Trang chủ    Thực tiễn    Nâng cao chất lượng công tác sưu tầm, xác minh tư liệu trong nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương
Thứ sáu, 03 Tháng 1 2014 09:31
4106 Lượt xem

Nâng cao chất lượng công tác sưu tầm, xác minh tư liệu trong nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương

(LLCT)- Công tác s­ưu tầm, xác minh t­ư liệu trong nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa ph­ương có vai trò đặc biệt quan trọng. Nó là nền tảng của công tác biên soạn. Muốn phản ánh chân thực và khách quan lịch sử Đảng bộ địa phương, khâu đầu tiên có ý nghĩa quyết định của ngư­ời biên soạn là phải nắm trong tay nguồn tư­ liệu phong phú và chính xác.

 

Như chúng ta đã biết, tư liệu lịch sử Đảng là nguồn sử liệu được hình thành trong quá trình hoạt động của Đảng, phản ánh một cách sinh động và đầy đủ quá trình hoạt động, những bài học, kinh nghiệm trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong công cuộc khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế- xã hội theo con đường XHCN và trong công cuộc đổi mới hiện nay. Tư liệu lịch sử Đảng là một loại di sản văn hóa đặc biệt, là chứng cứ xác thực của lịch sử, có ý nghĩa rất lớn đối với việc nghiên cứu lịch sử nói chung và công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ nói riêng.

Từ rất sớm, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến công tác lưu trữ, bảo quản tư liệu lịch sử. Các chỉ thị, thông tư của Đảng về công tác lưu trữ đều xác định rõ: tài liệu lưu trữ của Đảng phản ánh mọi mặt hoạt động của Đảng và của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, giữ một vị trí đặc biệt trong toàn bộ tài liệu lưu trữ quốc gia. Vì vậy, cần tập trung thống nhất việc quản lý và khai thác tài liệu lưu trữ của Đảng để phục vụ công tác lãnh đạo của Trung ương, của các ngành, các cấp, phục vụ việc tổng kết kinh nghiệm, xây dựng lịch sử Đảng.

Đối với khoa học lịch sử Đảng, ngày 24-1-1962, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 41-NQ/TW thành lập Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương. Bộ Chính trị phân công đồng chí Trường Chinh làm Trưởng ban, và quy định một trong những nhiệm vụ của Ban là sưu tầm, xác minh và tổ chức việc lưu trữ, bảo quản các tài liệu, văn kiện của Đảng; hướng dẫn và giúp đỡ các đảng bộ địa phương trong việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ...Đồng chí Trường Chinh đã khẳng định vị trí và ý nghĩa của tư liệu lịch sử trong việc nghiên cứu lịch sử Đảng, coi công tác tư liệu lịch sử là một “công tác chính  và cần đi trước một bước”. Đồng chí cho rằng: trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, thì công tác tư liệu, tài liệu lưu trữ và công tác nghiên cứu như hai lá phổi, cần sưu tầm, thu thập đầy đủ những tài liệu cơ bản, các tài liệu gốc của Đảng: “Sự thật là điểm xuất phát và căn cứ của công tác nghiên cứu, cho nên muốn nghiên cứu lịch sử Đảng thì trước hết phải có đầy đủ những tài liệu cơ bản về lịch sử Đảng với tất cả chi tiết của nó. Thực hiện công tác tài liệu tức là chuẩn bị cơ sở vật chất cho công tác nghiên cứu và biên soạn lịch sử Đảng. Chuẩn bị tài liệu là cả một quá trình công tác gian khổ, lâu dài và thường xuyên của các Ban nghiên cứu lịch sử Đảng, không thể làm xong ngay một lúc”(1).

Mặc dù Đảng ta đã quan tâm đến công tác lưu trữ tài liệu, văn kiện của Đảng cũng như các cấp uỷ địa phương từ rất sớm, đã ban hành nhiều chỉ thị, quy định về công tác này, tuy nhiên qua thực tiễn công tác sưu tầm tư liệu phục vụ cho công tác biên soạn những năm qua cho thấy, phần nhiều tài liệu không đầy đủ, lại bảo quản phân tán. Các tài liệu l­ưu trữ về thời kỳ Cách mạng tháng Tám (1945), trong kháng chiến chống Pháp,... ở cả huyện và tỉnh đều rất ít và tản mạn. Tài liệu của thời kỳ gần đây cũng không đầy đủ, lại chưa đ­ược thu thập, chỉnh lý hoàn chỉnh, nên khi biên soạn những giai đoạn này gặp rất nhiều khó khăn, phải dựa vào hồi ký của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng bộ qua các thời kỳ và những nguồn sử liệu gián tiếp từ các cơ quan lưu trữ ở Trung ương và ở tỉnh… do đó khi biên soạn xong phải tiến hành xác minh, thẩm định tư liệu hết sức công phu, mất nhiều thời gian mới có thể đảm bảo độ tin cậy của những tư liệu khai thác được.

Đó cũng là những vấn đề cần thiết đặt ra cho ngành l­ưu trữ các cấp. Để có thể giúp cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ đư­ợc thuận lợi và đạt hiệu quả cao, ngành l­ưu trữ cần chủ động hơnnữa trong đổi mới công tác tổ chức s­ưu tầm, thu thập, bảo quản tài liệu và ph­ương thức khai thác, sử dụng tài liệu lư­u trữ Đảng, công bố tài liệu, văn kiện Đảng, Nhà n­ước và các đoàn thể.

Những hạn chế trong công tác lưu trữ tư liệu có nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Do điều kiện đất nước trải qua chiến tranh ác liệt, nhà cửa, trụ sở, kho tàng bị phá huỷ; nhiều địa phương, nhất là ở miền Trung chịu nhiều thiên tai lũ lụt, nên rất khó có thể giữ được nguyên vẹn các loại tài liệu; nhiều xã, huyện lại trải qua chia tách, sát nhập nhiều lần, dẫn đến tài liệu thất lạc. Mặt khác, nước ta là nước khí hậu nhiệt đới, mưa nhiều, độ ẩm cao, mối mọt phát triển, nên việc bảo quản tư liệu ở cấp cơ sở là hết sức khó khăn.

Về chủ quan, do trình độ nhận thức của cán bộ các địa phương còn hết sức hạn chế, chưa thấy hết được vị trí, tầm quan trọng của công tác lưu trữ tư liệu lịch sử,… Mặc dù, các cấp uỷ địa phương đã cố gắng sưu tầm tư liệu lịch sử, đã tranh thủ những nhân chứng lịch sử còn sống để ghi lại hồi ký, phục vụ cho công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ, tuy nhiên các đồng chí lão thành cách mạng hầu hết tuổi đã cao, trí nhớ giảm sút, nên việc làm này cũng gặp không ít khó khăn. Đây cũng chỉ là những giải pháp tình thế, không thể thay thế được cho những tư liệu lịch sử chính thống.

Lênin đã chỉ rõ: trong khoa học lịch sử cũng như trong các ngành khoa học khác, sự kiện đúng đắn là không khí của nhà khoa học, là cơ sở nền tảng để từ đó xây dựng lý luận của các vấn đề nghiên cứu. Các sự kiện, tư liệu phải được nghiên cứu, xem xét trong mối quan hệ với nhau, không tách rời nhau thì mới có cơ sở để đưa ra các kết luận khoa học. Trong dây xích nhận thức, sự kiện, tư liệu là cái gạch nối, là mắt xích quan trọng nhất giữa “sự kiện hiện thực” và “sự kiện tri thức”.

Do vậy, nếu người biên soạn lịch sử Đảng bộ không có được những tư liệu lịch sử gốc, hoặc dựa vào những nguồn tư liệu, sự kiện chưa được xác minh, thẩm định sẽ dẫn đến đưa ra những lời giải thích vội vàng, nếu không nói là không đúng sự thật khách quan của lịch sử. Trong thực tiễn công tác biên soạn, nhiều vấn đề tồn đọng trong lịch sử Đảng bộ của một số địa phương, còn thiếu tư liệu khách quan cần thiết vẫn được nghiên cứu, trình bày, thậm chí được kết luận một cách chủ quan.

Để nâng cao chất lượng công tác sưu tầm, xác minh tư liệu phục vụ công tác sưu tầm, xác minh tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:

- Các cấp uỷ địa phương phải sớm có kế hoạch sưu tầm những tư liệu lịch sử còn trống, nhất là trong giai đoạn từ 1930 đến 1975, do công tác lưu trữ trong giai đoạn này gặp rất nhiều khó khăn, Đảng ta phải hoạt động trong điều kiện bí mật và trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, nên hầu hết tư liệu bị thất lạc, mất mát; rất nhiều sự kiện lịch sử trong giai đoạn này chưa được làm rõ, cần phải tiếp tục xác minh qua nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Các cấp uỷ địa phương cần xây dựng phương hướng cụ thể để phối hợp chặt chẽ với các cơ quan lưu trữ, như Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Trung tâm lưu trữ quốc gia, Cục lưu trữ Nhà nước, các Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng cách mạng để khai thác các tư liệu lịch sử có liên quan đến phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương để sớm bổ sung những tư liệu đang còn trống. Cần tạo điều kiện về mặt thời gian, về kinh phí cho những cán bộ đi khai thác tư liệu ở các cơ quan lưu trữ và có chính sách thu hút các cộng tác viên ở chính các cơ quan lưu trữ tham gia sưu tầm, xác minh tư liệu cho các địa phương.

- Các cấp uỷ địa phương cần cử người có trình độ, uy tín gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, các đồng chí lãnh đạo địa phương qua các thời kỳ để trao đổi các nội dung cần phỏng vấn, ghi chép lại dưới dạng hồi ký để phục vụ cho công tác biên soạn. Đây là việc các cấp uỷ địa phương cần phải có kế hoạch triển khai ngay, bởi lẽ các nhân chứng lịch sử tuổi tác ngày càng cao, theo thời gian họ sẽ ngày càng ít đi.

- Đối với các huyện, xã, phường mới thành lập (do chia tách, sáp nhập), các cấp uỷ địa phương cần có kế hoạch triển khai viết biên niên sử.

- Cùng với tích cực triển khai công tác sưu tầm, xác minh tư liệu, các cấp uỷ địa phương cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác lưu trữ tư liệu lịch sử, có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho công tác biên soạn những năm tiếp theo.

- Các cơ quan lưu trữ ở Trung ương và địa phương xây dựng quy chế và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận, khai thác hợp lý các nguồn tư liệu tại các kho lưu trữ, phục vụ trực tiếp cho công tác biên soạn.

- Những tư liệu mới sưu tầm được, cần được tiến hành xác minh, thẩm định theo một quy trình chặt chẽ, khoa học. Trong quá trình thẩm định, nhất thiết phải tổ chức các cuộc hội thảo, toạ đàm trao đổi về các sự kiện lịch sử, về tính đảng, tính khoa học của bản thảo lịch sử Đảng bộ với sự tham gia của các nhân chứng lịch sử, các đồng chí lãnh đạo qua các thời kỳ…

Để bảo đảm tính chính xác của tư liệu thì con đường duy nhất phải qua  kiểm tra, đối chiếu, xác minh các sự kiện. Kiểm tra, đối chiếu, xác minh là một quá trình lao động khoa học nghiêm túc, đầy khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có tính kiên trì. Có khi đối chiếu, xác minh hàng chục lần. Đối chiếu giữa tài liệu bằng văn bản với tài liệu nhớ lại và ghi lại hoạt động của những đồng chí đã từng tham gia và lãnh đạo phong trào. Đối chiếu giữa tài liệu của địa phương và tài liệu của Trung ương. Đối chiếu tài liệu của ta và tài liệu của địch. Vừa kiểm tra tại chỗ, vừa đối chiếu các tài liệu với hiện vật...

Trong điều kiện nước ta hiện nay, người nghiên cứu phải tự làm lấy một phần lớn công việc tìm tòi, kiểm tra, xác minh và tổng hợp tư liệu. Khi công tác lưu trữ có những bước phát triển đi lên, những người làm công tác biên soạn lịch sử Đảng cũng không thể ỷ lại hết cho cơ quan lưu trữ. Bởi lẽ chỉ có qua con đường tìm hiểu tư liệu và hệ thống hoá các sự kiện, người nghiên cứu mới phác hoạ lại được bức tranh lịch sử một cách sát đúng sự thật. Từ đó, mới có thể tiến lên đúc kết và trừu tượng hoá thành khái niệm và quy luật. Do đó, không một phương tiện nào - kể cả máy tính điện tử có thể làm thay công việc của người nghiên cứu.

_______________

(1)   Trường Chinh: Lược ghi ý kiến phát biểu trong Hội nghị bàn về công tác nghiên cứu lịch sử Đảng đầu năm 1966, tư liệu khoa Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tr.17

 

ThS Lê Minh Phương

                           Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền