Trang chủ    Thực tiễn    Công tác dân vận góp phần thúc đẩy sự tham gia chính trị của người dân
Thứ năm, 14 Tháng 5 2020 10:09
1806 Lượt xem

Công tác dân vận góp phần thúc đẩy sự tham gia chính trị của người dân

(LLCT) - Công tác dân vận có ý nghĩa quan trọng góp phần thúc đẩy sự tham gia chính trị của người dân. Trong tiến trình đổi mới sâu rộng ở nước ta hiện nay, sự tham gia chính trị của người dân trở thành thước đo sự hoàn thiện của nền dân chủ XHCN, của hệ thống chính trị ở nước ta. Bài viết tập trung làm rõ vai trò của công tác dân vận trong thúc đẩy sự tham gia chính trị của người dân, và nêu ra những giải pháp để phát huy vai trò của công tác dân vận đối với sự tham gia chính trị của người dân hiện nay.

Từ khóa: công tác dân vận, sự tham gia chính trị của người dân.

Dân chủ hóa là vấn đề được bàn luận ngày càng sôi nổi ở Việt Nam. Quá trình hiện thực hoá dân chủ đòi hỏi sự tham gia tích cực của rất nhiều nhân tố, trong đó, sự tham gia của người dân, với tư cách là chủ thể của xã hội và của quá trình phát triển, có vai trò quyết định. Đó là vì thông qua tham gia chính trị, người dân ảnh hưởng đến chính trị và quyền lực, do đó làm cho dân chủ hoạt động. Thông qua tham gia chính trị, người dân thể hiện rõ yêu cầu của mình, kiểm soát và tăng áp lực công chúng lên các lãnh đạo chính trị, ràng buộc họ với trách nhiệm chính trị, tăng cường tính hợp pháp và tăng cường chất lượng dân chủ.

1. Sự tham gia chính trị của người dân hiện nay

Sự tham gia chính trị được định nghĩa là các hoạt động tự nguyện, phi lợi nhuận và không chuyên nghiệp của người dân, thông qua đó người dân bày tỏ ý kiến của họ về cách thức điều hành quốc gia, tham gia và định hình các quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Các thể chế nhà nước không chỉ có nhiệm vụ bảo vệ các quyền tự nhiên của con người mà còn có nhiệm vụ giúp con người phát triển những tiềm năng vô tận của mình. Một chính phủ tốt và hiệu quả có thể đảm bảo được các quyền của người dân, có thể đảm bảo lợi ích của người dân. Nhưng cái mà ngay cả chính phủ tốt nhất cũng không làm được chính là không thể hành động một cách chủ động thay cho mọi người dân, không thể trải nghiệm, lựa chọn các giá trị và rèn luyện đức hạnh thay cho người dân. Vì vậy, sự tham gia mới là cốt lõi của dân chủ, mới hình thành trách nhiệm công dân, mới tạo ra các công dân chủ động, tích cực và hoàn thiện các điều kiện để phát triển nền dân chủ.

Ngày nay, người dân có thể tham gia chính trị dưới nhiều hình thức khác nhau. Trên thế giới, sự tham gia chính trị thường được phân chia thành ba nhóm:

i) Tham gia theo thông lệ (Conventional Participation) thường bao gồm các hình thức tham gia chính trị được quy định trong luật như: bỏ phiếu, tham gia các hoạt động tình nguyện, tham gia các tổ chức xã hội,...

ii) Tham gia không theo thông lệ (Unconventional Participation) bao gồm các hoạt động không được thể chế hóa nhưng hợp pháp, chẳng hạn như diễu hành, dàn dựng các cuộc biểu tình và biểu tình, ký tên thỉnh nguyện, tẩy chay,...

iii) Tham gia bất hợp pháp (Illegal Participation) gồm các hoạt động ảnh hưởng đến chính trị nhưng vi phạm pháp luật.

Quy định về các hình thức tham gia này có thể khác nhau giữa các quốc gia. Bài viết này chỉ đề cập đến hình thức tham gia chính trị thứ nhất và thứ hai.

Ở Việt Nam, Hiến pháp và hệ thống pháp luật cũng đang mở ra nhiều cơ hội cho người dân tham gia vào đời sống chính trị cả theo hình thức trực tiếp và hình thức gián tiếp. Theo Hiến pháp năm 2013, “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” (Điều 6). Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng khẳng định: “Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân”(1). Các kênh tham gia này được quy định chi tiết hơn trong một số luật và văn bản pháp luật bao gồm Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (2007), Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (2015), Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (2015) và các nghị định liên quan.

Với những cơ sở pháp lý đảm bảo như vậy, người dân Việt Nam có thể tham gia chính trị với nhiều hình thức khác nhau. Người dân được khuyến khích tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến vào các chủ trương, chính sách, đặc biệt là các chính sách ở địa phương. Người dân tìm kiếm thông tin trên báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình, tài liệu, tham gia bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử quốc gia và địa phương, tham dự các cuộc họp, các buổi tiếp xúc cử tri, tiếp dân định kỳ,... để có được thông tin, thảo luận về các vấn đề, thực hiện quyền tham gia chính trị theo Quy chế dân chủ cơ sở  trên tất cả các khâu, từ góp ý kiến vào xây dựng đường lối phát triển đến triển khai, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra và tổng kết, viết thư cho các đại diện dân cử, kiến nghị các vấn đề họ quan tâm, v.v..

Bên cạnh đó, người dân cũng tham gia thông qua các tổ chức hội, các nhóm, có thể được thành lập chính thức hoặc không chính thức. Các đoàn thể là kênh chủ yếu cho các thành viên tìm hiểu về các vấn đề, kế hoạch và chính sách của địa phương, và đóng góp ý kiến của họ Thông qua đó, người dân đóng góp cho các chương trình và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là trong các vấn đề như phân bổ đất đai, lập và giám sát thu chi ngân sách, hoặc các chương trình xóa đói giảm nghèo, đóng góp tự nguyện,...

Theo các quy định của pháp luật, người dân có vai trò quan trọng trong việc giám sát hoạt động của chính quyền, đưa ra khiếu nại chính thức trong trường hợp có vi phạm, và giải quyết tranh chấp giữa người dân với nhau hoặc giữa người dân với chính quyền. Sự tham gia ngày càng tăng trong những năm gần đây có thể được hiểu như một dấu hiệu cho thấy chất lượng và giá trị cảm nhận từ các hoạt động này đang tăng lên.

Dân chủ không phải chỉ là bỏ phiếu, bầu cử hay nguyên tắc đa số mà dân chủ đòi hỏi các quyền tự do phải được bảo vệ, các quyền hợp pháp phải được tôn trọng, phải có đối thoại cởi mở và phải có sự tham gia rộng rãi và tích cực của người dân. Sự tham gia chính trị của người dân được kỳ vọng sẽ tạo ra được các công dân có văn hóa chính trị ở trình độ cao, trong đó, mỗi người học được cách vừa làm một cá nhân, vừa làm một thành viên của cộng đồng, nhận ra mối liên hệ giữa lợi ích riêng và lợi ích chung của cộng đồng. Sự tham gia chính trị của người dân cũng đem lại một chính phủ trách nhiệm và hiệu quả để mở rộng hơn các quyền của con người, đề cập đầy đủ hơn và thỏa mãn nhiều hơn các nhu cầu xã hội đồng thời, thông qua đó, giám sát và hỗ trợ chính phủ. Thách thức chính trị lớn hiện nay là làm thế nào để dân chủ thực sự phục vụ người dân bình thường và câu trả lời một phần phụ thuộc vào việc làm cách nào để người dân tham gia hiệu quả hơn vào chính trị.

2. Công tác dân vận góp phần thúc đẩy sự tham gia chính trị của người dân

Dân vận là hoạt động của tổ chức chính trị cố gắng thực hiện những thay đổi rộng rãi trong một xã hội. Mục đích của nó là tạo ra sự tiến bộ và thành tựu trong các lĩnh vực xã hội, kinh tế và chính trị của quốc gia. Động cơ chính trị của công tác dân vận là tạo ra một sức mạnh tổng hợp giúp xã hội phát triển bằng cách thay đổi môi trường và hành vi của con người, nâng cao nhận thức và yêu cầu cho một mục tiêu phát triển cụ thể thông qua đối thoại trực tiếp. Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra khái niệm: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc Chính phủ và Đoàn thể giao cho”(2).

Quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam những năm qua đã khẳng định vấn đề không dừng lại ở quan niệm về dân chủ XHCN, mà điều quan trọng hơn là tiếp tục thực hành, phát huy dân chủ, nghĩa là phải tạo được bước chuyển căn bản từ nhận thức đến hành động. Dân chủ phải được thực hành đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân. Các hình thức tham gia chính trị của người dân ở Việt Nam hiện nay rất phong phú. Tuy nhiên, một số hình thức chưa mang lại hiệu quả như mong muốn của chính quyền và người dân.

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019 của Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết năm 2019, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn biến phức tạp. Trong năm 2019 có 478.237 lượt công dân đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (tăng 4,3% so với năm 2018), với 304.180 vụ việc (tăng 9,1%), có 4.611 lượt đoàn đông người (giảm 0,6%)(3). Từ sau năm 2000 đến nay, có thể kể đến các vụ bạo động ở Tây Nguyên tháng 2-2002 và tháng 4-2004; vụ cưỡng chế thu hồi đất ở huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) năm 2012; vụ cưỡng chế thu hồi đất ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) năm 2012; vụ đòi lại đất liên quan đến tôn giáo tại giáo xứ Thái Hà (Hà Nội) năm 2011; vụ tập trung người Mông trái phép ở huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) năm 2011; vụ gây rối ở tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai năm 2014; các vụ việc ở giáo phận Vinh (tỉnh Nghệ An), lợi dụng sự cố môi trường biển của dự án Formosa (tỉnh Hà Tĩnh), tụ tập đông người, gây rối từ tháng 4-2016 đến năm 2017; vụ lấn chiếm đất quốc phòng tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) tháng 4-2017; vụ kích động gây rối tại Phan Rí, thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) tháng 6-2018... Một số vụ, việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, đông người diễn ra trong quá trình thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, như dự án Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), các vụ chuyển đổi mô hình chợ truyền thống sang trung tâm thương mại, như chợ Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn), chợ Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), chợ Bỉm Sơn (tỉnh Thanh Hóa), chợ An Khánh (tỉnh Đồng Nai), chợ Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk)(4)... Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Facebook công bố số lượng người dùng Facebook và Google hằng tháng ở Việt Nam vào khoảng 60-65 triệu. Con số này là khoảng 30 triệu người dùng Youtube hằng tháng. Vì thế, mạng xã hội có tác động không nhỏ đến việc tiếp nhận thông tin của người dân trong giai đoạn hiện nay. Trên lĩnh vực chính trị, những phần tử cơ hội đã lợi dụng internet, mạng xã hội nhằm mục đích chống phá, hòng lật đổ chính quyền nhân dân, xóa bỏ chế độ XHCN, như: xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam; bôi nhọ chính quyền các cấp... kêu gọi người dân biểu tình, gây rối(5)...

Để xảy ra những vụ việc như vậy có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ sự kém hiệu quả của công tác dân vận. Một xã hội dân chủ lành mạnh dựa trên sự tham gia liên tục, công khai của số đông công dân. Với tất cả sự tinh tế của nền dân chủ, bạo lực hay ép buộc không phải là lựa chọn tối ưu, vì vậy, điều chỉnh và định hướng các hình thức tham gia chính trị của người dân trong thời gian tới cần có sự đóng góp rất lớn của công tác dân vận.

Để mở rộng sự tham gia chính trị của người dân hiện nay thông qua công tác dân vận, những người làm công tác này cần xác định công tác dân vận không chỉ là những thao tác cụ thể, những công thức có sẵn mà bản thân nó là một khoa học về con người, là một nghệ thuật tiếp cận và vận động người dân.

Điều kiện tiên quyết để người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ làm chủ là phải cung cấp cho nhân dân các thông tin chân thực, kịp thời và công khai. Có công khai thì mới có dân chủ, vì công khai là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hành dân chủ. Vì vậy, để người dân ủng hộ chính phủ, trước hết, đội ngũ những người làm dân vận cần: cho dân biết về quyền làm chủ của nhân dân, về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, về các thông tin thời sự, về chính sách, cán bộ lãnh đạo, quản lý mình; giải thích cho dân hiểu; bày cách cho dân làm; tiến hành kiểm tra, rút kinh nghiệm. Trong khi triển khai các công việc, cần xét rõ và tìm cách thức vận động hợp trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, trình độ và mong muốn của người dân. Người làm công tác dân vận phải thường xuyên sâu sát cơ sở, nắm bắt kịp thời các thông tin từ quần chúng, khảo sát tình hình thực tế, đến với nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân mà giúp dân giải quyết các công việc cụ thể, đề xuất chính sách hoặc điều chỉnh chính sách cho phù hợp, tuyên truyền, cổ động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, pháp luật, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng...

Trên thực tế, từ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành, phát huy dân chủ XHCN đến việc hiện thực hóa chúng trong thực tế xã hội phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức của nhân dân về các quyền dân chủ của mình. Nhà nước phải bảo đảm cho nhân dân tham gia đông đảo vào việc tổ chức, lập ra bộ máy nhà nước, vào việc quản lý các công việc của Nhà nước, quyết định các công việc trọng đại của đất nước; đồng thời, có cơ chế bảo đảm cho nhân dân thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước, các tổ chức và cá nhân khác được trao những quyền hạn nhất định để quản lý một số công việc của Nhà nước. Để làm được điều này, người dân cần có những hiểu biết nhất định về đời sống chính trị của đất nước, cần hiểu biết và kiên định với những giá trị cốt lõi của truyền thống chính trị của dân tộc. Khi đó, với tư cách là một giá trị tự thân, dân chủ tạo ra những kích thích nội tâm, thiết lập dân chủ như lối sống của công dân.

3. Giải pháp phát huy vai trò công tác dân vận đối với sự tham gia chính trị của người dân

Thứ nhất, trong điều kiện phát triển của truyền thông hiện đại, những người làm công tác dân vận nên tham gia mạng xã hội với tư cách là đại diện của các cơ quan, đơn vị để kịp thời định hướng, điều chỉnh dư luận, dự báo phản ứng của người dân trước các vấn đề chính trị - xã hội, hạn chế tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với người dùng. Các điều kiện vật chất chỉ là những phương tiện để mở rộng việc thực hành dân chủ, tuy nhiên, khi các hình thức dân chủ trên không gian mạng ngày càng phổ biến, việc vận động quần chúng cũng cần bắt kịp với xu hướng chung của xã hội và sự phát triển của khoa học công nghệ và kinh tế tri thức.

Thứ hai, các cơ quan làm công tác dân vận nên có kế hoạch “dân vận sớm” và “dân vận theo chủ đề”, trong đó xác định các vấn đề có thể phát sinh trong các cộng đồng dân cư và tiến hành vận động sớm, giải quyết các vấn đề từ khi chưa phát sinh và tùy thuộc vào từng địa phương, từng thời điểm, xác định các vấn đề, các nội dung trọng tâm cần tuyên truyền, vận động, tránh dàn trải, không thu được hiệu quả mong muốn. Đây là vấn đề quan trọng để định hướng người dân tham gia chính trị nhiều hơn dưới các hình thức tham gia theo thông lệ, giảm bớt hình thức tham gia không theo thông lệ vốn có thể gây những hiệu ứng không mong muốn trong dư luận xã hội, ảnh hưởng sự ổn định của các địa phương và đến niềm tin của người dân đối với các cơ quan công quyền, để người dân có thể tham gia chính trị với ý chí độc lập, tinh thần tự do và trách nhiệm. Để làm tốt việc “dân vận sớm” và “dân vận theo chủ đề”, cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị để kịp thời nắm bắt và xử lý thông tin, kịp thời đưa ra và thực hiện các giải pháp phù hợp và kịp thời cho các vấn đề người dân quan tâm.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả tham gia chính trị đồng thời tăng cường các sáng kiến về hình thức tham gia chính trị mới phù hợp với người dân. Các hình thức tham gia thông thường được quy định theo pháp luật từ trước đến nay vẫn được người dân thực hiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiệu quả tham gia vẫn còn nhiều bất cập. Tham gia bầu cử, ứng cử vào các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội là hình thức tham gia chính trị cơ bản nhất của công dân, được pháp luật thừa nhận, bảo vệ. Tuy nhiên, sự một số người xác định việc đi bầu cử chỉ như là một “nghĩa vụ” chính trị, đi kèm với tâm lý này là việc “bỏ phiếu hộ” vẫn còn diễn ra trong một bộ phận cử tri. Đối với việc tham gia vào công tác quản trị ở địa phương, người dân chỉ thực sự quan tâm đến các vấn đề liên quan đến lợi ích của họ như vấn đề đất đai hay vấn đề môi trường. Người dân ngày càng tham gia vào nhiều đoàn thể chính thức cũng như các nhóm xã hội phi chính thức ở cấp cơ sở. Tuy nhiên, tham gia tổ chức, hội, nhóm, các thành viên chỉ quan tâm đến các nội dung gắn với lợi ích của mình mà chưa tham gia tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.  Việc giám sát của người dân đối với hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương thông qua các tổ chức chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Sự tham gia chính trị của người dân có thể được hiểu là việc người dân trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào các hoạt động quản lý và điều hành đất nước. Bảo đảm quyền tham gia chính trị của nhân dân cũng chính là bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, phát huy trí tuệ tập thể, sức mạnh toàn dân, tăng cường sự tham gia đóng góp của người dân vào mọi hoạt động của đời sống chính trị. Ở Việt Nam, việc bảo đảm sự tham gia chính trị của người dân đã được ghi trong Hiến pháp và các bộ luật , theo đó, người dân có quyền tham gia quản lý nhà nước, tham gia vào các quá trình chính sách, tham gia giám sát, kiểm soát quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, phải nhận thấy rằng, mặc dù các hình thức tham gia chính trị của người dân ở Việt Nam rất phong phú nhưng hiệu quả thực tế chưa cao. Trong một số trường hợp, một số hình thức tham gia chưa phát huy được hiệu quả.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2020

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.170.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.698.

(3) Khiếu nại tố cáo diễn biến phức tạp có nguyên nhân từ chênh lệch địa tô, http://vneconomy.vn.

(4) Giải quyết và phòng ngừa điểm nóng trong tình hình hiện nay, http://hdll.vn.

(5) Xử lý lỗ hổng quản lý lành mạnh hóa mạnh xã hội ở Việt Nam, https://www.qdnd.vn.

Tài liệu tham khảo:

1. Mohammad Ali Kadivar (2018), Mass Mobilization and the Durability of New Democracies, American Sociological Review 83(2): 390-417.

2. Vincenzo Memoli (2016), Unconventional Participation in Times of Crisis: How Ideology Shapes Citizens’ Political Actions, The Open Journal of Sociopolitical Studies, Issue 9(1) 2016: 127-151.

3. UNDP (2006), Deepening Democracy and Increasing Popular Participation in Vietnam, https://www.vn.undp.org.

4. Nguyễn Xuân Thắng: 70 năm tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tạp chí Lý luận chính trị, số 11-2019.

5. Nguyễn Thị Báo: Một số giải pháp bảo đảm kiểm soát quyền lực cấp xã trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Lý luận chính trị, số 12-2019.

6. Lê Văn Chiến: Sự tham gia của người dân vào quản lý xã hội ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Lý luận chính trị, số 11-2019.

7. Nguyễn Trọng Bình, Trần Văn Thắng: Sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Lý luận chính trị, số 11-2019.

TS Bùi Việt Hương

Viện Chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền