Trang chủ    Thực tiễn    Sự chuyển tiếp liên tục trong đội ngũ cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận quản lý trong giai đoạn hiện nay
Thứ hai, 09 Tháng 12 2013 14:35
2421 Lượt xem

Sự chuyển tiếp liên tục trong đội ngũ cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận quản lý trong giai đoạn hiện nay

 

(LLCT) - Ninh Thuận là tỉnh ở cực Nam Trung bộ, có vị trí rất quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và quốc phòng, an ninh đối với khu vực và cả nước. Tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, nhất là năng lượng tái tạo (năng lượng gió và năng lượng mặt trời), thủy sản, nông nghiệp và du lịch. Trong những năm qua, Tỉnh uỷ và các cấp uỷ, cán bộ, đảng viên đã nhận thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của cán bộ và công tác cán bộ, nhất là đối với cán bộ diện BTVTU quản lý; đã tích cực đổi mới công tác cán bộ.

Đến nay, tổng số cán bộ diện BTVTU Ninh Thuận quản lý theo các chức danh cán bộ là 287 đồng chí, trong đó có 93 cán bộ của các huyện và thành phố. 

Trong những năm qua, nhất là từ năm 2000 đến nay cán bộ diện BTVTU quản lý đã nỗ lực phấn đấu trưởng thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; là một trong những nhân tố quyết định thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và kết quả công cuộc đổi mới trên địa bàn tỉnh. Trong đội ngũ cán bộ diện BTVTU quản lý đã có sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng trên nhiều điểm, nhiều mặt, đáp ứng sự vận động phát triển của nhiệm vụ chính trị từng cơ quan, đơn vị và của tỉnh.

* Về số lượng:

Cuối năm 2000, tổng số cán bộ diện BTVTU quản lý của 4 huyện và 1 thị xã và cán bộ cấp tỉnh là 222 cán bộ (thời điểm này, Ninh Thuận có 4 huyện và 1 thị xã). Kết thsc nhiệm kỳ 2000-2005, đã tăng lên là 267 cán bộ. Sự tăng về số lượng là do yêu cầu của nhiệm vụ chính trị và công cuộc đổi mới trên địa bàn tỉnh, không chạy theo số lượng.

Đến 31/10/2012,tổng số cán bộ diện BTVTU quản lý tăng lên 287 cán bộ, trong đó có 93 cán bộ của 6 huyện và 1 thành phố. Như vậy, qua các nhiệm kỳ số lượng tăng lên khá đều. Từ năm 2000 đến 2012 số lượng cán bộ tăng từ 222 cán bộ lên 287 cán bộ; cán bộ diệnBTVTU quản lý ở cấp huyện cũng tăng lên đều đặn từ 59 cán bộ lên 93 cán bộ. Sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ đã bảo đảm đủ số lượng cán bộ cần thiếttheo các chức danh cán bộ và đã duy trì được họat động lãnh đạo, quản lý trên tất cả các lĩnh vực, ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh; hạn chế dần tình trạng cán bộ diện BTVTU quản lý kiêm nhiệm nhiều chức vụ, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động; bảo đảm cho Ninh Thuận hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị địa phương. Sự tăng lên của đội ngũ cán bộ diện BTVTU quản lý đã thể hiện rõ sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng trong đội ngũ.

Về cơ cấu độ tuổi:

Đến cuối năm 2000, tuổi đời bình quân của đội ngũ cán bộ diện BTVTU quản lý là 45,11 tuổi. Trong đó, độ tuổi từ 40- 50 tuổi: 165 cán bộ, chiếm 74,32%, dưới 40 tuổi, chỉ chiếm chiếm  13,96%.

Đến 31/10/2012, số liệu tương ứng là 50,51 tuổi, 42,50%; 4,53%.

Về trình độ chuyên môn:

Cuối năm 2000, đội ngũ cán bộ diện BTVTU quản lý có trình độ chuyên môn:  Đại học, cao đẳng có 138 cán bộ, chiếm 62,16%, chưa qua đào tạo có 51 cán bộ, chiếm  22,97% so với tổng số cán bộ diện BTVTU quản lý. Đến cuối năm 2012, số liệu tương ứng là 247 cán bộ, chiếm 86,06%; chưa qua đào tạo có 09 cán bộ, chiếm 3,13%.

Về trình độ lý luận chính trị:

Cuối năm 2000, có 174 cán bộ có trình độ cao cấp, cử nhân, chiếm 78,37%; Trung cấp 35 cán bộ, chiếm 15,76% và sơ cấp có 13 cán bộ , chiếm 5,85%. Đến 31/10/2012 số liệu tương ứng là 260 cán bộ, chiếm 90,60%; 20 cán bộ, chiếm 6,70% và 7 cán bộ, chiếm   2,43%.

Về trình độ, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học: Tất cả cán bộ diện BTVTU quản lý đều học qua các lớp bồi dưỡng về quản lý nhà nước. Phần lớn cán bộ có trình độ A về ngoại ngữ, một sốt ít cán bộ có trình độ B, C và chủ yếu là tiếng Anh. Tất cả cán bộ được học chương trình tin học ứng dụng Văn phòng phục vụ công việc.

Như vậy, về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước của đội ngũ cán bộ diện BTVTU quản lý được nâng lên một bước khá lớn qua các nhiệm kỳ: cán bộ chưa qua đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, trung cấp giảm mạnh, cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học tăng lớn, cán bộ có trình độ trên đại học (tiến sĩ, thạc sĩ) tăng đáng kể ; cán bộ có trình độ lý luận chính trị sơ cấp  giảm nhanh, cán bộ có trình độ cao cấp, cư nhân chính trị nagy càng tăng. Cụ thể là: cán bộ có trình độ trên đại học 26 người (chiếm 8,8%), tăng 4,3% so với năm 2000; đại học, cao đẳng 247 người (chiếm 86,06%), tăng 23,9% so với năm 2000; Trung cấp 9 người (chiếm 3,13%), giảm 7,23% so với năm 2000. Chưa qua đào tạo chuyên môn 02 người (chiếm 0,7%), giảm 22,27% so với năm 2000.trình độ lý luận chính trị cử nhân và cao cấp chiếm 90.6%, tăng 12,23% so với năm 2000. Trình độ quản lý nhà nước so với nhiệm kỳ trước cũng được nâng lên đáng kể. Trong đội ngũ cán bộ diện BTVTU quản lý đã có sự chuyển tiếp liên tục, khá vững vàng về rình độ mọi mặt.

* Về phẩm chất đạo đức, lối sống: Trong những năm qua đội ngũ cán bộ diện BTVTU quản lý luôn được sự giáo dục rèn luyện của các cấp ủy, tổ chức đảng và được sàng lọc chặt chẽ về phẩm chất đạo đức, lối sống. Tuyệt đại đa số cán bộ lãnh đạo cơ quan Đảng, đoàn thể, chính quyền được rèn luyện, trưởng thành qua thực tiễn, có lập trường tư tưởng kiên định vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, gắn bó với nhân dân nhiều cán bộ nêu tấm gương về đạo đức, lối sống để nhân dân noi theo, được nhân dân suy tôn.

* Về phong cách làm việc, ý thức tổ chức, kỷ luật: Phong cách làm việc khoa học sâu sát thực tiễn, gần dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của dân và cán bộ, công chức dưới quyền, nói đi đôi với làm, dám chịu trách nhiệm cá nhân về những quyết định của mình đã hình thành và dần dần phát triển trong đội ngũ cán bộ diện BTVTU quản lý. Nhiều cán bộ đã xây dựng và rèn luyện phong cách làm việc có chương trình, kế hoạch, dân chủ lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên, tôn trọng thực tiễn, giải quyết dứt điểm công việc, giao việc cho cấp dưới gắn với trách nhiệm cá nhân, những công việc tập thể tiến hành đã giao cho một người phụ trách...Cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong tỉnh đã năng động sáng tạo, tích cực tìm tòi, thử nghiệm các giải pháp tổ chức đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả...  

Bên cạnh đó, sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng trong đội ngũ cán bộ diện Ban Thường vụ tỉnh ủy quản lý cũng còn những hạn chế, bất cập: Số lượng cán bộ tăng, song phân bố lại chưa đều. Ở một số ngành còn hụt hẫng cấn bộ kế cận. Cơ cấu đội ngũ cán bộ còn một số bất hợp lý, chưa đáp ứng yêu cầu tối ưu. Trong 5 năm tới, số lượng cán bộ cần thay thế là từ 30 – 40%, và khoảng 3 - 5% để thay thế cho một số cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Số cán bộ được đào tạo về ngoại ngữ và tin học chiếm tỷ lệ thấp. Một số cán bộ còn chưa thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện về đạo dức cách mạng, chưa thể hiện rõ và có kết quả rõ rệt về việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; chưa tích cực, chủ động tìm các giải pháp đưa việc này trong cơ quan đơn vị thành nền nếp và đạt kết quả. Năng lực lãnh đạo, quản lý, kiểm tra việc thực hiện còn hạn chế

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém này chủ yếu: việc quán triệt, cụ thể hóa quan điểm, nghị quyết của Đảng về cán bộ và công tác cán bộ vào một số khâu công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ diện BTVTU quản lý còn những hạn chế, bất cập và lúng túng, nhất là việc cụ thể hóa, thu hút nhân tài để tạo nguồn, đánh giá, quy hoạch cán bộ; một số cán bộ chưa thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện bản thân để đáp ứng tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, còn có biểu hiện bằng lòng với năng lực, trình độ hiện tại; cá biệt có biểu hiện "tư duy nhiệm kỳ",..

Từ thực trạng về  sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng đội ngũ cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận quản lý, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, xác định đúng đắn mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị của tỉnh; bám sát mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ đó, để tiến hành công tác cán bộ sẽ tạo nên đội ngũ cán bộ có chất lượng tốt và có sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng.

Hai là, đứng vững trên quan điểm của Đảng về cán bộ và công tác cán bộ, coi trọng việc thu hút, trọng dụng nhân tài, quan tâm thỏa đáng đến giáo dục, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cán bộ tiền nhiệm là nhân tố quan trọng hàng đầu để đội ngũ cán bộ có sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng.

Ba là, thực hiện đồng bộ các khâu của công tác cán bộ, tập trung hơn vào các khâu cụ thể hóa tiêu chuẩn, tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt là khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, sẽ tạo được sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng trong đội ngũ cán bộ.  

Bốn là, tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tham gia quản lý và giám sát mọi hoạt động của cán bộ sẽ góp phần quan trọng để đội ngũ cán bộ này, chuyển tiếp liên tục, vững vàng.

Nguyễn Tiến Đức

Bí thư Huyện ủy Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận

 
Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền