Trang chủ    Thực tiễn    Tác động và triển vọng kinh tế do đại dịch COVID-19
Thứ hai, 24 Tháng 8 2020 10:17
1228 Lượt xem

Tác động và triển vọng kinh tế do đại dịch COVID-19

(LLCT) - Đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng nhanh chóng, gây ra một loạt hệ quả nặng nề chưa từng có cho cộng đồng các nước trên thế giới, cũng như cho Việt Nam. Hầu hết chính phủ các nước đều "hành động nhanh chóng và quyết liệt", với các biện pháp đồng bộ ở cả ba trụ cột: bảo vệ người lao động tại nơi làm việc, kích thích nền kinh tế, hỗ trợ việc làm và thu nhập. Đối với Việt Nam, một tư duy mới về sống chung với dịch bệnh cần được hình thành và đòi hỏi năng lực thích nghi mới của cả bộ máy quản lý, cộng đồng  doanh nghiệp, cũng như từng người dân; theo đó, cần đề cao sự linh hoạt thích ứng với thị trường với bối cảnh mới; hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp thông qua các giải pháp tài chính, tín dụng, nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường; phát triển thương mại điện tử...

Từ khóa: tác động kinh tế, đại dịch COVID-19.

1. Tác động của đại dịch COVID-19 tới kinh tế thế giới

Điểm nhấn nổi bật trên toàn thế giới trong quý I/2020 là sự bùng phát và lan rộng nhanh chóng của đại dịch COVID-19 gây ra một loạt hệ quả nặng nề cả về con người, kinh tế và xã hội cho cả thế giới.

Một điểm nhấn khác của thị trường dầu mỏ thế giới quý I/2020 là sự sụt giảm sâu giá dầu mỏ quốc tế, còn khoảng 24 USD/thùng, tức thấp hơn cả mức thấp nhất của năm 2016. Đây là kết quả từ sự đổ vỡ thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu giữa OPEC và Nga, được cộng hưởng thêm sự suy giảm tổng cầu thế giới, do “đóng băng” các nền kinh tế và tăng giãn cách xã hội vì đại dịch COVID-19.

Trong nghiên cứu toàn diện đầu tiên về tác động của dịch COVID-19 đối với các nền kinh tế lớn trên thế giới được công bố ngày 2-3-2020, trên giả định trong quý I/2020 dịch COVID-19 sẽ đạt đỉnh tại Trung Quốc và hạ nhiệt tại các nước khác, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khẳng định nền kinh tế toàn cầu đã có nguy cơ suy thoái rõ ràng trong quý I/2020 và đã hạ 0,5% mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 xuống còn 2,4%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Các thị trường chứng khoán toàn cầu đã lao dốc khi giới đầu tư tìm đến trái phiếu và các kênh đầu tư an toàn khác do lo ngại chi tiêu tiêu dùng và đầu tư doanh nghiệp sẽ “đóng băng” do dịch bệnh, từ đó làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp.

OECD đã hạ 0,4% dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Ý, Nhật Bản, Nga; hạ 0,3% đối với các nền kinh tế Canada, Pháp, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina; hạ 1,1% của Ấn Độ; hạ 0,6% của Nam Phi và đối với Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20); hạ 0,5% của Australia và Mexico. Tăng trưởng của khu vực sử dụng đồng Euro được dự đoán vẫn ảm đạm ở mức trung bình khoảng 1% trong năm 2020 và 2021.

Nhưng nếu dịch bệnh diễn biến trầm trọng và kéo dài hơn, lan rộng ra khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương, châu Âu và Nam Mỹ, điều này sẽ làm giảm đáng kể các triển vọng của kinh tế thế giới, thì tăng trưởng toàn cầu có thể giảm xuống còn 1,5% năm 2020, chỉ bằng một nửa mức dự báo trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

OECD khuyến nghị chính phủ các nước “hành động nhanh chóng và quyết liệt” để vượt qua dịch bệnh và có biện pháp bảo vệ thu nhập của các nhóm và doanh nghiệp dễ bị ảnh hưởng. Các chính phủ có thể cấp bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động hay chi trả các chi phí y tế liên quan đến dịch COVID-19; đồng thời, xem xét các biện pháp giảm hay hoãn thuế, nợ; giảm chi phí năng lượng cho các doanh nghiệp ở những vùng và lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, cũng như giảm tạm thời tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng.

Theo một số nghiên cứu của Goldman Sachs, Moody’s, Coface, BNP Paribas Cadif, International SOS..., dịch bệnh COVID-19 có thể khiến GDP toàn cầu giảm khoảng 0,3-0,7% năm 2020.

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo dịch viêm phổi có thể làm giảm 0,1-0,2% tăng trưởng toàn cầu trong năm 2020. Trong khi đó, tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm xuống còn 5,6%, thấp hơn 0,4% so với dự báo được IMF đưa ra trong tháng 1-2020.

Theo Báo cáo đánh giá sơ bộ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO): “COVID-19 và thế giới việc làm: Tác động và giải pháp”, cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động do dịch COVID-19 gây ra có thể làm tăng thêm 25 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu, so với số lượng người thất nghiệp sẵn có là 188 triệu trong năm 2019. Hàng triệu người lao động sẽ phải rơi vào tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, giảm giờ làm và tiền lương, và rớt xuống dưới chuẩn nghèo. Nhóm lao động tự do ở các nước đang phát triển, vốn thường là tấm đệm giúp làm nhẹ bớt độ xung của những tác động do những thay đổi đột ngột mang lại, thì lần này sẽ không còn tác dụng vì những hạn chế di chuyển đối với con người và hàng hóa. Giảm số lượng việc làm đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập lớn cho người lao động, ước tính con số này tương đương từ 860 tỷ USD đến 3,4 nghìn tỷ USD trong năm 2020. ILO ước tính, sẽ có thêm từ 8,8 đến 35 triệu người lao động rơi vào đói nghèo trên khắp thế giới, so mức ước tính trước đây cho năm 2020 là giảm 14 triệu người. Ngoài ra, tác động của cuộc khủng hoảng việc làm tới một số nhóm lao động sẽ không đồng đều và làm gia tăng bất bình đẳng. Những người bị ảnh hưởng lớn bao gồm những người được bảo vệ ít hơn và làm những công việc được trả lương thấp, nhất là lao động trẻ và lao động cao tuổi. Phụ nữ và lao động di cư cũng thuộc nhóm này. Lao động di cư dễ bị tổn thương vì họ thường không được hưởng đầy đủ quyền lao động và an sinh xã hội. Trong khi đó, phụ nữ thường chiếm số đông trong nhóm các công việc lương thấp và các ngành kinh tế bị tác động bởi dịch bệnh.

ILO cũng kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp, quyết đoán trên diện rộng và đồng bộ ở cả ba trụ cột: bảo vệ người lao động tại nơi làm việc, kích thích nền kinh tế và việc làm, và hỗ trợ việc làm và thu nhập. Những biện pháp này bao gồm: mở rộng an sinh xã hội, hỗ trợ khả năng giữ việc làm (như giảm thời giờ làm việc, nghỉ phép có lương, và các trợ cấp khác), giảm thuế và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; hỗ trợ cho vay và hỗ trợ tài chính đối với một số ngành kinh tế cụ thể; tăng cường đối thoại xã hội - đối thoại giữa người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức đại diện của họ; xây dựng niềm tin của công chúng và các tiêu chuẩn lao động quốc tế cập nhật...

Trước sự cấp bách toàn cầu, ngày 26-3-2020, trong tuyên bố chung của cuộc họp trực tuyến, các quốc gia G20 tuyên bố sẽ cùng đóng góp 5.000 tỷ USD cho sự ổn định và duy trì tăng trưởng chung kinh tế thế giới, trong đó sẽ phối hợp với IMF lập một quỹ tài chính lớn hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó với đại dịch.

Dịch COVID-19 đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra hàng loạt vụ phá sản ở mỗi quốc gia, cũng như trên toàn cầu; kéo theo đó là việc giảm tổng cầu xã hội và gia tăng nạn thất nghiệp, gây áp lực mạnh đến công tác bảo đảm an sinh, thu nhập, việc làm theo cả quy mô quốc gia và quốc tế.

Trong bối cảnh đó, nhiều nước đã tung ra các gói cứu trợ trị giá hàng tỷ USD để giúp doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn trước mắt...

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tung ra một loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, như hướng lãi suất thị trường xuống mức thấp hơn và hỗ trợ thanh khoản để giúp các công ty bị ảnh hưởng bởi dịch; hỗ trợ thêm thanh khoản cho một số ngân hàng thông qua việc thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR). Ngày 20-2-2020, Trung Quốc đã hạ lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn một năm thêm 0,1%, xuống 4,05%, và giảm lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm xuống 4,75%. 

Tình hình ở Mỹ xấu đi nhanh đến mức các nhà kinh tế của Morgan Stanley đã thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế trong quý II/2020 từ -4% xuống còn -30,1%; tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên đến 12,8%, mức tiêu thụ giảm 31%. Số người nộp đơn xin hỗ trợ thất nghiệp ở Mỹ đang tăng lên mức kỷ lục, khoảng 3 triệu người. Ngay trong nửa đầu tháng 3-2020, Mỹ đã nhanh chóng thông qua 3 gói tài chính trị giá 8,3 tỷ USD, 104 tỷ USD và 2.000 tỷ USD, để giữ các doanh nghiệp cùng tồn tại, người lao động được trả lương và xét nghiệm y tế miễn phí... Đặc biệt, ngày 15-3-2020, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định hạ 1% lãi suất cơ bản, từ biên độ 1-1,25% hiện nay xuống còn 0-0,25%. Đây là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 2 tuần FED hạ lãi suất đồng USD, và cũng là lần đầu tiên kể từ cuộc Khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008-2009, FED giảm lãi suất xuống thấp ở mức gần như tượng trưng như vậy; đồng thời thông báo kế hoạch mua vào ít nhất 700 tỷ USD trái phiếu nhằm bình ổn các thị trường tài chính.

Ngày 17-3-2020, Anh đã công bố gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp Anh vay trị giá 330 tỷ Bảng và cam kết sẽ bổ sung và làm “bất cứ điều gì” để giúp các công ty và người dân có đủ khả năng tài chính duy trì hoạt động kinh doanh sản xuất, chi trả lương cho nhân viên. Thuế đối với bất động sản cho kinh doanh thương mại được miễn trong năm nay cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, vui chơi giải trí và du lịch. Các cửa hàng, nhà hát, nhà hàng ăn sẽ không phải trả lãi suất vay ngân hàng trong 12 tháng, hay những người đang gặp tài chính khó khăn do COVID-19 được miễn trả lãi suất của khoản vay trả góp trong 3 tháng. Ngoài ra, gói hỗ trợ bằng tiền mặt trị giá 25.000 Bảng cho các công ty trong thời kỳ kinh doanh sản xuất gián đoạn cũng được đưa ra.

Chính phủ Đức dự báo nền kinh tế nước này năm 2020 sẽ giảm ít nhất 5%. Niềm tin tiêu dùng tại Đức tháng 4-2020 tụt xuống mức 2,7 điểm, là chỉ số thấp nhất được ghi nhận kể từ tháng 5-2009; người dân ước tính thu nhập giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua. Trong tháng 3-2020, Đức đã thông qua gói cứu trợ trị giá 1.100 tỷ Euro (1.200 tỷ USD).

Pháp đã công bố gói hỗ trợ 45 tỷ Euro (khoảng 50,22 tỷ USD) cho các doanh nghiệp và người lao động chịu tác động của dịch COVID-19. Ngày 21-3-2020, Ủy ban châu Âu (EC) đã phê chuẩn một đề xuất của Pháp để bảo đảm khoản viện trợ quốc gia lên tới 300 tỷ Euro (323 tỷ USD) nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, một tình huống chưa từng có từ trước đến nay. Chính phủ sẵn sàng bơm vốn hoặc mua cổ phần, thậm chí quốc hữu hóa công ty trong trường hợp cần thiết nhằm tránh để các công ty lớn khỏi bị phá sản.

Ngày 17-3-2020, Tây Ban Nha đã công bố gói cho vay, bảo đảm tín dụng, viện trợ trực tiếp trị giá 200 tỷ Euro (tương đương 219 tỷ USD, chiếm 20% GDP) cho các công ty. Chính phủ sẽ huy động 117 tỷ Euro (128 tỷ USD) và số còn lại sẽ đến từ các công ty tư nhân.

Ba Lan đã tung gói hỗ trợ trị giá gần 52 tỷ USD, tương đương gần 10% GDP của nước này nhằm giúp doanh nghiệp trả lương cho người lao động, tránh phải cắt giảm nhân sự, cho phép trả chậm các khoản an sinh xã hội và tăng mức chi tiêu cho hạ tầng và chăm sóc y tế.

Chính phủ Séc cũng tung gói hỗ trợ 1000 tỷ Kuron (tương đương 40 tỷ USD), bao gồm 100 tỷ Kuron hỗ trợ trực tiếp và 900 tỷ Kuron bảo lãnh cho vay cho các doanh nghiệp.

Chính phủ Romania cũng đã phê duyệt gói viện trợ trị giá gần 2% GDP của Romania để hỗ trợ thất nghiệp, bảo đảm hạn mức tín dụng cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, công ty hoãn nộp thuế thu nhập tối đa 2 tháng.

Chính phủ Thái Lan ngay từ đầu tháng 2-2020 cũng đã đưa ra Chương trình tổng thể hỗ trợ khẩn cấp cho các công ty lữ hành (cho vay ưu đãi, hoãn trả vốn và lãi trong 6 tháng, tạm hoãn đóng thuế thu nhập...), đồng thời giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu bay và giảm phí sân bay để trợ giúp cho ngành hàng không của nước này...

Dù khá muộn thì ngày 26-3-2020, Ấn Độ cũng đã công bố gói cứu trợ kinh tế tổng hợp trị giá 1.700 tỷ Rupee (23 tỷ USD) nhằm hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do dịch COVID-19. Các khoản cứu trợ sẽ dành cho phụ nữ, lao động nhập cư, khu vực yếu thế ở nông thôn và thành thị và được tiến hành theo hai cách: trao tiền mặt trực tiếp và thông qua các biện pháp hỗ trợ về lương thực đủ cho nhu cầu sinh hoạt. Chính phủ Ấn Độ cũng đã cấp cho mỗi y bác sĩ một gói bảo hiểm y tế có giá trị chi trả lên tới 5 triệu Rupee trong trường hợp họ không may nhiễm COVID-19 trong khi thực thi công việc. Chính phủ cũng đã lập một nhóm đặc trách về kinh tế do Bộ trưởng Tài chính đứng đầu, xử lý những vấn đề kinh tế phát sinh do dịch COVID-19 và lệnh giới nghiêm kéo dài 21 ngày trên toàn quốc, bắt đầu từ đêm ngày 24-3-2020 được dự báo sẽ tác động mạnh lên kinh tế Ấn Độ.

2. Tác động của đại dịch COVID-19 tới Việt Nam

Đại dịch COVID-19 là thảm họa dịch bệnh và thách thức y tế, cũng như tạo áp lực quản lý xã hội và phát triển kinh tế chưa từng có cho cộng đồng các nước, cũng như cho Việt Nam.

Trong quý I/2020, cùng với xu hướng khó khăn chung của các nước trên thế giới, gắn với đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tổn thất, khó khăn hơn so cùng kỳ năm trước theo cả hai hướng trái ngược nhau: Một mặt, tăng lạm phát, thất nghiệp và số doanh nghiệp dừng hoạt động, phá sản; dư nợ tín dụng dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch lên đến khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với hoạt động ngân hàng... Mặt khác, giảm về vốn đăng ký và về số lao động của các doanh nghiệp đăng ký mới; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế (lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; đồng thời, giảm lượng du khách quốc tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; số vốn FDI tăng thêm và vốn góp và mua cổ phần cũng giảm). Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện và xuất khẩu quý I/2020 đạt mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Hàng loạt các hoạt động lễ hội, du lịch và học tập, giao lưu tụ tập đông người bị đóng cửa; thu hẹp tối đa các hoạt động vận tải, bán lẻ, ngoại thương, đầu tư, tài chính - ngân hàng. Thu ngân sách nhà nước cũng giảm sút, trong khi nhiệm vụ chi đột xuất cho chống dịch bệnh này ngày càng tăng lên. Đặc biệt, tăng sự đứt gãy và gián đoạn một số chuỗi cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra của một số mặt hàng, ngành chủ lực của Việt Nam đang chịu phụ thuộc cao vào thị trường bên ngoài.

Tuy nhiên, theo Báo cáo Đông Á và Thái Bình Dương thời COVID-19 vừa được Ngân hàng Thế giới công bố ngày 31-3-2020, nền kinh tế Việt Nam quý I/2020, mức tăng trưởng kinh tế 3,82% GDP, dù là mức thấp nhất trong 11 năm qua của Việt Nam, nhưng lại là con số cao nhất trong số các nước có được số liệu đến thời điểm này. Đây là kết quả hội tụ và tín hiệu tích cực phản ánh những nỗ lực chung cải thiện môi trường đầu tư từ năm 2019 và niềm tin thị trường, niềm tin đầu tư.

Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao cả về năng lực đối phó với đại dịch COVID-19 và nỗ lực duy trì động lực tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đại dịch cũng là dịp người dân trải nghiệm và thêm tin tưởng vào năng lực lãnh đạo của Nhà nước. Với phương châm “Chống dịch như chống giặc”, “không để ai bị đói cơm, lạt muối vì dịch” nhằm cả hai mục tiêu: chống dịch tốt để bảo vệ người dân, đồng thời duy trì ổn định kinh tế để sẵn sàng bứt phá khi dịch lắng xuống, Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ tài chính - tín dụng cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch. Thí dụ như miễn, giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ; giãn nộp thuế, tiền thuê đất và chậm nộp BHXH, cùng với các chính sách an sinh khác, cụ thể gồm các gói hỗ trợ về tiền tệ (được nâng lên khoảng 300 nghìn tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180 nghìn tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (trên 62 nghìn tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12 nghìn tỷ), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15 nghìn tỷ đồng).

Đây cũng là thời điểm biểu đạt tình đoàn kết và trách nhiệm cộng đồng, mỗi doanh nghiệp và người dân cần chung sức, đồng lòng cùng Chính phủ nỗ lực vượt khó, đạt bằng được mục tiêu kép trên.

3. Dự đoán triển vọng kinh tế Việt Nam thời gian tới

Theo IMF, những tổn thất do dịch COVID-19 gây ra cho kinh tế toàn cầu trong năm 2020 thậm chí có thể nhiều hơn năm 2009. Kinh tế toàn cầu có nguy cơ đối mặt với tăng trưởng âm và sẽ đòi hỏi một cách phản ứng chưa từng có tiền lệ. Hiện tại, Chính phủ chưa đặt vấn đề điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội 2020; dù vậy, Tổng cục Thống kê cho rằng GDP cả năm 2020 tăng trưởng 5% đã là một thành công.

Theo dự báo được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 3-4-2020, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 sẽ chỉ còn 4,8%; lạm phát ở mức 3,3%, và tiếp tục tăng lên 3,5% năm 2021. Thâm hụt tài khoản vãng lai dự kiến ở mức 0,2% GDP năm nay, trước khi khôi phục được mức thặng dư 1% GDP vào năm 2021. Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Động lực tăng trưởng của nền kinh tế vẫn là tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và khu vực kinh tế tư nhân năng động. Môi trường kinh doanh trong nước vẫn đang được cải thiện, nhưng cần cải thiện chính sách để hỗ trợ hệ thống đổi mới sáng tạo.

Ngày 8-4-2020, tổ chức Fitch Ratings (Fitch) thông báo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB và điều chỉnh triển vọng sang ổn định. Cơ sở Fitch điều chỉnh triển vọng tín nhiệm của Việt Nam từ tích cực sang ổn định phản ánh đánh giá của tổ chức này về tác động ngày càng lan rộng của đại dịch COVID-19 tới nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện tín dụng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, thông qua các kênh xuất khẩu, du lịch và sự giảm sút của tổng cầu. Việc Fitch xác nhận giữ nguyên bậc tín nhiệm quốc gia ở mức BB phản ánh nhận định các điểm sáng về tín dụng của Việt Nam vẫn không bị ảnh hưởng, trong đó bao gồm tiềm năng phát triển vững chắc trong trung hạn, môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định. Gánh nặng nợ Chính phủ được kiểm soát ở mức thấp và khả năng tiếp cận nguồn tài chính đối ngoại thuận lợi hơn so với các quốc gia cùng nhóm xếp hạng. Fitch cũng dự báo đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ quay trở lại vào năm 2021, với mức tăng trưởng dự kiến là 7,3% do nhu cầu trong nước và nước ngoài dần hồi phục theo xu hướng toàn cầu và khu vực.

Trước mắt, tình hình kinh tế - xã hội sẽ còn nhiều khó khăn, gắn với kết quả ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 cả ở phạm vi quốc gia và quốc tế. Theo Tổng cục Thống kê, khoảng 42% số doanh nghiệp được khảo sát gặp khó khăn trong kinh doanh quý I/2020; và 25,9% số doanh nghiệp dự báo kinh doanh trong quý II/2020 sẽ khó khăn hơn quý I/2020. Đặc biệt, một kết quả khảo sát nhanh của VCCI mới đây, tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng. Gần 85% doanh nghiệp cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% bị thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh. Có 40% cho biết thiếu nguyên liệu và 43% phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm; 82% cho rằng doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019, trong đó 30% doanh nghiệp dự báo có thể tụt giảm tới 30-50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%. VCCI dự báo, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì có tới gần 30% số doanh nghiệp được khảo sát chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm. Trên 75% số doanh nghiệp thì báo sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Chỉ có chưa đầy 1% số doanh nghiệp gia tăng lao động. Hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây, nhất là lao động kỹ năng còn thấp trong các ngành công nghiệp dệt may, da giày, điện tử... VCCI cho rằng, cùng với các giải pháp ngắn hạn như tập trung phòng, chống dịch bệnh, cần hỗ trợ duy trì sản xuất kinh doanh bằng chính sách tài khóa, chính sách tín dụng, chính sách lao động, tiền lương và công đoàn, mà điển hình là đề nghị không điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2021.

Đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực làm giảm cả tổng cung và tổng cầu của mỗi quốc gia và toàn thế giới. Vì vậy, các nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ kinh tế cần có cho mỗi quốc gia hậu dịch COVID-19 đều sẽ tập trung vào cả hai nhóm giải pháp đồng bộ để tăng liên kết, chống đứt gẫy chuỗi cung ứng, đồng thời tăng cả tổng cung và tổng cầu xã hội.

Đặc biệt, cần nhận diện và làm sâu sắc hơn những thay đổi trong tư duy, và trong phương thức quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, kể cả trong cơ cấu kinh tế vĩ mô và vi mô theo một tâm thế “sống chung với dịch bệnh”, thực hiện “kinh doanh an toàn”. Theo đó, cần gia tăng các hoạt động và ứng dựng chuyển đổi số, phát triển kinh tế nền tảng số và các dịch vụ phi tiếp xúc, giảm thiểu sự gián đoạn khi “giãn cách xã hội”. Thí dụ như các ứng dụng hỗ trợ làm việc tại nhà, học trực tuyến và giao hàng tận nơi.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, các kịch bản phục hồi kinh tế hậu COVID-19 đang được xúc tiến xây dựng ở các cấp ngành, địa phương và quốc gia dựa theo giả định thời gian kết thúc dịch bệnh COVID-19; tuy nhiên, một tư duy mới về sống chung với dịch bệnh cần được hình thành và đòi hỏi năng lực thích nghi mới của cả bộ máy quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, cũng như từng người dân. Dù bất luận kịch bản nào thì Việt Nam cũng cần tiếp tục và đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, loại bỏ những thủ tục gây chậm trễ, rườm rà, không hình sự hóa quan hệ kinh tế, giảm bớt thanh tra, kiểm tra, một số việc không cần thiết trừ các trường hợp vi phạm pháp luật; đồng thời, đẩy mạnh tiến độ giải ngân 700 nghìn tỷ đồng đầu tư công trong năm 2020; áp dụng các công nghệ mới và kiểm soát tình trạng độc quyền, lợi ích nhóm. Chính sách tiền tệ cần cụ thể, quyết liệt hơn, với những giải pháp được làm rõ hơn trên tinh thần ngành ngân hàng đồng hành doanh nghiệp qua việc hoãn, giãn nợ, giảm lãi suất, giảm lợi nhuận của các ngân hàng thương mại để bù đắp một phần cho doanh nghiệp. Khai thác tốt các cơ hội mới từ các Hiệp định Thương mại tự do, tổ chức thực hiện tốt thị trường trong nước 100 triệu dân; đồng thời, tập trung phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian thay thế nhập khẩu; tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới; phát triển thương mại điện tử.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2020

TS Nguyễn Minh Phong

Báo Nhân Dân

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền