Trang chủ    Thực tiễn    Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ báo chí - xuất bản của Học viện hiện nay
Thứ tư, 16 Tháng 10 2019 14:46
3312 Lượt xem

Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ báo chí - xuất bản của Học viện hiện nay

(LLCT) - Trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản của Học viện. Nhờ đó, đội ngũ này đã ngày càng trưởng thành, không ngừng nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, phục vụ thiết thực, hiệu quả công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện. Bài viết, trên cơ sở phân tích thực trạng, đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản của Học viện hiện nay.

Hiện nay, toàn hệ thống Học viện có 13tạp chí với 14 ấn phẩm, 1 Nhà xuất bảnvà trên 10 bản tin, trang tin điện tử(1), với gần 200 cán bộ làm việc chuyên trách và kiêm nhiệm. Công tác tạp chí, bản tin, xuất bảngóp phần quan trọngvàothực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm làđào tạo,bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ các chuyên ngành lý luận chính trị vànghiên cứu khoa học của Học viện và tham mưu, đề xuất, cung cấp luận cứ  khoa họccho Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chính sách xây dựng, phát triển đất nước.

Trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản của Học viện. Hằng năm, Học viện đã xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với tất cả cán bộ, công chức thuộc hệ thống Học viện, trong đó có đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản,với nhiều hình thức đa dạng như: cử cán bộ đi học tập, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, nghiệp vụ chuyên ngành về báo chí, xuất bản. Mỗi năm, Học viện mở 1 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ làm công tác báo chí, xuất bản (với khoảng 70-80 học viên), giảng viên là cán bộ quản lý báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giảng viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền...

Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bảncủa Học viện khá toàn diện: bao gồm tất cả các chuyên ngành về khoa học lý luận; về nghiệp vụ báo chí, xuất bản; về bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đào tạo nâng cao về tin học, ngoại ngữ,…Hình thức đào tạo, bồi dưỡng phong phú, đa dạng.

Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã gắn liền với tiêu chuẩn chức danh cán bộ, bảo đảm toàn bộ đội ngũ cán bộ của Học viện dần được chuẩn hóa. Riêng trong năm 2019, Học viện đã cử 5 cán bộ đi học lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về báo chí.

Bên cạnh việc bồi dưỡng tại chỗ theo kế hoạch hằng năm, Học viện đã tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản được đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở trong nước và ngoài nước, ưu tiên đối với cán bộ khoa học trẻ có triển vọng, nhằm xây dựng lớp cán bộ kế cận có trình độ chuyên môn chuyên sâu, đáp ứng tốt nhiệm vụ biên tập, xuấtbản của Học viện.

Ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng trong nước, Học viện cũng chú trọng đến việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế nhằm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ở nước ngoài. Học viện đã cử nhiều cán bộ của các tạp chí, nhà xuất bản tham gia các đoàn của Học viện đi nghiên cứu, khảo sát hoặc dự hội nghị, hội thảo khoa học ở nước ngoài để cập nhật thông tin, kiến thức, học tập kinh nghiệm, phát triển tư duy khoa học. Cùng với đó, Học viện cũng đã quan tâm chăm lo thực hiện tốt chế độ, chính sách đãi ngộ, khuyến khích vật chất và động viên tinh thần như chính sách nâng bậc lương, chuyển ngạch, nâng lương sớm trước thời hạn; bố trí công việc phù hợp với trình độ, năng lực của cán bộ báo chí, xuất bản…

Do được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nên đến nay toàn hệ thống báo chí, xuất bản của Học viện đã có 12 phó giáo sư, tiến sĩ; 23 tiến sĩ, 45 thạc sĩ…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản của Học viện trong những năm qua còn những mặt hạn chế, yếu kém cần khắc phục, đó là:

Thứ nhất, tình trạng bộ máy chưa được kiện toàn, hoạt động kém hiệu quả còn tồn tại nhiều năm chưa được khắc phục (do nhiều lần sáp nhập, thành lập mới các tạp chí). Chất lượng đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu chức năng, nhiệm vụ mới của Học viện. Trong công tác cán bộ có lúc chưa xuất phát từ nhu cầu công việc và chưa có chiến lược, quy hoạch tổng thể, dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu. Thừa những người không làm được việc, trong khi đó lại thiếu những cán bộ có năng lực, kinh nghiệm trong công tác báo chí, xuấtbản. Công tác phát triển đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản ở Học viện còn chắp vá, chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển một cách tổng thể và lâu dài. Vì vậy cho đến nay, tình trạng hẫng hụt cán bộ có kinh nghiệm trong công tác báo chí, xuấtbản vẫn chưa được khắc phục.

Thứ hai, trong phát triển đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản của Học viện chưa quan tâm đúng mức tính hợp lý về cơ cấu, nhất là cơ cấu về độ tuổi. Mặt khác, đa số cán bộ làm công tác báo chí, xuất bản của Học viện là kiêm nhiệm, vừa làm tạp chí, vừa tham gia công tác giảng dạy, do vậy, tính chuyên môn hóa trong công tác báo chí, xuất bản chưa cao, ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng và mở rộng diện phát hành các ấn phẩm.Trong tổng số 13 tạp chí của Học viện thì có đến 11 tạp chí có bộ máy lãnh đạo là kiêm nhiệm, số lượng cán bộ biên tập kiêm nhiệm cũng khá nhiều, thiếu cán bộ biên tập chuyên sâu. Thậm chí, có tạp chí phải đi thuê biên tập, nên không tránh khỏi bị động, lúng túng trong công tác xuất bản các số tạp chí.

Thứ ba, chất lượng đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản còn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Một số chưa năng động sáng tạo, thỏa mãn với những gì đã có. Có cán bộ gặp khó khăn trong hoạt động báo chí vì trái ngành nghề, kỹ năng và nghiệp vụ báo chí - xuất bản còn yếu. Từ đó, dẫn đến chất lượng bài trên các tạp chí còn hạn chế, hàm lượng khoa học và giá trị học thuật chưa cao, vẫn còn tình trạng phân tán về chủ đề, trùng lặp về nội dung. Tình trạng thiếu những bài viết chất lượng cao (bài đinh) ở nhiều tạp chí chưa được khắc phục, do vậy, chưa tạo thành vị thế, bản sắc riêng của mỗi tạp chí.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản.

Học viện cần xây dựng và thực thi một chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản. Từ quan điểm chỉ đạo, đến mục tiêu, nội dung và giải pháp cơ bản đều phải hướng vào việc phát triển đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản đủ sức đảm nhiệm tốt việc xuất bản các tạp chí, ấn phẩm của Học viện nhằm khai thác và phát huy tối đa vai trò báo chí, xuất bản phục vụ nhiệm vụ chính trị của Học viện; góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn cách mạng nước ta đang đặt ra cho công tác tư tưởng lý luận của Đảng. Dựa trên những định hướng đó, cần phải tổ chức, sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, điều chỉnh cơ cấu lực lượng hiện có. Đồng thời, phát triển mạnh chất lượng đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản theo yêu cầu mới, phù hợp với phương hướng, mục tiêu của chiến lược, quy hoạch chung của Học viện.

Xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản từ nay đến năm 2030 cần tập trung vào phát triển nguồn cán bộ trẻ bổ sung và đội ngũ cán bộ hiện có, đồng thời đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuyên gia giỏi, tầm cỡ đầu ngành.

Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ biên tập, xuất bản các sản phẩm báo chí, xuất bản của Học viện phải đưa ra được những chính sách và giải pháp tạo động lực phát triển, những ưu đãi về vật chất, tôn vinh về tinh thần đối với các tài năng để thúc đẩy phát triển. Xây dựng chiến lược phát triển để thu hút nhân tài về công tác báo chí, xuất bản từ nhiều nơi khác đến, kích thích các nhà khoa học trẻ làm việc hết mình vì sự nghiệp báo chí, xuất bản ở Học viện.

Hằng năm, Học viện có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời phải tập trung vào đào tạo lại theo chiều sâu, theo các chuyên ngành, các lĩnh vực. Kiên quyết khắc phục tình trạng đào tạo chạy theo số lượng, không theo quy hoạch, kế hoạch. Cần có sự ưu tiên thỏa đáng cho việc đào tạo chuyên gia đầu ngành về báo chí, xuất bản.

Hai là, thực hiện tốt công tác tạo nguồn và tuyển chọn trong phát triển đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản Học viện.

Công tác tạo nguồn và tuyển chọn cán bộ là khâu đầu vào quan trọng nhất. Nếu công tác tạo nguồn tốt và tuyển chọn được những cán bộ trẻ, có tiềm năng trí tuệ và các tiêu chí cần thiết khác, cũng có nghĩa là bảo đảm yếu tố đầu vào đã đạt được mục tiêu. Từ nguồn đầu vào này tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng theo đúng quy trình và đảm bảo chất lượng thì sau một thời gian sẽ trở thành những cán bộ khoa học thực thụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Học viện.

Ưu tiên tuyển dụng những thạc sĩ, tiến sĩ đã được đào tạo chuyên sâu về các chuyên ngành lý luận chính trị, có kiến thức, nghiệp vụ về báo chí, xuất bản, bảo đảm độ tuổi hợp lý, có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, có trình độ ngoại ngữ tốt vào làm công tác báo chí, xuất bản. Đây là nguồn bổ sung chủ yếu trong ngắn hạn để tăng cường cho các tạp chí, nhà xuất bản và cũng là nguồn quan trọng để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ở trong và ngoài nước, đủ sức hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, tiến hành tuyển chọn những sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi ở các trường đại học về Học viện công tác và sau thời gian tập sự tốt sẽ đưa đi đào tạo, bồi dưỡng cả về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các khoa học xã hội - nhân văn  cần thiết khác, ngoại ngữ, tin học và vốn sống thực tiễn. Đồng thời, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ trẻ phát huy khả năng của họ, về tư duy độc lập, khả năng tự học và độc lập trong nghiên cứu, sáng tạo.

Phối hợp giữa các đơn vị báo chí, xuất bản trong hệ thống Học viện tổ chức các phong trào thi đua rèn luyện, nâng cao nghề nghiệp, tạo ra phong trào lao động sáng tạo, khuyến khích và tạo cơ hội cho đông đảo cán bộ, đặc biệt lớp cán bộ trẻ có cơ hội bộc lộ và phát huy tài năng của mình, đây là một hình thức tìm và tạo nguồn có hiệu quả.

Để tạo nguồn bổ sung đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản, đòi hỏi công tác tạo nguồn và tuyển chọn phải chủ động, tổ chức thi tuyển công tâm, khách quan, lựa chọn đúng người có năng lực, đủ sức đảm nhiệm tốt công tác báo chí, xuất bản.

Ba là, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản.

Phát triển đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản của Học việnphụ thuộc rất lớn vào chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Để khắc phục sự hẫng hụt và nâng cao chất lượng đội ngũ này, cầntập trung đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng theo hướng phục vụ chuẩn hóa chức danh cán bộ, trang bị kiến thức cơ sở phục vụ cho thi nâng ngạch, chuyển ngạch, thi cao học, nghiên cứu sinh. Đào tạo những kiến thức cơ bản, nền tảng để cán bộ có điều kiện, khả năng phù hợp với vị trí việc làm và tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của tạp chí, nhà xuất bản Học viện (kiến thức chuyên ngành; nghiệp vụ báo chí, xuất bản), đồng thời phải cập nhật kiến thức về lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đưa số cán bộ khoa học trẻ (nam dưới 45, nữ dưới 40) đi thực tế dài hạn tại các địa phương, bộ, ngành.

Lựa chọn cán bộ đi đào tạo nâng cao kiến thức (thạc sĩ, tiến sĩ) theo đúng chuyên ngành, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị cử đi học. Việc đào tạo cán bộ bậc cao thạc sĩ, tiến sĩ, cần phải chú ý đến năng lực, triển vọng phát triển.

Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản một cách toàn diện, cân đối trên các mặt: Rèn luyện lập trường tư tưởng chính trị, đạo đức, nhân cách khoa học; trang bị tri thức khoa học hiện đại, nắm bắt kịp thời những thành tựu khoa học mới, cả chuyên ngành, liên ngành ở trong nước và trên thế giới.

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ biên tập có trình độ chuyên môn cao, có năng lực công tác chuyên nghiệp, hiệu quả. Điều quan trọng tạo nên giá trị cốt lõi của các tạp chí, nhà xuất bản không chỉ ở các tác giả, mà còn có sự đóng góp quan trọng của cán bộ biên tập. Do vậy, cán bộ biên tập phải thực sự có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt, có lập trường tư tưởng, chính trị vững vàng, khách quan, trung thực và độc lập. Để làm tốt điều này, lãnh đạo các tạp chí phải có kế hoạch, xác định lộ trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ biên tập phù hợp với tạp chí, nhà xuất bản của Học viện.

Bốn là, thực hiện tốt việc bố trí, sử dụng và phát huy vai trò đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy nhằm phát huy được vai trò đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bảncủa Học viện. Bố trí cán bộ đúng người, đúng việc phù hợp với năng lực, sở trường cán bộ sẽ tạo điều kiện cho cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời đó cũng là nguồn động viên, tạo động lực thúc đẩy cán bộ không ngừng phấn đấu để phát triển.

Cùng với việc tổ chức sử dụng hợp lý, có hiệu quả đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản, cần có cơ chế sử dụng các chuyên gia, các nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao để họ tích cực cộng tác viết bài, thẩm định bài…

 Tiến hành việc luân chuyển, sắp xếp lại cán bộ cho phù hợp với chuyên ngành đào tạo và năng lực, sở trường của cán bộ.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội đồng Biên tập các tạp chí nhằm tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng trên mỗi tờ tạp chí; tư vấn, định hướng, cho ý kiến thẩm định, phản biện về các chủ đề mang tính chuyên ngành, chuyên sâu, các lý luận mới, ý tưởng mới có giá trị về khoa học lý luận chính trị.

Năm là, đổi mới cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bảncủa Học viện.

Khắc phục tình trạng bình quân trong chế độ tiền lương và nâng lương. Cần có một thang lương hợp lý thể hiện sự đãi ngộ thích đáng với chất lượng của lao động khoa học. Đồng thời, phải thực hiện tốt việc nâng lương sớm đối với cán bộ đạt thành tích xuất sắc để kịp thời động viên, khuyến khích cán bộ khoa học thi đua phấn đấu đạt được thành tích xuất sắc.

Đảm bảo cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động xuất bản các tạp chí. Tạo điều kiện hỗ trợ về kinh phí để các tạp chí sớm xây dựng: phần mềm biên tập, phần mềm quản lý biên tập, phần mềm quản lý nhân sự…

Tạo điều kiện cho cán bộ các tạp chí trong nghiên cứu khoa học. Hằng năm, Giám đốc Học viện dành riêng một số đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, đề tài Giám đốc giao nhiệm vụ cho các tạp chí là cơ quan chủ trì, giúp cán bộ trẻ trưởng thành nhanh trong khoa học.

Có cơ chế thu hút nhân tài cho Học viện, trong đó có khối tạp chí, nhà xuất bản. Để thu hút cán bộ trẻ có năng lực về công tác tại học viện, trong đó có các tạp chí, nhà xuất bản, Học viện cần xây dựng một số nhà công vụ để giải quyết chỗ ở ổn định cho số cán bộ trẻ đã tuyển về Học viện. Đồng thời, cần có những biện pháp mang tính căn cơ nhằm cải thiện đời sống đối với cán bộ khoa học trẻ đang công tác tại các tạp chí, xuất bản, có như vậy mới thu hút được những cán bộ trẻ có năng lực.

Thực hiện phân loại viên chức, xác định đúng chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm, làm cơ sở xây dựng định mức làm việc của cán bộ các tạp chí, nhà xuất bảnnhằm phát huy tối đa khả năng làm việc của cán bộ, đồng thời xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cán bộ, là căn cứ trong việc đề xuất bổ sung, đào tạo cán bộ phù hợp với từng tạp chí.

(1) Hiện nay, toàn hệ thống Học viện có 12cơ quan tạp chí (với 14 ấn phẩm), trong đó có 1 tạp chí thuộc Học viện là Tạp chí Lý luận chính trị, 5 tạp chí thuộc Học viện khu vực là: Giáo dục lý luận (Học viện Chính trị khu vực I), Khoa học chính trị (Học viện Chính trị khu vực II),  Sinh hoạt lý luận (Học viện Chính trị khu vực III), Thông tin khoa học chính trị (Học viện Chính trị khu vực IV), Lý luận chính trị và truyền thông (Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Có 6 tạp chí thuộc các viện chuyên ngành là Lịch sử Đảng (thuộc Viện Lịch sử Đảng), Thông tin khoa học lý luận chính trị (Viện Thông tin khoa học), Chủ nghĩa xã hội-lý luận và thực tiễn (Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học), Kinh tế và quản lý (Viện Kinh tế), Quyền con người(Viện Quyền con người), Nghiên cứu Hồ Chí Minh (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng). Tạp chí vửa ra đời gần đây nhất là Chủ nghĩa xã hội-Lý luận và thực tiễn, mới xuất bản được những số đầu tiên.

Học viện có 7 bản tin trực thuộc các vụ và viện chuyên ngành, gồm: Bản tin phục vụ lãnh đạo, Triết học và đời sống, Thông tin Chính trị học, Nhà nước và pháp luật, Quan hệ quốc tế, Văn hóa và phát triển, Thông tin các trường chính trị.

__________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Vũ Hoàng Công: Các tạp chí, bản tin phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Học viện giai đoạn 2014- 2019, Tạp chí Lý luận chính trị, số 9- 2019.

2. Học viện Báo chí và Tuyêntruyền (2019), Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ biên tập, xuất bản trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0,  NxbChính trị quốc gia Sự thậtHà Nội.

3. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:Kết luận của Giám đốc Học viện về công tác tổ chức -cán bộ năm học 2017-2018 và phương hướng, nhiệm vụ công tác tổ chức -cán bộ năm học 2018-2019, Hà Nội, 2018.

4. Trần Khắc Việt: Những hạn chế, yếu kém và kinh nghiệm của các tạp chí Học viện đối với đổi mới tư duy lý luận của Đảng. Tạp chí lý luận chính trị - Số Chuyên đề năm 2016.

5. Nguyễn Thắng Lợi:Các tạp chí lý luận chính trị trước yêu cầu, nhiệmvụ thời kỳ mới”, Nxb Thông tin và truyền thông, Hà Nội, 2017.

6. Vụ Tổ chức - Cán bộ: Số liệu thống kê cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh,năm 2018.

ThS Nguyễn Thế Sang

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền