Trang chủ    Thực tiễn    Vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng – tiếp cận từ khía cạnh văn hóa
Thứ tư, 27 Tháng 11 2013 13:43
6276 Lượt xem

Vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng – tiếp cận từ khía cạnh văn hóa

(LLCT) - Trong thời đại ngày nay, yếu tố ngày càng quan trọng và có ý nghĩa quyết định sự tồn tại, phát triển nhanh, bền vững của đất nước là nguồn lực con người, là tiềm năng sáng tạo của con người. Tiềm năng này nằm trong văn hóa, trong trí tuệ, tư tưởng, nhân cách, đạo đức, lối sống, ý chí, nghị lực, sự sáng tạo của cá nhân và cộng đồng. Quốc gia nào coi trọng bồi dưỡng đạo đức, nâng cao dân trí, hun đúc dân khí, đào tạo nhân tài thì sớm muộn sẽ giàu có và phát triển bền vững. Nguồn tài nguyên lớn nhất, vốn xã hội quý giá nhất là con người. Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể, là nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của sự  phát triển. Đây là chìa khóa, khâu trung tâm của sự nghiệp xây dựng chế độ mới, xây dựng, chỉnh đốn, đổi mới Đảng.

Nói đến văn hóa, cùng với những khía cạnh văn học nghệ thuật, phong tục, tập quán, lễ hội, ngôn ngữ, chữ viết... thì phải chú trọng đến những điều căn cốt. Đó là tư tưởng, tâm lý, đạo đức, pháp luật, lối sống, tâm hồn, nhân cách, cách ứng xử, quyền cơ bản của con người... Thực trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý và cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa đia vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc... cũng có thể coi đó là sự suy thoái về văn hóa - văn hóa chính trị, văn hóa tư tưởng, văn hóa đạo đức, văn hóa lối sống, văn hóa bổn phận, văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý, văn hóa pháp luật, văn hóa tổ chức, v.v..

Nghiên cứu đặc điểm văn hóa truyền thống Việt Nam, có ý kiến cho rằng đó là văn hóa “nhân cách luận” nghĩa là văn hóa gắn với đạo đức con người. Bàn đến con người Việt Nam, hàng đầu, xuyên suốt và cuối cùng là nói đến nhân cách. Không phải ngẫu nhiên mà từ những năm hai mươi, trong quá trình thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nói tới nhân cách, tư cách của người cách mạng, trong đó nhấn mạnh về “cần kiệm, hòa mà không tư, cả quyết sửa lỗi mình, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm, giữ chủ nghĩa cho vững, hy sinh, ít lòng tham muốn về vật chất...”. Đến khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, bàn về tư cách của đảng chân chính cách mạng, Hồ Chí Minh tổng kết 12 điều, trong đó nhấn mạnh: “1. Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng... 8. Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên... 10. Đảng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra ngoài. 11. Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới. Kỷ luật này là tư tưởng phải nhất trí, hành động phải nhất trí. Kỷ luật này là do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với Đảng...”(1).

Hồ Chí Minh dạy cán bộ, đảng viên phải đặt nhân cách “tự mình” lên hàng đầu và luôn luôn hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân là dạy theo chuẩn mực văn hóa Việt Nam. Bởi vì nhân cách của mỗi người Việt Nam, trong khi thực hiện bổn phận với cha mẹ, ông bà, tổ tiên thì bổn phận cao nhất là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Một khi không còn nhân cách, thiếu trách nhiệm với Tổ quốc và nhân dân, thì con người coi như đã đánh mất chính mình, tự đào thải mình ra khỏi hàng ngũ của dân tộc.

Từ khi Nguyễn Ái Quốc dẫn dắt dân tộc tiến hành sự nghiệp giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản thì văn hóa nhân cách luận Việt Nam phát triển, nâng cao thành nhân cách luận cách mạng. Nội dung nhân cách luận cách mạng cũng vẫn là đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết, trước hết; sẵn sàng làm đầy tớ trung thành của nhân dân, coi việc phục vụ nhân dân là sứ mệnh vẻ vang nhất, là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của mỗi cán bộ, đảng viên. Giá trị cao nhất, đẹp nhất, mãi mãi trường tồn của một con người chính là giá trị văn hóa, chứ không phải chức vụ, địa vị, quyền hành hay sự giàu có. Đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao lại càng như vậy. Bởi vì một người dân suy thoái về văn hóa thì phạm vi ảnh hưởng hẹp, sự suy thoái về văn hóa của cán bộ lãnh đạo, chủ chốt, đứng đầu, cấp cao thì phạm vi ảnh hưởng rộng, không chỉ là mối quan hệ cá nhân, mà liên quan đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, uy tín và sinh mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ.

Chủ nghĩa cá nhân đối lập với văn hóa nhân cách luận cách mạng và văn hóa bổn phận. Những cán bộ, đảng viên miệng nói dân chủ nhưng lại hành xử theo lối “quan” chủ; miệng nói phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân nhưng lại đè đầu cưỡi cổ dân, vô cảm trước đời sống của nhân dân, thực chất là rơi vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ tệ hại. Chạy theo lối sống thực dụng và các giá trị vật chất tầm thường, tham vọng địa vị, quyền lực, danh lợi cá nhân, như vậy là đã làm băng hoại giá trị văn hóa dân tộc, văn hóa Đảng, hủy hoại tâm hồn, nhân cách bản thân. Họ đã làm lệch chuẩn, thậm chí đảo lộn giá trị. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên tha hóa về văn hóa, vì họ nghĩ rằng có địa vị, quyền lực, chức vụ... là có tất cả. Thực tế cho thấy một bộ phận không nhỏ cán bộ có địa vị cao, quyền lực lớn và sự giàu có nhưng đạo lý lại bằng không. Sự nhầm lẫn tai hại của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chính là sự nhầm lẫn về văn hóa.

Nói văn hóa là nói đến những nét riêng biệt khắc họa tính cách, đặc tính, đặc trưng, bản sắc, cái “hồn”, cái cốt của cá nhân, cộng đồng, dân tộc. Nói văn hóa Đảng là nói đến cái “hồn”, cái cốt của Đảng. Đó phải là một đảng đạo đức, văn minh như Bác Hồ đã dạy. Một đảng chân chính cách mạng phải là một tổ chức chính trị trong sạch, vững mạnh; một tổ chức chiến đấu kiên cường, với đội ngũ cán bộ, đảng viên từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đến các bộ trưởng, thứ trưởng và các nhân viên Chính phủ đều là đầy tớ trung thành, tận tụy của nhân dân; phải thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; đời tư trong sáng, nếp sống giản dị; luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, dám hy sinh lơi ích riêng tư vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Ngoài lợi ích của dân tộc và Tổ quốc, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Trong điều kiện đảng cầm quyền, mọi sự sai đúng về đường lối lãnh đạo của Đảng, mọi sự tốt xấu về đạo đức của cán bộ, đảng viên không chỉ bó hẹp trong nội bộ Đảng mà nó liên quan đến toàn xã hội, gắn liền với vận mệnh của đất nước, liên quan đến sự mất còn của chế độ. Văn hóa cầm quyền, văn hóa lãnh đạo kém là lực cản lớn trên con đường phát triển đất nước, làm băng hoại Đảng và chế độ.

Di sản Hồ Chí Minh cho thấy văn hóa soi đường cho quốc dân đi, lãnh đạo quốc dân thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ. Sự giàu có và phát triển của bất cứ quốc gia nào đều có dấu ấn sự khai sáng của văn hóa. Văn hóa chính là nền tảng và là dấu hiệu của phát triển. Văn hóa đem đến cho con người khả năng suy xét, tự ý thức, tìm tòi và sáng tạo. Văn hóa làm cho con người ngày càng xa rời trạng thái sơ khai, trạng thái động vật để khẳng định tính người, chất người, “trình độ người”, hướng con người tới những giá trị cao đẹp về Chân - Thiện - Mỹ, làm cho con người có tính nhân bản. Hồ Chí Minh nói về Cần, Kiệm, Liêm, Chính và cho rằng “thiếu một đức thì không thành người”; Mạnh Tử nhấn mạnh “người không liêm không bằng súc vật” đều nhằm nhấn mạnh và đề cao khía cạnh văn hóa của con người.

Theo Hồ Chí Minh, văn hóa nâng cao lý tưởng và tình cảm cách mạng cho mỗi người và mọi người. Đối với nước ta hiện nay, đó là lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Văn hóa trong xã hội có giai cấp bao giờ cũng có cốt tủy là hệ tư tưởng giai cấp. Vì hệ tư tưởng chi phối quan niệm về giá trị, chi phối đạo đức, lối sống và hành vi con người. C.Mác từng nói “những tư tưởng thống trị của một thời đại bao giờ cũng chỉ là tư tưởng của giai cấp thống trị”. Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là học thuyết cách mạng, khoa học và nhân văn, có sứ mệnh thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, khắc phục triệt để tình trạng con người bị tha hóa, tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện.

Về mặt tình cảm, văn hóa mang lại cho con người triết lý nhân sinh “ở đời và làm người”. Ở đời và làm người là phải biết thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ, bị áp bức. Văn hóa bồi dưỡng những phẩm chất và phong cách lành mạnh cho con người, đem đến cho con người triết lý sống biết hy sinh bản thân làm lợi cho quần chúng; cái gì có lợi cho dân, phục vụ dân là chân lý.

Cuộc cách mạng XHCN trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa tạo điều kiện cho con người nâng cao về đạo đức, tâm hồn, có lối sống lành mạnh, trong sạch. Người cán bộ, đảng viên có văn hóa không bao giờ làm việc theo kiểu dựa vào quyền lực, bắt người khác phục tùng, phớt lờ dân chủ hoặc nêu khẩu hiệu dân chủ một cách hình thức. Họ phải là những chiến sĩ tiên phong trong phong cách làm việc quần chúng, có tác phong quần chúng. Đó là sâu sát quần chúng, trọng dân, tin dân, gần dân, hiểu dân, kính dân, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Người có văn hóa sẽ có niềm tin yêu, quý mến, kính trọng, trân trọng con người, bao dung, độ lượng đối với con người. Người cán bộ có văn hóa là biết chú ý lắng nghe, giải quyết những kiến nghị chính đáng của quần chúng, hoan nghênh quần chúng phê bình; biết tiếp thu phê bình và sửa chữa; tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân theo tinh thần dân là chủ và dân làm chủ, mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Đó là những con người có tác phong dân chủ, biết lắng nghe, bàn luận và thấu hiểu, nhìn thấu sức mạnh và sự sáng tạo của nhân dân; tư tưởng và hành động luôn luôn nghĩ và hướng đến dân, thấy rõ trách nhiệm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đem lại hạnh phúc cho nhân dân.

Văn hóa đem lại cho con người và tổ chức sức đề kháng mãnh liệt chống lại các căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu, khát quyền lực, chạy quyền, mua quyền, bán quyền, lộng quyền, cửa quyền, tham quyền cố vị.

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tan rã của Liên Xô, có một nguyên nhân mà Thủtướng Nikolai Ryhkov (dưới thời Gorbachev) đã nói: “Chúng ta đánh cắp của chính chúng ta, nhận và đưa hối lộ, nói dối trong các báo cáo, trên báo chí, từ những bục giảng, đắm mình trong những lời dối trá của chúng ta, đeo huy chương cho nhau. Và tất cả điều này đã diễn ra - từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên”(2). Gần đây, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói rõ: “Sự tan rã của Liên Xô do nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân rất cơ bản chính là vì Đảng Cộng sản lúc đó đã suy thoái, biến chất do quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi; một số người lãnh đạo cấp cao của Đảng rơi vào chủ nghĩa xét lại, cơ hội hữu khuynh, mắc sai lầm về đường lối, thậm chí phản bội lại lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Đảng đông (21 triệu đảng viên) nhưng không mạnh, mất sức chiến đấu nên khi tình hình xấu xảy ra đã tan rã”(3).

Đảng ta là trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc. Cán bộ, đảng viên là những người con ưu tú của dân tộc. Sự trường tồn của Đảng là sự trường tồn của văn hóa, mà quan trọng nhất là văn hóa chính trị, văn hóa tư tưởng, văn hóa tổ chức trong đó hạt nhân cốt lõi là đạo đức, lối sống. Sự sai lầm về đường lối, kém về bản lĩnh chính trị của Đảng, sự hư hỏng của cán bộ, đảng viên là những nguy cơ lớn của đảng cầm quyền.

Để tạo được sự chuyển biến, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, cần phải quan tâm xây dựng Đảng về văn hóa. Bốn nhóm giải pháp Nghị quyết Trung ương 4 đưa ra, xét cả bề rộng lẫn chiều sâu, có nội dung cốt tủy là xây dựng văn hóa trong Đảng. Đó là văn hóa tự phê bình và phê bình, văn hóa nêu gương, văn hóa trong sinh hoạt đảng, văn hóa trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Thiếu văn hóa tự phê bình và phê bình thì kết quả hạn chế, thậm chí phản tác dụng. Lần này Bộ Chính trị nhấn mạnh tính tiền phong, gương mẫu tức là văn hóa nêu gương của cán bộ đứng đầu, chủ chốt. Điều này là cực kỳ quan trọng, vì một tấm gương sống có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2012

 (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.249-250.

(2) Thành ủy Hà Nội - Ban Tuyên giáo: Tài liệu tham khảo đặc biệt phục vụ công tác lãnh đạo quản lý, số 9-2001, tr.23.

(3) Tạp chí Cộng sản, số 833 (tháng 3-2012), tr.9.

 

PGS, TS Bùi Đình Phong

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền