Trang chủ    Thực tiễn    Hà Nội xây dựng đội ngũ bí thư đảng bộ phường đáp ứng yấu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới
Thứ năm, 17 Tháng 4 2014 14:24
3421 Lượt xem

Hà Nội xây dựng đội ngũ bí thư đảng bộ phường đáp ứng yấu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới

(LLCT) - Phường là cấp có vị trí, vai trò quan trọng, là nơi hội tụ sự chỉ đạo của các ngành, các cấp, các đoàn thể thuộc hệ thống ngành dọc. Bí thư đảng ủy (BTĐU) phường là người đứng đầu trực tiếp lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở trên địa bàn đô thị, sự lãnh đạo sáng suốt, phong cách lãnh đạo (PCLĐ) dân chủ, khoa học, thực tiễn của bí thư là nhân tố có vai trò quan trọng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở phường, góp phần xây dựng và phát triển đô thị văn minh, hiện đại, làm thay đổi diện mạo của đất nước.

Bên cạnh yêu cầu chung của cấp uỷ, bí thư cấp ủy cơ sở, BTĐU phường có những yêu cầu, nhiệm vụ đặc thù. Do vậy, BTĐU phường phải thể hiện rõ tính tiên phong, gương mẫu, tiêu biểu cho tập thể cấp ủy và đảng bộ, có năng lực tổ chức thực tiễn tốt, có kiến thức tương đối toàn diện, am hiểu công tác đảng, công tác quần chúng, là người có khả năng đoàn kết, phối hợp điều hành hoạt động tập thể, có uy tín trong nhân dân; đặc biệt cần có PCLĐ khoa học, chuẩn mực, gần dân, được quần chúng tín nhiệm. BTĐU phường là người lãnh đạo các lĩnh vực trọng yếu của đảng bộ phường; là người thông qua những quyết định về tất cả các vấn đề quan trọng nhất của đảng ủy, thường vụ đảng ủy; lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, biến những chủ trương, đường lối của Đảng thành hiện thực, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của đô thị.

Phường là nơi có các cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học; có các cơ sở sinh hoạt văn hóa..., nơi thường xuyên diễn ra những hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Nhiều công việc đột xuất có thể xảy ra đòi hỏi BTĐU phường phải nhạy bén, kịp thời phối hợp với chính quyền để có biện pháp giải quyết kịp thời, linh hoạt, hiệu quả. Do vậy, bên cạnh trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chủ trương, chính sách chung, các nhiệm vụ chính trị thường xuyên, BTĐU cần quán triệt các nhiệm vụ khẩn cấp, cùng tập thể cấp ủy, thường vụ đảng ủy giải quyết kịp thời các nhiệm vụ đặt ra.

Đô thị thường là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, nên việc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực càng khó khăn, phức tạp. Khối lượng công việc lớn và diễn ra nhanh chóng, đòi hỏi phải giải quyết khẩn trương, kịp thời. Dân số đông đúc, hoạt động kinh doanh sôi động, việc nhập hộ khẩu, quản lý tạm trú, tạm vắng, bán hàng trên hè phố... là nhiệm vụ thường xuyên, dễ nảy sinh tiêu cực, mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện khó tránh khỏi, đòi hỏi BTĐU phường phải có năng lực toàn diện, sắc bén để phối hợp với cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Thực tế đó đòi hỏi BTĐU phường phải là người sâu sát thực tế, nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác, có kinh nghiệm trong việc quản lý cán bộ, đảng viên và chỉ đạo nhạy bén nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực.

Đảng bộ phường thường là nơi sinh hoạt của nhiều cán bộ lão thành, cán bộ hưu, cán bộ, đảng viên có trình độ học vấn cao, có quá trình công tác lâu năm. Vì vậy, BTĐU phường phải là người có năng lực, trình độ chuyên môn cao, phẩm chất đạo đức, văn hóa ứng xử tốt, thể hiện rõ sự tiên phong, gương mẫu trong PCLĐ.

Qua khảo sát thực tế, Đảng bộ thành phố Hà Nội có 154 tổ chức cơ sở đảng phường, đội ngũ BTĐU phường có trình độ khá cao về học vấn, lý luận chính trị và chuyên môn. 100% BTĐU phường có trình độ trung học phổ thông. Về lý luận chính trị, trung cấp: 28 (18,18%); cao cấp: 76 (49,35%); cử nhân chính trị: 48 (31,16%). Về chuyên môn, trung học chuyên nghiệp: 7 (4,54%); cao đẳng: 11 (7,14%); đại học: 93 (60,38%); thạc sĩ: 43 (27,92%). Có 121 đồng chí đã được bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước (78,57%).

Đội ngũ BTĐU phường ở thành phố Hà Nội nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; am hiểu tình hình đất nước, của Thủ đô và thực tế địa bàn. Có hiểu biết sâu rộng, có kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, đoàn thể, quản lý nhà nước và vận động nhân dân; có năng lực tổ chức, quản lý, chỉ đạo tổng kết thực tiễn; nhạy bén nắm bắt tình hình.

Có nhiều đồng chí vừa là BTĐU vừa là chủ tịch UBND phường. Thực hiện Thông báo số 223-TB/TW ngày 14-2-2009 của Bộ Chính trị khóa X về thực hiện thí điểm mô hình BTĐU đồng thời là chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, toàn thành phố có 37/577 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình này, trong đó có 16/154 phường thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND. Điều đó làm cho vai trò, năng lực của mỗi cán bộ được phát huy. Đồng thời, việc triển khai và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách được nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ hơn. Tuy nhiên, BTĐU đồng thời là chủ tịch UBND phường phải đảm đương nhiều trọng trách, tham gia hội họp nhiều, dễ dẫn tới thiếu sâu sát địa bàn. Mặt khác, công việc chính quyền thường cụ thể, khẩn trương, đa dạng, phức tạp, đòi hỏi phải giải quyết ngay nên dễ cuốn bí thư đồng thời là chủ tịch UBND phường tập trung vào công tác chính quyền, ít dành thời gian, công sức cho công tác đảng, ảnh hưởng đến chức năng lãnh đạo toàn diện của cấp ủy.

Đội ngũ BTĐU phường đa dạng về độ tuổi, trình độ, quá trình công tác... Trong số 154 BTĐU phường ở Hà Nội có một số xuất thân từ nông dân, tham gia lực lượng vũ trang, được đào tạo, thử thách, chuyển ngành; một số xuất thân từ cán bộ, công nhân, trí thức; có người từ chuyên viên ở cơ quan đảng uỷ phường, qua công tác chính quyền, qua các tổ chức chính trị - xã hội... Từ đó, ít nhiều ảnh hưởng đến việc hình thành phong cách lãnh đạo, năng lực công tác.

Xu hướng trẻ hóa BTĐU phường diễn ra khá nhanh. Qua khảo sát BTĐU phường ở Hà Nội cho thấy: độ tuổi từ 30 đến 40 là 52 đồng chí (33,76%); độ tuổi từ 41 đến 50 là 92 đồng chí (59,74%), độ tuổi trên 50 là 10 đồng chí (6,49%). Đây là tiền đề quan trọng cho việc đổi mới PCLĐ và đội ngũ BTĐU phường.

Số bí thư và diện quy hoạch bí thư phường được trẻ hóa, được đào tạo cơ bản, năng động, nhạy bén, tiếp cận nhanh với cái mới, được các thế hệ cán bộ đi trước hướng dẫn, giúp đỡ nên trưởng thành nhanh. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy một số bí thư có độ tuổi dưới 40 chưa nhiều kinh nghiệm, còn lúng túng trong xử lý những tình huống phức tạp, đôi khi tỏ ra chủ quan, nóng vội, hạn chế trong công tác vận động quần chúng, sức lan tỏa của uy tín cá nhân chưa cao.

BTĐU phường phải đáp ứng những yêu cầu cao về trách nhiệm, trình độ, năng lực, đồng thời, cũng có nhiều thuận lợi để rèn luyện, nâng cao trình độ, năng lực, phấn đấu phát triển. Với vị thế, tính chất quan trọng của địa bàn công tác đã đặt ra những yêu cầu, thách thức nặng nề cho đội ngũ BTĐU phường. Đặc biệt, trong tiến trình hội nhập quốc tế, càng đòi hỏi đội ngũ BTĐU phường phải luôn nâng cao trách nhiệm, vượt lên thách thức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Mặt khác, đội ngũ BTĐU phường cũng có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc tiếp thu cái mới, học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ, năng lực công tác. Trong thực tế, một số BTĐU phường đã được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản nhưng chưa tự giác tu dưỡng, rèn luyện nên trình độ, năng lực thực tế chưa đáp ứng yêu cầu, một số có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, vi phạm dân chủ, nói nhiều, làm ít, lời nói không đi đôi với việc làm, nhũng nhiễu, hạch sách nhân dân...

Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, các đảng bộ phường cần đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng tập trung, sâu sát, kiên quyết, dứt điểm, hiệu quả; bám sát thực tiễn, xác định nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm đô thị.

Từ thực trạng trên, bước đầu đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng đội ngũ BTĐU phường:

Trước hết, làm tốt công tác cán bộ; gắn chặt công tác cán bộ với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của phường.

Quán triệt quan điểm của Đảng về công tác cán bộ, các cấp ủy (trực tiếp là quận ủy và đảng ủy phường) đưa ra những chủ trương, phương hướng, cụ thể hóa thành những quy định, quy chế phù hợp để xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt ở phường nói chung, xây dựng phẩm chất, năng lực, phong cách lãnh đạo của BTĐU phường nói riêng. Trong đó, việc lựa chọn bí thư phải tuân thủ các khâu: phát hiện, quy hoạch, lựa chọn, đánh giá, đào tạo và bồi dưỡng và phải được thực hiện trên nguyên tắc tập trung dân chủ, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy; các tiêu chí xây dựng phải gắn chặt với nhiệm vụ chính trị của đảng bộ phường, qua quá trình thực hiện công việc để rèn luyện, thử thách diện quy hoạch bí thư phường.

Thứ hai, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, lãnh đạo, chỉ đạo, trực tiếp là cấp ủy quận.

Xây dựng đội ngũ BTĐU là một nội dung quan trọng trong công tác cán bộ; hoạt động này diễn ra trên phạm vi rộng với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng, sự chỉ đạo của bí thư và cấp ủy cấp trên, ban thường vụ cấp ủy cùng với sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ có kết quả cao khi có sự thống nhất về nhận thức, đề cao trách nhiệm.

Thực tiễn cho thấy, nơi nào các cấp ủy, ban thường vụ quận ủy nhận thức đúng tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ BTĐU phường thì nơi đó có sự tập trung quan tâm, đề ra các chủ trương, biện pháp hiệu quả, có sự cụ thể hóa, xác định được những nội dung sát hợp; làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá đúng phẩm chất, năng lực, thực hiện tốt việc luân chuyển, quản lý, kiểm tra, giám sát bí thư và diện quy hoạch chức danh BTĐU phường công tác xây dựng đội ngũ BTĐU phường chuyển biến tích cực; trình độ, năng lực, phong cách làm việc của đội ngũ BTĐU phường nâng lên theo hướng dân chủ, khoa học, hiệu quả.

Thứ ba, công tác xây dựng đội ngũ BTĐU phường phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp giữa đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện trong thực tiễn.

Thực tiễn sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa đất nước luôn vận động, vì vậy cấp ủy, nhất là ban thường vụ cấp ủy quận cần thường xuyên quan tâm và tiến hành xây dựng đội ngũ cán bộ cơ bản, lâu dài, có hệ thống, qua nhiều con đường, biện pháp khác nhau. Đào tạo, bồi dưỡng giúp BTĐU phường tự giác, chủ động rèn luyện phong cách lãnh đạo. Đặc biệt là rèn luyện phong cách làm việc dân chủ, khoa học, thực tiễn. Bởi, nếu không tiếp thu, cập nhật kiến thức mới, họ sẽ sa vào quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, sẽ không phù hợp với sự phát triển.

Thực tế cho thấy, trên cơ sở đào tạo cơ bản, kết hợp với bồi dưỡng thường xuyên, lấy bồi dưỡng, rèn luyện trong thực tiễn là chính sẽ đem lại hiệu quả thiết thực đối với phong cách làm việc theo hướng dân chủ, khoa học, năng động, sáng tạo, linh hoạt, tuân thủ nguyên tắc. Tình hình trên địa bàn vì vậy phát triển theo hướng tích cực. Trái lại, nơi nào BTĐU phường chưa được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn về chuyên môn, lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước... thì thường có những hạn chế, bất cập trước yêu cầu nhiệm vụ.

Việc hoàn thiện phong cách lãnh đạo là một quá trình, vì vậy phải kiên trì, bắt đầu từ tư duy đến hoạt động thực tiễn và được thể hiện trong sinh hoạt đời thường và công tác hằng ngày.

Thứ tư, đề cao quá trình tự học, tự rèn luyện của mỗi người. Mỗi BTĐU phường cần đề cao tinh thần tích cực, chủ động tự học, tự rèn luyện phong cách lãnh đạo, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Thực tế cho thấy, BTĐU phường có ý thức tự giác tu dưỡng rèn luyện thì luôn có ý thức học hỏi nhân dân, học tập kinh nghiệm của các thế hệ cán bộ, để thu nhận thêm tri thức, học tập các mẫu hình lãnh đạo tích cực; tự giác tu dưỡng, rèn luyện, xây dựng phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, thực tiễn cho bản thân. Trái lại, nếu ý thức tự giác phấn đấu, tự học, rèn luyện hạn chế, người bí thư sẽ hoặc là bảo thủ, độc đoán hoặc thụ động, ỷ lại vào tập thể.

Thứ năm, phải gắn liền với xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên và đảng bộ trong sạch, vững mạnh

Phong cách lãnh đạo của BTĐU phường và chất lượng cấp ủy và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong đảng bộ phường có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại nhau. Thực tế, với một đảng bộ mà đội ngũ cấp ủy viên và đội ngũ cán bộ, đảng viên yếu kém thì không thể có bí thư đảng bộ có phẩm chất, năng lực, phong cách lãnh đạo dân chủ, khoa học, thực tiễn.

Một tập thể đảng bộ trong sạch, vững mạnh thì BTĐU phường phải có năng lực lãnh đạo, phong cách dân chủ, khoa học, thực tiễn. Bởi vậy, xây dựng đội ngũ cấp uỷ, cán bộ đảng viên trong đảng bộ phường có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn vững vàng là tiền đề cho BTĐU rèn luyện, phát huy phong cách làm việc, năng lực lãnh đạo.

Thứ sáu, tăng cường dân chủ, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân tham gia xây dựng, giám sát BTĐU phường. 

Trong công tác cán bộ vừa phải tích cực trẻ hóa, vừa phải tính đến điều kiện chín muồi của cán bộ và đảm bảo sự kế thừa giữa các thế hệ. Do vậy, phát huy dân chủ, đảng viên, nhân dân tham gia xây dựng, giám sát cán bộ có vai trò rất quan trọng đối với xây dựng đội ngũ cán bộ. Nhân dân tích cực đóng góp ý kiến, cung cấp những kinh nghiệm quý, cán bộ cầu thị, nghiêm túc tiếp thu, tích cực sửa chữa thì sẽ mau chóng trưởng thành.

Thực tế cho thấy, nơi nào cán bộ, đảng viên với nhân dân thực sự gắn bó, cấp ủy lắng nghe ý kiến của nhân dân thì nơi đó việc thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt hiệu quả cao. Trái lại, nơi nào bí thư, cấp ủy xa dân, quan liêu, hách dịch, thì dễ dẫn đến sai phạm.

Từ những yêu cầu cấp bách của thời kỳ cách mạng mới, với vai trò, nhiệm vụ và đặc điểm của BTĐU phường đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao trong việc xây dựng đội ngũ BTĐU phường vững mạnh và đồng bộ, vừa có đức, có tài, biết khơi dậy mọi tiềm năng, sức sáng tạo to lớn của nhân dân. Thực hiện hiệu quả các giải pháp trên sẽ góp phần xây dựng đội ngũ BTĐU phường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2013

ThS Nguyễn Ngọc Ánh

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền