Trang chủ    Thực tiễn    Hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị góp phần vun đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào
Thứ sáu, 27 Tháng 12 2013 09:47
6634 Lượt xem

Hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị góp phần vun đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào

(LLCT)- Quan hệ hữu nghị đặc biệt, tình đoàn kết gắn bó giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản và Chủ tịch Xuphanuvông đặt nền móng xây dựng, dày công vun đắp, là tài sản vô giá của hai dân tộc. Trong quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt - Lào, hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý thể hiện tầm cao tình hữu nghị đặc biệt, trong sáng, sự tin tưởng tuyệt đối giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.

 

1. Hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được hai Đảng, hai Nhà nước đặc biệt chú trọng         

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giúp Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào là một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành. Ngay từ Đại hội II (2-1951), khi Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập ở mỗi nước một Đảng riêng để lãnh đạo cách mạng, Đảng đã nhấn mạnh nhiệm vụ giúp đào tạo cán bộ cho cách mạng Lào và Campuchia: "Giúp đỡ cách mạng Miên và Lào về vật chất và tinh thần, đặc biệt giúp đỡ đào tạo cán bộ...”(1).        

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, mở ra bước ngoặt trong lịch sử hai nước. Sau khi Đảng Nhân dân Lào thành lập (1955), Đảng và Chính phủ Lào luôn coi trọng công tác đào tạo cán bộ và đề nghị Đảng Lao động Việt Nam hợp tác, giúp đỡ. Việt Nam đã thành lập trường học để tiếp nhận lưu học sinh là cán bộ, chiến sĩ Lào sang học, trong đó nhiều đồng chí là lãnh đạo cao cấp của Đảng Nhân dân Lào. Đồng thời, với sự giúp đỡ của Việt Nam, trường lý luận đầu tiên của Lào cũng được thành lập, lúc đầu đặt tên là Trường Đoàn Kết, sau đổi tên thành Trường Lý luận.         

Ngày 5-9-1962, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Vương quốc Lào thiết lập quan hệ ngoại giao đã mở ra trang sử mới trong lịch sử quan hệ giữa hai nước. Cùng với liên minh chiến đấu trên mặt trận quân sự, sự giúp đỡ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Lào được tăng cường. Việt Nam đã mở 9 khóa bồi dưỡng về các vấn đề lý luận Mác - Lênin cho khoảng 500 cán bộ Lào, trong đó đa số là cán bộ chủ chốt trung cao cấp, góp phần quan trọng vào việc tạo nguồn cán bộ, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của Lào.    

Năm 1975, hai nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cùng bước vào giai đoạn phát triển mới. Trước yêu cầu nhiệm vụ củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, Đảng và Nhà nước Lào đã gửi hàng trăm cán bộ trung cao cấp sang Việt Nam để bồi dưỡng lý luận, nghiệp vụ, nhằm đáp ứng những yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng mới. Ngày 18-7-1977, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào được ký kết, quan hệ Việt - Lào chuyển từ liên minh chiến đấu sang quan hệ hợp tác toàn diện. Ngày 18-10-1977, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Chỉ thị số 21 về công tác giúp Lào, trong đó đặc biệt coi trọng vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Ban Bí thư nêu rõ việc giúp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là khâu then chốt, chủ trương là giúp Lào xây dựng quy hoạch đào tạo cán bộ lâu dài; vừa giúp đào tạo tại chỗ vừa tiếp nhận và tổ chức thật tốt việc nuôi dưỡng, đào tạo toàn bộ số cán bộ, công nhân, lưu học sinh Lào gửi sang; bảo đảm đào tạo cho bạn những cán bộ có chất lượng, làm nòng cốt trong các cấp, các ngành. Đến năm 1984, tổng số cán bộ và lưu học sinh Lào học tập tại Việt Nam là 8.000 người, gồm các ngành quân sự, chính trị, an ninh, tuyên huấn, kiểm tra, tổ chức, thanh niên, công đoàn, ở các cấp đại học, trung học chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, văn hóa phổ thông; được đào tạo tại các cơ sở trên khắp miền Bắc. Bên cạnh đó, có 700 học sinh các tỉnh của Lào gửi sang học ở các tỉnh kết nghĩa là: Hà Nội, Thanh Hóa, Sơn La, Lai Châu, Vĩnh Phú, Hà Sơn Bình, Bình Trị Thiên, Quảng Nam, Đà Nẵng, Gia Lai, Kon Tum(2). Nhìn chung, trước năm 1991, các chương trình hợp tác giúp đỡ đào tạo, bồi dưỡng theo tính chất "ngành giúp ngành".           

Thực hiện đổi mới, tăng cường hợp tác về giáo dục - đào tạo để phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới, năm 1992, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào ký kết Hiệp định giúp đỡ nhau về đào tạo cán bộ. Từ đó, hai Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành triển khai công tác đào tạo cán bộ Lào một cách có hệ thống. Đào tạo cán bộ các ngành kinh tế, khoa học - kỹ thuật ngày càng được mở rộng giữa các bộ, ban ngành, gồm cả đào tạo đại học, sau đại học, bồi dưỡng ngắn hạn.        

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giúp Lào ngày càng được nâng cao về chất lượng, tăng cường về số lượng với các phương thức và loại hình phong phong phú.    Trong giai đoạn 1991-1995, hai nước đã dành 69% vốn viện trợ của Việt Nam để đào tạo 1.540 lưu học sinh Lào. Giai đoạn 1996-2000, dành 46,9% vốn viện trợ của Việt Nam cho giáo dục - đào tạo. Giai đoạn 2001- 2005, dành 38,2% vốn viện trợ để đào tạo cho Lào 3.360 học viên, các ngành kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật, an ninh, quốc phòng; trong đó 586 cán bộ chính trị (40 cán bộ cao cấp và 105 cán bộ cấp vụ và tương đương)(3). Từ năm 2006 đến nay, mỗi năm số lưu học sinh Lào gửi sang Việt Nam đào tạo từ 550 đến 600 người.        

2. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị (cán bộ lãnh đạo, quản lý và giảng viên lý luận chính trị) được thực hiện chủ yếu tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và được Học viện xác định là một nhiệm vụ quan trọng trong suốt quá trình phát triển.

Triển khai nhiệm vụ đào tạo cán bộ cho Đảng và Nhà nước Lào, Trường Nguyễn Ái Quốc 10, sau đó là Trường Nguyễn Ái Quốc đặc biệt được thành lập, chuyên đào tạo cán bộ cao cấp từ cấp Phó Bí thư Tỉnh ủy trở lên. Trong những năm 1977-1989, Trường Nguyễn Ái Quốc 10 và Trường Nguyễn Ái Quốc đặc biệt đã phối hợp tổ chức đào tạo lý luận chính trị và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hơn 750 cán bộ của Đảng và Nhà nước Lào. Đồng thời, Trường Nguyễn Ái Quốc đã cử nhiều chuyên gia đầu ngành, giàu kinh nghiệm sang giúp xây dựng chương trình giảng dạy cho Trường Cao cấp của Đảng và Nhà nước Lào.          

Năm 1988, Học viện Nguyễn Ái Quốc và Trường Đảng Nhà nước cao cấp Lào ký kết Kế hoạch hợp tác 3 năm (1988-1990) về đào tạo cán bộ. Theo đó mỗi năm, Trường Đảng Nhà nước cao cấp Lào cử 3-8 cán bộ trình độ cấp III và đại học sang học hệ cơ bản 2-3 năm; 3-5 cán bộ trình độ đại học, đã tốt nghiệp trung cấp hoặc cao cấp lý luận Mác - Lênin sang làm nghiên cứu sinh tại Học viện Nguyễn Ái Quốc. Tiếp đó, hai nhà trường ký kết các kế hoạch hằng năm, kế hoạch 3 năm, 5 năm.     

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác đào tạo cán bộ chính trị cho Đảng và Nhà nước Lào, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh luôn xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng và Nhà nước Lào nhiệm vụ chính trị quan trọng và từng bước mở rộng đối tượng, tăng số lượng, nâng cao chất lượng.  

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh triển khai nhiều hình thức đào tạo phù hợp với nội dung, chương trình: đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ; cử nhân chính trị; bồi dưỡng lý luận chính trị cao cấp các chuyên ngành đối ngoại, kiểm tra, tổ chức, tuyên huấn,...      

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Lào tại hệ thống Học viện đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Về đào tạo, bồi dưỡng trình độ cao cấp lý luận chính trị dành cho đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp, mỗi khóa bình quân từ 20 đến 50 học viên. Đến năm 2009, đã có 313 cán bộ cao cấp tốt nghiệp chương trình cao cấp lý luận chính trị(4). Về đào tạo đại học chính trị cho cán bộ công tác tại các bộ, ban, ngành và các cơ quan, đoàn thể chính trị - xã hội và đào tạo giảng viên chính trị hệ thống trường Đảng(5), từ năm 1990 đến năm 2007, Học viện mở được 13 khóa với tổng số 262 học viên. Từ năm 2004, Học viện mở hệ đại học chính trị 2 năm và đến năm 2009 đã mở được 3 khóa chuyên ngành công tác tổ chức, với tổng số 39 học viên.           

Các học viện chuyên ngành, học viện khu vực cũng tham gia đào tạo cán bộ cho bạn. Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham gia đào tạo học viên Lào từ năm 1992 mà chủ yếu là đào tạo phóng viên báo chí và giảng viên chính trị hệ đại học chính trị 4 năm. Đến năm 2009, đã mở được 9 khóa, tổng số 270 lưu học sinh, với nhiều chuyên ngành. Từ năm 2006, Học viện Chính trị khu vực I bắt đầu đào tạo học viên Lào hệ đại học chính trị 4 năm.          

Đáp ứng yêu cầu của Đảng và Nhà nước Lào, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức đào tạo hoàn chỉnh kiến thức chính trị hệ 1 năm cho đối tượng là cán bộ đã từng học tập, bồi dưỡng tại hệ thống trường đảng của Việt Nam. Từ năm 1995 đến năm 2008, Học viện đã tổ chức 11 khóa với 182 học viên. Tổng số học viên được đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện qua các giai đoạn 1962 - 1975, 1977 - 1989 và từ năm 1990 đến nay, là hơn 2.700 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý trung cao cấp và cán bộ lý luận chính trị. Theo kế hoạch, năm học 2012 - 2013, Học viện sẽ tiếp nhận đào tạo 183 người(6).    

Học viện đã luôn quan tâm và phối hợp tốt trong việc tổ chức nghiên cứu, cập nhật kiến thức cho cán bộ cấp cao của Lào với các hình thức phù hợp. Hằng năm, các ban ngành Trung ương và tỉnh, thành phố trong cả nước Lào đều tổ chức các đoàn trao đổi kinh nghiệm, cử các cán bộ chủ chốt sang đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Học viện tiến hành nhiều hình thức hợp tác: trao đổi các đoàn cán bộ lãnh đạo, nghiên cứu khoa học, chuyên viên; trao đổi thông tin khoa học, kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ...

Nhằm tăng cường năng lực đào tạo tại chỗ cho Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh giúp xây dựng Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào thành trung tâm đào tạo cán bộ cao cấp của Lào; xây dựng các cơ sở đào tạo chính trị - hành chính khu vực.

Quan hệ hợp tác, giúp đỡ giữa Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào ngày càng được củng cố và phát triển. Trong hoạt động hợp tác quốc tế, cùng với việc mở rộng quan hệ với nhiều tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu, các trường đại học trên thế giới, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với quan hệ hợp tác với các ban, ngành của Lào trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào là đối tác truyền thống, quan trọng và trực tiếp.

Công tác đào tạo giảng viên chính trị được thực hiện theo ba hướng: đào tạo dài hạn giảng viên các môn học cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin; bồi dưỡng cán bộ làm giảng viên kiêm nhiệm. Bên cạnh các hoạt động hợp tác thường xuyên, Học viện cử các đồng chí lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành, giảng viên sang thuyết trình một số chuyên ngành mà Lào chưa có giảng viên.

Quan hệ hợp tác, giúp đỡ giữa hai Học viện đã phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành trung tâm hợp tác, giúp đỡ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị của Lào. Cơ chế hợp tác từng bước được hoàn thiện; chất lượng, hiệu quả hợp tác ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp cách mạng ở hai nước trong thời kỳ mới.       

Cùng với Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể thành viên, theo chức năng, nhiệm vụ và khả năng của mình cũng đóng góp vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giúp các đoàn thể bạn. Các cơ sở đào tạo của ngành (Trường Đại học Công đoàn, Trường Cán bộ phụ nữ Trung ương, Học viện Thanh thiếu niên,...) được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đoàn thể cấp huyện, tỉnh và Trung ương của Lào. 

Công đoàn hai nước đã ký kết và triển khai Chương trình hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trong thời kỳ đổi mới, sự hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn Việt Nam và Lào được phát triển toàn diện, nâng lên tầm cao mới. Đến năm 2006, Trường Đại học Công đoàn đã đào tạo, bồi dưỡng cho Công đoàn Lào 45 cán bộ đại học, 373 cán bộ trung cấp và đào tạo, bồi dưỡng tại Lào 300 cán bộ. Công đoàn Việt Nam còn triển khai Dự án đào tạo giảng viên kiêm chức, nâng cao kiến thức, kỹ năng giảng dạy lý luận, nghiệp vụ công tác công đoàn cho cán bộ giảng dạy kiêm chức của Công đoàn Lào.            

Hội Liên hiệp phụ nữ ở hai nước tích cực đẩy mạnh hợp tác đào tạo cán bộ. Hằng năm, Hội Phụ nữ Lào đều cử hàng chục cán bộ nữ các cơ quan, bộ, ngành và địa phương sang học tập và trao đổi kinh nghiệm về công tác phụ vận. Hội Phụ nữ Việt Nam đã đào tạo ngắn hạn cho hàng trăm cán bộ của Hội Phụ nữ Lào.  

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng Lào cũng hợp tác trong tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ đoàn cấp Trung ương và cấp tỉnh của Lào. Từ năm 1998 đến 2006, đã mở được 18 khóa bồi dưỡng với 75 học viên(7).       

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường xuyên tiến hành các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, nâng cao kiến thức cho cán bộ Mặt trận Lào. Bên cạnh việc đào tạo tại Việt Nam, Mặt trận và các đoàn thể còn cử chuyên gia sang Lào mở các lớp đào tạo ngắn hạn về xây dựng tổ chức, nghiệp vụ cho các cấp hội, đoàn thể, đồng thời trao đổi thông tin, kiến thức, kinh nghiệm về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.          

Các tỉnh của Việt Nam có chung đường biên giới với Lào cũng quan tâm phối hợp giúp đào tạo lý luận chính trị sơ cấp, trung cấp cho cán bộ cơ sở, bí thư chi bộ và bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm quản lý nhà nước cho già làng, trưởng bản.           

Trải qua 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, cùng với những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực hợp tác khác, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hệ thống chính trị Lào tại Việt nam nói chung và tại Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh nói riêng đã đạt những kết quả quan trọng. Các thế hệ học viên được đào tạo, bồi dưỡng tại Việt Nam đã kịp thời bổ sung nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị Lào. Hầu hết các học viên hoàn thành khóa học về nước đều được Đảng và Nhà nước Lào tin tưởng bổ nhiệm vào các cương vị lãnh đạo chủ chốt ở các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, huyện, và đã phát huy tốt trong thực tiễn công tác, góp phần rất quan trọng vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước Lào có trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị vững vàng; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và  hiệu lực quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng Lào.            

Sự hợp tác trong đào tạo cán bộ chính trị là nét đặc sắc, thể hiện rõ nét tầm cao tình hữu nghị đặc biệt, vô tư trong sáng, sự tin tưởng đặc biệt, đồng thời góp phần thắt chặt mối quan hệ toàn diện, vun đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh vinh dự và tự hào được đóng góp một phần xứng đáng vào nhiệm vụ lớn lao và vô cùng vẻ vang này. Trong thời gian tới, trên cơ sở thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước, Học viện tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giúp Đảng và Nhà nước Lào ở quy mô lớn hơn, với chất lượng và hiệu quả cao hơn. Đồng thời, Học viện sẽ tăng cường hợp tác với Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào trong hoạt động nghiên cứu khoa học và biên dịch tài liệu nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, hoàn thiện chương trình đào tạo và bồi dưỡng của bạn... Tin tưởng rằng, được sự quan tâm của hai Đảng, hai Nhà nước, với kinh nghiệm nhiều năm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giúp bạn, với tình cảm đặc biệt của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với nhân dân các bộ tộc Lào anh em, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần vun đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2012

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.148.    

(2) Báo cáo của Ban đối ngoại Trung ương về tình hình giúp Lào đào tạo cán bộ, phông số 82, ĐVBQ 2405 tr 5, Tài liệu lưu tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.   

(3) Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh: Một số vấn đề về công tác đào tạo và quản lý đào tạo, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2009, tr.118.   

(4) Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh: Một số vấn đề về công tác đào tạo và quản lý đào tạo - Thực tiễn và kinh nghiệm, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2009, tr.124.

(5) Đào tạo đại học chính trị và giảng viên chính trị có hai hệ: hệ đào tạo 2 năm (đại học văn bằng 2) dành cho các đối tượng đã có trình độ đại học, đang công tác, được quy hoạch; hệ đào tạo giảng viên chính trị 4 năm (đại học văn bằng 1) cho đối tượng chưa có bằng đại học, để tạo nguồn cán bộ.       

(6) Số liệu do Vụ Hợp tác quốc tế, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cung cấp.    

(7) Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào: Hội thảo khoa học quốc tế về mối quan hệ Việt Nam - Lào, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007, tr.8.    

 

GS, TS Tạ Ngọc Tấn

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,

Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền