Trang chủ    Thực tiễn    Tác phẩm Tự chỉ trích và ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay
Thứ tư, 27 Tháng 11 2013 13:46
5641 Lượt xem

Tác phẩm Tự chỉ trích và ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay

(LLCT)- Tháng 7-1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, với bút danh Trí Cường, đã công bố tác phẩm Tự chỉ trích tại Nhà sách Dân chúng (Sài Gòn).

Tự chỉ trích ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Trên thế giới, chủ nghĩa phátxít tạm thời thắng thế ở một số nước, ráo riết chuẩn bị chiến tranh, trở thành thách thức to lớn đối với hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Ở trong nước, Đảng Cộng sản Đông Dương đã được khôi phục về tổ chức, nhanh chóng tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân tiến hành cuộc vận động dân chủ sôi nổi trên phạm vi cả nước suốt từ năm 1936, với nhiều hình thức phong phú. Sách lược của Đảng đề ra tại Hội nghị cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Ban Chấp hành Trung ương và Ban Chỉ huy ở ngoài (tháng 7-1936) cơ bản phù hợp với chiến lược và sách lược của Quốc tế Cộng sản, song chưa thật phù hợp với tình hình ở Đông Dương. Quá trình thực hiện sách lược mới có lúc, có nơi biểu hiện bệnh “tả” khuynh cô độc, hẹp hòi trong việc liên hiệp hành động với các đảng phái tư sản và cải lương, đồng thời cũng xuất hiện tư tưởng hữu khuynh, không mạnh dạn đấu tranh với xu hướng phản động trong phái quốc gia cải lương. Một vài nơi thỏa hiệp vô nguyên tắc, liên hiệp hành động với nhóm Trốtxkít mà không lường hết hậu quả lâu dài. Yêu cầu thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương chậm được thực hiện, quan niệm về Mặt trận Dân chủ, hình thức Mặt trận chưa có sự thống nhất cao. Đấu tranh nghị trường giành được một số thắng lợi bước đầu, song đã có những lệch lạc: hoặc không đấu tranh mạnh mẽ cho quyền lợi dân sinh, dân chủ, hoặc từ chức, tẩy chay các Viện dân biểu. Đáng chú ý là trong cuộc tuyển cử Hội đồng Quản hạt Nam kỳ (16-4-1939), các ứng viên của Mặt trận Dân chủ không trúng cử, các phần tử Trốtxkít lại giành được đa số phiếu và thắng cử. Trong nội bộ Đảng có nhiều ý kiến bất đồng, có đảng viên đã viết bài đăng báo, công kích lẫn nhau, thậm chí nhận xét sai lệch về đường lối chính sách của Đảng.

Tháng 3-1938, tại Hội nghị Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ nêu vấn đề lập Mặt trận Dân chủ thống nhất Đông Dương (gọi tắt là Mặt trận Dân chủ).Trung ương Đảng hoàn toàn tán thành chủ trương này và tích cực thực hiện, đưa phong trào đấu tranh của quần chúng tiến thêm một bước trong hai năm 1938 - 1939. Cũng tại Hội nghị này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng, lúc đó mới 26 tuổi.

Với trọng trách là Tổng Bí thư của Đảng trong giai đoạn lịch sử đầy biến động và phức tạp, nội bộ Đảng và phong trào cách mạng xuất hiện những khuynh hướng khác nhau, có thể gây chia rẽ, phân liệt Đảng, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có những chỉ đạo quan trọng và trực tiếp biên soạn nhiều văn kiện, tác phẩm nhằm định hướng phong trào cách mạng, tăng cường sự thống nhất ý trí và hành động của Đảng. Tự chỉ trích là sự phê bình sâu sắc của Trung ương Đảng về công tác lãnh đạo trong thời kỳ Mặt trận dân chủ, đồng thời là một tác phẩm lý luận mang tính chất bút chiến với mục đích rất rõ ràng: “để thống nhất tư tưởng, một sự thống nhất thật sự, mạnh mẽ dựa trên sự giác ngộ và trung thành của mọi người” (Nguyễn Văn Cừ: Một số tác phẩm, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.216).

Tự chỉ trích khẳng định sự cần thiết của đấu tranh tự phê bình và phê bình. Theo đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đối với một đảng chính trị, việc mắc phải khuyết điểm, thậm chí sai lầm là một thực tế khó tránh. Phải nhờ tự phê bình và phê bình mà Đảng nhận rõ khuyết điểm, mạnh dạn thừa nhận khuyết điểm và kịp thời sửa đổi. Mặt khác, Đảng luôn phát huy sáng kiến của đảng viên và hoan nghênh ý kiến của đảng viên phê bình Đảng một cách đúng đắn. Đấu tranh tự phê bình và phê bình thể hiện tinh thần dân chủ của một Đảng Cộng sản chân chính. Mỗi đảng viên có quyền nói lên ý kiến của mình, phê bình, đóng góp vào việc xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng. Qua tự phê bình và phê bình để mở rộng ảnh hưởng và tăng uy tín của Đảng. Thái độ và tinh thần làm việc như vậy sẽ làm cho Đảng mạnh lên, quần chúng thêm tin tưởng và kẻ địch không có cớ để lợi dụng.

Mục đích, động cơ tối thượng và duy nhất của phê bình và tự phê bình, theoTự chỉ trích, là làm cho Đảng ngày càng hoàn thiện, ngày càng vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Tự phê bình và phê bình “để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng được càng thống nhất và củng cố đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi” (Sđd, tr.219). Trước thành bại của cách mạng, người đảng viên cộng sản phải có thái độ “không bi quan hoảng hốt mà cũng không đắc trí tự mãn” tìm ra nguyên nhân để rút kinh nghiệm. Nhất là trước những thất bại phải tìm hiểu sâu sắc nguyên nhân chủ quan và dám chịu trách nhiệm trước tổn thất, sai lầm. Không thể chấp nhận thái độ thành công thì nhận, thất bại thì đổ lỗi cho khách quan, né tránh trách nhiệm hoặc nhận lỗi một cách hời hợt. Tự chỉ trích chỉ rõ: "Mỗi cuộc thất bại là một dịp cho ta kinh nghiệm, coi những khẩu hiệu ta đề ra có được quảng đại quần chúng hiểu, công nhận và thực hành không" (Sđd, tr.221). Chỉ trên cơ sở đó, với động cơ đó, đấu tranh tự phê bình và phê bình mới có tác dụng thiết thực đối với sự phát triển của Đảng, làm cho Đảng mạnh lên.

Tinh thần tự phê bình và phê bình của những người cộng sản toát lên từ tác phẩm Tự chỉ trích là nhìn thẳng vào khuyết điểm, dám nhận những sai lầm của mình. Với bản lĩnh của người cộng sản, "Chúng ta phải biết nhìn nhận những khuyết điểm về chủ quan mà chính ta gây ra, chính ta phải chịu hoàn toàn trách nhiệm..." (Sđd, tr.220). Công khai, mạnh dạn và thành thực nói lên những khuyết điểm sẽ không làm cho Đảng suy yếu, không sợ bị địch nhân đó mà lợi dụng, ngược lại sẽ giúp cho những người cộng sản nhận rõ được sai lầm, tìm đúng nguyên nhân và có phương hướng sửa chữa, khắc phục, để Đảng được thống nhất, mạnh mẽ. Tự chỉ trích khẳng định, sự thống nhất chỉ có được khi nó là kết quả của sự giác ngộ chắc chắn, là kết quả của sự phân tích đúng đắn những quan điểm, ý kiến từ nhiều góc độ khác nhau để làm rõ đúng sai, phải trái. Sự thống nhất đạt được sau thảo luận, sau tự phê bình và phê bình sẽ trở thành sự thống nhất tự giác, cơ sở cho sự đồng thuận, đoàn kết của tập thể, sự thống nhất ý trí của Đảng. Nếu không dám đấu tranh, chỉ cốt “Giữ cái vỏ thống nhất mà bên trong thì hổ lốn một cục, đầy rẫy bọn hoạt đầu”(1)  thì chứng tỏ “không phải một đảng tiền phong cách mạng”, nói một cách khác, đó chính là mắc sai lầm cơ hội, hữu khuynh. Sai lầm này sẽ dẫn đến thủ tiêu đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng, làm cho Đảng không còn tính chiến đấu, không còn vai trò tiền phong, sẽ bị địch lợi dụng chống phá, và như vậy sẽ không còn uy tín với quần chúng cách mạng.

Đó là sự phê bình và tự phê bình ở tầm tư tưởng chiến lược.

Đấu tranh tự phê bình và phê bình phải tuyệt đối tuân thủ những nguyên tắc của Đảng. Trước hết, việc nêu khuyết điểm của Đảng nhất thiết phải xuất phát từ động cơ xây dựng Đảng, vì mục tiêu xây dựng Đảng. Trong tự phê bình và phê bình, nếu chủ nghĩa cá nhân nảy sinh sẽ không chỉ gây phương hại lớn đến Đảng, làm cho Đảng bị phân hóa, mà còn làm cho quần chúng hiểu sai về Đảng, dẫn đến thiếu tin tưởng vào Đảng. Theo Tự chỉ trích, người đảng viên cộng sản phải biết lấy uy tín, lấy danh dự chung của toàn Đảng làm danh dự của mình, bởi vậy, không được “đặt cá nhân mình lên trên Đảng, đem ý kiến riêng - dù là đúng - đối chọi với Đảng, vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, gieo mối hoài nghi lộn xộn trong quần chúng, gây mầm bè phái chia rẽ trong đội ngũ Đảng..." (Sđd, tr.219). Đó là những hành động mang tính chất cơ hội, vô chính phủ. Bởi vậy, trong tự phê bình và phê bình, phải kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Mọi đảng viên đều có quyền thảo luận, phê bình, nhưng phải đúng nguyên tắc, tuyệt đối chấp hành kỷ luật của Đảng.

Nguyên tắc của Đảng cũng không cho phép tranh luận, phô bầy công khai các vấn đề nội bộ. Đó là sự thể hiện của xu hướng “tả” khuynh, của bệnh tự ái cá nhân và sẽ gây tác hại không nhỏ tới công tác củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Mọi đảng viên đều có quyền tranh luận, phê bình đồng chí, phê bình Đảng, nêu các vấn đề nội bộ, trong khuôn khổ của tổ chức. Và khi đã thảo luận rõ ràng rồi, đã xây dựng thành nghị quyết thì “chỉ có một ý chí duy nhất là ý chí của Đảng, ngàn người sẽ như một để thực hành ý chí ấy” (Sđd, tr.216).

Tự chỉ tríchcó ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn quan trọng đối với phong trào cách mạng Việt Nam. Tác phẩm đã tổng kết những kinh nghiệm của Đảng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, chỉ rõ và kịp thời uốn nắn những lệch lạc của phong trào, của công tác xây dựng Đảng. Với tinh thần tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc và khoa học, Tự chỉ trích đã có đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, là bước chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương tháng 11-1939, quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đưa cách mạng bước vào giai đoạn đấu tranh quyết liệt những năm tháng sau đó.

Tự chỉ tríchlà tác phẩm tổng kết thực tiễn mang tính lý luận sâu sắc. Những tổng kết kinh nghiệm của Đảng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ đóng góp vào kho tàng lý luận của Đảng, là sự vận dụng sáng tạo nguyên tắc chỉ đạo chiến lược của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Tự chỉ trích mang tính Đảng sâu sắc và tính chiến đấu cao, là mẫu mực về tinh thần tự phê bình và phê bình của Đảng ta, tinh thần kiên quyết đấu tranh chống lại mọi biểu hiện cơ hội chủ nghĩa, cả tả khuynh và hữu khuynh, bảo đảm tính đúng đắn và tất thắng của đường lối chính trị.

Hơn 70 năm trôi qua, tinh thần chủ đạo của Tự chỉ trích còn nguyên tính thời sự với Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc sống hôm nay. 

Một đảng cách mạng, luôn phải có ý thức tự soi mình để phát hiện khuyết điểm và sửa chữa khuyết điểm, nhờ đó mà trưởng thành và giữ vững vị trí tiên phong cách mạng. Lênin đã từng chỉ rõ: Tất cả những đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho tới nay, đều bị tiêu vong vì tự cao tự đại, và không biết nhìn ra cái gì tạo nên sức mạnh của mình và sợ sệt, không dám nói lên những nhược điểm của mình. Quá trình hình thành và phát triển của Đảng tất yếu nảy sinh những mâu thuẫn, cũng không tránh khỏi những khuyết điểm, sai lầm. Bởi vậy, rất cần tinh thần Tự chỉ trích để đúc kết kinh nghiệm, làm rõ sai lầm khuyết điểm, để thống nhất ý chí và hành động sửa chữa sai lầm khuyết điểm. Môi trường dân chủ thảo luận, tranh luận khoa học, khuyến khích tìm tòi sáng tạo để tìm ra chân lý trong tổ chức và sinh hoạt Đảng là đòi hỏi khách quan nhằm phát huy trí tuệ và trách nhiệm của đảng viên đóng góp cho Đảng.

Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng. Tự phê bình và phê bình trên thực tế đã là vũ khí thiết yếu của những người cộng sản Việt Nam ngay từ những ngày đầu phong trào cách mạng mới nhen nhóm. Năm 1927, trong cuốn sách Đường Cách mệnh, mục “Tư cách người cách mệnh”, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh tới một trong những yêu cầu cao nhất đối với người cộng sản là phải biết “cả quyết sửa lỗi mình”. Tự chỉ trích đã kế thừa và phát triển tinh thần ấy, đó là sự mạnh dạn thừa nhận khuyết điểm và kiên quyết sửa chữa, khắc phục sai lầm, khuyết điểm của một đảng cách mạng chân chính. Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta  đã luôn luôn nhìn nhận nghiêm khắc về sai lầm khuyết điểm của mình để củng cố lại tổ chức, chỉnh đốn về chính trị - tư tưởng, nhờ đó đưa cách mạng phát triển mạnh mẽ. Tiêu biểu là tinh thần “sửa sai để tiến lên” trong cải cách ruộng đất, tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật” tại Đại hội VI, khi khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện, tinh thần tự phê bình và phê bình của Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII. Cũng với tinh thần ấy, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư khóa XI đã ra Nghị quyết về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nhằm khắc phục“không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ” trong công tác xây dựng Đảng, vạch ra tư tưởng chiến lược của công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới cũng như đề ra nhiều biện pháp nhằm khắc phục những khuyết điểm, yếu kém, nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của Đảng.

Xây dựng Đảng là quá trình không ngừng giải quyết mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình vận động của cách mạng: mâu thuẫn giữa bộ phận tiền phong với bộ phận chậm tiến, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ Đảng; giữa tư tưởng cách mạng chân chính với những tư tưởng lạc hậu, bảo thủ; giữa yêu cầu đảm bảo tính thống nhất, đoàn kết của Đảng với khuynh hướng “tả” hoặc hữu khuynh có nguy cơ làm phân liệt Đảng. Một trong những phương thức quan trọng để giải quyết những mâu thuẫn đó là tự phê bình và phê bình, qua đó đấu tranh và bài trừ những tư tưởng, quan điểm sai lầm, thoái hóa về chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên cản trở sự phát triển của Đảng. Ngày nay, những phần tử cơ hội biến chất trong không ít tổ chức, đơn vị đang gây nguy hại tới uy tín của Đảng, làm ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Những phần tử đó và hậu quả do họ gây nên chẳng những làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, mà còn phá hoại Đảng từ bên trong, thực hiện “tự diễn biến” và tạo điều kiện cho các thế lực thù địch có môi trường thuận lợi để tuyên truyền, chống phá Đảng, chống phá chế độ. Với tinh thần Tự chỉ trích, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã nêu rõ: cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Tổ quốc, trước Đảng và nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân... Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng. Chỉ như vậy, Đảng mới không ngừng lớn mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, ngang tầm đòi hỏi của thời đại và của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Với tinh thần “Tự chỉ trích”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã tự phê bình sâu sắc khi nhìn thẳng vào khuyết điểm: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Khắc phục những khuyết điểm đó cần đến nhiều giải pháp tổng hợp, trong đó tự phê bình và phê bình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để thực hiện có hiệu quả, cần chú ý một số khía cạnh sau:

Một là, luôn phải xem tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng. Những lúc cách mạng thắng lợi, tự phê bình và phê bình để phòng ngừa tâm lý thỏa mãn với thành tích đạt được ban đầu, say sưa với thắng lợi, không lường được những nguy cơ mới xuất hiện. Những lúc cách mạng gặp khó khăn, tự phê bình nhằm chỉnh đốn tư tưởng và tổ chức, truy tìm nguyên nhân chủ quan dẫn đến sai lầm, gây thiệt hại cho cách mạng, rồi từ đó uốn nắn, sửa chữa, giúp Đảng trưởng thành hơn và vượt qua được thử thách, tiếp tục giữ vai trò tiền phong gương mẫu. Do đó, đây là công việc thường xuyên như “rửa mặt hằng ngày” - theo cách nói của Hồ Chí Minh - và càng phải đặc biệt coi trọng khi cách mạng đứng trước những bước ngoặt, những tình thế.

Hai là,tự phê bình và phê bình là hướng tới xây dựng Đảng toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức cách mạng, tác phong công tác của cán bộ đảng viên, trong đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là lĩnh vực tư tưởng, lý luận chính trị. Sức mạnh của đảng cách mạng nằm ở tính thống nhất cao độ về tư tưởng, chính trị và tổ chức. Tuy nhiên, trong quá trình cách mạng với những vận động, thay đổi về điều kiện, những tác động phức tạp từ nhiều hướng của đời sống xã hội đương nhiên dẫn tới khả năng nhận thức khác nhau trong nội bộ Đảng. Tự phê bình và phê bình chính là đấu tranh với cả khuynh hướng “tả” hoặc hữu khuynh có nguy cơ gây ra chủ nghĩa biệt phái trong Đảng, tạo ra nhận thức và hành động thống nhất trên cơ sở đường lối khoa học. Tự phê bình và phê bình nhằm gột rửa các tư tưởng lạc hậu, sai lầm, chậm tiến để đội ngũ đảng viên không ngừng nâng cao nhận thức tư tưởng - lý luận, nhờ đó đủ năng lực lãnh đạo cách mạng và thống nhất ý chí khi hành động.

Ba là, trong tự phê bình và phê bình, phương pháp và cách làm đóng vai trò cực kỳ quan trọng để đảm bảo thành công. Để không sa vào chủ nghĩa cá nhân và lợi ích cục bộ, đòi hỏi mọi tổ chức đảng và đảng viên phải đặt lợi ích cách mạng lên cao nhất và duy nhất. Bản thân mỗi đảng viên phải tự soi lại chính mình trên tinh thần cộng sản để tìm thấy những khuyết điểm phải sửa chữa, những tác phong đạo đức không phù hợp phải chỉnh đốn, những nhận thức lạc hậu phải được đổi mới. Thiếu tinh thần cộng sản chân chính, rơi vào chủ nghĩa cá nhân và lợi ích cục bộ thì phê bình hoặc sẽ biến thành hình thức, qua loa đại khái hoặc bị lợi dụng nhằm đả kích nhau, gây rối loạn tổ chức, làm phân tâm tư tưởng và tác động tiêu cực đến phong trào cách mạng. Do đó, xây dựng ý thức, trách nhiệm, thái độ và phương pháp đúng trong tự phê bình và phê bình là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mà đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã hết sức nhấn mạnh trong Tự chỉ trích.

Bốn là,trong điều kiện Đảng cầm quyền, tự phê bình và phê bình có nhiều điểm khác biệt với thời kỳ Đảng hoạt động bí mật. Khi Đảng chưa giành được chính quyền, hoạt động bí mật, những khác biệt về tư tưởng - chính trị trong hàng ngũ của Đảng chủ yếu và trước hết xuất phát từ trình độ nhận thức của đảng viên. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, phát triển kinh tế thị trường, các khuynh hướng tư tưởng - chính trị nảy sinh trong Đảng không chỉ do trình độ nhận thức mà còn có nguồn gốc kinh tế - xã hội, sự tác động của lợi ích cũng như ảnh hưởng của nhiều mối quan hệ của đời sống xã hội. Vì vậy, tự phê bình và phê bình nhằm chống suy thoái về chính trị - tư tưởng, đạo đức - lối sống phải gắn liền với các biện pháp chỉnh đốn đảng về tổ chức và cán bộ; phải chú ý đến các mối quan hệ kinh tế - xã hội. Tự phê bình và phê bình phải gắn liền với việc không ngừng mở rộng dân chủ, triển khai các biện pháp tổ chức linh hoạt nhằm kiểm soát các quan hệ lợi ích, nắm bắt diễn biến tâm lý - tư tưởng, đặc biệt là kiểm soát quyền lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà Đảng ủy thác và nhân dân ủy quyền. Thực chất, đó cũng là một cuộc đấu tranh không kém phần gay go, phức tạp nhằm xây dựng Đảng vững mạnh, bảo vệ uy tín chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.

Năm là, không để các vấn đề nội bộ Đảng bị thế lực thù địch và cơ hội chính trị lợi dụng chống phá Đảng trong quá trình thực hiện tự phê bình và phê bình.Đây là một yêu cầu rất căn bản mà tác phẩm Tự chỉnh trích hết sức nhấn mạnh. Các vấn đề của Đảng, đối với nội bộ cần đấu tranh kiên quyết, triệt để, nhằm đảm bảo tính thống nhất của Đảng, không tạo mầm mống cho nảy sinh chủ nghĩa cơ hội hoặc chủ nghĩa biệt phái. Không để cuộc đấu tranh nội bộ Đảng bị bên ngoài lợi dụng kích động gây chia rẽ  hàng ngũ của Đảng, chia rẽ Đảng với quần chúng. Tất nhiên, trong điều kiện một đảng cầm quyền, đòi hỏi phải kết hợp rất nhiều hình thức hỗ trợ cho tự phê bình và phê bình đạt hiệu quả và mang tính thực chất, nhất là phát huy  vai trò của hệ thống phản biện xã hội, của báo chí - truyền thông, của hệ thống kiểm soát quyền lực.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà tư tưởng - lý luận xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, đã có những đóng góp quan trọng trong việc vạch ra chiến lược và sách lược của cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị và tổ chức. Qua Tự chỉ trích, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã thể hiện là một nhà lãnh đạo có tầm chiến lược, linh hoạt và sáng tạo trong chỉ đạo thực tiễn. Đồng chí là một tấm gương mẫu mực về tinh thần tự phê bình và phê bình, tuyệt đối trung  thành với nguyên tắc Đảng. Tự chỉ trích đã trở thành một tác phẩm lý luận chính trị kinh điển bàn về tự phê bình và phê bình trong Đảng, góp phần uốn nắn những lệch lạc trong phong trào cách mạng, tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng; kiên quyết đấu tranh chống lại mọi biểu hiện cơ hội chủ nghĩa, “tả” khuynh và hữu khuynh. Tác phẩm này còn toát lên năng lực tư duy lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong bắt mạch tình thế cách mạng đòi hỏi Đảng phải vươn lên ngang tầm, trong tổng kết thực tiễn để sáng tạo lý luận xây dựng Đảng. Tự chỉ trích không chỉ có ý nghĩa củng cố niềm tin, tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng lúc bấy giờ, mà còn trở thành cẩm nang của Đảng trong mọi thời kỳ về xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất và sức chiến đấu của Đảng, nhất là trong công cuộc đổi mới, hội nhập hiện nay.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luân chính trị số 5-2012

(1) Có nghĩa là bọn cơ hội.

GS, TS Tạ Ngọc Tấn

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy,

Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền