Trang chủ    Thực tiễn    Thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý
Thứ ba, 19 Tháng 5 2020 10:52
2772 Lượt xem

Thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý

(LLCT) - Nêu gương là trách nhiệm, là đạo lý, gắn với tư cách của cán bộ, đảng viên, là phương thức lãnh đạo quan trọng, hiệu quả, vừa có giá trị khoa học và nhân văn, tác động tích cực đến các đối tượng lãnh đạo của Đảng. Thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát huy vai trò lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền huyện, để cấp ủy và chính quyền huyện thực sự là nhân tố đảm bảo cho địa phương phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời góp phần nâng cao uy tín, giữ vững vị thế và vai trò cầm quyền của Đảng.

Từ khóa: nêu gương, cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý.

Nêu gương là trách nhiệm, nghĩa vụ đối với mọi cán bộ, đảng viên của Đảng, đương nhiên cũng là yêu cầu cần thiết, cấp bách đối với cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý. Đó là các đồng chí: Bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ huyện ủy; chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân huyện. Với vị trí, vai trò vừa là đối tượng lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh, có trách nhiệm thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, vừa là chủ thể lãnh đạo, quản lý đối với cấp ủy, chính quyền cơ sở, có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch ở địa phương, là cầu nối giữa cấp tỉnh và cấp cơ sở, sự nêu gương của cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý có phạm vi ảnh hưởng trực tiếp tới hơn 600 đơn vị cấp huyện trong cả nước. Trách nhiệm nêu gương của cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý gắn liền với trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm chính trị, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm pháp lý, thể hiện rõ trong các mối quan hệ với tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy và chính quyền tỉnh, với đảng bộ và chính quyền huyện, với cấp cơ sở và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo, quản lý và trong đời sống. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành... Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương về cả ba mặt: Tinh thần, vật chất và văn hóa... Muốn làm được, ta phải: Quyết tâm, tín tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên”(1). 

Xét một cách cụ thể, thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý là sự gương mẫu, tự giác đi đầu trong tu dưỡng, rèn luyện về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, ý thức tổ chức kỷ luật và các nguyên tắc tổ chức hoạt động của Đảng, đi đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình khiến mọi người tôn trọng, là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên noi theo, làm theo, góp phần tạo dựng lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo, quản lý của cấp ủy và chính quyền huyện.

Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương là cơ sở để đánh giá, phân loại cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý, đồng thời là thước đo hiệu quả hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của từng cán bộ.

1. Thực hiện trách nhiệm nêu gương về tư tưởng chính trị

Thực hiện trách nhiệm nêu gương về tư tưởng chính trị phải thể hiện ở các nội dung sau:

Một là, luôn kiên định, trung thành và đi đầu trong việc tuyên truyền, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc, của Đảng lên trên lợi ích cá nhân. Hồ Chí Minh chỉ rõ, người đảng viên ở bất kỳ đâu, bất kỳ làm việc gì, bất kỳ địa vị nào và hoàn cảnh nào, cũng phải luôn luôn: “Đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết”(2); “Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng”(3). Cùng với đó, phải có lập trường tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, chính kiến rõ ràng trước những vấn đề mới, phức tạp, nhạy cảm. Chủ động ngăn chặn, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đi đầu trong đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Hai là, gương mẫu chấp hành và thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý thực hiện trách nhiệm nêu gương trong việc tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong các tổ chức, các lực lượng thuộc phạm vi quản lý. Bất kỳ cán bộ, đảng viên nào cũng phải thực hiện trách nhiệm nêu gương về nội dung này, song với vị trí, vai trò của mình, mỗi cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý tự giác, nghiêm túc, gương mẫu chấp hành và cụ thể hóa sự lãnh đạo của Đảng, của tỉnh ủy một cách đúng đắn, phù hợp, đồng thời trực tiếp chỉ đạo cấp cơ sở thực hiện có hiệu quả đường lối của Đảng, nghị quyết của các cấp ủy địa phương. Hoạt động nêu gương trong chấp hành và thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý tạo sự lãnh đạo, quản lý thông suốt của cấp ủy, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở, thể hiện sự khác biệt về việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ huyện với cán bộ, đảng viên khác.

Ba là, gương mẫu vận động gia đình, người thân và nhân dân trong huyện thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là nhiệm vụ của người đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng: “tuyên truyền vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”(4), càng là bổn phận, trách nhiệm của cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý trong học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Đối với xóm giềng, phải thân mật và sẵn lòng giúp đỡ. Đối với việc làng việc nước, phải hăng hái làm gương”(5), “Nhất là những người cán bộ và lãnh tụ, càng phải làm cho xứng đáng lòng tin cậy của Đảng, của dân tộc. Càng phải làm gương cho tất cả đảng viên, tất cả quần chúng noi theo”(6).

Bốn là, luôn gương mẫu học tập để nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ đặt ra, nhất là gương mẫu trong học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng, tham gia sinh hoạt đảng, sinh hoạt chính quyền đầy đủ. Sinh thời, Hồ Chí Minh nhắc nhở: “bất kỳ ở hoàn cảnh nào, đảng viên và cán bộ cần phải luôn luôn ra sức phấn đấu, ra sức làm việc, cố gắng học tập để nâng cao trình độ văn hóa, tri thức và chính trị của mình”(7). Bản thân cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý phải gương mẫu trong việc nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, quán triệt, học tập nghị quyết, là tấm gương sáng để cấp dưới noi theo. Đặc biệt, là người chủ trì các cuộc sinh hoạt đảng, sinh hoạt chính quyền, cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý phải tự giác, nghiêm túc, gương mẫu tham gia sinh hoạt đảng, sinh hoạt chuyên môn định kỳ, để làm gương cho đảng viên và cán bộ, công chức cấp dưới.

2. Thực hiện trách nhiệm nêu gương về đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong công tác

Thực hiện trách nhiệm nêu gương về đạo đức, lối sống, nếp sống, phong cách, tác phong của cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý thể hiện qua chuẩn mực trong lời nói, hành vi, thể hiện trong mọi hoàn cảnh, trong các mối quan hệ, cụ thể:

Một là, gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thể hiện trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo, quản lý và gắn với từng vị trí công tác, qua đó lan tỏa những việc làm gương cụ thể của bản thân trong toàn đảng bộ và hệ thống chính trị huyện. Với vai trò là chủ thể lãnh đạo học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở các huyện, mỗi cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý phải thực sự mẫu mực, trở thành nhân tố điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hai là, gương mẫu thực hành và giữ gìn chuẩn mực đạo đức. Đó là tự giác, nghiêm túc thực hiện các nội dung chuẩn mực đạo đức cách mạng, đạo đức công chức, công vụ theo quy định của Đảng, của cấp ủy, chính quyền địa phương để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị được giao.

Ba là, gương mẫu thực hành và giữ gìn lối sống lành mạnh, giản dị, khiêm tốn, trung thực, nếp sống văn hóa nơi công sở và nơi cư trú theo chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân, phải được dân tin cậy. Vì vậy, những người làm trong các công sở càng phải làm gương đời sống mới cho dân bắt chước. Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành”(8). Đề cao trách nhiệm nêu gương trong thực hiện văn hóa công vụ: “Trong giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ”, “không được duy ý chí, áp đặt, bảo thủ; phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của cấp dưới; gương mẫu trong giao tiếp, ứng xử”(9).

Bốn là, gương mẫu đấu tranh phòng, chống suy thoái về đạo đức, lối sống của bản thân và cán bộ, công chức cấp dưới, đồng thời đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý phải thực sự đi đầu trong việc ngăn ngừa biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của bản thân và kiểm soát cấp dưới tu dưỡng, rèn luyện, đồng thời đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chịu trách nhiệm trước những sai phạm của cấp dưới, tại cơ quan, đơn vị. Kiên quyết chống mọi biểu hiện lợi dụng quyền hạn, uy tín cá nhân để gây áp lực đối với những cá nhân có thẩm quyền thực thi quyền lực làm trái các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm trục lợi.

Năm là, nêu gương về phong cách làm việc khoa học, dân chủ, sáng tạo. Cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý phải thực sự phát huy dân chủ và tính sáng tạo trong huyện ủy, ban thường vụ huyện ủy, chính quyền huyện để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, quyết tâm ngăn ngừa và khắc phục những biểu hiện thụ động, thiếu trách nhiệm, thiếu dân chủ của bản thân.

Sáu là, nêu gương về phong cách làm việc gần dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân trong huyện. Mọi hoạt động của cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý phải thực sự xuất phát từ lợi ích của nhân dân, luôn gần dân, sát dân, lắng nghe và thấu hiểu nhân dân, chủ động đối thoại với nhân dân, thực hiện nghiêm quy chế tiếp dân và thực sự phục vụ nhân dân.

Bảy là, nêu gương trong thực hiện nghĩa vụ công dân và giữ mối liên hệ với tổ chức đảng nơi cư trú. Bất kỳ cán bộ lãnh đạo, quản lý nào cũng là một công dân, có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các quy định ở nơi cư trú. Cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý càng đòi hỏi phải gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các quy định của địa phương, là tấm gương để nhân dân noi theo.

3. Thực hiện trách nhiệm nêu gương về ý thức tổ chức kỷ luật, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng

Nội dung thực hiện trách nhiệm nêu gương về ý thức tổ chức kỷ luật, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng của cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý gồm:

Một là, gương mẫu chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định nhiệm vụ của người đảng viên là “phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng”(10). Cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý phải gương mẫu chấp hành sự phân công, điều động của tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy, chính quyền tỉnh, của huyện ủy, ban thường vụ huyện ủy với ý thức tự giác cao và luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, không kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, có nhiều lợi ích, bỏ việc khó, ít lợi ích.

Hai là, nêu gương chấp hành các quy định, quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị nơi công tác và địa phương nơi cư trú. Với vị trí, vai trò, chức trách, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác trong từng tổ chức, cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý phải gương mẫu, tự giác chấp hành đầy đủ nội dung các quy định tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy, chính quyền tỉnh, đặc biệt, thực hiện tốt quy chế làm việc của huyện ủy, ban thường vụ huyện ủy, của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân huyện.

Ba là, nêu gương thực hiện các quy chế, quy định về kê khai và công khai tài sản thu nhập đúng, đủ, kịp thời theo quy định; báo cáo đầy đủ, trung thực với cấp trên; cung cấp thông tin chính xác, khách quan. Cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý phải gương mẫu, trung thực, tự giác kê khai đầy đủ, chính xác tài sản từ lương và các nguồn tài sản khác ngoài lương không chỉ của bản thân mà cả của vợ, chồng, con, đồng thời phải công khai thu nhập, tài sản trước tổ chức, cơ quan, đơn vị và nhân dân.

Bốn là, gương mẫu, tự nguyện, tự giác thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung cụ thể của các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, thể hiện cụ thể ở: gương mẫu phát huy dân chủ, trí tuệ, sáng tạo của tập thể trong xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch của địa phương; gương mẫu phát huy dân chủ trong công tác tổ chức, cán bộ, nhất là các khâu đánh giá, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm; gương mẫu phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng: “Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu thật thà tự phê bình, phải hoan nghênh và khuyến khích mọi người phê bình mình, tức là phải thực hiện dân chủ rộng rãi”(11), “Phải thật sự mở rộng dân chủ trong cơ quan. Phải luôn luôn dùng cách thật thà tự phê bình và thẳng thắn phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên. Phải kiên quyết chống cái thói “cả vú lấp miệng em” ngăn cản quần chúng phê bình. Một đảng viên ở địa vị càng cao, thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ”(12); gương mẫu về tôn trọng ý kiến của tập thể, ý kiến của thiểu số; gương mẫu tự phê bình các mặt hoạt động của bản thân; gương mẫu phê bình và tự phê bình hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác của cấp ủy, chính quyền; gương mẫu góp ý và tiếp thu ý kiến đóng góp của tập thể, tự soi, tự sửa, đấu tranh bảo vệ cái đúng, chống biểu hiện sai trái trong đơn vị.

4. Thực hiện trách nhiệm nêu gương đối với chức trách, nhiệm vụ được giao

Nội dung thực hiện trách nhiệm nêu gương đối với chức trách, nhiệm vụ gắn liền với hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của từng cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý, thể hiện sự khác biệt trong thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý với cán bộ, đảng viên, công chức khác qua các nội dung sau:

 Một là, gương mẫu quán triệt, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết, chỉ thị của các cấp ủy đảng. Cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý có trách nhiệm quán triệt kịp thời, đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của cấp ủy cấp trên, tự giác, gương mẫu cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, của cấp ủy gắn với thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đồng thời kịp thời tổ chức các hội nghị học tập, phân công các tổ chức, cá nhân thực hiện. Thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương này đảm bảo cho đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy và chính quyền địa phương dễ đi vào cuộc sống của nhân dân.

Hai là, gương mẫu chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị. Là những người được giao quyền, có quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý thực hiện trách nhiệm nêu gương về chức trách, nhiệm vụ chính là thực thi quyền lực được giao rõ, đúng, đủ với trách nhiệm cao, không lạm quyền, lộng quyền, vượt quyền, sai quyền. Mỗi cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý thực hiện các nhiệm vụ khác nhau và phải thực hiện tốt nhất chức trách, nhiệm vụ của mình, qua đó tác động mạnh mẽ đến cán bộ cấp cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Ba là, gương mẫu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tổ chức, cán bộ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình”(13). Quán triệt chỉ dẫn của Người, cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý phải gương mẫu chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, của tỉnh ủy về công tác tổ chức, cán bộ, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong công tác cán bộ, đặc biệt các khâu đánh giá, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ và xử lý cán bộ khi có sai phạm,...Theo Quy định số 101-QĐ/TW, nêu gương về trách nhiệm trong công tác cán bộ còn thể hiện ở việc kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”. Cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý phải nhận diện và chỉ rõ những biểu hiện cơ hội, thực dụng, lợi ích nhóm ở cơ quan, đơn vị và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện đó.

Bốn là, gương mẫu chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý nêu gương trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Đó là hoạt động nêu gương trong chủ động xây dựng phương hướng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp ủy, đồng thời cùng với cấp ủy chỉ đạo các tổ chức đảng thuộc phạm vi quản lý thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo đúng kế hoạch.

Năm là, gương mẫu xây dựng tập thể đoàn kết, thống nhất, chống chia rẽ, bè phái, lợi ích nhóm. Thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương xây dựng sự đoàn kết, thống nhất phát huy sức mạnh của cấp ủy, chính quyền huyện, thể hiện ở kết quả lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Quy định số 101-QĐ/TW cũng chỉ rõ một trong những nội dung nêu gương về trách nhiệm trong công tác là “Kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”(14).

Sáu là, nêu gương về sự chủ động, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ và dám chịu trách nhiệm đối với hoạt động của mình. Quy định số 89-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý nêu một trong những tiêu chuẩn của cán bộ là: “..., năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và vì nhân dân phục vụ”(15). Cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý phải nêu gương về sự chủ động, sáng tạo trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành cơ quan, đơn vị, đồng thời, phải gương mẫu trong dám làm, dám chịu trách nhiệm đối với hoạt động của mình và chịu trách nhiệm đối với hoạt động của tổ chức, cá nhân do mình quản lý.

Bảy là, gương mẫu xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển địa phương đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Mọi hoạt động của cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý phải thực sự xuất phát từ lợi ích của nhân dân, luôn gần dân, sát dân, có ý thức phục vụ nhân dân trong huyện.

Tám là, gương mẫu chủ động đối thoại với nhân dân, thực hiện quy chế tiếp dân, giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh trong nhân dân. Đảng ta yêu cầu: “Các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhân dân; tin dân, tôn trọng những người có ý kiến khác; làm tốt công tác dân vận, có cơ chế, pháp luật để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng thực hiện quyền làm chủ của mình”(16).

Những nội dung nêu gương nêu trên phải được thực hiện bằng các phương thức sau:

Một là, thực hiện trách nhiệm nêu gương bằng bản cam kết, chương trình hành động. Để thực hiện trách nhiệm nêu gương, cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý phải xây dựng kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện bằng các bản cam kết, chương trình hành động cá nhân theo từng vị trí công tác và dựa trên những quy định của Đảng, của các cấp ủy về những nội dung cụ thể. Bản cam kết, chương trình hành động phải thể hiện đầy đủ nội dung, hình thức, biện pháp, thời gian và kết quả thực hiện, đồng thời thể hiện rõ trách nhiệm và quyết tâm thực hiện của cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý.

Hai là, thực hiện trách nhiệm nêu gương bằng hành động, thống nhất giữa lời nói và việc làm, thể hiện qua thực tiễn hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, hoạt động tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất, năng lực với các nội dung sau: Nói đúng theo Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các cấp ủy đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; làm những điều đã nói; nói những điều đã làm; nói đến đâu làm đến đó; làm đến đâu nói đến đó; chống bệnh hình thức, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói một đằng làm một nẻo, nói mà không làm.

Ba là, thực hiện trách nhiệm nêu gương bằng kết quả thực hiện nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về kết quả trong hoạt động lãnh đạo, quản lý. Đó là kết quả phát triển các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; kết quả xây dựng đảng bộ và chính quyền huyện đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với đảng bộ, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị huyện được củng cố. Đồng thời, cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý phải dám chịu trách nhiệm trước huyện ủy, ban thường vụ huyện ủy, chính quyền huyện, trước cấp ủy, chính quyền tỉnh, trước Đảng, trước nhân dân và trước pháp luật về hoạt động của mình, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không tranh công đổ lỗi.

Bốn là, thực hiện trách nhiệm nêu gương thông qua việc tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực công tác. Phương thức thực hiện trách nhiệm nêu gương này thể hiện trong toàn bộ hoạt động của cán bộ lãnh đạo, quản lý, với các nội dung cụ thể: thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức; thường xuyên học tập, nâng cao trình độ, năng lực công tác.

Năm là, thực hiện trách nhiệm nêu gương thông qua vận động gia đình, người thân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vận động gia đình, người thân, nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý nói riêng. Muốn vận động có kết quả tốt, bản thân họ phải thực sự gương mẫu, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của người lãnh đạo, quản lý.

Như vậy, đội ngũ cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương không chỉ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của huyện ủy, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền huyện, khẳng định uy tín của cấp ủy, chính quyền và mỗi cán bộ mà còn là kênh để lựa chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý quan trọng cho các cơ quan, tổ chức của tỉnh hoặc cấp Trung ương. Thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý còn góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là một phương thức xây dựng văn hóa chính trị, văn hóa trong Đảng nói chung, văn hóa trong các tổ chức đảng, chính quyền các huyện nói riêng. Vì vậy, mỗi cán bộ huyện diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý phải thực hiện tốt các nội dung, phương thức thực hiện trách nhiệm nêu gương.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2020

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.171.

(2), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.54, 318.

(3), (5), (6), (7), (8), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.290-291, 118, 293, 293, 122, 123.

(4), (10) ĐCSVN: Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2017, tr.9, 8.

(9) Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ, Phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.454.

(14) Ban Bí thư (2012), Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

(15) ĐCSVN: Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4-8-2017 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

 

(16) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.240.

ThS Nguyên Thị Thảo

Học viện Chính trị khu vực II

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền