Trang chủ    Thực tiễn    Giữ vững và phát huy tinh thần quốc tế của “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình hiện nay
Thứ hai, 27 Tháng 7 2020 12:53
2813 Lượt xem

Giữ vững và phát huy tinh thần quốc tế của “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình hiện nay

(LLCT) - Ngay từ những ngày đầu thành lập, Quân đội nhân dân Việt Nam đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục, rèn luyện tinh thần đoàn kết quốc tế, hết lòng hết sức vượt mọi gian khổ, hy sinh, anh dũng chiến đấu chống kẻ thù chung, hoàn thành tốt nhiệm vụ dân tộc và nghĩa vụ quốc tế. Phẩm chất thủy chung với bạn bè quốc tế của Bộ đội Cụ Hồ là giá trị tốt đẹp, bền vững, phản ánh sâu sắc bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của Quân đội ta. Giữ gìn và phát huy tinh thần quốc tế của Bộ đội Cụ Hồ là yêu cầu bức thiết, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và thường xuyên của Quân đội ta trong mọi giai đoạn cách mạng.

 

Từ khóa: Bộ đội Cụ Hồ, thủy chung, tinh thần quốc tế.

1. Tinh thần quốc tế của “Bộ đội Cụ Hồ” trong kháng chiến cứu nước

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, mặc dù chính quyền cách mạng còn non trẻ, Quân đội mới được thành lập, cách mạng nước ta đứng trước những thử thách nghiêm trọng, nhưng do yêu cầu, đòi hỏi cấp bách của tình hình cách mạng Lào và cách mạng Campuchia, theo chủ trương của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các liên khu đã cử nhiều cán bộ, chiến sĩ ưu tú, vào ban xung phong công tác, các đội vũ trang tuyên truyền sang giúp bạn Lào, các đơn vị tình nguyện đã phối hợp với bạn đi sâu vào các vùng địch tạm chiếm xây dựng cơ sở kháng chiến, dần hình thành căn cứ địa trên các vùng chiến lược thượng, trung, hạ Lào; xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng từ những đội du kích nhỏ lẻ của bản làng đến các trung đội, đại đội độc lập đánh địch ngày càng hiệu quả. Đối với cách mạng Campuchia, các khu 7, 8, 9 lần lượt phái nhiều đoàn cán bộ, đơn vị vũ trang quân tình nguyện sang phối hợp với Bạn đánh địch, xây dựng căn cứ, xây dựng tổ chức ít-xa-rắc, thành lập các ủy ban giải phóng, phát triển phong trào kháng chiến trên khắp các vùng, đưa đến sự ra đời của Mặt trận Dân tộc thống nhất, Chính phủ kháng chiến. Năm 1951 những người cộng sản Campuchia thành lập Đảng Nhân dân cách mạng Khơme, thống nhất các lực lượng vũ trang trên cả nước với tên gọi Quân đội giải phóng ít-xa-rắc(1).

Quân tình nguyện Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách khốc liệt ban đầu, toàn tâm, toàn lực kiên trì giúp đỡ nhân dân, lực lượng vũ trang cách mạng Lào, Campuchia, mở rộng căn cứ địa kháng chiến, càng đánh càng trưởng thành, tạo thế và lực mới cho kháng chiến ba nước, buộc quân Pháp phải phân tán lực lượng đối phó khắp Đông Dương. Những năm cuối kháng chiến chống thực dân Pháp, bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Lào, Campuchia mở nhiều chiến dịch tiến công quy mô lớn, phối hợp có hiệu quả với chiến trường chính Bắc Bộ Việt Nam, tiêu diệt được nhiều địch và mở rộng vùng giải phóng ở khắp nước Lào và Campuchia, tạo thế và lực có lợi cho cách mạng ba nước Đông Dương, góp sức không nhỏ vào thắng lợi chung của trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Sau Hiệp định Giơnevơ, quân tình nguyện Việt Nam rút về nước, nhưng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” chí tình chí nghĩa, không nề hà mọi gian khổ hy sinh, hết lòng giúp đỡ cách mạng Lào, cách mạng Campuchia từ khi còn trứng nước ngày một phát triển, mãi mãi còn in dấu ấn không phai mờ trong tâm trí nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng các nước bạn.

Năm 1949, trước sức mạnh tiến công của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, quân Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch có ý đồ dồn sức bám giữ Hoa Nam, nhất là khu vực biên giới Trung - Việt. Trước tình hình đó, tháng 3-1949, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cử đại diện sang gặp Trung ương Đảng ta đề nghị cho quân đội sang giúp xây dựng, củng cố biên khu Điền Quế và Việt Quế, phát triển nhanh chóng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang để đón “Đạo quân Nam Hạ”.

Với tinh thần quốc tế vô sản cao cả và coi “giúp bạn là tự giúp mình”, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chấp nhận đề nghị của bạn và chỉ thị cho Bộ Tổng Tư lệnh đưa một bộ phận lực lượng sang phối hợp hoạt động với bạn. Những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, tuy đất nước còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, nhân dân và lực lượng vũ trang ở các tỉnh biên giới Liên khu Việt Bắc đã nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ vũ khí đạn dược, thuốc men cho cán bộ, bộ đội bạn tạm lánh sang Việt Nam tránh những trận càn quét ác liệt của Quốc dân Đảng Trung Quốc. Kế tục truyền thống tận tình che chở, đùm bọc bạn bè, các đơn vị thuộc Liên khu Việt Bắc, vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn về lương thực, trang bị vũ khí, kiên quyết chấp hành mệnh lệnh của trên, nhanh chóng vượt rừng núi hiểm trở, mưa nắng thất thường, tiến quân vào hai hướng Tả Giang (Long Châu) và Thập vạn Đại Sơn (Phòng Thành, Khâm Châu) tích cực phối hợp với lực lượng vũ trang của bạn dưới quyền chỉ huy của một Bộ Tư lệnh chung. Quân đội ta và bạn phối hợp đánh nhiều trận diệt đồn, phục kích, tập kích, tao ngộ chiến… giải phóng vùng đất đai rộng lớn trên đất bạn giáp biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn, mở rộng khu căn cứ cách mạng của Trung Quốc.

Cuộc chia tay tiễn biệt cán bộ, chiến sĩ ta về nước bên dòng sông Phù Lùng (Quảng Đông) thật cảm động. Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Bạn và nhân dân địa phương lưu luyến vẫy tay chào bộ đội ta vượt sông như không muốn rời xa những người anh em Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm, quên mình vì sự nghiệp cách mạng của nhân dân Trung Quốc(2).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tình đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt giữa nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng ba nước Đông Dương tiếp tục được phát huy lên tầm cao mới.

Cuối những năm 50 của thế kỷ XX, đế quốc Mỹ can thiệp trắng trợn, phá hoại Chính phủ Liên hiệp dân tộc Lào, gạt các đại diện của Mặt trận yêu nước Neo-Lào-Hắc xạt ra khỏi Chính phủ, đưa bọn tay sai Phủi-Xa-Na-Ni-Côn ra lập Chính phủ mới. Chúng đã thẳng tay đàn áp các lực lượng chủ trương hòa hợp dân tộc, tìm mọi cách để thủ tiêu Neo-Lào-Hắc xạt, bắt giam Hoàng thân Xuphanôvông và một số nghị sĩ, một số nhà lãnh đạo Mặt trận Lào yêu nước, bao vây và gửi tối hậu thư buộc tiểu đoàn 1 và 2 Pa-thét Lào phải đầu hàng trong vòng 24 giờ... Nhờ khéo léo nghi binh, chuẩn bị chu đáo và được nhân dân giúp đỡ, toàn bộ tiểu đoàn 2 và phần lớn tiểu đoàn 1 đã rút về căn cứ kháng chiến an toàn; Hoàng thân Xuphanôvông và các đại diện Mặt trận, nghị sĩ Quốc hội, sau tám tháng bị giam giữ đã bí mật thoát khỏi nơi bị địch giam cầm.

Tháng 8-1960, nhận rõ bộ mặt tàn bạo của Chính quyền thân Mỹ, Ủy ban đảo chính dưới quyền chỉ huy của đại úy Koong-le nắm một số đơn vị bộ binh, dù, cơ giới và không quân, phối hợp với đông đảo học sinh, sinh viên Viên Chăn, được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ đã làm cuộc đảo chính lật đổ Chính phủ Xôm-xa-nit, chiếm giữ được nhiều cơ quan quan trọng ở Viên Chăn. Cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Lào diễn ra gay go phức tạp, Mặt trận Lào yêu nước tích cực nâng đỡ và tranh thủ lực lượng trung lập của Koong-le chống lại những mưu đồ tội ác của lực lượng phản động tay sai đế quốc Mỹ.

Trong những tình huống phức tạp, đầy cam go ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, Quân đội ta hết lòng tìm mọi cách giúp đỡ lực lượng cách mạng Lào, luôn ở bên cạnh Bạn, hoặc bằng hình thức cố vấn chuyên gia, hoặc bằng các đơn vị thích hợp chi viện, phối hợp cùng Bạn vượt mọi khó khăn, gian khổ hy sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của cách mạng Lào.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ đi vào hồi kết, tập đoàn phản động Pôn Pốt-Iêng Xary bằng nhiều thủ đoạn thâm độc xảo quyệt, đã chiếm quyền lãnh đạo tại Campuchia. Ngay sau khi chiếm được Phnôm-pênh, quân lính Pôn Pốt lùa tất cả mọi người dân già trẻ, gái trai, sư sãi, nhà giáo, nhà buôn... ra khỏi thành phố để lao động khổ sai ở nông thôn, rừng núi, thực hiện ý đồ quái gở của bọn diệt chủng: làm trong sạch nội bộ nhân dân, xây dựng xã hội Campuchia không chợ, không tiền, không trường học, không chùa chiền, không trí thức, không tôn giáo, không đô thị... Pôn Pốt biến đất nước Campuchia thành một trại khổ sai khổng lồ, đầy rẫy những hố chôn người tập thể. Dân tộc Campuchia có nguy cơ diệt chủng. Đồng thời, Pôn Pốt gieo rắc tư tưởng thù hằn dân tộc, coi Việt Nam là kẻ thù số một, truyền kiếp, liên tiếp tiến công xâm lấn nhiều đảo và vùng đất của Việt Nam sát biên giới. Ngày 30-4-1977, chúng mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới xâm lược Việt Nam, đốt phá xóm làng, thị trấn, tàn sát dân lành.

Việt Nam đã hết sức kiềm chế, kiên trì đề nghị đàm phán giải quyết xung đột một cách hòa bình. Nhưng tất cả mọi cố gắng của Việt Nam đều bị Pôn Pốt cự tuyệt. Không còn con đường nào khác để vãn hồi hoà bình, đáp ứng tiếng gọi khẩn thiết của nhân dân Campuchia, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và thực hiện sứ mệnh thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, ngày 23 -12 -1978, Quân đội nhân dân Việt Nam đã mở cuộc phản công chiến lược, cùng với các lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đánh tan lực lượng quân sự Pôn Pốt, giải phóng đất nước Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng. Bộ đội Việt Nam cùng với các lực lượng yêu nước chân chính Campuchia đã giúp hàng triệu người dân tiều tụy, đói khát trở về quê cũ; tổ chức cứu đói, chữa bệnh, khôi phục sản xuất, làm lại nhà cửa, trường học, chùa chiền, bệnh xá cho nhân dân. Nhân dân Campuchia gọi bộ đội Việt Nam là “Bộ đội nhà Phật” hy sinh quên mình, tận tình giúp đỡ nhân dân Campuchia vượt mọi khó khăn, khôi phục cuộc sống thanh bình, tuyệt nhiên không có một hành động trả thù nào, đối xử rất nhân đạo với tù hàng binh.

Nhìn tổng quát lại, hơn 7 thập kỷ qua, phẩm chất “thủy chung với bạn bè quốc tế” của bộ đội Cụ Hồ hình thành và phát triển trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt, nhân dân ba nước Đông Dương tăng cường khối đoàn kết, liên minh chiến đấu, tập trung mọi sức lực chống đế quốc xâm lược, giành độc lập dân tộc, hòa bình và hạnh phúc cho nhân dân, đất nước. Đó là phẩm chất, tình cảm, thái độ đối với những người bạn chiến đấu, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản chân chính, của hệ tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin cách mạng và sáng tạo, những người bạn chiến đấu cùng chung trận tuyến chống đế quốc và các thế lực phản động vì mục tiêu, lý tưởng cao đẹp giải phóng dân tộc, mưu cầu ấm no hạnh phúc cho nhân dân, hòa bình và tiến bộ xã hội cho nhân loại.

Quân đội nhân dân Việt Nam có thể tự hào là một trong những lực lượng cách mạng đấu tranh ngoan cường dưới khẩu hiệu chiến lược: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”. Nhân dân Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tâm niệm lời chỉ dạy chí tình của Bác Hồ: “Quan sơn muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em”.

2. Tinh thần quốc tế của Quân đội nhân dân Việt Nam trong bối cảnh mới

Trong bối cảnh quốc tế mới hiện nay, truyền thống đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, chí nghĩa, chí tình của Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn đang tiếp tục được phát triển dưới những hình thái mới thông qua các hoạt động đối ngoại, hợp tác quân sự, quốc phòng, đặc biệt là việc tham gia có hiệu quả vào các hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc. Từ năm 2005, Việt Nam đã cử các đoàn công tác liên ngành đi thăm quan và khảo sát thực tế các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc, nhằm học hỏi kinh nghiệm chuẩn bị và triển khai lực lượng; cử cán bộ tham gia các khóa tập huấn về gìn giữ hòa bình do Liên Hợp quốc tổ chức ở nước ngoài. Việt Nam đã nhận thức rõ đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vẻ vang, đòi hỏi trách nhiệm và sự nỗ lực rất lớn khi được tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc. Từ 2 sĩ quan đầu tiên (2014), đến nay Việt Nam đã cử 93 cán bộ làm nhiệm vụ sĩ quan liên lạc, tham mưu và quan sát viên tại Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc ở Nam Xu Đăng và Cộng hòa Trung Phi. Các sĩ quan tham gia hoạt động này, ngoài trình độ ngoại ngữ tốt, phẩm chất chính trị vững vàng, còn phải có kiến thức đối ngoại quốc phòng, năng lực quân sự đáp ứng yêu cầu cao trong môi trường đa quốc gia. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đội chiếc mũ nồi xanh của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc thực sự là một biểu tượng mà Việt Nam muốn gửi tới bạn bè quốc tế. Đó là truyền thống, đạo lý yêu chuộng hòa bình của con người và đất nước Việt Nam. Đó là một Việt Nam sẵn sàng chung tay, góp sức vì một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại.

Như vậy, có thể khẳng định phẩm chất thủy chung với bạn bè quốc tế của Bộ đội Cụ Hồ là giá trị tốt đẹp, bền vững, phản ánh sâu sắc bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của Quân đội ta. Phẩm chất thủy chung với bạn bè quốc tế của Bộ đội Cụ Hồ không phải tự nhiên có, càng không phải tự phát hình thành, mà phẩm chất ấy được hình thành, phát triển và hoàn thiện trong suốt quá trình lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Để giữ vững và phát huy phẩm chất thủy chung trong sáng với bạn bè quốc tế của Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới, cần thực hiện tốt những giải pháp cơ bản sau:

Một là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với quân đội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định, Quân đội ta có sức mạnh vô địch vì đó là một Quân đội nhân dân, do Đảng ta xây dựng, lãnh đạo và giáo dục. Thực tiễn hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã chứng minh sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và quản lý của Nhà nước là nhân tố quyết định đối với việc xây dựng, giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống cách mạng của Quân đội, phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ. Trong tình hình hiện nay, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước là nhân tố quyết định trong định hướng quan hệ, hợp tác về quân sự, quốc phòng; trong giữ vững và phát huy phẩm chất thủy chung với bạn bè quốc tế của Bộ đội Cụ Hồ.

Trước hết, phải kiên trì giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, kết hợp với nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với Quân đội; đấu tranh kiên quyết chống thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch. Xác định rõ đối tượng, đối tác, mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc cơ bản trong quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới trong tình hình mới. Đảng ủy Quân sự Trung ương nắm vững đường lối đối ngoại quân sự, quốc phòng của Đảng, từ đó cụ thể hóa thành những nghị quyết, chỉ thị để các đơn vị quán triệt và chấp hành. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, cán bộ, đảng viên các cấp trong toàn quân phải chấp hành sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trước hết thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy Quân sự Trung ương. Trong các nghị quyết của các cấp ủy, tổ chức đảng phải có nội dung chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo việc phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ một cách cụ thể, thiết thực.

Hai là, nâng cao chất lượng giáo dục phẩm chất thủy chung với bạn bè quốc tế của Bộ đội Cụ Hồ cho cán bộ, chiến sĩ. Để giáo dục, phát huy phẩm chất thủy chung với bạn bè quốc tế của Bộ đội Cụ Hồ cho cán bộ, chiến sĩ cần phải quán triệt quan điểm toàn diện, coi việc giáo dục phẩm chất thủy chung với bạn bè quốc tế trong tổng thể giáo dục, phát huy các phẩm chất khác là một nội dung quan trọng của quân đội, là kết quả tổng hợp của giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, sẵn sàng chiến đấu, lao động sản xuất, làm công tác dân vận, làm nhiệm vụ quốc tế và của mọi hoạt động chính trị - xã hội.

Giáo dục phẩm chất thủy chung với bạn bè quốc tế của Bộ đội Cụ Hồ cho cán bộ, chiến sĩ phải phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ của từng quân chủng, quân khu, binh chủng, học viện, nhà trường, đơn vị, gắn với địa bàn hoạt động cụ thể. Hình thức, phương pháp giáo dục phải linh hoạt sáng tạo phù hợp với từng đối tượng, từng đơn vị cụ thể. Hiện nay, cần sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời tổ chức tốt các hoạt động thăm quan, tiếp xúc nhân chứng lịch sử, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu truyền thống Quân đội, truyền thống đơn vị,... để giáo dục phẩm chất thủy chung với bạn bè quốc tế của Bộ đội Cụ Hồ.

Ba là, phát huy vai trò tự giáo dục, rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ trong giữ vững và phát huy phẩm chất thuỷ chung với bạn bè quốc tế. Phẩm chất thủy chung với bạn bè quốc tế của Bộ đội Cụ Hồ không phải tự nhiên mà có được ở cán bộ, chiến sĩ; nó là kết quả của quá trình giáo dục rèn luyện công phu cả từ hai phía tổ chức và cá nhân, trong đó vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo trong tự giáo dục, tự phát huy của mỗi cán bộ, chiến sĩ là yếu tố trực tiếp quyết định. Trước hết, phải giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ có nhận thức đúng đắn về tự học, tự rèn, nâng cao nhận thức về phẩm chất thủy chung với bạn bè quốc tế của Bộ đội Cụ Hồ hiện nay. Cán bộ, chiến sỹ cần xác định rõ phương hướng, nội dung, biện pháp, có ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên trong tự học tập, rèn luyện, tự tu dưỡng cho xứng danh với phẩm chất thủy chung với bạn bè quốc tế của Bộ đội Cụ Hồ.

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng trong Quân đội, của hệ thống chính trị và toàn dân, giữ vững phát huy phẩm chất thủy chung với bạn bè quốc tế của Bộ đội Cụ Hồ. Giữ vững và phát huy phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị, trước hết là trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng trong Quân đội, nhất là cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị. Điều này phải được thể hiện cụ thể trong các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, chương trình hoạt động của từng tổ chức, đơn vị. Các tổ chức như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ, Công đoàn, Hội đồng quân nhân có trách nhiệm giáo dục, tổ chức các hoạt động để góp phần giữ vững và phát huy phẩm chất thủy chung với bạn bè quốc tế của Bộ đội Cụ Hồ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cần tiếp tục rà soát, bổ sung hệ thống pháp luật, chính sách để quản lý Quân đội, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để Quân đội triển khai thực hiện tốt các hoạt động hợp tác, đối ngoại về quân sự, quốc phòng phù hợp với tình hình mới. Các tổ chức chính trị - xã hội cần có nội dung, chương trình hoạt động cụ thể, thiết thực phối hợp với Quân đội trong hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lao động sản xuất, giáo dục rèn luyện cán bộ, chiến sĩ, tạo điều kiện tốt để họ phát huy phẩm chất thủy chung với bạn bè quốc tế.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2020

(1) Bộ Tổng Tham mưu: Tài liệu tình hữu nghị Việt Nam - Lào và Campuchia, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018.

(2) Bộ đội Cụ Hồ với nhiệm vụ quốc tế cao cả, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.18, 24.

TS Trần Tuấn Sơn

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Thiếu tá, TS Lê Duy Thắng

Trường Sĩ quan chính trị - Bộ Quốc phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền