Trang chủ    Thực tiễn    Nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu mặt hàng gạo của Việt Nam
Thứ ba, 15 Tháng 4 2014 14:49
3030 Lượt xem

Nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu mặt hàng gạo của Việt Nam

(LLCT) - Với đường lối đổi mới, sản xuất nông nghiệp nước ta những năm qua đã có bước phát triển ngoạn mục, từ chỗ là nước phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã vươn lên thành nước đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, sự bất ổn về chất lượng, giá cả, thị trường, công nghệ sau thu hoạch... đã làm cho giá trị gia tăng của hạt gạo chưa tương xứng với công sức và vốn đầu tư bỏ ra. Người nông dân làm ra hạt gạo chưa được hưởng lợi nhiều. Vì vậy, cần phải có giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng mặt hàng gạo xuất khẩu, góp phần làm cho sản xuất và xuất khẩu gạo phát triển bền vững và hiệu quả hơn.          

1. Thành tựu trong sản xuất và xuất khẩu lúa gạo         

Trong hơn 20 năm, sản xuất lúa gạo có những bước tiến đáng kể cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Về diện tích, diện tích lúa không ngừng được mở rộng: từ hơn 6 triệu ha năm 1990 lên hơn 7,6 triệu ha năm 2011(1), tăng 1,6 triệu ha. Đồng thời, do ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên năng suất lúa cũng không ngừng tăng lên qua các năm. Năm 1990, năng suất lúa bình quân cả nước đạt 3,26 tấn/ha(2), đến năm 2011 tăng lên 5,53 tấn ha, cao hơn năng suất bình quân lúa thế giới (4,38 tấn/ha)(3), Ấn Độ (3,264 tấn/ha), Thái Lan (2,75 tấn/ha), song lại thấp hơn Trung Quốc (6,61 tấn/ha), Ôxtrâylia (hơn 10 tấn/ha), Mỹ (gần 8 tấn/ha)(4). Năng suất và diện tích tăng nên sản lượng lúa gạo tăng nhanh, năm 1990 sản lượng lúa cả nước là 19,6 triệu tấn, đến năm 2011 đạt  42,3 triệu tấn(5), tăng 22,6 triệu tấn.           

Với kết quả đạt được trong sản xuất, mặt hàng gạo không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, bảo đảm an ninh lương thực mà còn giúp cho Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, với sản lượng và kim ngạch gia tăng qua các năm. Năm 1989, Việt Nam bắt đầu tham gia thị trường xuất khẩu gạo với 1,37 triệu tấn và kim ngạch đạt 310,29 triệu USD(6), đến năm 2011 Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 7 triệu tấn gạo, thu về trên 3,5 tỷ USD. Tính chung cả giai đoạn 1989 - 2011, Việt Nam đã xuất khẩu 84 triệu tấn gạo và thu về gần 25 tỷ USD. Thị trường gạo xuất khẩu cũng không ngừng được mở rộng. Trước năm 2000, gạo của Việt Nam được xuất khẩu tới trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, đến nay, gạo Việt Nam đã có mặt trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều quốc gia có yêu cầu cao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm như Mỹ, Nhật Bản, EU. Thị phần gạo xuất khẩu cũng được nâng lên qua các năm và đến 1998, chiếm gần 18,8% tổng lượng xuất khẩu gạo thế giới, sau Thái Lan.        

2. Một số hạn chế, bất cập           

Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất và xuất khẩu mặt hàng gạo vẫn còn nhiều hạn chế làm giảm giá trị gia tăng:             

- Sản xuất nhỏ lẻ, phân tán. Lúa gạo xuất khẩu vẫn do các hộ nông dân sản xuất theo mô hình đa canh nhưng lại nhỏ lẻ, phân tán với nhiều chủng loại giống lúa khác nhau. Vì vậy, mùa vụ khó tập trung, khó tạo thành khối lượng hàng hoá lớn với chất lượng đồng đều, ổn định. Cũng chính do sản xuất phân tán, nhỏ lẻ đã làm hạn chế ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, làm tăng chi phí nhưng năng suất lại thấp.  

- Chất lượng gạo thấp. Mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam còn nhiều tạp chất, hạt gạo không đồng đều, tỷ lệ gạo đặc sản ít. Theo Hiệp hội xuất khẩu lúa gạo và Bộ Công thương, gạo xuất khẩu của nước ta đến nay vẫn có tới trên 70% là phẩm cấp trung bình (10 - 15% tấm) và thấp (25% tấm). Tỷ lệ gạo đặc sản ít, gạo 5% tấm chưa sánh được với gạo của Thái Lan. Trong khi đó, gạo Thái Lan có phẩm cấp cao (5 - 10% tấm) có độ dài, trong, mềm và thơm chiếm trên 70% tổng lượng gạo xuất khẩu. Hạn chế này đã dẫn đến tình trạng, một mặt, gạo nước ta xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường dễ tính, có sức mua trung bình và thấp là châu Á và châu Phi, mặt khác, giá gạo xuất khẩu luôn thấp hơn của Thái Lan 15 - 20USD/tấn.     

- Tổn thất sau thu hoạch cao. Ở Việt Nam, tổn thất sau thu hoạch đối với lúa khoảng từ 13 - 16%. Thu hoạch thủ công tỷ lệ hao hụt từ 5 - 8%, còn thu hoạch bằng máy gặt đập tỷ lệ hao hụt chỉ có 3%(7). Trong đó, cao nhất là khâu phơi sấy hao 4,2%, thu hoạch 3%, xay xát 3%, bảo quản 2,6%, vận chuyển gần 1%(8). Trong khi đó, tổn thất sau thu hoạch đối với sản xuất lúa của Nhật chỉ là 3,9 - 5,6%, của Ấn Độ 6%, của Thái Lan là  7 - 10%. Vì vậy, trung bình mỗi năm chỉ riêng đồng bằng sông Cửu Long đã thiệt hại tới nửa tỷ USD. Tổn thất sau thu hoạch cao đã làm giá trị gia tăng mặt hàng gạo thấp nên hiệu quả sản xuất thấp, người sản xuất ra hạt gạo không được hưởng lợi một cách xứng đáng với công sức đầu tư của mình.   

- Hệ thống cung ứng đầu vào sản xuất và lưu thông gạo nhiều khâu trung gian. Để đến được tay người nông dân, nhiều loại vật tư nông nghiệp phải qua nhiều khâu trung gian. Chẳng hạn, mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón khi đến tay người nông dân đã trải qua ba cấp đại lý (cấp 1, cấp 2 và cấp 3) ở tỉnh, huyện, xã và nhiều đại lý thôn, mỗi cấp đại lý được hưởng từ 7 - 10% giá chênh lệch. Vì vậy, khi tới tay nông dân, các loại vật tư này đã bị đẩy giá lên hơn 30 - 40% so với giá của nhà sản xuất. Đầu ra hạt gạo cũng có tới từ 3 đến 5 khâu trung gian (thương lái nhỏ, vựa, nhà máy xay xát, lau bóng, doanh nghiệp xuất khẩu). Những bất cập trên đã làm cho giá trị gia tăng gạo xuất khẩu giảm do chi phí trung gian bị đội lên, người sản xuất gạo không thu được lợi nhuận như mong muốn.  

- Hoạt động xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại chưa được quan tâm đúng mức. Mặc dù là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới với khối lượng 5-7 triệu tấn/năm và gạo Việt Nam đã có mặt trên 100 quốc gia, song phần lớn gạo Việt Nam chưa có thương hiệu riêng mà phải mang một nhãn hàng khác của quốc gia nhập khẩu; Việt Nam vẫn chưa có thị trường truyền thống mà thường bị ép giá. Hiện tại, hầu hết gạo Việt Nam xuất khẩu với tên chung chung là gạo trắng Việt Nam, còn gạo đặc sản nhiều khi được bán trên thị trường dưới thương hiệu gạo Thái Lan. Hạn chế này đã làm cho giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn thấp hơn giá gạo Thái Lan, giá trị gia tăng thấp và gạo Việt Nam khó tiếp cận được thị trường có nhu cầu gạo cao cấp.          

- Cơ chế điều hành xuất khẩu còn nhiều bất cập. Hiện nay, việc xuất khẩu gạo hoàn toàn phụ thuộc vào các quyết định và cơ chế điều hành của một số đơn vị đặc quyền, như Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và Tổng Công ty Lương thực miền Nam. VFA được toàn quyền trong việc ấn định giá gạo xuất khẩu và ấn định giá thu mua lúa trong nước. Vì vậy, dẫn đến tình trạng khi giá gạo xuất khẩu đang cao thì doanh nghiệp phải ngừng xuất khẩu, khi giá thấp lại đẩy mạnh xuất khẩu. Ngoài ra, với cung cách xin - cho như hiện nay, việc quản lý không chặt chẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tranh giành nhau bán tại một thị trường làm giá bán thấp. Chẳng hạn, theo quy định, chỉ có Tổng Công ty Lương thực miền Nam được bán tại thị trường tập trung Philippin, nhưng theo số liệu của hải quan, hiện có tới 14 doanh nghiệp trực tiếp và thông qua trung gian tìm cách bán vào thị trường này. Tình trạng mạnh ai nấy bán vẫn diễn ra khá phổ biến giữa các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh gạo, khiến một số doanh nghiệp trong nước bị thương nhân nước ngoài ép giá và hệ luỵ tất yếu là sản xuất kinh doanh sản phẩm gạo xuất khẩu không hiệu quả. 

3. Một số giải pháp          

Từ những hạn chế, bất cập trên, để nâng cao giá trị gia tăng mặt hàng gạo xuất khẩu, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:           

Một là, đẩy mạnh thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, liên kết “bốn nhà” nhằm giảm chi phí đầu vào và rút ngắn khoảng cách lưu thông của mặt hàng gạo. Trong điều kiện hiện nay, thực hiện mô hình này sẽ khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Nhờ đó, ứng dụng được tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất (làm đất, chăm sóc, thu hoạch), giảm được tổn thất sau thu hoạch, tạo ra khối lượng lúa gạo lớn, chất lượng đồng đều, đảm bảo được thời gian cung ứng trên thị trường. Doanh nghiệp cung ứng đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, bao tiêu sản phẩm; nông dân hợp tác sản xuất có định hướng theo hợp đồng; nhà khoa học nghiên cứu đưa ra giải pháp tăng sản lượng, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm. Nhà nước cần đầu tư kết cấu hạ tầng, cung cấp thông tin, xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn hóa sản phẩm xuất khẩu, có cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ tín dụng và tổ chức thực hiện liên kết. Thực tế cho thấy, mô hình này đã mang lại hiệu quả rõ rệt.           

Hai là, nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu. Có thể nói, đây là khâu đột phá để nâng cao giá trị gia tăng mặt hàng gạo xuất khẩu. Muốn vậy, cần áp dụng quy trình sản xuất an toàn lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP, GAP, sản xuất hữu cơ sẽ giảm được giá thành và nâng cao chất lượng gạo. Quy hoạch vùng nguyên liệu gạo chất lượng cao, khuyến khính nông dân tăng cường trồng những giống lúa hạt dài, hạt trong, lúa thơm; hạn chế gieo sạ giống lúa phẩm cấp thấp. Đồng thời, phải đưa nhanh tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ lúa gạo. Cụ thể: trong sản xuất, ứng dụng công nghệ sinh học nhằm nâng cao chất lượng giống lúa và chuyển giao nhanh vào sản xuất các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, sạch bệnh và có sức đề kháng các loại bệnh. Trong bảo quản, chế biến và tiêu thụ phải ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào bảo quản, chế biến và tiêu thụ lúa gạo nhằm nâng cao chất lượng hạt gạo (độ vỡ ít, độ ẩm vừa phải, hạt gạo trong...) và hạ giá thành sản phẩm.          

Ba là, giảm tổn thất sau thu hoạch. Phải xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và lưu thông đồng bộ, hiện đại, mặt khác, phải ứng dụng công nghệ vào khâu thu hoạch, phơi sấy, xay xát, bảo quản tồn trữ lúa. Nhà nước cần hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân trực tiếp sản xuất được vay vốn với mức vốn vay 100% giá trị máy móc, thiết bị với lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, miễn các loại thuế, lệ phí đối với các dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất như: dịch vụ tưới, tiêu nước; cày, bừa đất; bảo vệ thực vật; thu hoạch; sấy, bảo quản nông sản.          

Bốn là, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại.Thực tế cho thấy, thông qua thương hiệu, sản phẩm gây được ấn tượng và niềm tin đối với người tiêu dùng, làm tăng giá bán. Việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại góp phần đẩy nhanh tốc độ lưu thông sản phẩm, làm tăng thị phần, làm tăng giá trị gia tăng. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm đi đôi với nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, phải nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xúc tiến thương mại.           

Năm là, đổi mới cơ chế điều hành xuất khẩu gạo theo hướng linh hoạt, nhằm thu được lợi nhuận tốt nhất.Muốn vậy, không để VFA độc quyền trong điều hành xuất khẩu gạo, độc quyền trong việc định giá gạo xuất khẩu. Giá thu mua lúa phải căn cứ vào giá bán gạo xuất khẩu. Chính phủ phải thực hiện độc quyền lúa gạo, phải đưa lúa gạo vào lĩnh vực độc quyền nhà nước để quan tâm đúng mức đến quyền lợi nông dân và người tiêu dùng. Nhà nước phải trực tiếp mua bán lúa gạo cho nông dân. Còn các tổng công ty lương thực và VFA trở thành những doanh nghiệp xuất khẩu gạo, phải có đủ kho chứa liên hợp với nhà máy xay xát. Chỉ có như vậy, mới điều tiết được xuất khẩu gạo, tránh bị khách hàng ép giá, nhờ đó, hạt gạo Việt Nam mới có giá trị gia tăng cao và người nông dân trồng lúa mới được hưởng lợi.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2013

(1),(5) Tổng cục thống kê: Diện tích và sản lượng lương thực có hạt các năm.         

(2) Báo cáo thường niên ngành hàng lúa gạo Việt Nam 2007 và triển vọng 2008.          

(3) Theo nongnghiep.vn: Lúa Việt Nam có mức tăng năng suất  gấp hơn hai lần lúa thế giới, ngày 24-7-2012.       

(4) worldrices.blogspot.com: Tổng quan về tình hình sản xuất cây lúa thế giới năm 2010 .  

(6) Theo vietfoood. org.vn, Những tăng trưởng xuất khẩu quan trọng trong 17 năm.          

(7) Hanoimoi.com.vn, Cơ giới hoá trong sản xuất lúa: giảm chi phí, tăng hiệu quả, ngày 26-10-2012.

(8) Theo vovonline, Phát triển hệ thống silo giảm tổn thất sau thu hoạch lúa gạo, ngày 7-3-2012.  

 

ThS Nguyễn Thị Miền

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền