Trang chủ    Thực tiễn     Truyền thông đại chúng với việc phát triển con người Việt Nam hiện đại
Thứ ba, 15 Tháng 4 2014 14:37
9013 Lượt xem

Truyền thông đại chúng với việc phát triển con người Việt Nam hiện đại

(LLCT) - Truyền thông đại chúng là công cụ quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ biến các tri thức khoa học về mọi lĩnh vực của đời sống đến đông đảo nhân dân. Cùng với khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, truyền thông đại chúng có vị trí, vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; là diễn đàn, tiếng nói của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

 

Cùng với tiến trình lịch sử đất nước, báo chí nước ta đã có những tiến bộ vượt bậc. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 6-2012, cả nước có 748 cơ quan báo chí in với 1.052 ấn phẩm báo chí, 184 báo, 564 tạp chí, 25 báo ngày, 67 đài phát thanh, truyền hình, 62 báo điện tử, 1.024 trang tin điện tử tổng hợp chung (trong đó có 300 trang của các cơ quan báo chí); tổng số trang mạng xã hội 191 trang; tổng số blog trên 2 triệu; có gần 17 nghìn nhà báo đang hoạt động trên khắp mọi vùng miền của Tổ quốc và ở nước ngoài.

Hạ tầng mạng lưới viễn thông, internet của Việt Nam tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là mạng di động 3G. Các doanh nghiệp như VinaPhone, MobiFone, Viettel đã đẩy nhanh tiến độ đầu tư mạng lưới và cung cấp dịch vụ như đã cam kết. Trên toàn quốc, có khoảng 59 nghìn vị trí lắp đặt các loại trạm BTS, trong đó có hơn 20 nghìn trạm Node B. Số thuê bao internet trên cả nước tính đến 31-6-2012 ước đạt 4,4 triệu thuê bao, tăng 26,5% so với cùng kỳ thời điểm năm trước; số người sử dụng internet ước đạt 32,4 triệu người, tăng 10,4%. Số tên miền phát triển mới tăng, đến 31-5-2012, đã phát triển mới 32.220 tên miền, nâng tổng số tên miền truyền thống “.vn” lên 202.374 tên(1).    

Xã hội không ngừng phát triển, nhu cầu trao đổi thông tin của con người ngày càng cao, truyền thông đại chúng (TTĐC) cũng không ngừng cải tiến, đổi mới, ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ để từng bước cho ra đời nhiều loại hình truyền tải thông tin hiện đại. Cuối thế kỷ XX, cùng với loại hình báo in còn  có báo nói, báo hình, đặc biệt là báo điện tử. Công nghệ in ấn, phát hành, ngành quảng cáo, maketting phát triển với sự đua tranh quyết liệt, tạo ra mạng lưới truyền thông rộng khắp trên phạm vi toàn thế giới. Những vấn đề thời sự quốc tế, tình hình chính trị các nước đều được cập nhật và thông tin kịp thời, tạo ra những chuyển biến, thay đổi về nhận thức, tư duy của con người theo hướng tích cực.           

Khi Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới đòi hỏi việc nắm bắt, cập nhật thông tin về diễn biến thị trường, trao đổi mua bán trong và ngoài nước, đời sống chính trị, xã hội, hoạt động ngoại giao... là vô cùng cần thiết, giúp cho các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan chức năng chủ động trong việc xử lý thông tin, đưa ra những biện pháp giải quyết kịp thời, hữu hiệu.  

Với đồng bào các dân tộc thiểu số, cư trú ở những vùng miền khó khăn, truyền thông có vai trò rất quan trọng giúp họ mở mang tri thức, học cách làm giàu, phát triển kinh tế, xã hội, thoát ra khỏi những tập tục lạc hậu, những thói quen sinh hoạt cổ hủ. Sau hệ thống kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm phục vụ nhu cầu dân sinh thì hệ thống truyền thông cũng kịp vươn tới những bản làng xa xôi của Tổ quốc. Sóng truyền hình, hệ phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc, internet, mạng di dộng, cũng được lên sóng giúp người dân ở những vùng khó khăn tiếp cận nhanh với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; cung cấp phương tiện hữu hiệu cho việc học tập, tiếp thu tri thức, kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi, canh tác, từng bước nâng cao dân trí, cải thiện chất lượng cuộc sống.  

Trong tình hình hiện nay, khi các thế lực thù địch ra sức chống phá Nhà nước và chế độ ta, chúng lợi dụng tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng để tuyên truyền xuyên tạc, đầu độc tư tưởng nhân dân, phá vỡ tình đoàn kết, làm ô nhiễm đời sống văn hóa tư tưởng, đảo lộn cuộc sống dân sinh... thì TTĐC lại càng có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.          

Hiện nay, với hệ thống phân cấp quản lý chặt chẽ, nội dung tuyên truyền phong phú, đa dạng, các cơ quan TTĐC đang tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của nhân dân, tạo ra những đợt sinh hoạt tư tưởng lành mạnh trong đời sống chính trị - tinh thần, hướng về nguồn cội, giữ gìn bản sắc, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.     

 Trong thập niên đầu thế kỷ XXI, TTĐC đã làm nên cuộc cách mạng trong lĩnh vực truyền thông di động. Sự lớn mạnh, phát triển tăng tốc của các doanh nghiệp Viettel, VinaPhone, MobilFone... đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, hoạt động của các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình cũng có nhiều đổi mới, tích cực hội nhập, học hỏi kinh nghiệm truyền thông của thế giới... đã có những bước phát triển vượt bậc, thông tin đa chiều, đáp ứng nhu cầu chia sẻ thông tin của đông đảo bạn đọc ở mọi tầng lớp, lứa tuổi. Việc phóng thành công vệ tinh VinaSat 1 (2008), VinaSat 2 (2012), công nghệ 3G... đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin nhanh nhất thế giới.         

Đánh giá về vai trò và những đóng góp lớn lao của TTĐC trong những năm qua, có thể nêu lên một số kết quả như:

- TTĐC đã thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị cho đông đảo nhân dân, thông tin nhanh nhạy, truyền tải kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, là sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo nên những đợt sinh hoạt tư tưởng chính trị lành mạnh, bổ ích và hiệu quả.     

- TTĐC góp phần nâng cao dân trí, mở mang trí tuệ, giúp người dân tiếp cận nhanh với những tri thức mới của nhân loại, nâng cao năng suất lao động và chất lượng cuộc sống.  

- Với vai trò, nhiệm vụ tuyên tuyền, TTĐC giúp con người nhận thức đúng bản chất các sự việc, hiện tượng diễn ra xung quanh, định hướng dư luận, tạo ra sức mạnh đại đoàn kết, thống nhất ý chí toàn dân tộc.           

- TTĐC giúp các nhà hoạch định chính sách dự báo chính xác tình hình và xu hướng vận động của thế giới để có kế sách điều chỉnh kịp thời kế hoạch và phương thức hành động cho phù hợp với đặc điểm, điều kiện, hoàn cảnh của quốc gia, dân tộc.     

- TTĐC một mặt đem đến cho người dân những thông tin hữu ích, đồng thời cũng sàng lọc, bài trừ những tư tưởng độc hại, phản động, đi ngược lại truyền thống yêu nước và thuần phong mỹ tục của nhân dân ta, qua đó khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống tốt đẹp của quê hương đất nước, quảng bá hình ảnh một Việt Nam giàu đẹp, thân thiện và mến khách. 

Thời đại ngày nay, khi công nghệ thông tin phát triển với tốc độ nhanh, TTĐC lại càng có vai trò, vị trí quan trọng, đó là một nhu cầu thiết yếu như cơm ăn, nước uống hàng ngày của con người. Sóng truyền hình, sóng phát thanh quốc gia và địa phương đã thâm nhập vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, trở thành người bạn thân thiết của người dân, giúp họ xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, TTĐC cũng đang đứng trước những thử thách cam go khi mặt trái của hội nhập quốc tế và sự phát triển nền kinh tế thị trường đem lại. Mạng lưới TTĐC ngày càng phát triển, phủ sóng trên diện rộng đặt ra cho các cơ quan chức năng bài toán về năng lực quản lý, điều hành vừa phải mang tầm vĩ mô, chiến lược, vừa phải có kế hoạch và biện pháp xử lý kịp thời trước những vấn đề phức tạp xảy ra trong cuộc sống.       

Là quốc gia đang phát triển với điểm xuất phát thấp về kinh tế, mặt bằng tri thức không đồng đều, dân cư tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn, trong khi ở miền núi, vùng sâu, vùng xa... thiếu hụt về tri thức văn hóa, thông tin khó có thể lấp đầy. Sự phát triển mạnh mẽ của mạng di động, internet... là những tín hiệu mừng nhưng cũng gây ra nhiều hệ lụy, những vấn đề nhức nhối khó giải quyết triệt để khi hiện nay các thế lực thù địch trong và ngoài nước ra sức lợi dụng các diễn đàn thông tin để tuyên truyền, cổ vũ những tư tưởng phản động, những luận điệu đả kích, xuyên tạc chống phá chế độ... kích thích bạo lực, tình dục, cờ bạc, ma túy, trong khi chúng ta chưa có chế tài quản lý đủ mạnh, chưa có biện pháp kiểm soát hữu hiệu, ngăn chặn kịp thời, gây tâm lý hoài nghi, bi quan, dao động trong quần chúng nhân dân.         

Công tác phát hành báo chí, xuất bản sách, tạp chí phổ biến kiến thức khoa học đến với đồng bào dân tộc thiểu số, những vùng miền khó khăn, vùng nông thôn chưa được quan tâm đúng mức; hệ thống đài truyền thanh cơ sở chưa phát huy hết vai trò tác dụng; hạ tầng bưu điện, thư viện, nhà văn hóa thôn bản nghèo nàn, xuống cấp, không đáp ứng đủ nhu cầu và quyền được cung cấp, cập nhật thông tin của người dân, làm phai nhạt tinh thần cố kết cộng đồng. Bên cạnh đó, khuynh hướng chạy theo lợi nhuận, không giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng của một số cơ quan báo chí, nhà xuất bản đã gây tác động xấu đến đời sống văn hóa dân tộc. Mặt trái của công nghệ thông tin, mạng internet tác động không nhỏ đến tầng lớp thanh thiếu niên, cuốn hút vào các trò chơi không lành mạnh trong thế giới ảo, tạo mầm mống cho tệ nạn xã hội nảy sinh, gây nhức nhối dư luận...     

Những hệ lụy đó, một phần do cách quản lý, điều hành của hệ thống quản trị mạng
internet, từ cách tuyên truyền, giáo dục chưa thực sự hiệu quả, còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Các cơ quan chức năng chưa quản lý chặt chẽ, sát sao và chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời những trang web và blog cá nhân có nội dung không lành mạnh, khiến hằng ngày, hằng giờ những thông tin, hình ảnh độc hại cứ gặm nhấm, ăn sâu trong tâm hồn, suy nghĩ của giới trẻ, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình trị an và môi trường xã hội.       

Một số đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa do không được thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời, phù hợp nên bị kẻ xấu lợi dụng, tuyên truyền những luận điệu phản động, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều đó xuất phát từ cơ chế quản lý văn hóa thông tin cấp cơ sở còn yếu kém, chưa bao quát, nắm rõ tình hình, chưa có những biện pháp phù hợp, mềm dẻo, linh hoạt để vận động, cổ vũ quần chúng; nâng cao nhận thức, trình độ văn hóa cho người dân.  

Để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ, giáo dục nhân dân, làm cho đời sống tinh thần - xã hội phong phú, cao đẹp, nhân lên những tình cảm vị tha, nhân ái, để TTĐC phát triển một cách bền vững, có hiệu quả, bắt nhịp kịp với sự phát triển của truyền thông thế giới, các cơ quan TTĐC của Đảng, Nhà nước cần làm tốt một số nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể như sau:     

Thứ nhất,bám sát tình hình thực tiễn đất nước, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực truyền thông; phản ánh nhanh nhạy, cung cấp kịp thời những thông tin thời sự về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, an ninh - quốc phòng trong và ngoài nước đến đông đảo nhân dân. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của những người làm công tác TTĐC. Mỗi bài viết, phản ánh, bình luận, đưa tin phải chứa đựng những thông tin bổ ích, thiết thực, nói lên tư tưởng, tình cảm của nhân dân, hướng đến nhân dân để phục vụ.

Thứ hai,tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, những chương trình mục tiêu, chiến lược phát triển quốc gia, tuyên truyền sâu rộng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; biểu dương kịp thời những tấm gương điển hình tiên tiến, những cách làm hay, sáng tạo của các cá nhân, tập thể. Đồng thời, kiên quyết chống lại những luận điệu tuyên truyền phản động của các thế lực thù địch trong và ngoài nước công kích, bôi xấu, xuyên tạc nhằm “diễn biến hòa bình”, kích động bạo loạn lật đổ. Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần yêu nước và khát vọng hòa bình của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị.

Thứ ba,quan tâm đầu tư phát triển mạng lưới truyền thông rộng khắp, đồng bộ, hiện đại. Không ngừng đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, chuyển giao khoa học - công nghệ, học tập cách làm hay của thế giới, ứng dụng thành tựu của công nghệ truyền thông để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Rà soát, ban hành các văn bản pháp quy về TTĐC để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, kịp thời uốn nắn các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, tiêu thụ những sản phẩm truyền thông vào quỹ đạo hoạt động trong hành lang pháp lý, giúp TTĐC đi đúng hướng, khắc phục những hạn chế, yếu kém. Quản lý chặt chẽ hoạt động xuất bản, phát hành báo chí, ấn phẩm văn hóa, truyền hình để phục vụ tốt nhất nhu cầu của nhân dân.

Thứ tư,nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng công nghệ thông tin, TTĐC, kết hợp với các cơ quan có thẩm quyền, đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi sai trái để xây dựng đời sống tinh thần xã hội thật sự lành mạnh, trong sang.  

______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2013

(1)   Xem: Báo cáo sơ kết công tác quản lý nhà nước 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

ThS Nguyễn Huy Phòng

 Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

            

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền