Trang chủ    Thực tiễn    Gắn phát triển kinh tế du lịch với bảo đảm an ninh môi trường ở nước ta
Thứ tư, 16 Tháng 12 2020 16:01
1535 Lượt xem

Gắn phát triển kinh tế du lịch với bảo đảm an ninh môi trường ở nước ta

(LLCT) - Ở nước ta hiện nay, du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có những đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hoạt động du lịch cũng đã gây ra những hệ lụy đối với môi trường. Do đó, gắn phát triển kinh tế du lịch với đảm bảo an ninh môi trường là yêu cầu bức thiết có tính sống còn của sự phát triển bền vững du lịch nói riêng và phát triển bền vững đất nước nói chung. Bài viết tập trung làm rõ một số hình thức chủ yếu thực hiện sự gắn kết giữa phát triển kinh tế du lịch với đảm bảo an ninh môi trường ở nước ta hiện nay.

Khu du lịch sinh thái Tràng An

Từ khóa: phát triển kinh tế du lịch, an ninh môi trường, phát triển bền vững du lịch Việt Nam.

1. Quan niệm về gắn phát triển kinh tế du lịch với đảm bảo an ninh môi trường

Phát triển kinh tế du lịch

Kinh tế du lịch là một hệ thống phức hợp những quan hệ và hoạt động kinh tế của các chủ thể tham gia trong quá trình tổ chức sản xuất cung ứng và tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ du lịch, nhằm đem lại lợi ích kinh tế - xã hội cho các bên tham gia và tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Kinh tế du lịch là một loại hình kinh tế có tính đặc thù riêng biệt của dịch vụ và được xem là ngành công nghiệp “không khói”. Kinh tế du lịch là ngành kinh tế có tính tổng hợp, liên ngành, đa ngành, xã hội hóa cao và gắn kết với nhiều lĩnh vực, các ngành khác như: giao thông, nông nghiệp, công nghiệp, tài nguyên môi trường, văn hóa, thể thao.

Kinh tế du lịch được hiểu là một hệ thống quan hệ kinh tế trong lĩnh vực cung ứng và tiêu dùng sản phẩm du lịch, bao gồm: các quan hệ ngành, nghề là: kinh doanh lữ hành, kinh doanh lưu trú du lịch, kinh doanh vận tải khách du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch khác, nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần của du khách, đem lại lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội thiết thực cho nước làm du lịch và bản thân doanh nghiệp du lịch.

Phát triển kinh tế du lịch được hiểu là sự gia tăng về số lượng, quy mô cung ứng và chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần của du khách, đem lại lợi ích kinh tế cho các chủ thể tham gia.

Đảm bảo an ninh môi trường

Theo Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, an ninh môi trường được định nghĩa là “sự khan hiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái và ô nhiễm môi trường và những hiểm họa có thể gây suy yếu nền kinh tế, gia tăng đói nghèo, gia tăng bất ổn chính trị, thậm chí trở thành ngòi nổ cho các cuộc xung đột và chiến tranh”. Theo Báo cáo Thiên niên kỷ của Hội đồng châu Mỹ của Liên Hợp quốc, có thể hiểu, an ninh môi trường là trạng thái hệ thống các yếu tố cấu thành môi trường (đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật và các hình thái vật chất khác) cân bằng để đảm bảo điều kiện sống và phát triển của con người cũng như các loài sinh vật trong hệ thống đó. Giữ gìn an ninh môi trường là bảo vệ môi trường sống, môi trường tồn tại của con người và xã hội loài người. An ninh môi trường không được bảo đảm thì xã hội không có sản xuất vật chất, không có đời sống tinh thần, không có sự tồn tại và phát triển. C.Mác viết: “Con người sống bằng giới tự nhiên. Như thế nghĩa là giới tự nhiên là thân thể của con người... con người là một bộ phận của tự nhiên”(1). Và “Công nhân không thể tạo ra cái gì nếu không có giới tự nhiên, nếu không có thế giới hữu hình bên ngoài. Đó là vật liệu, trong đó lao động của anh ta triển khai, từ đó và nhờ đó, lao động của anh ta sản xuất ra sản phẩm”(2).

Biểu hiện của môi trường bị mất an ninh là: cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, thường xuyên xảy ra thiên tai, hạn hán, lũ lụt,... thiên nhiên suy thoái, ô nhiễm môi trường, tai biến môi trường, biến đổi khí hậu, suy giảm tầng ôzôn, suy thoái đa dạng sinh học... Vì vậy, nếu không giữ được an ninh môi trường thì những thảm họa môi trường sẽ gây suy yếu nền kinh tế, gia tăng đói nghèo, gia tăng sự bất ổn chính trị- xã hội.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, “An ninh môi trường là việc bảo đảm không có tác động lớn của môi trường đến sự ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế của quốc gia”(3).

Về đảm bảo an ninh môi trường được hiểu là sự đảm bảo (ổn định) trạng thái hệ thống các yếu tố cấu thành môi trường cân bằng để bảo đảm điều kiện sống và phát triển của con người cũng như các loài sinh vật trong hệ thống đó. Hay nói một cách khác, đảm bảo an ninh môi trường là sự cân bằng giữa lợi ích trước mắt và lâu dài trong khai thác, sử dụng tài nguyên của thế hệ này không làm ảnh hưởng đến thế hệ mai sau (phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường).

Gắn phát triển kinh tế du lịch với đảm bảo an ninh môi trường

Trên cơ sở quan niệm về phát triển kinh tế du lịch và đảm bảo an ninh môi trường nêu trên, theo tác giả, phát triển kinh tế du lịch gắn với đảm bảo an ninh môi trường có thể được hiểu là tổng thể các chủ trương, biện pháp, cách thức mà các chủ thể tác động làm gia tăng số lượng, quy mô cung ứng và chất lượng các hoạt động kinh tế du lịch theo hướng đảm bảo an toàn trước các mối nguy hiểm của môi trường sinh thái nhằm đem lại lợi ích kinh tế cho các chủ thể liên quan, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển bền vững của đất nước.

2. Sự cần thiết phải gắn phát triển kinh tế du lịch với đảm bảo an ninh môi trường

Một là, phát triển kinh tế du lịch có sự lệch pha với bảo vệ môi trường

Thực tế phát triển kinh tế du lịch cho thấy, mục tiêu hướng tới của quá trình phát triển là sự tăng trưởng, tối đa hóa lợi nhuận, giảm chi phí thấp nhất cho hoạt động kinh doanh, trong đó có chi phí bảo vệ môi trường. Còn mục tiêu hướng tới của hoạt động bảo vệ môi trường là gìn giữ, phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường, ứng phó sự cố môi trường, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, phục hồi và cải thiện môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học. Từ sự khác nhau về mục tiêu dẫn đến sự lệch pha giữa phát triển kinh tế du lịch với bảo vệ môi trường.

Hai là, nhằm đảm bảo hài hòa giữa con người với thiên nhiên trong phát triển kinh tế, xã hội

Con người với tư cách là thực thể tự nhiên, hơn nữa lại là một thực thể tự nhiên sống, được sinh ra, tồn tại và phát triển trong giới tự nhiên, điều này cho thấy giới tự nhiên có mối liên hệ mật thiết với con người. Bởi vậy, nếu tách khỏi môi trường tự nhiên, sự sống của con người sẽ chấm dứt, con người sẽ chết. Do đó, để phát triển kinh tế - xã hội, trước hết phải duy trì bảo vệ môi trường tự nhiên, tức bảo vệ môi trường sống, xét cho cùng chính là bảo vệ sự sống của con người.

Trong sự tồn tại và phát triển, con người dần tách khỏi giới tự nhiên và xác lập nên xã hội. Sự phát triển của xã hội dần tạo thành một hệ thống với các quy luật vận động thích ứng của mình. Trong hệ thống này, con người là hạt nhân, là tế bào của xã hội, bởi vậy sự phát triển của con người được dựa trên nền tảng phát triển của xã hội, và sự phát triển của xã hội là nhằm vào phát triển con người. Như vậy, con người tồn tại và phát triển chịu sự chi phối của hai hệ thống: hệ thống tự nhiên và hệ thống xã hội; nếu tách khỏi môi trường tự nhiên, con người sinh thể sẽ chết; nếu tách khỏi xã hội, con người xã hội cũng sẽ chết. Do đó, phát triển xã hội cần dựa trên cơ sở duy trì môi trường sống của con người, phát triển xã hội phải hòa hợp với môi trường tự nhiên và thích hợp với tự nhiên.

Để duy trì cuộc sống của mình, con người luôn hướng tới và theo đuổi những lợi ích về kinh tế và lợi ích về xã hội. Sự phát triển của kinh tế, xã hội chính là nhằm gia tăng lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội. Bên cạnh hai lợi ích trên, con người thụ hưởng lợi ích từ môi trường sống hay môi trường sinh tồn. Điều này cho thấy, mọi sự phát triển kinh tế - xã hội đều được đặt dưới lợi ích của sinh tồn, lợi ích sống, lợi ích môi trường. Vì vậy, mọi sự vi phạm quy luật tự nhiên, làm tổn thương đến môi trường sẽ hủy hoại nền tảng sống của con người.

Ba là, do yêu cầu của phát triển bền vững đất nước

Ngày nay, vấn đề phát triển không bền vững là một trong những mối quan tâm hàng đầu của toàn nhân loại. Các nước có tăng trưởng kinh tế nhưng lại không cùng nhịp với tiến bộ và phát triển xã hội và đôi khi ngược chiều với phát triển xã hội. Tăng trưởng kinh tế nhưng không có tiến bộ và công bằng xã hội; thu nhập người lao động không tăng; khoảng cách giàu nghèo gia tăng; tình trạng khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường, mất cân bằng sinh thái, gây ra những thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu toàn cầu. Trước tình hình đó, xu hướng phát triển bền vững để có điều kiện hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với đảm bảo ổn định xã hội và phát triển kinh tế du lịch đang trở thành yêu cầu bức thiết đối với toàn thế giới. Vì vậy, bảo đảm an ninh môi trường cùng với phát triển kinh tế du lịch là một trong những điều kiện cần thiết để phát triển bền vững.

3. Các hình thức gắn kết giữa phát triển kinh tế du lịch với đảm bảo an ninh môi trường

Một là, phát triển kinh tế du lịch gắn với sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên du lịch

Trong hoạt động du lịch, cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách là tài nguyên du lịch và các giá trị văn hóa. Trong đó tài nguyên du lịch tự nhiên bao gồm cảnh quan thiên nhiên, các yếu tố địa chất, địa mạo, khí hậu, thủy văn khí hậu, hệ sinh thái và các yếu tố tự nhiên khác; Tài nguyên du lịch văn hóa bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, khảo cổ, kiến trúc, giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác, các công trình lao động sáng tạo của con người. Hai nguồn tài nguyên du lịch trên là hai yếu tố không thay thế song lại dễ bị tổn thương, suy thoái, mai một và mất đi giá trị. Các yếu tố này vừa là tài nguyên, vừa là môi trường để phát triển du lịch. Quá trình phát triển kinh tế du lịch gắn với sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa, nhờ đó, phát triển du lịch của quốc gia hay địa phương hiệu quả và bền vững.

Hai là, gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển du lịch với quy hoạch bảo vệ môi trường sinh thái

Thực tế cho thấy, bất cứ quy hoạch phát triển ngành hay một lĩnh vực nào đó đều có sự gắn kết với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội với các yêu cầu về quản lý, bảo vệ môi trường tự nhiên, sinh thái, môi trường sống và các giá trị bảo tồn văn hóa lịch sử... và hiệu quả kinh tế - xã hội. Việc gắn kết quy hoạch phát triển du lịch với quy hoạch bảo vệ môi trường có vai trò hợp lý trong việc định hướng các giải pháp khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, các tài nguyên du lịch... phù hợp với các phương án phát triển du lịch hiệu quả, chất lượng và bền vững. Bởi vì, mục đích của quy hoạch bảo vệ môi trường là tạo sự thống nhất quy hoạch theo không gian của công việc liên quan đến bảo vệ môi trường; định hướng công tác bảo vệ môi trường, có điều tiết, giải quyết các xung đột giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển ngành trong một vùng trong đó có phát triển du lịch nói riêng.

Có thể minh họa vấn đề này thông qua vấn đề đảm bảo tính hợp lý, cân đối giữa phát triển số lượng khách du lịch với việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, môi trường... tại điểm đến du lịch hay sức chứa điểm đến du lịch.

Thực tế cho thấy, bất cứ một điểm đến du lịch là một quốc gia hay một địa phương/thành phố, đều nằm trong một giới hạn nhất định về không gian địa lý, hành chính. Trong không gian điểm đến có chứa đựng nguồn tài nguyên nhất định cả tự nhiên và nhân tạo, nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở, cơ sở lưu trú, nhà hàng, các dịch vụ liên quan tạo nên sự hấp dẫn của điểm đến du lịch và bổ trợ cho hoạt động du lịch. Khi lượng khách tham quan vượt quá sức chứa của nó, một lượng lớn về hàng hóa, dịch vụ sẽ được tiêu thụ, trong khi lượng tài nguyên và nguồn nhân lực có hạn, sẽ dẫn tới quá tải về mọi mặt và không thỏa mãn được nhu cầu của khách hàng.

Một trong những quy định của sức chứa điểm đến du lịch là sức chứa tối đa số lượng khách cho phép trong một thời gian, không gian nhất định thì sẽ không ảnh hưởng đến cảnh quan, cơ sở hạ tầng du lịch không bị quá tải. Nếu vượt quá sức chứa tối đa sẽ dẫn đến mâu thuẫn, xung đột giữa phát triển và môi trường. Vì vậy, khi xây dựng các quy hoạch phát triển du lịch đều phải tính đến sức chứa tối đa trong các đề án, dự án quy hoạch phát triển du lịch, như: hệ thống xử lý rác thải, hệ thống xử lý nước, cung cấp nước sạch, loại hình kinh doanh du lịch, số lượng phòng nghỉ tối đa cho du khách.

Ba là, phát triển các loại hình du lịch bền vững (du lịch có trách nhiệm, du lịch thân thiện với môi trường - du lịch xanh)

Ngày nay, bên cạnh sự phát triển nhanh và mạnh về số lượng và chất lượng, hoạt động kinh doanh du lịch cũng bộc lộ những tác động xấu đến môi trường, kể cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Nguyên nhân, do việc khai thác và sử dụng quá mức tài nguyên, năng lượng, tạo ra nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường, những hạn chế trong nhận thức về bảo vệ môi trường đã làm giảm hiệu quả kinh tế do du lịch mang lại, làm môi trường xuống cấp, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh và sự phát triển bền vững của du lịch.

Để góp phần giải quyết nguy cơ này, chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề phát triển du lịch và bảo vệ môi trường để có hành động đạt đến phát triển du lịch bền vững. Theo đó, việc phát triển du lịch phải đem lại lợi ích tốt nhất cho các bên liên quan (nhà nước, doanh nghiệp, người dân và du khách) về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch. Chỉ có du lịch có trách nhiệm, du lịch thân thiện với môi trường - du lịch xanh mới giải quyết được mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch, là phương thức phát triển bền vững với tính nhân văn sâu sắc, phát triển vì con người đảm bảo cân đối giữa các yếu tố: bên trong (cư dân địa phương), bên ngoài (du khách), trung gian (doanh nghiệp). Đồng thời, đây cũng chính là mục tiêu hướng tới của du lịch Việt Nam, hướng đến sự gia tăng về chất trong các hoạt động phát triển.

Bốn là, phát triển kinh tế du lịch gắn với ứng phó biến đổi khí hậu

Theo Báo cáo của Liên Hợp quốc, nguyên nhân của hiện tượng biến đổi khí hậu hơn 90% là do hoạt động của con người làm gia tăng phát thải khí nhà kính gây ra, trong đó có hoạt động du lịch. Ngược lại, biến đổi khí hậu với những biểu hiện như nước biển dâng, thời tiết cực đoan, hạn hán khốc liệt,... đã ảnh hưởng đến hoạt động du lịch. Trong bối cảnh đó, phát triển du lịch của quốc gia hay địa phương, một mặt, hướng đến các loại hình du lịch thân thiện với môi trường, ít gây tổn hại đến môi trường nhằm giảm phát thải khí nhà kính, qua đó làm chậm tốc độ biến đổi khí hậu; mặt khác sử dụng các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu như: i) Tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, như: xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, lồng ghép các phương án thích ứng với biến đổi khí hậu trong các quy hoạch và các dự án đầu tư; tích cực tham gia các hoạt động trồng rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven; xây dựng đê, kè chắn sóng để bảo vệ những đối tượng tài nguyên du lịch, hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; khuyến khích phát triển loại hình du lịch có trách nhiệm, du lịch thân thiện với môi trường, du lịch xanh; ii) tăng cường năng lực giảm nhẹ tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng: khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sóng (thủy triều); khuyến khích áp dụng mô hình “3R - tiết giảm, tái sử dung, tái chế” trong các cơ sở dịch vụ du lịch. Đây được coi là các tiêu chí xếp hạng về “Thân thiện với môi trường”, về “Nhãn sinh thái” cho các cơ sở dịch vụ du lịch.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2020

(1), (2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.42, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.135, 130.

(3) Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Chương I, Điều 3, giải thích từ ngữ, điểm 28.

ThS Nguyễn Thị Minh Tân

Viện Kinh tế chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền