Trang chủ    Thực tiễn    Chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở miền núi sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X (qua khảo sát ở một số tỉnh miền núi phía Bắc)
Chủ nhật, 29 Tháng 12 2013 10:56
3010 Lượt xem

Chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở miền núi sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X (qua khảo sát ở một số tỉnh miền núi phía Bắc)

(LLCT) - Hội nghị Trung ương 6 khóa X đã ban hành Nghị quyết chuyên đề “về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, trong đó yêu cầu: “Chăm lo xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, trước hết là bí thư cấp ủy và cán bộ, đảng viên thật sự tiền phong gương mẫu, có phẩm chất đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kiên quyết thay thế những cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời đưa ra khỏi Ðảng những người không đủ tư cách đảng viên”, “Thực hiện mạnh mẽ chủ trương trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa, thể chế hóa và từng bước nhất thể hóa chức danh cán bộ; tạo bước chuyển có tính đột phá về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở”.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, các cấp uỷ Đảng ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở về số lượng, cơ cấu và chất lượng, trong đó quan tâm hơn đến việc trẻ hóa đội ngũ, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết hợp lý và đồng bộ các chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở. Chất lượng đội ngũ cán bộ cấp xã được nâng lên một bước.

Về số lượng, theo số liệu thống kê của 9 tỉnh (trên tổng số 15 miền núi phía Bắc, tính đến tháng 12-2012) có 30.953 cán bộ, công chức cấp xã. Trong đó, Bắc Cạn: 2.405, Cao Bằng: 3.732, Hà Giang: 4.482, Hòa Bình: 4.555, Lai Châu: 2.085, Lào Cai: 3.642, Thái Nguyên: 3.489, Tuyên Quang: 2.908, Yên Bái: 3.655.

Về chất lượng, nhìn chung đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã các tỉnh miền núi phía Bắc đã được nâng cao về trình độ, năng lực, tác phong công tác,  đáp ứng được chức trách, nhiệm vụ được giao.Đa số cán bộ, công chức có lập trường chính trị vững vàng, trung thành với Đảng, có ý thức tổ chức kỷ luật, phục vụ Tổ quốc và nhân dân, kiên định mục tiêu và con đường. Nhiều cán bộ, công chức cấp xã gương mẫu, trở thành trung tâm đoàn kết; những cán bộ, công chức trẻ tuổi có ý thức phấn đấu, rèn luyện, ham học hỏi; phần lớn được đào tạo cơ bản, chính quy.

Đội ngũ cán bộ cấp xã có lối sống lành mạnh, luôn quan tâm đến sự nghiệp chung, gần gũi với nhân dân, giản dị trong sinh hoạt và được đông đảo nhân dân tín nhiệm; nhiều cán bộ có ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, khắc phục khó khăn trong cuộc sống. 

Trình độ mọi mặt của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của các tỉnh miền núi phía Bắc được nâng lên. Số cán bộ chưa đạt chuẩn giảm và đang trong quá trình đào tạo bồi dưỡng để đạt chuẩn. Cụ thể là:

Về chuyên môn,phần lớn cán bộ có trình độ trung cấp và cao đẳng, đại học. Qua kết quả khảo sát cuối năm 2012, trong số 22.248 cán bộ đạt chuẩn có 15.322 cán bộ có trình độ trung cấp, 1.695 cao đẳng, 5.215 đại học,16 thạc sĩ.

Về lý luận chính trị: nhiều cán bộ đã đạt chuẩn về trình độ lý luận chính trị (13.932 đồng chí), trong đó số cán bộ có trình độ trung cấp là 13.791; cử nhân và cao cấp lý luận chính trị là 141 đồng chí.

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là lực lượng chủ công trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại thôn, bản, xã. Mặc dù còn những hạn chế về trình độ song đội ngũ này là đội ngũ được phát triển từ cơ sở, là những người sống và sinh hoạt cùng nhân dân trên địa bàn, có tinh thần trách nhiệm, được nhân dân tín nhiệm bầu ra nên trong các công việc được giao thường nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân.

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ cơ sở ở các tỉnh miền núi phía Bắc còn nhiều hạn chế, yếu kém: Năng lực lãnh đạo, điều hành của một bộ phận cán bộ cơ sở còn nhiều bất cập, nhất là việc cụ thể hoá chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện ở địa phương còn yếu. Kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết các vụ việc chưa khoa học, hợp lý.

Đến cuối năm 2012, tại 9 tỉnh khảo sát có 8.705 cán bộ, công chức cấp xã chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn; 17.021 cán bộ, công chức chưa đạt chuẩn về trình độ lý luận chính trị. Theo số liệu khảo sát của Tỉnh ủy Bắc Giang, có 12,6% ý kiến đánh giá năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện công việc của đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở xếp loại trung bình và yếu. Cơ cấu đội ngũ cán bộ chủ chốt cơ sở chưa đảm bảo, tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 35 tuổi) là 4,9%, tỷ lệ cán bộ nữ thấp (3,8%)[1].

Việc bố trí chức danh cán bộ cơ sở có điểm chưa hợp lý. Các cơ sở không có công chức khối Đảng, chỉ bố trí 4 chức danh không chuyên trách công tác Đảng là: Văn phòng, Tổ chức, Kiểm tra, Tuyên giáo - dân vận. Chế độ đãi ngộ các chức danh này thấp nên chưa thu hút được người có năng lực, trình độ.

Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Một số cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ thấp nhưng không tự giác học tập để đạt chuẩn theo quy định (còn 20,3% chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn). Việc tạo nguồn, đưa cán bộ trẻ, đào tạo chính quy vào hệ thống chính trị ở cơ sở còn hạn chế.

Nguyên nhân chủ yếu của những khuyết điểm, yếu kém trên là: công tác cán bộ nói chung, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở nói riêng tuy đã được đổi mới nhưng chưa theo kịp sự biến đổi của tình hình; chưa quan tâm đúng mức đến công tác nghiên cứu lý luận; một số cấp ủy chưa nhận thức đúng, đầy đủ nhiệm vụ then chốt của công tác xây dựng Ðảng; chưa quán triệt sâu sắc vị trí, vai trò và nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ sở;  sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên đối với công tác cán bộ ở cơ sở chưa thường xuyên; việc xử lý cán bộ vi phạm chưa kịp thời, thiếu kiên quyết. Bên cạnh đó, việc ban hành các quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác cán bộ còn chậm, thiếu đồng bộ, một số quy định, hướng dẫn chưa sát thực tế. Chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở còn bất cập; đội ngũ cấp ủy viên ít được bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ công tác xây dựng Ðảng và cập nhật những kiến thức mới, nhất là về kinh tế, xã hội và pháp luật,...

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới, cần đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ; thực hiện tốt chủ trương trẻ hoá, tiêu chuẩn hoá, cán bộ cơ sở, thể chế hóa công tác cán bộ và kết luận về  nhất thể hoá chức danh cán bộ qua thí điểm. Các cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt công tác cán bộ ở cơ sở, tập trung vào những nội dung sau:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức.

Chủ động phát hiện cán bộ trẻ, có triển vọng đưa vào quy hoạch dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý. Không đưa vào quy hoạch những cán bộ do hội đồng nhân dân bầu có kết quả lấy phiếu tín nhiệm 2 lần liên tục chỉ đạt từ 50 - 60%. Thực hiện tốt chế độ miễn nhiệm, từ chức, cho thôi việc, thay thế cán bộ kém phẩm chất và năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ.

Nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức cơ sở: tổ chức tuyển dụng công chức cấp xã phải theo đúng quy định, đảm bảo công khai, dân chủ, khách quan, công bằng, đúng tiêu chuẩn đối với từng chức danh, vị trí việc làm.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ, công chức.

Cấp huyện uỷ xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ, công chức cụ thể trong nhiệm kỳ. Tăng cường luân chuyển cán bộ, công chức ban, ngành cấp huyện, nhất là cán bộ trẻ về giữ các chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã; cán bộ chủ chốt cấp xã có đủ điều kiện về công tác tại các phòng, ban, ngành của huyện; nghiên cứu, thực hiện thí điểm luân chuyển cán bộ giữa các cơ sở. Đồng thời thực hiện tốt quy định của Trung ương về việc quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức ở cấp huyện và cấp xã.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ, công chức.

Thực hiện nghiêm túc việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức vụ chủ chốt do hội đồng nhân dân bầu theo quy định; thực hiện cơ chế giám sát của nhân dân đối với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp xã thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng,... Xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm khuyết điểm; cho thôi việc đối với những cán bộ, công chức 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ; xem xét việc tiếp tục giữ chức vụ đương nhiệm và bố trí phù hợp đối với cán bộ chủ chốt có kết quả lấy phiếu tín nhiệm đạt dưới 50% hoặc có kết quả lấy phiếu tín nhiệm 2 lần liên tục chỉ đạt từ 50 - 60%theo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc Hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Thứ tư, tạo sự chuyển biến mới trong công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ.

Chú trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ trẻ, tạo bước đột phá trong công tác tạo nguồn và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc phát hiện, tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Đến năm 2015, những đơn vị không tạo được nguồn và sắp xếp cán bộ phù hợp để phấn đấu đạt tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ trong đội ngũ cán bộ chủ chốt thì phải điều động, luân chuyển cán bộ, công chức cấp huyện xuống.

Thứ năm, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo hướng chuẩn hoá, gắn với quy hoạch.

Ưu tiên đào tạo những cán bộ, công chức có khả năng phát triển nhưng chưa đạt chuẩn về trình độ. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng giảm nội dung lý luận, tăng các nội dung mang tính thực tiễn, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp công tác, tổ chức thực hiện. Tăng cường quản lý chất lượng đào tạo; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập; đa dạng hóa các loại hình đạo tạo, bồi dưỡng để phù hợp với điều kiện, đặc điểm của cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn miền núi.

 

THỐNG KÊ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ

(Bắc Cạn, Cao Bằng, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái)

(Số liệu đến ngày 31/12/2012)

 

STT

Đơn vị

Cấp xã

Trình độ chuyên môn

 

Trình độ lý luận chính trị

Đạt chuẩn

Thạc sỹ

Cử  nhân Đại học

Cử nhân Cao đẳng

Trung cấp

Chưa đạt chuẩn

Đạt chuẩn 

Cử nhân

Cao cấp

Trung cấp

Chưa đạt chuẩn

1

Bắc Cạn

2,405

1,506

1

435

94

976

899

1,091

 

9

1,082

1,314

2

Cao Bằng

3,732

2,215

 

367

144

1,704

1,517

1,256

 

10

1,246

2,476

3

Hà Giang

4,482

3,388

 

1,062

189

2,137

1,094

1,790

5

36

1,749

2,692

4

Hòa Bình

4,555

2,767

 

363

665

1,739

1,788

1,862

 

42

1,820

2,693

5

Lai Châu

2,085

1,415

 

192

47

1,176

670

609

 

4

605

1,476

6

Lào Cai

3,642

2,627

 

428

129

2,070

1,015

1,405

 

 

1,405

2,237

7

Thái Nguyên

3,489

2,601

11

818

155

1,617

888

2,096

 

17

2,079

1,393

8

Tuyên Quang

2,908

2,728

2

911

158

1,657

180

2,021

 

5

2,016

887

9

Yên Bái

3,655

3,001

2

639

114

2,246

654

1,802

 

13

1,789

1,853

 

Tổng cộng

30,953

22,248

16

5,215

1,695

15,322

8,705

13,932

5

136

13,791

17,021

Nguồn: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 2013.

 


(1)Tỉnh ủy  Bắc Giang, Đề án số 02-ĐA/TU ngày 29 tháng 4 năm 2011 về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng giai đoạn 2011 - 2015.

 

 TS Đinh Ngọc Giang

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền