Trang chủ    Thực tiễn    Bảo đảm quyền tiếp cận công lý của nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay
Thứ hai, 26 Tháng 8 2019 09:16
1858 Lượt xem

Bảo đảm quyền tiếp cận công lý của nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Bài viết trình bày sự cần thiết phải bảo đảm quyền tiếp cận công lý đối với nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình. Trên cơ sở phân tích những rào cản về văn hóa truyền thống, trong nhận thức của cộng đồng, hay những rào cản từ phía hệ thống pháp luật, và từ chính bản thân người phụ nữ trong tiến trình tìm kiếm công lý của nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình, tác giả đưa ra những giải pháp nhằm bảo đảm quyền tiếp cận công lý đối với nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình.

1. Sự cần thiết phải bảo đảm quyền tiếp cận công lý của nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình

Diễn giải ý nghĩa thuật ngữ “Quyền tiếp cận công lý”, phần lớn các nhà nghiên cứu đều đưa ra 2 quan điểm: quyền tiếp cận công lý theo nghĩa rộng và theo nghĩa hẹp. Theo nghĩa hẹp, quyền tiếp cận công lý chỉ gắn liền với hoạt động tố tụng của tòa án. Điều này có lẽ chưa toàn diện đối với quyền tiếp cận công lý của nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình, bởi trên thực tế, đối với nhóm dễ bị tổn thương như nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình cùng với khá nhiều những rào cản về văn hóa, hoạt động của tòa án không tạo được sự tin tưởng, niềm tin đối với nhóm đối tượng này, thí dụ: khi nạn nhân đến công an trình bày vụ việc, tồn tại khá phổ biến tình trạng đánh giá mang tính chủ quan của công an và đổ lỗi mọi việc cho người phụ nữ: “Chắc chị nói nhiều quá hay ghen tuông, vì vậy mà anh ta đánh chị, đúng không”(1).

Theo nghĩa rộng, quyền tiếp cận công lý được hiểu là khả năng tìm kiếm sự đền bù hoặc sự khắc phục cho những bất công hay thiệt hại mà nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình phải gánh chịu thông qua hệ thống tư pháp và hệ thống hỗ trợ nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, ủy ban nhân dân, tổ dân phố, các tổ chức phi chính phủ hoạt động hỗ trợ nhóm phụ nữ bị bạo lực. Những bất công/thiệt hại do một đối tượng đặc biệt, đó là người chồng thực hiện các hành vi bạo lực, gồm: bạo lực tinh thần và bạo lực về thể xác, gây ra những tổn hại nghiêm trọng ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của người phụ nữ.

Có thể thấy rằng, điều kiện cần và đủ để bảo đảm quyền tiếp cận công lý nói chung đó là hệ thống pháp luật, thủ tục pháp lý và bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả và dễ tiếp cận, đồng thời, người dân cần phải có nhận thức pháp luật tốt, hiểu quyền và lợi ích của mình và biết cách đòi hỏi quyền khi quyền của họ bị vi phạm. Đối với nhóm đối tượng đặc thù này, điều kiện cần và đủ không chỉ bao hàm các điều kiện cần và đủ để bảo đảm quyền tiếp cận công lý nói chung, mà còn bao hàm các điều kiện mang tính đặc thù: hoạt động tích cực, có hiệu quả của cơ chế ngoài cơ quan tư pháp và thay đổi định kiến, cách nhận thức về quyền tiếp cận công lý của nhóm người phụ nữ bị bạo lực gia đình, từ đó, dần loại bỏ các rào cản từ phía cán bộ tòa án khi tiếp nhận vụ án bạo lực gia đình, dần loại bỏ những định kiến khắt khe về giới, dần loại bỏ định kiến xã hội về bạo lực gia đình đối với phụ nữ. Mặt khác, cần có sự phân định rõ ràng phạm vi đối tượng phụ nữ bị bạo lực gia đình cần phải được bảo vệ quyền tiếp cận công lý. Bởi vì, trong cuộc sống gia đình, mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi, và gìn giữ hạnh phúc gia đình là vô cùng quan trọng. Do đó, bảo vệ quyền tiếp cận công lý của phụ nữ bị bạo lực gia đình cần thiết phải đặt trong mối liên hệ biện chứng, đó là vừa đạt được mục tiêu bảo vệ quyền cho người phụ nữ, vừa có tính răn đe thực tế đối với hành vi bạo lực của người chồng, vừa có tính nhân văn để giữ gìn hạnh phúc cho mỗi gia đình. Chính vì thế, nhóm đối tượng phụ nữ bị bạo lực gia đình cần phải được bảo vệ quyền tiếp cận công lý, gồm:

(i) Nhóm phụ nữ thường xuyên bị đánh đập, việc hòa giải của cơ quan chính quyền không mang lại hiệu quả thiết thực trên thực tế;

(ii) Nhóm phụ nữ có nguyện vọng nộp đơn để được bảo vệ quyền trước tình trạng bạo lực gia đình.

Sự cần thiết bảo đảm quyền tiếp cận công lý của nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình xuất phát từ tình hình thực tiễn bảo vệ nhóm quyền này hiện nay. Các nạn nhân phần lớn là phụ nữ, những người gặp phải rất nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ pháp lý và các biện pháp bảo vệ. Bên cạnh đó, nền văn hóa phụ hệ đã khiến người phụ nữ phải chấp nhận, cam chịu và giữ im lặng khi bị bạo lực gia đình, trong khi, quyền tiếp cận công lý của nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình được coi là quyền chính đáng và thiết yếu của phụ nữ.

2. Những rào cản trong bảo đảm quyền tiếp cận công lý của nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, rào cản về văn hóa truyền thống.

Không thể phủ nhận rằng những rào cản về văn hóa, phong tục tập quán cộng đồng tác động rất lớn đến cư xử của mỗi cá thể. Theo quan niệm truyền thống, phụ nữ có nhiệm vụ giữ cho gia đình “trong ấm ngoài êm” và duy trì “các giá trị gia đình” nhằm giải tỏa các căng thẳng trong gia đình. Nếu như phụ nữ đi ngược lại với các quan niệm trên thì họ là người có lỗi khiến nam giới sử dụng bạo lực. Dưới tác động của các yếu tố văn hóa, phản ứng với bạo lực gia đình của phụ nữ là im lặng, chấp nhận và chịu đựng để giữ thể diện cho gia đình, trong khi, phản ứng với bạo lực gia đình của người chồng là người đàn ông có quyền sử dụng bạo lực để giáo dục người vợ do họ không phải là “người vợ tốt” và nhận thức được hành vi đó chỉ là các hành vi vi phạm đạo đức, không vi phạm pháp luật. Hệ quả là, đối với nhóm phụ nữ thường xuyên bị đánh đập, việc hòa giải của cơ quan chính quyền không mang lại hiệu quả thiết thực trên thực tế hoặc nhóm phụ nữ có nguyện vọng nộp đơn để được bảo vệ quyền trước tình trạng bạo lực gia đình rất dễ từ bỏ quyền này để thực hiện nghĩa vụ làm vợ, giữ gìn danh dự, uy tín của gia đình, hoặc sợ hãi trước những quan điểm trái chiều của dư luận xã hội khi những thông tin riêng tư bị tiết lộ.

Thứ hai, rào cản về nhận thức của cộng đồng xã hội nói chung và nhận thức, hành vi, ứng xử của cán bộ cơ quan tư pháp nói riêng.

Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” còn ảnh hưởng ở nhiều nơi, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Đa phần cộng đồng xã hội cho rằng, người chồng có thể dùng vũ lực như một cách hợp pháp để giáo dục hoặc chấn chỉnh vợ mình, hành vi bạo lực gia đình thì cũng chỉ là hành vi vi phạm đạo đức; gia đình, người thân, bạn bè và các cơ quan chức trách khuyên răn không tái phạm hành vi đó, hoặc nếu có chăng sẽ đưa ra lý do bao biện hành vi đó như đặc tính tự nhiên của người đàn ông là nóng nảy hoặc người đàn ông là trụ cột trong gia đình, nhiều áp lực trong cuộc sống. Bên cạnh đó, cộng đồng xã hội cũng đồng tình với quan điểm cho rằng khi vụ việc bạo lực xảy ra dù ở mức độ nào, trước hết đó là việc riêng tư của mỗi gia đình; gia đình, họ hàng, bạn bè và hàng xóm thường không đồng tình với việc phụ nữ tìm kiếm công lý. Hiện nay, các tổ chức, cá nhân trực tiếp bảo vệ quyền tiếp cận công lý của phụ nữ như: Hội Phụ nữ, tổ trưởng tổ dân phố, người thân trong gia đình khi tham gia vào vụ việc, cũng đồng tình với quan điểm phụ nữ nên tiếp tục tháo gỡ những mâu thuẫn để gìn giữ gia đình dù đang ở trong tình trạng bị bạo lực ở cấp độ nào, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Trên thực tế, biện pháp hòa giải đối với tình trạng bạo lực ở cấp độ vừa phải mang lại tác động rất tích cực, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp biện pháp này lại vô tác dụng hoặc phản tác dụng, gây ra nhiều tổn thương, đau khổ cho người phụ nữ.

Đối với nhóm phụ nữ có nguyện vọng tìm kiếm công lý, khi đến các cơ quan chức năng, nhận thức hành vi cũng như cách giải quyết của họ chưa thực sự đứng về phía phụ nữ. Đầu tiên là cách tiếp cận lời khai của cơ quan công an, tư pháp còn thiếu sự quan tâm, thiếu sự bảo vệ bởi còn tồn tại nhận thức tôn trọng tính riêng tư của mỗi gia đình, bên cạnh đó, tồn tại khá phổ biến đánh giá mang tính chủ quan của công an và đổ lỗi mọi việc cho người phụ nữ như do họ ghen tuông, không giữ gìn được trật tự, khuôn phép trong gia đình; bạo lực gia đình là việc riêng của vợ chồng, hoặc nếu thái độ của cô ấy tỏ ra khá cởi mở qua cách nói chuyện khi trả lời những câu hỏi về các vấn đề tình dục thì chúng ta cần phải xem xét lại việc cô ấy bị bạo lực tình dục... Mặt khác, hiện nay trong xã hội, chỉ có bạo lực về thể xác mới bị lên án, bạo lực tình dục được coi là vấn đề rất tế nhị, riêng tư, gần như không được đề cập đến, bởi những vấn đề này vẫn được khuôn phép trong vi phạm đạo đức.

Hiện nay, luật bảo vệ thông tin cá nhân chưa được ban hành, những dữ liệu thông tin dễ dàng được tiếp cận, bên cạnh đó, văn hóa đám đông vẫn là một nét trong văn hóa Việt Nam, chính vì thế, vấn đề đặt ra ở đây đó là bảo đảm tính riêng tư của vụ việc. Những đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó có nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình coi vấn đề giữ bí mật là điều hết sức quan trọng, bởi vì, khi phụ nữ bị bạo lực gia đình có nguyện vọng trình báo công an có nghĩa là nhóm người này đang ở trạng thái tuyệt vọng về hôn nhân, quá sức chịu đựng, luôn sợ hãi, xấu hổ. Nếu việc trình báo này không được giữ kín, thực sự khiến người phụ nữ tổn thương thêm một lần nữa cũng như tạo ra rào cản để người phụ nữ tìm đến công lý(2). Hệ quả là tỷ lệ thủ phạm bị buộc tội về mặt pháp luật sau khi bị trình báo là rất thấp - chỉ 12%, 87% không trình báo, và chỉ 1% trường hợp trình báo dẫn tới kết tội(3). Điều đó cho thấy, cơ quan công an và tư pháp vẫn chưa xử lý bạo lực gia đình một cách nghiêm khắc. Từ đó, tạo ra tâm lý không tin tưởng hệ thống tư pháp, cụ thể, các nạn nhân bạo lực gia đình thường không sẵn sàng hoặc không thể tham gia tố tụng hình sự và thường rút lại lời khai sau khi cơ quan điều tra của công an đã chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát(4). Mặt khác, ở hệ thống hỗ trợ quyền tiếp cận công lý của phụ nữ bị bạo lực gia đình, như Bộ Tư pháp, Hội Phụ nữ, tổ trưởng tổ dân phố và các tổ chức NGOs hiện nay vẫn chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Ví dụ, hiện nay mới xây các nhà tạm lánh ở khu vực Hà Nội (ngôi nhà hạnh phúc tại Thụy Khuê) và đang có lộ trình triển khai ở các địa phương khác, nhưng vấn đề cần xem xét đó là nhà tạm lánh nên đặt ở vị trí nào, tên gọi gì để tạo ra niềm tin đối với nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình. Có nên chăng đặt ngôi nhà tạm lánh ở gần nơi cư trú đặc biệt là các vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số nơi mà văn hóa làng xã vẫn tồn tại dẫn tới những thông tin mà nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình muốn giữ bí mật nhưng lại rất dễ phát tán, dẫn tới tình trạng người phụ nữ vẫn bị đe dọa khi tìm nơi tạm lánh.

Thứ ba, rào cản từ phía hệ thống pháp luật hiện hành.

Có thể nói, hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ quyền của người phụ nữ nói chung và quyền tiếp cận công lý nói riêng là khá toàn diện như Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), Luật Bình đẳng giới năm 2006, Quyết định phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình được Thủ tướng Chính phủ thông qua vào 6-2-2014 và hệ thống các văn bản dưới luật... Tuy nhiên, tính răn đe hoặc loại bỏ hành vi bạo lực gia đình từ phía người chồng trên thực tế còn rất nhiều hạn chế. Điển hình, các quy định xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Nghị định 167 với nội dung đối với các hành vi bạo lực gia đình như đánh đập, sử dụng các công cụ, phương tiện hay vật dụng khác gây thương tích cho người vợ sẽ bị phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng; đối với hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình phạt từ phạt tiền từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng; đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình cùng với biện pháp khắc phục hậu quả kèm theo(5). Tuy nhiên, trên thực tế, nạn nhân bị bạo lực gia đình cũng chính là người đến cơ quan chính quyền nộp phạt. Đặc biệt, đối với những đối tượng nạn nhân là phụ nữ có hoàn cảnh không có điều kiện kinh tế, vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số thì những quy định của pháp luật như vậy sẽ làm đông cứng việc thực hiện các quyền tìm kiếm công bằng, công lý đối với nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình.

Thứ tư, rào cản từ chính bản thân người phụ nữ.

Những rào cản này được tạo ra do những phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa thông qua việc hình thành những tính cách, khuôn phép khiến người phụ nữ mất đi những quyết tâm tìm kiếm công lý. Trong thói quen, hành vi cũng như cách ứng xử, nhận thức xã hội, nhiều phụ nữ vẫn cho rằng luôn tồn tại những bất bình đẳng trong xã hội, trong gia đình, nếu bạo lực xảy ra nguyên nhân gốc rễ là do người phụ nữ không hoàn thành sứ mệnh của mình. Do đó, trong chính bản thân người phụ nữ, khi họ quyết tâm tìm kiếm công lý cho bản thân, nhóm người này cho rằng họ đã đi ngược lại với đức hi sinh của người phụ nữ.

3. Những phương hướng, kiến nghị nhằm loại bỏ những rào cản trong bảo đảm quyền tiếp cận công lý của nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay

Một là, thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt sự phân biệt đối xử thông qua hoạt động tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới. Đây là bước đệm đầu tiên mở đường cho phụ nữ thực hiện quyền tiếp cận công lý.

Hai là, xây dựng cơ chế tư pháp hình sự tốt nhằm bảo đảm quyền tiếp cận công lý.

Để thực hiện được điều này, trước hết, cần có những chính sách tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của các cán bộ cơ quan tư pháp, gồm: công an, phường và cán bộ chính quyền địa phương, thẩm phán, kiểm sát viên, cán bộ Hội Phụ nữ, tổ trưởng tổ dân phố. Đây là cơ sở đầu mối đầu tiên và vô cùng quan trọng để thúc đẩy quyền tiếp cận công lý đối với nhóm nạn nhân bị bạo lực gia đình. Nạn nhân cần được thông tin thường xuyên về diễn biến của vụ án bởi thực tế chỉ ra rằng, không được thông tin khiến nạn nhân không có niềm tin vào hệ thống tư pháp và cảm thấy bị đe dọa và sợ hãi, rất khó để bảo vệ sự an toàn của họ và người thân trong trường hợp thủ phạm được bảo lãnh tại ngoại mà không thông báo cho nạn nhân. Thực hiện cơ chế đảm bảo quyền tiếp cận công lý đối với nhóm bị bạo lực gia đình thông suốt, hiệu quả, nhanh chóng, chủ động với mục tiêu lấy nạn nhân là trung tâm của vụ việc. Bởi vì, vốn dĩ nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình rất dễ từ bỏ quyền này nếu cơ chế xử lý vụ việc kéo dài, thủ tục hành chính rắc rối. Bên cạnh đó, phải đào tạo được một đội ngũ cán bộ công an chuyên nghiệp, có kỹ năng lấy lời khai của nhóm người này. Bởi trong nhiều trường hợp, nạn nhân bị bạo lực tình dục, bạo lực gia đình khiến nạn nhân bị những biến cố về tâm lý, rất khó chia sẻ. Do đó, cán bộ xử lý ban đầu cần tạo ra không khí cởi mở và khuyến khích để đảm bảo công tác lấy lời khai được tiến hành với sự thông cảm, tôn trọng và kín đáo. Trong khi giải thích luật và quyền của nạn nhân, cán bộ nên khuyến khích nạn nhân hợp tác và đảm bảo rằng nạn nhân được pháp luật bảo vệ. Các cán bộ xử lý ban đầu cần nhận thức được rằng họ có mặt ở đó để trợ giúp, không phải để phán xét, và người phụ nữ phải luôn được đối xử không có thành kiến và phân biệt. Việc lấy lời khai nạn nhân chỉ được tiến hành sau khi đảm bảo an toàn ban đầu cho người phụ nữ và các vết thương đã được xử lý. Về địa điểm lấy lời khai phải thực hiện ở nơi riêng tư, yên lặng, dù địa điểm lấy lời khai là ở đâu. Một điều đặc biệt lưu ý đó là phụ nữ ở đây là nạn nhân chứ không phải đối tượng bị tình nghi nên không nên áp dụng phương pháp hỏi cung bị can.

Ba là, xây dựng quy trình thực hiện quyền tiếp cận công lý cho nhóm phụ nữ bị bạo lực gia đình.

Trong quy trình này, nạn nhân sẽ được cung cấp những thông tin về các quyền mà phụ nữ có thể sử dụng nhằm chống lại bạo lực gia đình, đồng thời, đưa ra những bộ quy tắc, các bước để nhóm người này có thể dễ dàng tiếp cận đến công lý như: thông tin các nhà tạm lánh, các biện pháp phòng ngừa trước tình trạng bạo lực gia đình, những bước cụ thể để nạn nhân có thể đến những cơ quan trình báo... Tuy nhiên, để bộ quy tắc này được thực hiện tốt trên thực tế cần phải thúc đẩy một cách có hiệu quả sự phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức liên quan (phải thay đổi nhận thức hành vi của nhóm người này về hành vi bạo lực gia đình của người chồng), đồng thời, phải xây dựng một hệ thống cơ quan, tổ chức chuyên tiếp nhận những vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình nghiêm trọng.

Bốn là, xây dựng bộ tài liệu cho cán bộ thực thi quyền lực về trình tự, thủ tục trong giải quyết các vụ việc bạo lực đối với phụ nữ.

Đối tượng sử dụng bộ tài liệu đó là những người thực thi pháp luật, gồm: công an, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, cán bộ trợ giúp pháp lý, luật sư... và những người trong cộng đồng dân cư, gồm: tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, cán bộ phụ nữ. Nguyên tắc xây dựng tài liệu đó là lấy nạn nhân làm trung tâm, đảm bảo trách nhiệm của người vi phạm.

Về quy tắc chung cho cán bộ công an ở bước đầu tiếp nhận trình báo, yêu cầu đầu tiên trong bộ quy tắc này đó là cán bộ công an là người được đào tạo chuyên biệt, có am hiểu và kiến thức nhất định về vấn đề giới để hiểu hoàn cảnh, tâm lý của nạn nhân, nếu có thể, cán bộ công an đó nên là nữ. Khi nạn nhân đến trình báo, nên thực thiện ở nơi kín đáo, mọi thông tin trình báo phải được bảo mật. Trong việc tiếp nhận thông tin hoặc trong quá trình ghi lời khai, cán bộ công an cần có đánh giá mức độ nguy hiểm, rủi ro của nạn nhân để quyết định áp dụng các biện pháp cách ly nạn nhân hoặc phương án khác bảo vệ an toàn cho nạn nhân.

Quy tắc về nhận các cuộc gọi và can thiệp vào hiện trường vụ việc, người nhận cuộc gọi khẩn cấp tại đồn công an hoặc thường trực số điện thoại khẩn cấp phải kiên nhẫn và lịch sự, đồng thời đảm bảo hành động và sự giúp đỡ kịp thời đối với người gọi.

Quy tắc khi tiếp xúc với nạn nhân không được mang tính đánh giá mà phải thông cảm và hỗ trợ, chia sẻ với những gì mà nạn nhân đang phải chịu đựng để làm rõ vụ việc bạo lực. Tiếp xúc với nạn nhân cần thể hiện sự tôn trọng và làm nạn nhân cảm thấy được lắng nghe.

Về quy tắc bảo đảm an toàn của nạn nhân, trước hết, cần đánh giá được rủi ro bạo lực trong tương lai thông qua chi tiết vụ việc hiện tại, tình trạng quan hệ hiện tại và trong quá khứ, lịch sử bạo lực/lạm dụng trong mối quan hệ, chi tiết về người thực hiện hành vi bạo lực, gồm tình trạng nghề nghiệp, sử dụng chất kích thích, đồ uống có cồn, tình trạng tâm thần, mức độ stress. Mức độ đe dọa gây hại/ hành động rình rập... Từ đó, cân nhắc các biện pháp bảo vệ phù hợp.

______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận số 4-2019

(1), (3) Bộ Tư pháp: Tiếp cận công lý đối với phụ nữ bị bạo lực, Tài liệu tập huấn của UNDP, 2018.

(2) “Họ nói rất to về những vấn đề nhạy cảm, những người ở phòng bên cạnh có thể nghe câu chuyện của tôi. Nó không còn là chuyện riêng tư nữa. Cô ấy đã yêu cầu công an giữ bí mật. Họ nói với cô ấy để điền thông tin vào bản tường trình về bạo lực và sau đó đi về nhà. Khi cô về đến nhà, cô đã bị chồng đánh rất đau vì một công an đã nói với chồng cô. Khi tôi nộp đơn trình báo với công an phường và họ yêu cầu có chữ ký của Chi hội trưởng Hội Phụ nữ. Chị ấy đã nói chuyện với mẹ chồng tôi, chồng tôi biết và đánh tôi”, Bộ Tư pháp: Tiếp cận công lý đối với phụ nữ bị bạo lực, Tài liệu tập huấn của UNDP, 2018.

(4) “Tôi nói tôi bị chồng đánh đập. Công an đã trả lời rằng chuyện gia đình cần phải tự giải quyết, việc viết đơn tố cáo sẽ mất rất nhiều thời gian. Nếu cặp vợ chồng nào cũng giống như chị, gọi công an khi đánh nhau với chồng, thì chúng tôi làm thế nào mà xử lý hết được. Lần sau khi chồng cô đánh cô, cô đã cố nộp đơn trình báo cho công an nhưng phải hai ngày sau họ mới hồi âm và khi họ trả lời, họ cũng lại muốn anh ta làm bản kiểm điểm một lần nữa, mặc dù trước đó anh ta viết bản kiểm điểm vì bạo lực với cô. Họ không thực sự quan tâm đến nạn nhân, tôi cảm thấy như vậy”, Bộ Tư pháp: Tiếp cận công lý đối với phụ nữ bị bạo lực, Tài liệu tập huấn của UNDP, 2018.

(5) Nghị định 167/2013/NĐ – CP ngày 12-11-2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tư, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Luật Bình đẳng giới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.

2. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Luật phòng chống bạo lực gia đình, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007.

3. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Luật xử lý vi phạm hành chính, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.

4. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Bộ luật Hình sự, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2017.

5. Vũ Công Giao: Tiếp cận công lý và các nguyên lý của nhà nước pháp quyền, Tạp chí Khoa học Đại học quốc gia Hà Nội, Luật học (25), tr.188-194, 2009.

ThS Nguyễn Phương Nhung

Viện Quyền con người,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền