Trang chủ    Thực tiễn    Về chế định quyền làm việc
Thứ ba, 03 Tháng 12 2013 09:13
2395 Lượt xem

Về chế định quyền làm việc

(LLCT) - Trong luật nhân quyền quốc tế, quyền làm việc được chế định chủ yếu trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (1948), Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR, năm 1966) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR, năm 1966). Các điều ước quốc tế, nhìn chung, xác định nội dung quyền làm việc của tất cả mọi người, không loại trừ ai. Sửa đổi Hiến pháp 1992 cần làm rõ chế định quyền làm việc này. 

1. Tiền đề cho việc chế định quyền làm việc

Trong luật nhân quyền quốc tế, quyền làm việc được chế định chủ yếu trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (1948), Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR, năm 1966) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR, năm 1966). Các điều ước quốc tế, nhìn chung, xác định nội dung quyền làm việc của tất cả mọi người, không loại trừ ai, gồm:          

-  “... có quyền làm việc, quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng, thuận lợi và được bảo vệ chống lại nạn thất nghiệp”;           

- “... có quyền được trả công ngang nhau”;

- “... có quyền được hưởng chế độ thù lao công bằng và hợp lý”;           

- “... có quyền thành lập hoặc gia nhập công đoàn”;

- “... có quyền nghỉ ngơi và thư giãn, kể cả quyền được giới hạn hợp lý số giờ làm việc và được hưởng những ngày nghỉ định kỳ có hưởng lương”(1)Và yêu cầu các quốc gia thi hành các biện pháp thích hợp để bảo đảm các quyền này(2).

Quyền làm việc được chế định dưới ba dạng, trong đó hai dạng đầu là quyền trực tiếp; dạng sau, tạm gọi là quyền gián tiếp hay quyền thụ động:    

a) Quyền: được làm việc và được hưởng những điều kiện làm việc công bằng, thuận lợi.

b) Tự do (hay quyền cơ bản): tự do lựa chọn nghề nghiệp,...       

c) Trách nhiệm của xã hội: bảo vệ và thực hiện các quyền làm việc, có quyền và nghĩa vụ định hướng và đưa ra những chỉ dẫn phù hợp,...

Nội dung quyền làm việc được phân thành nhóm: a) Nhóm quyền được được tự do lựa chọn nghề nghiệp và được hưởng những điều kiện làm việc công bằng, thuận lợi; b) Nhóm quyền được bảo vệ chống lại nạn thất nghiệp và những điều kiện làm việc không công bằng; c) Nhóm quyền được trả công, và thù lao công bằng, hợp lý; d) Nhóm quyền được tham gia và được phát triển.       

Việt Nam tham gia ký Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (24-9-1982) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ngày 24-9-1982). Quyền làm việc được chế định trong Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 (gồm cả lần sửa đổi năm 2001). Trong Hiến pháp 1992, quyền làm việc được chế định trực tiếp và gián tiếp trong các Điều 55, 56, 57,... và được thể chế hóa trong nhiều bộ luật và luật, tập trung là Bộ Luật lao động (năm 1994, sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006).      

2. Việc chế định quyền làm việc trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992          

Thứ nhất, các quyền trực tiếp được chế định trong các Điều 34, 38, 43, 56, 61.

Thứ hai, quyền làm việc được hàm chứa trong việc chế định các quyền khác ở các Điều 17, 33, 44, 46, 53, 54, 55, 57, 58, 59, 60, 63, 67, 68.  Như mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ; tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn.           

3. Ưu, nhược điểm cơ bản trong việc chế định quyền làm việc trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992           

Ưu điểm:   

- Đã chuyển được cách thức thiết lập quyền làm việc từ chỗ: quy định dưới dạng nhà nước “quyết định” quyền cho công dân và mọi người, sang việc công dân và mọi người  được hưởng các quyền đó một cách mặc nhiên và Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền làm việc.         

- Dành cho quyền làm việc một khuôn khổ khá rộng lớn gồm cả quyền trực tiếp và quyền hàm chứa, với nhiều quyền cơ bản mà luật nhân quyền quốc tế và nhiều hiến pháp của các nước trên thế giới đã  ghi nhận; trong đó có một số quyền mới (quyền nghiên cứu khoa học, công nghệ; sáng tạo văn học, nghệ thuật;...)

Nhược điểm:         

- Hình thức chế định quyền làm việc còn thiếu chế định quyền dưới dạng “trách nhiệm” của xã hội và quyền được bảo vệ, nhất là đối với các nhóm dễ bị tổn thương (trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật, người cao tuổi).      

- Còn thiếu việc chế định (hoặc chế định chưa rõ) “quyền thành lập hoặc gia nhập công đoàn”; “quyền nghỉ ngơi và thư giãn, kể cả quyền được giới hạn hợp lý số giờ làm việc và được hưởng những ngày nghỉ định kỳ có hưởng lương” của người lao động, theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã thừa nhận và tham gia ký kết.     

- Cách diễn đạt ở một số điều có thể gây thắc mắc. Thí dụ Khoản 1 Điều 61 (sửa đổi, bổ sung Điều 55, Điều 56) dùng những chữ “tạo việc làm” trong cụm từ “tạo điều kiện để tạo việc làm” có thể làm nảy sinh câu hỏi: Vậy những người không có khả năng “tạo việc làm” cho bản thân và cho cộng đồng hay xã hội có được Hiến pháp “tạo điều kiện” không ? (nguyên văn là: 1. Tổ chức, cá nhân được khuyến khích, tạo điều kiện để tạo việc làm, có thu nhập thỏa đáng cho người lao động.)         

4. Kiến nghị          

- Khoản 2 Điều 38 đã quy định “Nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng người lao động chưa thành niên trái pháp luật”. Nhưng như thế vẫn chưa đủ về đối tượng. Nên bổ sung cả nhóm phụ nữ và những người dễ bị tổn thương nói chung.

- Bổ sung một khoản trong Điều 10 (sửa đổi, bổ sung Điều 10) về quyền gia nhập công đoàn của người lao động thuộc mọi thành phần kinh tế.           

- Bổ sung một khoản (có thể ở Điều 35 hoặc Điều 38) về “quyền nghỉ ngơi và thư giãn, kể cả quyền được giới hạn hợp lý số giờ làm việc và được hưởng những ngày nghỉ định kỳ có hưởng lương” của người lao động thuộc mọi thành phần kinh tế.

- Để bảo đảm sự bình đẳng giữa các quyền hiến định và luật định, nên có một khoản, tốt nhất là một điều ở Chương II, quy định về sự bình đẳng giữa các quyền hiến định và luật định, trong đó có quyền làm việc. 

- Về kỹ thuật, nhiều điều trong Dự thảo ràng buộc các quyền hiến định “theo” và do đó, thấp hơn “quy định của pháp luật”. Vì thế nên thay chữ “theo” bằng chữ “do” hay chữ “bằng”. Thay chữ “tạo” bằng chữ “có” trong cụm từ “tạo việc làm ...” ở Khoản 1 Điều 61 và chỉnh sửa cách thể hiện một số điều khác phù hợp với tính chất của Hiến pháp.  

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2013

(1) Xem: Hỏi đáp về quyền con người, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.242-243.

(2) Xem: Quyền con người - Tập tài liệu  chuyên đề của Liên hợp quốc, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.289. 

PGS, TS Nguyễn Thanh Tuấn

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền