Trang chủ    Thực tiễn    Công tác dân vận của Đảng trong thời kỳ đổi mới
Thứ năm, 26 Tháng 12 2013 11:34
6589 Lượt xem

Công tác dân vận của Đảng trong thời kỳ đổi mới

(LLCT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công"(1). Thấm nhuần lời dạy của Người, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chăm lo xây dựng, củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, giữa nhân dân với Đảng và đã trở thành một truyền thống cực kỳ quý báu, tốt đẹp của Đảng ta.

 

1. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đặc biệt chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận           

Ngày 27-3-1990, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã ra Nghị quyết 8b-NQ/HNTW về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân”. Nghị quyết được quán triệt đã tạo nên sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân về vị trí, vai trò, sự cần thiết phải đổi mới công tác dân vận, khắc phục tư tưởng coi nhẹ công tác dân vận; qua đó xác định trách nhiệm đối với mỗi cán bộ, công chức về công tác dân vận, giúp mỗi người hiểu rõ hơn bản chất Nhà nước của dân, do dân, vì dân, mọi việc làm đều phải lấy dân làm gốc.   

Tiếp đó, Trung ương Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nhằm từng bước đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế cán bộ của ban dân vận các cấp.        

Trung ương Đảng các khóa đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về công tác dân tộc, công tác tôn giáo; về xây dựng đội ngũ trí thức; về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên... Đặc biệt, Bộ Chính trị khóa X đã ra quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25- 2-2010 ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, trong đó, quy định rõ: "Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Công tác dân vận là trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang". 

Các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Trung ương được các cấp ủy, chính quyền, các bộ, ngành tiếp tục cụ thể hóa thành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện. Ngày 21-9-2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg về tăng cường công tác dân vận. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi và quyền hạn của mình phải chỉ đạo và có kế hoạch thường xuyên tuyên truyền và giáo dục nhận thức về công tác dân vận; nâng cao năng lực quản lý nhà nước, sửa đổi lối làm việc theo hướng dân chủ hoá và công khai hoá, chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng; thực hiện nghiêm chỉnh các quy chế dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, bãi bỏ những văn bản trái pháp luật, không đúng thẩm quyền, những thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà cho nhân dân; khi soạn thảo các văn bản pháp luật, các chính sách, triển khai các chương trình, dự án phải tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, làm cho các văn bản pháp luật, các chính sách, chương trình, dự án phù hợp với thực tiễn, lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm minh những hành vi sách nhiễu, ức hiếp nhân dân, xâm phạm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của nhân dân, giải quyết kịp thời các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, giải quyết một số vấn đề bức xúc của nhân dân về nhà ở, đất đai và các chính sách xã hội khác; cán bộ, công chức ở trung ương, tỉnh, huyện phải có chương trình đi cơ sở, bám sát thực tiễn, gặp gỡ, tiếp xúc với dân, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của nhân dân; tuyên truyền, giải thích chính sách pháp luật của Nhà nước.

2. Những kết quả quan trọng       

Về lãnh đạo các đoàn thể nhân dân thực hiện công tác dân vận. Mặt trận và các đoàn thể nhân dân đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, do đó các cấp ủy đã lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động cho sát hợp với nhu cầu và lợi ích của hội viên, đoàn viên; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng; tiến hành có hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua. Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thúc đẩy việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phản ánh ý kiến của quần chúng về xây dựng Đảng và chính quyền, phát giác hành vi tham nhũng, lãng phí, vi phạm dân chủ; tham gia hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, hướng dẫn và phối hợp giải quyết những khiếu kiện của dân từ cơ sở. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng khi sự biến đổi cơ cấu giai cấp, tầng lớp diễn ra nhanh chóng trong quá trình phát triển nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta. Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Công tác dân vận của hệ thống chính trị có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức. Các cấp uỷ đảng, chính quyền lắng nghe, tăng cường đối thoại với các tầng lớp nhân dân, tôn trọng các loại ý kiến khác nhau”(2).         

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã có nhiều sáng tạo trong phát động các phong trào thi đua, các cuộc vận động thiết thực nhằm động viên sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, không phân biệt thành phần, dân tộc, tôn giáo, chính kiến, người trong nước hay định cư ở nước ngoài, cùng góp phần xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.       

Về kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan dân vận. Thực hiện Hướng dẫn số 01/HDLB-TC-DVTW, ngày 5-5-2000 của Ban Tổ chức và Ban Dân vận Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế cán bộ của ban dân vận địa phương; Thông báo số 1037-TB/BTCTW, ngày 21-3-2005 của Ban Tổ chức Trung ương, các cấp ủy từ Trung ương đến địa phương đều bố trí cơ cấu trưởng ban dân vận là cấp ủy viên hoặc ủy viên ban thường vụ cấp ủy giữ chức trưởng ban dân vận, nhằm nâng cao trách nhiệm của cấp ủy trong lãnh đạo công tác dân vận; làm cho công tác dân vận thật sự đi trước một bước, làm tiền đề cho các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhanh chóng đi vào cuộc sống, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân.

Các cấp ủy địa phương đều quan tâm xây dựng, củng cố bộ máy tổ chức, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.   

Về hoạt động của ban dân vận các cấp. Ban Dân vận Trung ương đã chỉ đạo các ban dân vận địa phương tích cực phối hợp với đảng bộ, chính quyền các cấp đề ra kế hoạch dân vận hợp lý, hoặc lồng ghép công tác dân vận với các hoạt động do cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức, nhằm tạo thành chuỗi hoạt động hiệu quả, bảo đảm các yêu cầu về ổn định chính trị và an ninh xã hội.        

Ban dân vận các địa phương, bộ, ban ngành trung ương đã tham mưu cho cấp ủy triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về công tác tôn giáo, dân tộc; về xây dựng giai cấp công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh... góp phần cụ thể hóa chủ trương về công tác dân vận của Đảng, tạo sự chuyển biến trong xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị làm tốt công tác dân vận, trong đó chú trọng công tác dân vận của chính quyền, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị; triển khai xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân; tham mưu chỉ đạo và phối hợp làm tốt công tác tôn giáo, dân tộc, nhất là xử lý giải quyết các “điểm nóng”.            

Ban dân vận các cấp đã tập trung lãnh đạo công tác tập hợp, vận động quần chúng tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nhiều phong trào thi đua yêu nước đã được hưởng ứng tích cực trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cùng với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã tạo nên không khí phấn khởi, đồng thuận trong nhân dân. Trong quá trình tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ở cơ sở; đồng thời với việc kết hợp đồng bộ giữa công tác dân vận với hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tìm ra những biện pháp hiệu quả để giải quyết nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, tập thể và cá nhân. Nhiều ban dân vận biết tập trung vào những vấn đề bức xúc của nhân dân, những nhiệm vụ trọng tâm của từng giai đoạn, như vận động nhân dân trong giải tỏa, đền bù, tái định cư và an sinh xã hội; về phối hợp giúp đỡ hộ đặc biệt nghèo cải thiện cuộc sống, cảm hóa, giáo dục thiếu niên hư, vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình... Nhiều địa phương đã thành công với việc vận động nhân dân tích cực hiến đất để xây dựng hạ tầng như đường giao thông, nhà văn hóa, trường học; ủng hộ quỹ tình thương, xây dựng nông thôn mới...

Ban dân vận các cấp đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ dân vận thường xuyên tìm hiểu sâu sát, kịp thời nắm bắt diễn biến tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tạo mối quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ giữa cán bộ dân vận với đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó, chủ động điều chỉnh hoạt động dân vận đạt hiệu quả cao hơn; nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho Đảng trong việc tập hợp, đoàn kết, phát huy sức mạnh trong nội bộ Đảng và toàn thể quần chúng nhân dân.

Về công tác dân vận của chính quyền. Trong công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, các bộ, ngành và các cấp chính quyền đã tập trung chỉ đạo giải quyết tốt ngay từ cơ sở, kết hợp với công tác tuyên truyền pháp luật; các cơ quan nhà nước đã xây dựng quy chế tiếp dân, tại các trụ sở tiếp dân đã niêm yết công khai nội quy tiếp dân, lịch tiếp dân. Cán bộ, công chức nhà nước ở các cấp đã có chương trình đi cơ sở, nhất là đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp để gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến nhân dân, đồng thời tuyên truyền, giải thích chính sách và pháp luật của Nhà nước. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch uỷ ban nhân dân một số tỉnh đã giao lưu trực tuyến với dân qua truyền hình; trực tiếp trả lời những băn khoăn, thắc mắc, chất vấn của nhân dân.       

Về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài. Thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, Đảng và Nhà nước ta luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách rộng mở và biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho đồng bào về thăm đất nước, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học - công nghệ, hoạt động văn hóa - nghệ thuật. Đảng và Nhà nước không ngừng đổi mới và đa dạng hóa các phương thức vận động, các hình thức tập hợp với mục đích đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, khuyến khích những hoạt động hướng về Tổ quốc; tổ chức các đoàn nghệ thuật ra nước ngoài biểu diễn phục vụ cộng đồng; tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, vận động viên là người Việt Nam ở nước ngoài về nước biểu diễn, thi đấu, tham gia các đoàn Việt Nam đi biểu diễn và thi đấu quốc tế...   

3. Những hạn chế, bất cập và giải pháp thúc đẩy công tác dân vận      

- Một số cấp ủy Ðảng chưa quan tâm sâu sát đến công tác dân vận, chưa cử được những cán bộ có đủ phẩm chất, trình độ, đáp ứng yêu cầu công tác dân vận trong tình hình mới. Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Một số tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể nhân dân chưa quan tâm đúng mức công tác dân vận. Nội dung, phương thức vận động, tập hợp quần chúng vẫn nặng tính hành chính”(3).      

-  Tổ chức và hoạt động của hệ thống dân vận còn chậm đổi mới so với sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt của đất nước. Nhiều nơi chưa nhạy bén, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, những vấn đề bức xúc nảy sinh trong nhân dân.     

- Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở không ít nơi còn nặng tính hình thức... Có lúc, có nơi cấp ủy đảng chưa quan tâm đúng mức, chưa thực hiện một cách cụ thể, hữu hiệu phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".       

- Không ít cán bộ, công chức còn xa dân, thậm chí còn nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng, làm giảm khả năng tập hợp, đoàn kết quần chúng. Một số vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết kịp thời, gây tâm trạng băn khoăn trong dân...           

- Việc phối hợp trong công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chưa hiệu quả. Tình trạng khá phổ biến là không ít chủ trương lớn, quan trọng nhưng người dân và các đoàn thể chưa được tham gia bàn bạc kỹ.  

Để khắc phục những hạn chế đó, nâng cao hiệu quả của công tác dân vận trong tình hình mới, Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị cần:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp công tác dân vận cho phù hợp với giai đoạn mới và các đối tượng quần chúng cụ thể.       

Phát triển kinh tế nhiều thành phần đang làm biến đổi cơ cấu giai tầng xã hội. Giai cấp nông dân có xu hướng giảm về số lượng, công nhân, trí thức tăng lên. Bên cạnh đó xuất hiện một số tầng lớp mới, do đó công tác dân vận cần đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp vận động cho thích hợp với sự biến đổi cơ cấu giai tầng hiện nay.            

Thứ hai, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, kiện toàn ban dân vận và các tổ chức làm công tác dân vận ở các cấp, các ngành.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng ngày càng nặng nề và phức tạp, để tập hợp quần chúng ngày càng sâu rộng đòi hỏi năng lực và phẩm chất của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận phải không ngừng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công việc. Người làm công tác dân vận cần có bản lĩnh, uy tín, năng lực chuyên môn ở lĩnh vực mình phụ trách với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với công tác được giao. Làm công tác dân vận không chỉ bằng lời nói mà phải bằng những việc làm cụ thể. Phong cách làm việc của cán bộ dân vận phải tuân theo tư tưởng Hồ Chí Minh là “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Công tác dân vận không chỉ là những thao tác cụ thể, những công thức có sẵn mà bản thân nó là một khoa học về con người, một nghệ thuật tiếp cận và vận động con người, phải dày công tìm tòi suy nghĩ để phân tích chính xác tình hình nhân dân, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn sinh động để vận động nhân dân có hiệu quả.         

Thứ ba, nâng cao hiệu quả phối hợp hoạt động giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong công tác dân vận. Mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân được biểu hiện hằng ngày qua hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị với nhân dân. Khắc phục tình trạng "khoán trắng" cho đoàn thể hoặc cán bộ, cấp uỷ viên chuyên trách công tác dân vận. Sự phối hợp hiệu quả giữa cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể nhân dân trong công tác dân vận là yếu tố quan trọng quyết định việc tập hợp mọi lực lượng, đoàn kết toàn dân, tạo thành phong trào cách mạng quần chúng rộng lớn, đưa sự nghiệp đổi mới đến thắng lợi.    

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2012

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.700.

(2),(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.158, 175.

 

PGS, TS Nguyễn Viết Thảo

TS Đinh Ngọc Giang

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền