Trang chủ    Thực tiễn    Truyền thông đại chúng với phát triển niềm tin xã hội ở khu vực Trung Bộ
Thứ tư, 16 Tháng 12 2020 10:15
3747 Lượt xem

Truyền thông đại chúng với phát triển niềm tin xã hội ở khu vực Trung Bộ

(LLCT) - Trên cơ sở phân tích kết quả nghiên cứu tác động của truyền thông đại chúng đến niềm tin xã hội trong thời gian qua ở Việt Nam nói chung và khu vực Trung Bộ nói riêng, bài viết tập trung vào làm rõ việc phát huy vai trò của truyền thông đại chúng trong xây dựng, củng cố niềm tin xã hội ở vùng Trung Bộ trong thời gian tới trên các khía cạnh: phát huy vai trò của truyền thông qua việc định hướng dư luận xã hội và xây dựng niềm tin cho con người; trong việc xây dựng đời sống xã hội, đề cao vị thế và tiếng nói của quần chúng nhân dân; trong việc ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội; trong việc đấu tranh chống các âm mưu tuyên truyền, xuyên tạc của các lực lượng đối lập, chống đối.

Từ khóa: truyền thông đại chúng, niềm tin xã hội, khu vực Trung Bộ.

1. Tác động của truyền thông đại chúng đến niềm tin xã hội của nhân dân vùng Trung Bộ

Theo công bố của một nghiên cứu mới đây, hiện nay ở Việt Nam có hơn 64 triệu người dùng internet (chiếm 67% dân số); hơn 55 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm 57% dân số) và 436 mạng xã hội đang hoạt động, đứng thứ 7 trong 10 nước có số người sử dụng mạng xã hội nhiều nhất thế giới(1). Thời gian qua, các phương tiện truyền thông đại chúng đã tác động không nhỏ tới người dân, giúp cho mọi người hiểu biết hơn về thế giới, được tiếp cận với tri thức nhân loại, có cơ hội được tham gia các diễn đàn trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức bổ ích trong cuộc sống và trong công việc. Các phương tiện truyền thông tạo nhiều cơ hội cho người dân tiếp cận thông tin về các chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội... từ đó có cơ hội phát huy năng lực, sở trường của bản thân, hướng tới cuộc sống có ích, lành mạnh và từng bước hoàn thiện nhân cách, rèn luyện bản lĩnh, trau dồi lý tưởng sống, củng cố niềm tin vào chế độ, vào Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, cũng không thể không chỉ ra mặt trái của thông tin đại chúng, nhất là mạng xã hội với vô số thông tin, hình ảnh có nội dung tiêu cực, thông tin sai lệch, như: xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, bịa đặt, vu cáo, nói xấu các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta trên mọi lĩnh vực. Những thông tin tiêu cực trên internet, nhất là các trang mạng xã hội do các thế lực “mạng đen” tung ra có tác động đến công tác tư tưởng, gây nghi ngờ, gieo rắc sự hoang mang, dao động, làm giảm sút niềm tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN ở nước ta.

Trong chương trình nghiên cứu về niềm tin xã hội ở khu vực Trung Bộ gần đây của chúng tôi, qua khảo sát 2.093 phiếu hỏi đã cho thấy, người dân ở khu vực Trung Bộ hiện nay có xu hướng tiếp cận thông tin từ internet, nhất là từ các trang mạng xã hội nhiều hơn và người dân có xu hướng tin vào những thông tin được đăng tải trên mạng xã hội cao hơn so với các nguồn thông tin khác: Khi được hỏi: “Anh/chị tiếp cận thông tin về các mặt của đời sống từ đâu?”, kết quả cho thấy: phương tiện thông tin đại chúng (67,3%); mạng xã hội  (82,5%); từ gia đình, bạn bè (70,6%); từ những nguồn khác (9,6%).

Qua kết quả khảo sát, mức độ thay đổi niềm tin vào một số lĩnh vực so với 5 năm trước đây của người dân ở khu vực Trung Bộ, cho thấy chỉ số thay đổi niềm tin vào mạng xã hội và niềm tin vào truyền thông đại chúng có tỷ lệ khá cao so với các yếu tố khác, chiếm tỷ lệ lần lượt là 3,78 và 3,31 (xem bảng 1):

Khi khảo sát về mức độ phân cực của niềm tin đối với thông tin từ các phương tiện truyền thông của người dân ở vùng Trung Bộ, cho thấy người dân tin vào các thông tin đến từ mạng xã hội chiếm ưu thế hơn so với các phương tiện thông tin truyền thống khác như phát thanh, truyền hình và báo in. Điều đó cho thấy, internet, nhất là mạng xã hội hiện nay đang có sự tác động mạnh đến hình thành niềm tin xã hội của nhân dân ở khu vực Trung Bộ. Đây là kết quả gợi ý chính sách cho các nhà quản lý đối với mạng lưới cung cấp thông tin này, thậm chí sự tương tác hình thành mạng lưới xã hội ảo, và yếu tố này đang tác động như thế nào đến việc hình thành niềm tin xã hội ở vùng Trung Bộ.

Từ những kết quả trên, đặt ra yêu cầu hình thành niềm tin đối với mạng lưới cung cấp thông tin mới của thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đặt ra yêu cầu mới trong quản lý, kiểm soát tính sát thực thông tin đối với mạng lưới cung cấp thông tin này. Đồng thời, các cơ quan của Đảng, Nhà nước cần phải nắm bắt được dư luận xã hội, hạn chế tin đồn, tin giả... những vấn đề này hiện đang có sự tác động đến việc hình thành, xây dựng, củng cố niềm tin xã hội ở vùng Trung Bộ trong giai đoạn hiện nay thông qua mạng lưới cung cấp thông tin đến người dân.

2. Phát huy vai trò của truyền thông đại chúng trong định hướng niềm tin xã hội cho nhân dân ở khu vực Trung Bộ

Thứ nhất, truyền thông định hướng dư luận xã hội

Cụ thể, truyền thông đại chúng phải làm được những việc như sau:

Đối với người dân Việt Nam nói chung và Trung Bộ nói riêng, dư luận xã hội chính là cách thức để mỗi cá nhân tham gia lãnh đạo, quản lý xã hội, giám sát và kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước. Thông qua việc định hướng tư tưởng, dư luận xã hội, mỗi người dân sẽ có cái nhìn khách quan, toàn diện cũng như có niềm tin vững chắc hơn về các hoạt động của bộ máy chính quyền, hành vi của chủ thể có thẩm quyền, để từ đó có những phản hồi ngược lại. Nhìn chung, các luồng dư luận thường diễn ra theo ba xu hướng là “ủng hộ - tin tưởng”, “phản đối - không tin” và “không rõ - nghi ngờ” hoặc “thích”, “không thích” và “không trả lời” về một chính sách, quyết định nào đó của cơ quan nhà nước hoặc hành vi của chủ thể có thẩm quyền. Để quá trình này được diễn ra một cách thuận lợi thì người dân cần đến vai trò của truyền thông với tư cách là cơ quan trung gian. Truyền thông sẽ góp phần chuyển tải các tâm tư, nguyện vọng chung của cộng đồng đến chủ thể quản lý. Quá trình tiếp nhận, xử lý và giải quyết các dân vọng của nhà nước nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc ít nhiều vào lượng thông tin mà truyền thông cung cấp. Và chủ thể quản lý cũng sẽ dựa vào truyền thông để đưa các quyết sách đến với đời sống quần chúng nhân dân một cách nhanh nhất. Hiệu quả từ cơ chế chính sách cùng sự quan tâm hợp lý đối với đời sống xã hội chính là điều kiện để niềm tin được hình thành và phát triển. Niềm tin đó sẽ trở nên vững chắc hơn khi các nguyện vọng, đề đạt của họ được thực thi và về cơ bản được đáp ứng.

 Với vai trò quản lý, bộ máy chính quyền các tỉnh thành Trung Bộ sẽ là nơi phân bổ, thực thi các cơ chế, chính sách và cũng là nơi tiếp thu các luồng dư luận xã hội. Do vậy, để nâng cao hiệu quả của vai trò truyền thông trong việc định hướng dư luận xã hội và xây dựng niềm tin cho con người thì chính quyền các tỉnh miền Trung cần phải huy động, phát huy vai trò truyền thông vào việc phản biện xã hội nhằm hoàn thiện các chủ trương, đường lối; phát huy vai trò giám sát xã hội của truyền thông và dư luận xã hội trong thực thi chính sách, xây dựng niềm tin cho con người. Có như vậy mới bảo đảm vừa huy động trí tuệ và cảm xúc, niềm tin của cả cộng đồng vào phản biện xã hội, xây dựng chính sách, cũng như giám sát xã hội trong thực thi chính sách, góp phần hạn chế lợi ích nhóm và lạm dụng quyền lực, bảo đảm đồng thuận xã hội và phát triển bền vững cho khu vực. Bên cạnh đó, cần có sự chuyển đổi mô hình truyền thông chính sách công, từ chủ yếu tuyên truyền sang truyền thông tương tác, từ chủ yếu “soạn thảo chính sách trong nội bộ” sang chủ yếu huy động nguồn lực trí tuệ, niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân tham gia thông qua thiết chế truyền thông. Bởi vì, chỉ có thể tạo được đồng thuận xã hội cao khi đông đảo nhân dân, nhất là các nhóm đối tượng chịu tác động chính sách được dễ dàng tham gia giám sát và phản biện xã hội trong thiết kế chính sách; chỉ có thể gia tăng niềm tin của nhân dân vào thể chế, khi nhân dân được dễ dàng, thuận lợi trong giám sát xã hội đối với thực thi chính sách. Bởi vì trong điều kiện hiện nay, việc huy động rộng rãi giám sát xã hội từ nhân dân mới có thể hạn chế việc lạm dụng quyền lực, tha hóa quyền lực - yếu tố chủ yếu dẫn đến làm tha hóa chế độ xã hội, làm mất niềm tin trong quần chúng nhân dân(2).

Thứ hai, truyền thông đề cao vị thế và tiếng nói của quần chúng nhân dân trong xây dựng đời sống xã hội

Truyền thông là cầu nối không thể thiếu giữa người dân với xã hội. Vì thế, một trong những chức năng xã hội quan trọng của truyền thông là nuôi dưỡng sự gắn bó của người dân với đời sống xã hội, và sâu xa hơn là củng cố niềm tin của người dân vào các giá trị chung trong cộng đồng. Một bài phóng sự về một vụ tiêu cực hay tham ô nếu có sự định hướng tích cực chắc chắn sẽ gia tăng sự tín nhiệm của người dân vào chủ trương chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Việc chỉ phản ánh một chiều sẽ khiến độc giả không chỉ nghi ngờ sự kiện mà tờ báo đưa tin mà còn cả bản thân tờ báo cũng như nhà quản lý. Điều đáng nói là một khi tình hình này trở nên phổ biến thì nguy cơ nảy sinh tình trạng mất niềm tin trong xã hội là điều khó tránh khỏi. Thực tế, mức độ tin cậy vào lĩnh vực truyền thông cũng chính là biểu hiện của mức độ tin cậy vào chính hệ thống xã hội. Chính vì thế, để củng cố và tăng cường niềm tin trong xã hội, chính quyền các tỉnh thành Trung Bộ không thể không chú trọng đến việc định hướng phát triển cho các lĩnh vực của truyền thông trên tinh thần tự do, cởi mở và trung thực.

Không chỉ dừng lại ở chức năng phản ánh xã hội, cung cấp thông tin, luận cứ hướng dẫn tư tưởng và hoạt động cho người đọc, người xem mà truyền thông còn phải phát huy hiệu quả trong việc phục vụ nhu cầu giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho quần chúng nhân dân; hỗ trợ cho doanh nghiệp quảng bá thương hiệu thu hút người tiêu dùng biết và sử dụng sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp, trở thành những người tiêu dùng thông thái. Truyền thông là công cụ hiệu quả để các nhà lãnh đạo tận dụng để phát triển doanh nghiệp đồng thời góp phần phát triển nền kinh tế của khu vực. Ở những mức độ nhất định, truyền thông sẽ quy định các xu thế phát triển của niềm tin. Không chỉ niềm tin trong cuộc sống, trong giao tiếp, ứng xử giữa người với người mà quan trọng hơn là niềm tin trong toàn Đảng, toàn dân để cùng nhau xây dựng, bảo vệ đất nước và thực hiện thành công công cuộc đổi mới đang được đặt ra. Do đó, việc lồng ghép các chủ trương, chính sách xây dựng niềm tin cho quần chúng nhân dân qua vai trò của truyền thông không những sẽ tạo nên được sự phổ quát rộng lớn trong cộng đồng mà nó còn tạo nên được những cơ sở vững chắc cho các giá trị niềm tin của con người.

Thứ ba, truyền thông tham gia ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội

Truyền thông kiên định cổ vũ nhân tố tích cực, nhưng đồng thời cũng phải kiên quyết chống tiêu cực để cho các nhân tố mới thật sự được tôn vinh trong đời sống xã hội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định rằng: Truyền thông là công cụ đấu tranh xã hội, đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp. Truyền thông không chỉ là phương tiện thông tin thuần túy, càng không phải là công cụ giải trí đơn thuần, mà nó có chức năng tuyên truyền, cổ động, tập hợp và tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng, giáo dục và hướng dẫn hành động của các tầng lớp xã hội(3).

Trong điều kiện hiện nay, khi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức diễn biến phức tạp thì việc đấu tranh chống những biểu hiện trên lại càng cần thiết. Truyền thông cùng với sự giám sát của nhân dân, là tai mắt tinh nhạy phát hiện, làm rõ và đưa ra công luận những biểu hiện của sự thoái hóa, biến chất đó. Thông qua việc biểu dương cái tốt, đấu tranh chống cái xấu, tiêu cực, truyền thông Trung Bộ đã góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ ở các cơ quan, ban ngành, làm lành mạnh quan hệ xã hội, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy sự phát triển chung của toàn khu vực. Qua hoạt động của truyền thông trong nhiệm vụ này, quần chúng nhân dân ở các địa phương ngày càng vững tin vào công cuộc xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân.

Một trong những vấn nạn lớn hiện nay là tham ô, tham nhũng và lạm dụng quyền lực cùng căn bệnh thờ ơ về mặt chính trị. Đây chính là những nguy cơ lớn nhất làm tổn hại đến tốc độ phát triển của khu vực cũng như đất nước, làm xói mòn nghiêm trọng niềm tin của quần chúng nhân dân. Do vậy, để lấy lại niềm tin cho quần chúng nhân dân, cần phải phát huy vai trò của truyền thông trong sự nghiệp đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng những con người cho khu vực có đầy đủ phẩm chất về tư tưởng, tình cảm, tri thức, nhân cách, đạo đức, lối sống; góp phần xây dựng xã hội mới theo định hướng XHCN. Thực tiễn thời gian qua, nhờ có sự tham gia tích cực của các phương tiện thông tin truyền thông mà đã phanh phui được rất nhiều vụ tham nhũng, nhiều biểu hiện tiêu cực nghiêm trọng ở khu vực. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ vì những biểu hiện tiêu cực vẫn tiếp tục nảy sinh và đang hằng ngày, hằng giờ đe dọa đến vận mệnh của đất nước và niềm tin của quần chúng. Do vậy, trong những giai đoạn sắp đến, truyền thông ở các tỉnh thành Trung Bộ phải tạo được dư luận mạnh mẽ hơn nữa để lên án những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực nảy sinh trong đời sống xã hội; thói lãng phí, chây lười, làm ăn gian dối, chộp giật, những biểu hiện thờ ơ vô trách nhiệm, vô tổ chức. Phải kiên quyết đấu tranh chống thái độ và hành vi trì trệ, chống lối phô trương, ba hoa, làm ăn kém hiệu quả.

Thứ tư, truyền thông đấu tranh chống các âm mưu tuyên truyền, xuyên tạc của thế lực chống đối

Đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch là một phần quan trọng trong đấu tranh tư tưởng, có tác dụng to lớn đối với việc xây dựng chính quyền cũng như sự phát triển của toàn xã hội. Trong cuộc đấu tranh đặc biệt nhạy cảm và khó khăn này, truyền thông thực sự là lực lượng xung kích quan trọng. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan báo chí, truyền thông đã nhận dạng các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch; chỉ rõ các dạng quan điểm sai trái, đồng thời từng bước đưa ra những giải pháp để đấu tranh chống các quan điểm đó. Trước hết, truyền thông coi việc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch không chỉ là tuyên chiến trên báo chí với các đối tượng đó, mà điều quan trọng nhất là tuyên truyền để giữ vững lập trường, quan điểm cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ lẽ phải, không tin theo những luận điệu xuyên tạc với những mục đích xấu. Trên cơ sở nhận thức như vậy, truyền thông sẽ tuyên truyền, giải thích đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để toàn Đảng, toàn dân quán triệt sâu sắc và nhất trí cao với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để quản lý mạng xã hội, các phương tiện truyền thông phi chính thống, phương tiện truyền thông nước ngoài trên internet hoạt động tại Việt Nam. Kiên quyết xử lý các trang mạng xã hội truyền bá thông tin xấu độc, phản động, xâm hại đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa(4).

Để kiểm soát tốt được các nguồn thông tin, ngoài cảm quan của mỗi cá nhân thì cũng cần phải khắc phục những mặt hạn chế của truyền thông. Bên cạnh sự phát triển về quy mô, tính chất, mang nhiều tiện ích đến cho người đọc, người xem, người nghe, thì việc chuyển tải các thông tin trái chiều cũng làm cho niềm tin của cộng đồng cư dân Trung Bộ có những mặt đang bị giảm sút một cách nghiêm trọng. Đó là do không ít thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay thiếu trung thực, phiến diện một chiều, thậm chí là xuyên tạc, sai sự thật. Sự bùng nổ thông tin, phát triển kinh tế thị trường đòi hỏi lĩnh vực truyền thông phải có sự cạnh tranh. Cạnh tranh là để phát triển, để thu hút bạn đọc; đó phải là sự cạnh tranh lành mạnh bằng việc đưa tin nhanh nhất, chính xác, trung thực, khách quan và hấp dẫn nhất, chứ không phải bằng những thủ thuật giật gân, câu khách rẻ tiền. Muốn thế, những người làm truyền thông phải nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, đi sâu vào cuộc sống, vào thực tiễn để tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, phản ánh hiện thực cuộc sống bằng tất cả tâm huyết và trách nhiệm của mình. Truyền thông không chỉ thuần túy đưa thông tin mà phải có phân tích, bình luận, có định hướng để giúp người đọc, người xem, người nghe hiểu rõ cái đúng, cái sai, qua đó giúp mọi người biết bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái đúng, làm theo cái tốt, cái đẹp, biết tránh xa những thói hư tật xấu và hướng tới những giá trị nhân văn cao cả, vì cuộc sống bình yên, tốt đẹp của mọi người, mọi nhà và cả xã hội(5).

__________________

 

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2020*

Bài viết là kết quả nghiên của đề tài cấp quốc gia “Niềm tin xã hội trước thách thức của phát triển và hội nhập ở vùng Trung Bộ”, Mã số KX.01.42/16-20.

(1) Trần Bá Tấn và Nguyễn Xuân Quốc: Tăng cường kỹ năng đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội ở các trường trong quân đội hiện nay, http://dangcongsan.vn, ngày 14-3-2020.

(2) Nguyễn Văn Dững: Một số vấn đề về truyền thông chính sách công ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Lý luận chính trị, số 2 -2018.

(3) Nguyễn Phú Trọng: “Phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước”, http://dangcongsan.vn.

(4) Võ Văn Thưởng: “Vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với công tác báo chí và truyền thông trong tình hình mới”, www.tapchicongsan.org.vn.

(5) Nguyễn Phú Trọng: Vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, khó khăn nào cũng vượt qua”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2018, tr.570.

PGS, TS Đoàn Triệu Long

Học viện Chính trị khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền