Trang chủ    Thực tiễn    Một số ý kiến về quan điểm sửa đổi Hiến pháp 1992
Thứ ba, 03 Tháng 12 2013 09:27
2258 Lượt xem

Một số ý kiến về quan điểm sửa đổi Hiến pháp 1992

(LLCT) - Để có thể thảo luận những nội dung cụ thể về sửa đổi Hiến pháp như thế nào? Sửa cơ bản, toàn diện hay chỉ sửa một số nội dung cần thiết, theo tôi, trước hết cần nhận thức lại quan niệm về Hiến pháp và quan điểm sửa đổi Hiến pháp lần này.

1. Quan niệm về Hiến pháp

- Về mặt chính trị - xã hội: Hiến pháp là văn bản ghi nhận thành quả đấu tranh của nhân dân vì tự do độc lập, xác lập chế độ mới, bảo đảm quyền con người chống lại chính quyền, áp bức, bóc lột. Vì vậy thông thường trong lịch sử nhân loại, Hiến pháp là thành quả của các cuộc đấu tranh cách mạng vì tự do, dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ, chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ"(1).

Như vậy, về mặt chính trị Hiến pháp phải khẳng định được thành quả đấu tranh vì độc lập, tự do, dân chủ của nhân dân; xác lập chế độ mới do nhân dân làm chủ, quyền lực nhà nước phải thuộc về nhân dân, nhân dân là người quyết định vận mệnh và sự phát triển của đất nước.

Mặt khác, Hiến pháp nói riêng và pháp luật nói chung luôn luôn thể hiện bản chất giai cấp trong nội dung của nó: Hiến pháp thể hiện ý chí và lợi ích của ai? phục vụ lợi ích của ai? định hướng phát triển xã hội theo ý chí của giai cấp nào? ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, vì vậy Hiến pháp phải thể chế hoá Cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng. Nhấn mạnh bản chất giai cấp của Hiến pháp là đúng, phù hợp với quan điểm đấu tranh giai cấp, nhưng chưa đủ, cần phải xem xét bản chất xã hội của Hiến pháp.

Trong lịch sử nhân loại, việc xuất hiện Hiến pháp đều gắn với các cuộc đấu tranh vì tự do, bình đẳng, dân chủ, chủ quyền của nhân dân chống lại chế độ quân chủ chuyên chế, độc tài. Vì vậy, về mặt xã hội, Hiến pháp còn là văn bản ghi nhận và thể hiện khát vọng của nhân dân về tự do, dân chủ, nhân quyền, đó cũng chính là các giá trị xã hội vĩnh hằng gắn với nhân loại tiến bộ. Quyền sống tự do trong hoà bình, quyền bình đẳng, dân chủ, quyền được bảo đảm an ninh, an toàn; được chăm lo, nâng cao chất lượng cuộc sống luôn luôn là khát vọng, là mục tiêu và động lực của nhân loại tiến bộ.

Những vấn đề nêu trên đã được thể hiện trong các bản Hiến pháp của nước ta cần được tiếp tục phát huy, đương nhiên cần được diễn đạt cô đọng, khái quát hơn.

- Về mặt pháp lý: Hiến pháp là văn bản luật có giá trị pháp lý cao nhất, là luật gốc - luật cơ bản, mọi văn bản dưới Hiến pháp phải căn cứ vào Hiến pháp, phù hợp với Hiến pháp, không được trái Hiến pháp. Tính cơ bản, tính pháp lý cao nhất của Hiến pháp đòi hỏi tính ổn định cao, lâu dài của Hiến pháp; quy trình và thủ tục ban hành sửa đổi phải xác lập theo cơ chế đặc biệt, khác với việc ban hành các văn bản luật khác (không thể đơn giản là do Quốc hội đề nghị nếu có 2/3 đại biểu tán thành).

Tính cơ bản của Hiến pháp còn thể hiện ở phạm vi điều chỉnh của Hiến pháp. Hiến pháp chỉ điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản, chủ yếu có tính nguyên tắc làm nền tảng cho tổ chức, hoạt động, phát triển của xã hội, bao gồm chế độ chính trị - xã hội, chế độ nhà nước, quyền và nghĩa vụ công dân, chế độ kinh tế, chủ quyền quốc gia, bảo vệ Tổ quốc và đường lối đối ngoại.

Tính pháp lý cao nhất của Hiến pháp còn thể hiện ở chỗ Hiến pháp là văn bản hợp pháp hoá chính thức, được toàn dân thừa nhận về chế độ chính trị, về tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội, quyền và nghĩa vụ công dân... Đó là khế ước xã hội, là ý chí là cam kết của toàn dân về chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá; quyền, nghĩa vụ công dân, tổ chức quyền lực nhà nước thể hiện chủ quyền của nhân dân.

- Trong Văn kiện Đại hội X, Đại hội XI của Đảng; trong Hiến pháp 1992 (sửa đổi 2001) đều khẳng định nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN. Các quan điểm, tư tưởng về nhà nước pháp quyền trong lịch sử tư tưởng nhân loại đều khẳng định vai trò quan trọng có ý nghĩa quyết định của Hiến pháp trong nhà nước pháp quyền, Hiến pháp là "vương miện" của nhà nước pháp quyền. Đó là tuyên ngôn của một quốc gia, dân tộc về con người và quyền tự do của con người cùng với chế độ xã hội, thể chế chính trị pháp lý, chế độ kinh tế, bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc, đường lối đối ngoại hoà bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển... bảo đảm thực hiện và bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của con người, chăm lo hạnh phúc của con người. Vì thế trong nhà nước pháp quyền Hiến pháp là văn bản có giá trị thiêng liêng, Hiến pháp phải được bảo vệ, mọi vi phạm Hiến pháp trong hoạt động thực thi quyền lực nhà nước phải được phán quyết và xử lý.

Nếu Hiến pháp là văn bản luật cơ bản, có giá trị pháp lý cao nhất, phản ánh các giá trị xã hội cơ bản, có ý nghĩa thiêng liêng đối với quốc gia, dân tộc và toàn thể nhân dân thì nội dung của nó cũng như quy trình, thủ tục ban hành sửa đổi Hiến pháp phải phản ánh được ý chí, quyết tâm chính trị, bảo đảm sự đồng thuận, tôn thờ của nhân dân, của toàn xã hội. Hiến pháp phải trở thành văn bản cam kết về các giá trị chung và mà cả cộng đồng tôn trọng. Quy trình sửa đổi phải bảo đảm cho cộng đồng được tham gia thể hiện ý chí, có sự đồng thuận. Hiến pháp là văn bản của nhân dân phải được nhân dân tham gia xây dựng và biểu quyết tán thành.

Chính vì nhận thức còn hạn chế về Hiến pháp nên nội dung, cách biểu đạt của Hiến pháp 1959, 1980, 1992 nhiều khi sa đà, quá cụ thể, trùng lặp với các vấn đề do luật điều chỉnh, nhiều quy định không rõ, bất cập... dẫn đến khi tình hình thay đổi buộc chúng ta phải sửa đổi Hiến pháp.

Tôi chưa nhất trí cao với cách đặt vấn đề do tình hình kinh tế - xã hội, hệ thống chính trị... có những thay đổi nên phải sửa đổi Hiến pháp. Nếu thế thì sẽ có bao nhiêu lần sửa đổi Hiến pháp nữa?

2. Về quan điểm sửa đổi Hiến pháp 1992

Hiện nay có hai quan điểm sửa đổi Hiến pháp 1992:

- Sửa đổi cơ bản và toàn diện Hiến pháp 1992.

- Giữ lại những nội dung hợp lý, chỉ sửa những nội dung không rõ ràng, mâu thuẫn hoặc bất cập không phù hợp thực tế trong Hiến pháp 1992.

Theo tôi cần kết hợp giữa hai quan điểm này.

Sửa cơ bản và toàn diện Hiến pháp 1992 theo những nhận thức mới về Hiến pháp. Cơ bản và toàn diện thể hiện trong cả nội dung và cách thức biểu đạt bảo đảm tính cô đọng, khái quát, phản ánh được tư tưởng chủ quyền của nhân dân, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; ghi nhận và bảo đảm thực hiện những giá trị xã hội vĩnh hằng về tự do, dân chủ, bình đẳng, quyền con người. Các chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá, tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội là các thiết chế bảo đảm chủ quyền của nhân dân, bảo đảm tự do, bình đẳng, quyền con người... Hiến pháp phải bảo đảm tính ổn định lâu dài, đó là tuyên ngôn về những gì không thay đổi và được công nhận.

Thực tiễn sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta do Đảng lãnh đạo, nhất là 25 năm đổi mới vừa qua, trong bối cảnh vô cùng khó khăn do biến động của tình hình quốc tế, chúng ta vẫn đạt được những thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử; mục tiêu, con đường đi lên CNXH, những yếu tố quyết định trong việc xây dựng chế độ mới đã rõ ràng; nhân dân có sự đồng thuận cao với Đảng và đang rất trông chờ vào những tuyên bố của Đảng; từ những đổi mới, tiến bộ và cả những yếu kém, bất cập của hệ thống chính trị, từ những quy định chưa rõ ràng, khó khả thi trong Hiến pháp 1992 đã đến lúc chín muồi và thời cơ để sửa đổi cơ bản, toàn diện Hiến pháp 1992. Đương nhiên chúng ta phải tiếp tục kế thừa, phát huy những ưu điểm, những nội dung phù hợp trong Hiến pháp 1992 nhưng phải biểu đạt ở chiều sâu, tầm khái quát nhận thức mới về những nội dung chủ yếu của Hiến pháp.

Hiến pháp mới phải hướng đến những giá trị của Nhà nước pháp quyền, trong đó bảo đảm chủ quyền của nhân dân, quyền lực nhà nước thuộc nhân dân, tính thượng tôn của pháp luật trong vận hành của nhà nước, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, tất cả vì hạnh phúc của con người; phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp, bảo đảm tính độc lập của Toà án khi xét xử, bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm của chính quyền.

Quan điểm sửa đổi Hiến pháp như thế nào không chỉ tác động đến việc sửa đổi nội dung của Hiến pháp, mà còn ảnh hưởng đến quy trình, thủ tục sửa đổi Hiến pháp. Nếu sửa cơ bản và toàn diện phải mở rộng thành phần Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tăng thêm thời gian và phải đưa ra trưng cầu ý kiến nhân dân, quy trình sửa đổi phải chặt chẽ, phải được toàn dân góp ý kiến tham gia xây dựng thì Hiến pháp mới trở thành khế ước chung của xã hội, mới là tuyên ngôn của dân tộc, mới trở thành "thiêng liêng", là "vương miện" của nhà nước pháp quyền có giá trị lâu bền và luôn được tôn trọng, bảo đảm thực thi trong thực tiễn.

(1)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, NXB Sự thật, Hà Nội, 1984, tr.6.

 

PGS,TS Nguyễn Văn Mạnh

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hô Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền