận động nhân dân phát triển đàn gia súc, gia cầm... xây dựng điểm các mô hình như: Mô hình “trình diễn lúa nước” tại xã Ia Mơ (địa bàn Đồn Biên phòng Ia Mơ); duy trì có hiệu quả mô hình giúp dân trồng lúa nước tại làng Chư Kó - xã Ia Púch (địa bàn Đồn Biên phòng Ia Púch), mô hình “bếp ăn tình thương” tại xã Ia Dom (địa bàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh)... Các hoạt động này góp phần nâng cao đời sống của người dân, củng cố mối quan hệ đoàn kết quân dân trên biên giới, thu nhập bình quân đầu người tăng dần theo từng năm. Tỷ lệ hộ nghèo trên khu vực biên giới hàng năm giảm (tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 là 1.795/11.288 hộ đến năm 2017 giảm xuống còn 1.646/11.005 hộ), 4 hộ thoát nghèo với số tiền hỗ trợ là 53.500.000đ (trong đó hỗ trợ làm chuồng và mua bò giống cho 2 hộ nghèo tại xã Ia Dom và xã Ia Mơ trị giá 39 triệu đồng. Cán bộ, chiến sỹ thường xuyên theo dõi, giúp đỡ các hộ gia đình đã được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng 30 con bò trong Chương trình “Bò giống cho người nghèo” giúp người dân có thêm thu nhập, góp phần thực hiện chương trình, mục tiêu xóa nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của tỉnh.

3. Trong công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, thực hiện chính sách xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa mới: Đảng bộ, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với các nhà trường trên địa bàn biên giới tuyên truyền, vận động 51 cháu học sinh bỏ học trở lại trường, đảm bảo an ninh học đường, tặng dụng cụ cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn (trị giá 56.400.000đ), tổ chức gặp mặt, tặng quà biểu dương các cháu nhân dịp năm học mới và các ngày lễ, tết với 181 suất quà (trị giá 56.750.000đ); giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu đến trường đi học. Thực hiện Chương trình “Nâng bước em đến trường ”, Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục duy trì đỡ đầu lâu dài 50 cháu trên khu vực biên giới (500.000đ/cháu/tháng), trong đó có 4 cháu quốc tịch Campuchia khu vực biên giới đối diện, với số tiền hỗ trợ từ tháng 4-2016 đến nay là 579.000.000đ; tiếp tục duy trì bếp ăn tình thương cho 14-16 cháu học sinh nghèo trên địa bàn xã IaDom với số tiền 5.100.000đ/tháng. Tặng 1 căn nhà tình thương cho 1 học sinh mồ côi trị giá 50 triệu đồng. Quân y các Đồn Biên phòng chủ động phối hợp với trạm y tế các xã tuyên truyền vận động nhân dân ăn, ở hợp vệ sinh, cách phòng, chống các loại bệnh, thực hiện ăn chín, uống sôi...; độc lập khám, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân trên khu vực biên giới được 4.227 lượt người với số tiền chi trả cho thuốc men là 247.624.000đ; phối hợp với quân y của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các đơn vị đứng chân trên địa bàn khám, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân được 3.053 lượt người với số tiền chi trả cho thuốc men là 151.536.000đ. Tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở thôn, làng, từng bước xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa; qua đó đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy(1). Cùng với các cơ quan chuyên môn tham gia làm mới 102 nhà vệ sinh, đào 24 hố rác hộ gia đình, trồng mới 4 nghìn cây xanh tại các khu sinh hoạt tập trung của 7 xã biên giới; giúp dân 2.010 ngày công sửa chữa nhà cửa, làm đường liên thôn, nạo vét kênh mương, trồng lúa nước, thu hoạch mùa, rào vườn, làm chuồng trại, dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm...; chủ động, tích cực giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán ổn định đời sống(2). Hằng năm, nhân dịp các ngày lễ, tết, các đơn vị Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp với các đơn vị kết nghĩa, các lực lượng đứng chân trên địa bàn tổ chức thăm hỏi gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các điểm nhóm tôn giáo, già làng, trưởng  thôn, người già neo đơn trên địa bàn(3), góp phần tô thắm đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc, củng cố mối quan hệ đoàn kết gắn bó quân - dân trên biên giới.

4. Trong việc củng cố các tổ chức, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, xây dựng địa bàn an toàn: Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy khảo sát thực trạng hoạt động ở các chi bộ thôn, làng biên giới và tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy giới thiệu đảng viên Đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, làng biên giới (ngày 25-7-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 345-QĐ/TƯ Quy định tạm thời về trách nhiệm, quyền hạn, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của đảng viên Đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, làng biên giới). Trên cơ sở Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, căn cứ Quy chế phối hợp giữa Đảng ủy Bộ đội Biên phòng với các Tỉnh ủy, Thành ủy có biên giới, giữa Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh với Huyện ủy 3 huyện biên giới, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc đến toàn thể cán bộ, đảng viên; chủ động phối hợp với Huyện ủy 3 huyện biên giới triển khai thực hiện, đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo Đảng ủy 8 Đồn Biên phòng phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy 7 xã biên giới thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Đến nay, có 49 đảng viên các Đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại 49/49 chi bộ thôn, làng biên giới, 7 cán bộ tăng cường xã (có 6/7 cán bộ giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã) nhằm tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các xã biên giới trong xây dựng thực lực chính trị tại các thôn (làng) vững mạnh. Đảng ủy tỉnh phối hợp với đảng ủy địa phương củng cố, kiện toàn 68 chi bộ thôn (làng), 31 tổ chức đoàn thể ở cấp xã: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh... đi vào hoạt động thường xuyên, có chất lượng. Coi trọng công tác lựa chọn, bồi dưỡng phát triển đảng viên, tạo nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số. Xây dựng, duy trì hoạt động của 50 tổ tự quản an ninh trật tự thôn, làng, 1 tổ tự quản tàu thuyền và 11 tổ tự quản đường biên, cột mốc đảm bảo phát huy được vai trò, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thôn, làng biên giới(4).

Trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, các đơn vị biên phòng của tỉnh quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị định 77/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự xã hội trong tình hình mới, thống nhất chủ trương, triển khai thực hiện phù hợp với tình hình địa bàn; gắn thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường làm tốt công tác đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân, tạo thuận lợi cho địa phương tập trung phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan giải quyết tốt những mâu thuẫn, vướng mắc phát sinh trong nhân dân; kịp thời xử lý tốt các vụ việc xảy ra, không để tạo thành điểm nóng trên khu vực biên giới. Bộ đội biên phòng tỉnh chủ động tham mưu cho địa phương kiện toàn tổ chức biên chế, nâng cao năng lực công tác của đội ngũ công an viên, dân quân xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm Kế hoạch số 1143/KH-UBND tỉnh ngày 24-3-2016 của UBND tỉnh về tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ “về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các xã biên giới tổ chức lễ phát động và duy trì hiệu quả phong trào; tổ chức sơ kết đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.

Bài học kinh nghiệm và một số giải pháp nâng cao hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở các xã biên giới nhằm góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội của Bộ đội biên phòng tỉnh Gia Lai trong thời gian tới.      

Bài học kinh nghiệm rút ra qua hoạt động thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở các xã biên giới của Bộ đội biên phòng tỉnh Gia Lai là:

Trước hết, phải thường xuyên quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi tầng lớp nhân dân và cán bộ, chiến sỹ Bộ đội biên phòng tỉnh trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở các xã biên giới vững mạnh.

Hai là, định kỳ rà soát, nắm chắc tình hình, tiến độ triển khai thực hiện, chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu, phối hợp với địa phương xác định nội dung, giải pháp thực hiện quyết liệt, phù hợp đạt mục đích, yêu cầu theo kế hoạch đề ra.

Ba là, kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa việc phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới với thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp phần đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm, xây dựng địa bàn trong sạch, vững mạnh về mọi mặt.

Bốn là, có chính sách hỗ trợ, đãi ngộ và động viên khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây đựng hệ thống chính trị cơ sở các xã biên giới.

Năm là, gắn trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở các xã biên giới bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Trên cơ sở rút ra bài học kinh nghiệm đã phân tích trên, bài viết đề xuất một số giải pháp phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, góp phần ổn định kinh tế - xã hội địa phương như sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở các xã biên giới, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cấp ủy, chỉ huy các cấp góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị quản lý, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Thứ hai, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục cho mọi cán bộ, chiến sỹ Bộ đội biên phòng tỉnh, phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân, các cấp, các ngành, các lực lượng liên quan nhằm thống nhất nhận thức chính trị, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở các xã biên giới.

Thứ ba, chủ động sâu sát địa bàn, theo dõi, nắm chắc kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở các xã biên giới. Kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm và bổ sung nội dung, nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện phù hợp trong thời gian tới.

Thứ tư, tích cực phối hợp điều tra, khảo sát, đánh giá đúng thực chất các nguồn lực, tiềm năng lợi thế để xây dựng kế hoạch sát thực, phù hợp với từng địa bàn nhằm phát huy tốt nhất sức mạnh tổng hợp trong phát triển kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu dự báo đúng tình hình không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống, xử lý, giải quyết tốt mọi vấn đề phát sinh, kiên quyết không để xảy ra “điểm nóng” chính trị - xã hội trên khu vực biên giới, không để kẻ xấu và các phần tử phản động, thù địch xuyên tạc, chống phá.

Thứ sáu, tích cực, chủ động tham gia thực hiện có hiệu quả phong trào “Bộ đội biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới” và xóa nghèo bền vững trên khu vực biên giới, trong đó tập trung tuyên truyền vận động nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận số 4-2019

(1) Hiện nay trên khu vực biên giới của tỉnh có 38/50 thôn làng đạt đanh hiệu làng văn hóa, 5.976/11.005 hộ gia đình văn hóa.

(2) Sữa chữa 2 hệ thống nước sạch tại xã Ia Nan và Ia Mơ, giúp dân khắc phục hậu quả lốc xoáy, hạn hán được 314 ngày công; cứu hộ thành công 5 người dân bị ảnh hưởng do lũ quét, hỗ trợ hạn hán, cứu đói giáp hạt 3.050 kg gạo cho 130 hộ, tổng giá trị thành tiền là 38.600.000 đồng, sửa chữa máy bơm, ống nước với số tiền 11.000.000 đồng.

(3) Tặng 1.210 suất quà trị giá 1.066.917.000 đồng (trong đó riêng Bộ đội biên phòng tỉnh tặng 778 suất quà trị giá 787.007.000 đồng; 5,2 tạ gạo nếp; 100 kg thịt lợn; 779 chiếc bánh chưng xanh với tổng trị giá là 38.950.000 đồng).

(4) Từ năm 2016 đến năm 2018 đã tổ chức tuyên truyền, vận động được 124 buổi/11.770 lượt người nghe, tuần tra được 1.283 buổi/6.268 tổ viên tham gia, người dân đã cung cấp 350 nguồn tin cho bộ đội biên phòng giúp phát hiện, xử lý 142 vụ/229 lượt đối tượng liên quan đến trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng, vận chuyển lâm sản, buôn bán, sử dụng ma túy trái phép...; tham gia giải quyết 115 vụ liên quan đến mâu thuẫn gia đình, tranh chấp đất đai; phát quang thông tầm nhìn 5 1,9 km đường biên giới với 36 buổi/520 lượt ngày công, góp phần bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc, dấu hiệu đường biên giới.

PGS, TS Lê Văn Đính

Khoa Chính trị học và Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị Khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền