Trang chủ    Thực tiễn    Một số mô hình quản lý công tác dân tộc trên thế giới
Thứ hai, 26 Tháng 8 2019 09:23
1825 Lượt xem

Một số mô hình quản lý công tác dân tộc trên thế giới

(LLCT) - Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có nhiều tộc người cùng sinh sống với lịch sử, đặc điểm văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo tín ngưỡng... khác nhau. Quản lý các tộc người với những sự khác biệt đó là các vấn đề đặt ra cho các quốc gia. Hiện nay trên thế giới mô hình quản lý nhà nước về tộc người là khá phong phú, đa dạng đem lại nhiều bài học kinh nghiệm cần nghiên cứu.

 

1. Một số mô hình quản lý công tác dân tộc

Về mặt lịch sử, thế giới có ba mô hình quản lý nhà nước về tộc người từng tồn tại hoặc còn ảnh hưởng.

Mô hình quản trị thực dân dựa trên chính sách vừa cô lập, vừa đồng hóa đối với các tộc người.

Mô hình này khá phổ biến trong lịch sử xâm chiếm, cai trị thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ. Trong quá trình cai trị, các chính quyền thực dân đã sử dụng mô hình “chia để trị” kết hợp cùng các thủ đoạn chính trị để thống trị các tộc người ở các quốc gia thuộc địa. Chẳng hạn, đưa ra một số quy định riêng cho những vùng của các tộc người, chấp nhận một số luật tục khác với chính sách chung; cùng với đó là các thủ đoạn như “dùng thổ quan trị thổ dân”, “bình định để thống trị”,...

Chia rẽ các tộc người bằng đơn vị hành chính để cai trị - cách làm này đã xuất hiện trong nhiều mô hình thực dân. Ở các nước Đông Dương, thực dân Pháp đã chia thành 5 xứ, gồm: Bắc Kỳ (Tonkin), Nam Kỳ (Cochinchine), Trung Kỳ (Annam), Cao Miên (Campuchia) và Lào. Việt Nam từng bị chia thành 3 kỳ, thậm chí giai đoạn 1950 - 1954, chính quyền Bảo Đại còn định ra vùng “Hoàng triều cương thổ” (gồm các tỉnh Tây Nguyên và 11 khu tự trị của các tộc người thiểu số phía Bắc).

Hiện nay, tuy mô hình thực dân không còn tồn tại nữa nhưng chính sách chia để trị, dung dưỡng và kích hoạt các mầm mống xung đột sắc tộc còn để lại những hậu quả rất xấu trong chính trị hiện đại. Châu Phi là trường hợp điển hình. Chẳng hạn, mâu thuẫn từ trước giữa người Hutu và người Tutsi ở Ruanda đã gieo mầm thù hận dân tộc giữa hai tộc người, dẫn tới nạn sát hại diệt chủng đầu những năm 1990 tại các quốc gia này. Liên Hợp quốc đã coi đây là một trong 3 đại nạn diệt chủng ở thế kỷ XX (của phát xít Đức ở châu Âu những năm 40; của Polpot ở Campuchia cuối những năm 70 và ở Ruanda những năm 90).

Nếu tạm loại trừ mục đích quản lý mang tính thực dân, khá thâm độc và ích kỷ, chúng ta còn có thể thấy mô hình này ít nhiều cũng còn là sự nhượng bộ của chính quyền thực dân, với sự khác biệt về chính trị, văn hóa, phong tục của các dân tộc người bản địa. Nhìn sâu hơn, đó cũng còn là một bước lùi của chính quyền đương trị trước sự phản ứng của những cộng đồng tộc người bản địa, thổ dân với các chính sách được “di thực”. Ở đây, chưa hẳn là khác biệt đã được tôn trọng, nhưng rõ ràng, những đặc thù của phong tục tập quán của người bản địa đã có một sức mạnh, buộc các chính sách của chủ nghĩa thực dân, vốn khá tàn bạo, phải có những hình thức nhượng bộ. Bằng chứng của lịch sử là, những kẻ vốn tự xưng là người đi “khai hóa văn minh”, thực hiện chế độ “bảo hộ”... cũng đã phải chấp nhận (tất nhiên là vẫn có sự lợi dụng) một số đặc thù nào đó, chẳng hạn “Tòa án phong tục” với “không gian xã hội”(1) của các tộc người.

Như thực tế đã chỉ ra, mô hình thực dân trong quản lý nhà nước về dân tộc đã chấm dứt vai trò của nó cả về phương diện lịch sử và nhận thức. Tuy vậy, việc nhận ra những biểu hiện rơi rớt của nó trong các lối tư duy theo kiểu “dân tộc lớn” cũng vẫn rất cần được nhắc nhở và cảnh giác.

Mô hình khu tự trị tộc người

Đây là mô hình áp dụng đối với những khu vực có đông dân cư là tộc người thiểu số. Đặc trưng của nó là kết hợp pháp luật chung của quốc gia với việc giao một số quyền tự trị, định hình một số quy định riêng cho các tộc người ở một khu vực nhất định.

Khu hoặc vùng tự trị hiện nay khá phổ biến trên thế giới. Ở Liên bang Nga, Mỹ, Úc, Trung Quốc và nhiều nước khác ở châu Phi, đều có khu tự trị hoặc các hình thái tương đương, theo các dân tộc, sắc tộc, bộ lạc. Một ví dụ cụ thể, ở Hoa Kỳ hiện nay, có hàng chục bộ lạc, tộc người khác nhau sinh sống trong hơn 300 “khu bảo tồn” (Indian Reservations) giành riêng cho các dân tộc, bộ tộc bản địa.

Trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, xã hội công dân, mô hình khu tự trị có thể xem là một giải pháp quá độ để đi tới sự thống nhất cao hơn, chặt chẽ hơn cả về pháp lý và quan hệ kinh tế - xã hội... Mô hình này đã đưa ra một số quy định riêng về quyền cho các tộc người thiểu số, tạo ra được những điểm tiếp hợp mang tính quá độ cho quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền.

Nhưng nó có mấy hạn chế: Thứ nhất, một số chính sách riêng của khu tự trị có thể tạo ra những biệt lệ, làm giảm tính tối cao, tính chất thống nhất của pháp luật. Một ví dụ, theo Hiến pháp Trung Quốc, các khu tự trị có quyền lập pháp cao hơn so với các tỉnh khác, nhưng trên thực tế, chính quyền các khu này không có nhiều quyền lực hơn so với chính quyền các tỉnh khác.

Thứ hai, do trình độ phát triển kinh tế - xã hội thường là thấp hơn so với bên ngoài, khu tự trị cũng tạo ra những hiện tượng gần giống như “cát cứ” về kinh tế - xã hội. Vì vậy, nếu thiếu hỗ trợ từ bên ngoài, chế độ tự trị vô hình chung sẽ tự phong tỏa mình trong chậm phát triển, giảm mức độ hội nhập. Do đó, hiện nay các nhà nước trong khi duy trì khu tự trị vẫn luôn nhấn mạnh vai trò trợ giúp của nhà nước Trung ương, khuyến khích mở rộng giao lưu kinh tế - xã hội, v.v.

Dù sao, cần thấy được tính chất trung gian, quá độ của mô hình khu tự trị. Nó là sản phẩm của một quá trình lịch sử, một giải pháp quản lý vĩ mô để “chờ đợi” các tộc người thiểu số dần tiến tới trình độ bình đẳng, cùng phát triển. Một quốc gia văn minh, như C.Mác quan niệm, cần đạt tới sự thống nhất về kinh tế, luật pháp, dân tộc(2)... thì tự trị và những đặc quyền, quy định riêng rẽ chỉ nên nhìn nhận như một biện pháp quản lý nhà nước mang tính quá độ.

Mô hình bình đẳng

Đây là mô hình quản lý tộc người theo nguyên tắc các dân tộc đoàn kết, bình đẳng, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển và hiện có nhiều nước áp dụng. Ở Việt Nam từ khi chế độ mới của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập (2-9-1945) cho đến nay, những nguyên tắc trên là tinh thần căn bản, nguyên tắc vận hành và là mục tiêu của mô hình quản lý. Đảng và Nhà nước ta nhận thấy rõ đặc điểm của quan hệ tộc người Việt Nam là một quốc gia đa tộc người nhưng đều có chung truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các tộc người ở Việt Nam cư trú phân tán và xen kẽ nhau từ lâu và khá thuận lợi cho những quan hệ đoàn kết, tương trợ. Những thành quả xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN và sự phát triển của từng tộc người đều là thành quả chung của các dân tộc trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Về mặt quản lý nhà nước, mô hình quản lý công tác dân tộc ở Việt Nam hiện nay là mô hình đa chủ thể cùng tham gia và phối hợp trên cơ sở có phân công cụ thể trách nhiệm quản lý. Theo Nghị định 05 NĐ/CP(3), mô hình này là sự kết hợp các chủ thể quản lý theo ngành và các chủ thể quản lý theo lĩnh vực - địa phương. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác dân tộc; Ủy ban dân tộc có trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác dân tộc theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, do đặc thù diễn ra trên từng địa bàn, công tác dân tộc còn có sự tham gia phối hợp của Ủy ban nhân dân các cấp cùng các cơ quan phụ trách công tác dân tộc từ Trung ương đến cấp huyện... Theo đó, phối hợp giữa các chủ thể để quản lý là đặc thù của mô hình.

Căn cứ vào đặc điểm trên, các nhà nghiên cứu còn gọi là mô hình quản lý “đa chủ thể, đa ngành, đa lĩnh vực”.

Xét theo đối tượng quản lý, có thể phân thành 2 mô hình là quản lý theo vùng tộc người và quản lý theo vấn đề nảy sinh trong quan hệ tộc người.

Mô hình quản lý theo vùng tộc người

Quản lý theo vùng tộc người là một giải pháp khá phổ biến. Hình thức là hình thành các khu vực địa lý - hành chính (khu, bang, tỉnh) tương đối độc lập về pháp lý, hành chính ở nơi có những tộc người sinh sống tương đối tập trung. Căn cứ để xây dựng các đơn vị hành chính này là hiện trạng “tụ cư” của một hoặc vài tộc người nào đó.

Ấn Độ là một trường hợp khá điển hình. Đây là một quốc gia đa dân tộc, với hơn 500 tộc người. “Những sự khác biệt về chủng tộc, dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ là áp lực thực tế khiến cho Ấn Độ hiện nay phân chia thành các khu vực - đơn vị hành chính khác nhau”(5). Sau khi Ấn Độ giành độc lập vào năm 1947, nước này thi hành chế độ liên bang, chính quyền nhà nước áp dụng nguyên tắc phân chia các bang theo lãnh thổ, chủng tộc và ngôn ngữ. Bang là cấp độ hành chính thứ hai (sau liên bang) và được Hiến pháp Ấn Độ trao nhiều quyền tự chủ về hành chính, song quyền lực cao nhất vẫn là chính phủ liên bang. Hiện Ấn Độ có 25 bang và 7 vùng lãnh thổ liên bang.

Ở mỗi đơn vị hành chính này, ngoài sự khác biệt thế tục tức là quyền lực của các bang, thì sự khác biệt về tôn giáo và tộc người là những điều có thể nhận thấy rõ. Nếu nhìn vào ngôn ngữ và phong tục thì mỗi bang đều có những biểu hiện nổi trội mà qua đó thấy được nhóm tộc người nào là chủ thể. Mỗi nhóm người Ấn Độ là một nhóm tín đồ với một chủng tộc và địa vị xã hội khác nhau. Tín ngưỡng, đẳng cấp và tộc tính là điểm gây nhiều khác biệt, xung đột xã hội của Ấn Độ hiện đại. “Quyền lực của các dân tộc đa số đối với các dân tộc thiểu số, quyền lực của các bang, quyền lực của các tầng lớp xã hội... luôn là nguồn cội của các xung đột xã hội ở Ấn Độ mà không dễ gì giải quyết”(5). Theo đó, mô hình quản lý phải tìm tới những chính sách đặc thù, để mọi công dân đều “có nghĩa vụ ủng hộ cho sự hòa hợp và tinh thần anh em giữa tất cả mọi người dân Ấn Độ bất kể những khác biệt về tôn giáo, ngôn ngữ và khu vực” (Hiến pháp Ấn Độ, Điều khoản 51-A). Quản lý theo bang, dùng pháp luật và tinh thần quốc gia dân tộc để dung hòa những khác biệt về tín ngưỡng, sắc tộc ở từng vùng... là một biện pháp hành chính của Ấn Độ.

Mô hình quản lý theo các vấn đề nảy sinh trong quan hệ tộc người

Trên thế giới hiện nay, các vấn đề nảy sinh từ quan hệ tộc người khá đa dạng và phức tạp. Theo đó, phân chia thành những vấn đề, lĩnh vực để thuận lợi hơn trong khi giải quyết, cũng là một giải pháp quản lý. Cộng hòa Pháp là một ví dụ điển hình.

Ở Pháp, tiếp nối lý tưởng “tự do, bình đẳng, bác ái” của Cách mạng tư sản Pháp (1789), chính sách của nhà nước hiện nay bác bỏ mọi cách tiếp cận liên quan đến chủng tộc, dân tộc, tôn giáo hoặc ngôn ngữ. “Đạo luật bảo vệ dữ liệu” được thông qua vào ngày 6-1-1978; quy định rằng, “Cấm thu thập hoặc xử lý dữ liệu có tính chất cá nhân liên quan đến nguồn gốc chủng tộc hoặc dân tộc cũng như các ý kiến chính trị, triết học hoặc tôn giáo”(6). Vì vậy, Pháp không tiếp cận theo khái niệm tộc người, dân tộc thiểu số mà gọi chung là những vấn đề liên quan đến “các nhóm thiểu số”. Ở đây, nội hàm của “các nhóm thiểu số” bao gồm các tộc người thiểu số - ethnic (như người Bascơ, Do thái) và người nhập cư, được định danh từ quốc gia mà họ tới (như người gốc Angieri, gốc Tuynidi, gốc Ý, gốc Bồ Đào Nha, Maroc...) Họ là những nhóm thiểu số so về tỷ lệ trong dân cư trong khi 75% là người Pháp(7).

Tuy vậy, khi giải quyết các vấn đề liên quan đến nhóm thiểu số lại được nhà nước Pháp chia tách ra cụ thể thành những công việc, chương trình quốc gia khá độc lập. Mục tiêu là để những người thuộc nhóm thiểu số hội nhập tích cực và trở thành công dân Pháp trong công bằng, bình đẳng. Đảm nhận trách nhiệm về những lĩnh vực này, gồm nhiều tổ chức quản lý khác nhau. Ở cấp quốc gia, có một số cơ quan liên quan cùng tham gia xây dựng và thực hiện chính sách đối với các nhóm thiểu số như: Hội đồng quốc gia của dân nhập cư (the National Council of Immigrant Populations) được thành lập vào năm 1984, tư vấn cho chính phủ về các vấn đề liên quan đến các nhóm thiểu số, Hội đồng cấp cao về hội nhập (High Council on Integration) thành lập năm 1990, chịu trách nhiệm tư vấn về các vấn đề liên quan đến chính sách hội nhập các nhóm thiểu số. Ở cấp độ chính phủ, Bộ Xã hội, đặc biệt là “Phòng dân số và di cư” chịu trách nhiệm hỗ trợ giải quyết các vấn đề về việc làm, bảo hiểm với nhóm thiểu số. “Quỹ phúc lợi xã hội cho người công nhân nhập cư” (Social Welfare Fund for Immigrant Workers) được thiết lập để hỗ trợ các chương trình của chính phủ về giáo dục, văn hóa và chính sách việc làm cho lao động nhập cư là một ví dụ; Ngoài ra, ở cấp độ địa phương, còn có các “Ủy ban hội nhập vùng” để giúp các nhóm thiểu số hội nhập thị trường lao động, v.v. (8).

Như vậy, ở mô hình này, các cơ quan nhà nước quản lý công tác dân tộc thiểu số cộng đồng trách nhiệm, nhưng phân chia cụ thể thành nhóm vấn đề, phân công trách nhiệm cụ thể để từng cơ quan giải quyết các vấn đề liên quan đến các dân tộc - nhóm thiểu số...Trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, vị thế và quyền năng phù hợp với nhiệm vụ là một kinh nghiệm cần được nhìn nhận.

2. Liên hệ với Việt Nam

Với nhận thức rằng, mô hình quản lý công tác dân tộc xét đến cùng được quy định bởi mục tiêu và đối tượng quản lý. Hai yếu tố này, xét từ thực tế Việt Nam hiện tương đối ổn định. Những biến đổi của đối tượng quản lý, chẳng hạn yêu cầu mới của công tác dân tộc, những vấn đề mới xuất hiện trong quan hệ tộc người trong bối cảnh hiện nay... xét kỹ, vẫn là những tham số chứ chưa hẳn là những thay đổi về chất và buộc phải có điều chỉnh thiết chế quản lý ở tầm chiến lược. Tuy vậy, do quản lý là một hoạt động thực tiễn, cho nên mô hình, bộ máy cần thường xuyên hoàn thiện. Với quan niệm như vậy, có một số điểm hợp lý có thể tham khảo kinh nghiệm của thế giới như sau:

Một là, từ cách tiếp cận về mục tiêu quản lý mô hình quản lý mà Việt Nam đang vận hành đã tích hợp được nhiều điểm ưu việt và nên tiếp tục. Tuy vậy, kinh nghiệm thực tế cũng chỉ ra rằng, trong quá trình quản lý cần tránh tư duy “Kinh hóa”. Đôi khi, để đạt tới mong muốn cùng phát triển, có khi ta đã rập khuôn một số chương trình của đồng bằng, của dân tộc đa số cho miền núi, vùng dân tộc thiểu số nên hiệu quả đạt được chưa cao. Với hàm ý cần chú ý đầy đủ hơn đến đối tượng thụ hưởng chính sách, không vì mục tiêu chung mà bỏ qua những chi tiết cần thiết, phù hợp với lối sống và trình độ kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số, theo đó hướng tới đặc thù vùng dân tộc thiểu số, kể cả về mô hình quản lý là điều nên làm.

Nhưng không vì vậy mà hình thành những khu tự trị như trước năm 1976. Hiện nay, chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, thiết chế và thể chế của cả nước đã trải qua quá trình đổi mới 30 năm, cải cách hành chính đã diễn ra 18 năm, hiện đang xây dựng mô hình “nhà nước kiến tạo”... Những thuận lợi và lợi thế đó cần được phát huy.

Chú ý đến đặc thù của vùng dân tộc thiểu số là cần thiết nhưng bất cứ một biểu hiện nào trong việc xây dựng những thể chế quản lý mang tính “tự trị” đều là đi ngược lại với đường lối chung của Đảng và chính sách của Nhà nước. Trước sau, cách làm hoặc hướng tư duy ấy sẽ đẩy tới trạng thái kém liên kết vùng, thậm chí khiến một số địa phương duy trì trạng thái chậm chạp cả về kinh tế - xã hội, cả về chính sách.

Hai là, những nghiên cứu về mô hình quản lý từ góc độ đối tượng quản lý cho thấy, ở Việt Nam, các tộc người sống đan xen, cùng cư trú, vấn đề vùng tụ cư, vấn đề sự khác biệt xã hội của mỗi vùng không rõ rệt lắm. Tuy vậy, sự khác biệt về văn hóa, trình độ kinh tế và mức sống của cư dân ở mỗi vùng, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số có thể thấy rõ hơn. Điều quan trọng là làm thế nào để ở những vùng này, đồng bào dân tộc thiểu số được tham gia, được thụ hưởng đầy đủ hơn những thành quả của công cuộc đổi mới.

Phổ biến hiện nay là các mô hình quản lý công tác dân tộc theo lĩnh vực, theo vấn đề mà thực tế đặt ra. Công tác quản lý vấn đề dân tộc hoặc nhóm thiểu số được cụ thể hóa thành công việc với tên riêng gọi của cơ quan chức năng. Ở dạng mô hình này, các cơ quan nhà nước quản lý công tác dân tộc thiểu số cộng đồng trách nhiệm, nhưng phân chia cụ thể thành nhóm vấn đề, phân công trách nhiệm cụ thể để từng cơ quan quản lý và giải quyết hiệu quả các vấn đề liên quan đến các dân tộc - nhóm thiểu số. Chính phủ đóng vai trò nhạc trưởng điều hành.

Ở Việt Nam hiện nay, có rất nhiều cơ quan (từ góc độ chuyên môn của mình) tham gia vào công tác dân tộc, cùng đóng góp, tham vấn và huy động nguồn lực theo ưu thế của mình. Ủy ban Dân tộc trong nhiều trường hợp được coi như là một “điều phối viên”. Theo Nghị định 05 NĐ/CP, Điều 8 về “Chính sách đầu tư và sử dụng nguồn lực”, Khoản 5: “Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành, địa phương liên quan quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nội dung Điều này”.

Tình trạng sau đây là có thật: Ủy ban dân tộc đề xuất, tổ chức hội nghị mở rộng, ra quyết nghị... rồi vì một lý do nào đấy của một Bộ nào đấy tuy nhất trí về chủ trương nhưng chưa đồng ý về quyết định nguồn lực, khiến cho một chương trình phải ngưng trệ! Kinh nghiệm của thế giới cho thấy cần khắc phục điều này bằng việc bổ sung cho vị thế và quyền năng của cơ quan chuyên trách.

Ba là, từ góc độ thể chế, mô hình quản lý công tác dân tộc nào cũng cần đến “bệ đỡ” pháp lý là sự khẳng định về nguyên tắc của Hiến pháp, chẳng hạn “bình đẳng, cùng phát triển” và khi đi vào thực tiễn thì cần đến những khung khổ pháp luật cụ thể.

Xét trong một trường hợp cụ thể, ở nước ta có Chương trình xóa đói, giảm nghèo. Về chủ thể tham gia quản lý có UNDP, Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa kể các chủ thể khác ở địa phương. Nhưng khi chưa có sự phối hợp quản lý tốt, sẽ là một trong những nguyên nhân khiến cho “giảm nghèo chưa bền vững”. Nhưng còn một vấn đề khác nữa là hiện tượng chồng chéo chính sách. Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016) đã nhận định: “Thời gian qua, công tác giảm nghèo thiếu bền vững. Chưa hình thành cơ chế đồng bộ về giảm nghèo đa chiều, đa mục tiêu. Nhiều chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo chồng chéo nhau và chồng chéo với các chính sách khác”(9). Đây là điều cần phải khắc phục trong mô hình quản lý theo vấn đề này.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận số 4-2019

(1) Thuật ngữ của nhà dân tộc học G.Condominas, để chỉ “cái được xác định bởi tập hợp những hệ thống quan hệ xã hội đặc trưng cho một nhóm người”. Xem Không gian xã hội vùng Đông Nam Á, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1997.

(2) Xem, C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.603.

(3), (4) Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ: Về Công tác dân tộc, Chính phủ ban hành ngày 14-1-2011.

(5) Cheng Shan, 2010, Đặc trưng và ảnh hưởng mang tính toàn cầu của chủ nghĩa dân tộc Ấn độ, website Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 28-3-2016.

(6) Nguồn: Micheal Cosgrove (2011), How does France count its Muslim population? http://plus.lefigaro.fr.

(7) Nguồn: https://www.britannica.com 2000.

(8) Nguyễn Thị Phương Dung: Đặc điểm dân tộc, chính sách dân tộc ở Pháp, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tham luận Hội thảo Về vấn đề quản lý dân tộc ở châu Âu, 12-2018.

(9) Hội đồng Lý luận Trung ương: Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016).

PGS, TS Nguyễn An Ninh

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền