Trang chủ    Thực tiễn    Một số giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế
Thứ năm, 17 Tháng 4 2014 14:27
2977 Lượt xem

Một số giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế

(LLCT) - Trong quá trình cải cách hành chính thuế thì cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thuế đóng vai trò quan trọng. Nội dung của cải cách TTHC thuế là xoá bỏ về căn bản những TTHC mang tính quan liêu, rườm rà, gây phiền hà và hoàn thiện nó theo hướng công khai, đơn giản và thuận tiện, rút ngắn thời gian cho người nộp thuế khi giải quyết các công việc liên quan đến thủ tục về thuế. Cụ thể là đổi mới thủ tục kê khai, đăng ký cấp mã số thuế, thủ tục hoàn thuế, miễn giảm thuế, thủ tục trong công tác thanh tra, kiểm tra, cải tiến tờ khai thuế. 

Cải cách  TTHC thuế là khâu đột phá trong cải cách hành chính thuế bởi vì cải cách TTHC thuế là nội dung phản ánh rõ nhất mối quan hệ giữa Nhà nước với đối tượng nộp thuế, đồng thời là nội dung có nhiều bức xúc nhất của công dân, doanh nghiệp, cũng như có nhiều yêu cầu mới trong điều kiện hội nhập. Qua cải cách TTHC thuế, xây dựng bộ máy hợp lý, đáp ứng yêu cầu công việc. Cải cách TTHC thuế là tiền đề để thực hiện các nội dung cải cách khác như nâng cao chất lượng thể chế; nâng cao trình độ, thay đổi thói quen, cách làm, nếp nghĩ của cán bộ thuế; phân công, phân cấp nhiệm vụ; thực hiện chính phủ điện tử,...     

Quá trình cải cách TTHC thuế trong thời gian qua đã đạt những thành công nhất định:           

Thứ nhất, cắt giảm, đơn giản hoá TTHC ngành thuế và cho công bố bộ Thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện Đề án đơn giản hoá TTHC trong lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010, ngành thuế đã trình Bộ Tài chính phê duyệt Quyết định công bố TTHC mới ban hành và tổ chức cập nhật TTHC mới vào cơ sở dữ liệu quốc gia(1). Lập danh mục TTHC và mẫu biểu chi tiết về gần 300 TTHC để cập nhật vào cơ sở quốc gia sau khi Bộ Tài chính ban hành quyết định công bố TTHC. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế địa phương thực hiện công khai các TTHC thuế tại nơi đón tiếp người nộp thuế ở bộ phận “một cửa”.         

Với phương án đơn giản hoá nêu trên, dự kiến “chi phí tuân thủ TTHC sẽ tiết kiệm được cho cá nhân, tổ chức là 1.921 tỷ đồng/năm, tương đương tỷ lệ cắt giảm chi phí là 43% (riêng trong giai đoạn rà soát ưu tiên, Bộ Tài chính đã kiến nghị đơn giản hoá 35 thủ tục để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp. Với phương án đơn giản hoá 35 thủ tục ưu tiên này cũng đã cắt giảm được 1.582 tỷ đồng/năm, tương đương tỷ lệ cắt giảm chi phí là 50%).      

Về thời gian, phương án đơn giản hoá 271/330 TTHC thuộc lĩnh vực thuế dự kiến tiết kiệm được khoảng 1.039 giờ thực hiện TTHC cho cá nhân và tổ chức, trung bình tiết kiệm khoảng 3 giờ/1 thủ tục.  Đối với phương án đơn giản hoá 38 thủ tục hoàn thuế và 23 thủ tục miễn, giảm thuế là các thủ tục thuộc phạm vi giám sát của Quốc hội, dự kiến tiết kiệm được cho cá nhân, tổ chức là 125 tỷ đồng/năm; về thời gian dự kiến tiết kiệm được khoảng 187 giờ thực hiện TTHC cho cá nhân và tổ chức, trung bình tiết kiệm khoảng 3,8 giờ/1 thủ tục)(2). 

Kết quả này đã được các tổ chức quốc tế thừa nhận và đánh giá cao. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2011: thứ hạng về thủ tục nộp thuế của Việt Nam tăng 22 bậc, từ 146 (2009) lên 124 (2010), mức độ thuận lợi kinh doanh tại Việt Nam tăng lên 10 bậc, từ 88 (2009) lên 78 (2010).    

Thứ hai, triển khai thực hiện tốt Nghị định số 51/CP, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất phát triển, phòng chống có hiệu quả những vi phạm gây thất thu ngân sách, đồng thời góp phần đổi mới phương thức quản lý thuế theo hướng hiện đại; đẩy mạnh cải cách TTHC nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế và quá trình hội nhập quốc tế.    

Thứ ba, đẩy mạnh khai thuế điện tử qua mạng. Từ đầu năm 2009, ngành thuế đã triển khai thí điểm đề án khai thuế qua mạng tại 4 địa bàn: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến cuối năm 2011, toàn ngành thuế đã có 41 cục thuế và hơn 100 chi cục thuế triển khai nghiệp vụ khai thuế qua mạng. Tính đến tháng 6-2012 có 122 nghìn doanh nghiệp tại 50 tỉnh, thành phố tham gia khai thuế qua mạng. Việc đẩy mạnh khai thuế qua mạng đã góp phần giảm thiểu về thời gian, chi phí cho người nộp thuế cũng như cơ quan thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ pháp luật thuế và quản lý thuế.           

Thứ tư, triển khai và bước đầu thực hiện thành công dự án hiện đại hóa quy trình quản lý thu nộp thuế giữa bốn ngành thuế - hải quan - kho bạc - tài chính, và dự án nộp thuế qua ngân hàng, góp phần giảm nhanh chi phí tuân thủ thuế và nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực thuế. Trong năm 2011, ngành thuế cả nước đã thực hiện ủy quyền thu tại gần 600 chi nhánh của các ngân hàng thương mại lớn trên cả nước với số tiền thuế lên tới 100 nghìn tỷ đồng. Từ đầu năm 2012, Tổng cục thuế đã triển khai thí điểm việc nộp thuế thông qua tài khoản chuyên thu của cơ quan thuế mở tại ngân hàng thương mại. Trong năm 2012, triển khai áp dụng nhiều hình thức nộp thuế thuận lợi, phù hợp với ứng dụng công nghệ hiện đại trong giao dịch thương mại điện tử như nộp thuế qua ATM hoặc eBanking. Tất cả những điều này đã có tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp nộp thuế thuận tiện, nhanh chóng, an toàn, tiết kiệm thời gian.       

Thứ năm, triển khai thành công dự án ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng quản lý thuế thu nhập cá nhân cho 5 địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng diện áp dụng trong toàn ngành thực hiện đăng ký thuế trên ứng dụng tập trung, góp phần quản lý chặt chẽ việc quản lý kê khai, cấp mã số thuế, quản lý nợ thuế (trên cơ sở thực hiện kế toán thuế) và thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân.  

Thực hiện cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành thuế, một số chương trình được triển khai, nhưng còn một số nhiệm vụ chưa được thực hiện đồng bộ, một số vấn đề chưa đạt tiến độ. Việc cải cách TTHC thuế là một công việc vừa có tính cấp bách, vừa có tính liên tục, lâu dài, tuy đã có những biến chuyển nhất định, nhưng trình độ quản lý thuế của Việt Nam hiện vẫn còn hạn chế so với các nước tiên tiến trên thế giới và ở mức trung bình so với các nước trong khu vực. Theo xếp hạng tại Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2010 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 4 về thực hiện nghĩa vụ thuế trong khu vực ASEAN (sau Xingapo, Malaixia và Thái Lan).        

Cải cách TTHC thuế vẫn đang gặp phải một số trở ngại sau:            

Một là, cải cách hành chính chưa được tiến hành đồng bộ giữa các bộ, ngành, các cấp chính quyền và các tổ chức, cá nhân, đặc biệt trong việc phối hợp kết nối, trao đổi thông tin; chưa có mô hình Chính phủ điện tử chung; một số TTHC thuế có liên quan đến một số bộ, ngành, các cấp còn chưa đồng bộ, vì vậy chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Hai là, mặc dù chương trình tổng thể về cải cách hành chính của Chính phủ đã được triển khai trong nhiều năm, song liên quan đến cải cách TTHC vẫn còn những quan điểm khác nhau về thống kê cũng như rà soát TTHC do chưa có quy định của pháp luật về những vấn đề liên quan nên khi thực hiện vẫn còn tình trạng thống kê vừa thừa, vừa thiếu.        

Ba là, công tác tuyên truyền về cải cách TTHC chưa có sự đồng bộ, đổi mới về phương thức và chưa thường xuyên liên tục.      

Bốn là, chưa có bộ tiêu chí cụ thể để đánh giá kết quả cải cách TTHC; việc yêu cầu các đơn vị báo cáo về cải cách TTHC còn nhiều, chồng chéo và chưa có sự gắn kết với nhau.  

Năm là, triển khai đăng ký, kê khai thuế điện tử chậm; hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế theo hướng tập trung, thống nhất được cập nhật thường xuyên và được tích hợp với các chương trình quản lý thuế chưa được triển khai thực hiện; việc xây dựng chế độ kế toán thuế làm cơ sở cho việc hiện đại hoá quy trình thu nộp, hạch toán, theo dõi nghĩa vụ thuế của người nộp thuế còn chưa đảm bảo tiến độ; các ứng dụng kết nối thông tin với các cơ quan liên quan (doanh nghiệp, ngân hàng, kho bạc, hải quan...) còn chậm; chính sách quản lý đối với hoá đơn bán hàng chậm được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.           

Để đẩy mạnh cải cách TTHC thuế ở Việt Nam, giảm chi phí nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, trong thời gian tới cần thực hiện các giải pháp sau:         

Rút ngắn thời gian thực hiện TTHC thuế. Rút ngắn thời gian thực hiện TTHC thuế đi đôi với việc nâng cao chất lượng phục vụ và đảm bảo hiệu quả công tác quản lý thuế cũng là một hướng đi trong quá trình cải cách TTHC. Mặc dù tạo thuận lợi tối đa về thời gian cho người nộp thuế khi thực hiện TTHC, nhưng cũng cần phải đảm bảo thời gian giải quyết và phù hợp với điều kiện quản lý của cơ quan thuế theo quy định về thời gian của quy trình một cửa liên thông.         

Giảm tần suất kê khai. Việc giảm tần suất/số lần kê khai thuế trong năm không chỉ là cách đơn giản hóa công việc kê khai thuế, mà còn trực tiếp làm giảm chi phí tuân thủ thuế. Hiện tại, thực hiện kê khai thuế theo tháng. Điều đó làm tăng gánh nặng chi phí đối với các doanh nghiệp vừa, nhỏ cũng như các hộ gia đình. Vì vậy, ngành thuế nên phân loại người nộp thuế theo quy mô và quy định việc kê khai thuế dựa vào tiêu chí này. Theo đó, các đối tượng người nộp thuế là các doanh nghiệp vừa và nhỏ được thực hiện khai thuế theo năm hoặc theo quý, không phải khai thuế hằng tháng. Việc nộp thuế có thể thực hiện hằng quý. Đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh quy mô nhỏ, siêu nhỏ có thể thu theo tỷ lệ ấn định hoặc miễn thu thuế đối với hộ siêu nhỏ.      

Ngoài việc giảm số lần thực hiện các TTHC thuế, việc áp dụng cơ chế phối hợp thực hiện các thủ tục về thuế với các TTHC khác cũng góp phần giảm chi phí cho người nộp thuế. Ngành thuế cùng với các cơ quan liên quan từng bước kết hợp TTHC thuế với các TTHC khác có liên quan theo nguyên tắc giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho người nộp thuế và người dân; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực chung của các cơ quan quản lý nhà nước.     

Nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận “một cửa” giải quyết các TTHC thuế tại cơ quan thuế các cấp. Nâng cao chất lượng phục vụ người nộp thuế theo quy chế “một cửa” trong việc giải quyết các TTHC thuế theo các hình thức giao tiếp với người nộp thuế bao gồm: “một cửa” trực tiếp tại cơ quan thuế, “một cửa” qua cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế và “một cửa” qua hệ thống điện thoại hỗ trợ người nộp thuế (trong đó, một số tỉnh/thành phố lớn có thể thực hiện hỗ trợ bằng tiếng Anh). Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” với cơ quan đăng ký kinh doanh (cả cấp tỉnh, thành phố và cấp quận, huyện) để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Tại cơ quan thuế, bộ phận “một cửa” cần được bố trí địa điểm thuận tiện cho việc giao dịch. Ngành thuế cũng cần đầu tư cơ sở vật chất thỏa đáng, trang thiết bị hiện đại và tự động hoá tại bộ phận “một cửa” để phục vụ cho việc giao dịch với người nộp thuế.            

Bộ phận tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế là lực lượng cán bộ nòng cốt làm việc tại bộ phận “một cửa”, nên cần lựa chọn những cán bộ có trình độ nghiệp vụ, có năng lực, kinh nghiệm, có tinh thần trách nhiệm để có thể giải đáp và xử lý nhanh các vướng mắc của người nộp thuế.        

 Quy chế phối hợp xử lý công việc cần được hoàn thiện theo hướng lấy bộ phận "một cửa" làm trung tâm liên kết người nộp thuế với các phòng chức năng của cơ quan thuế. Sự phối hợp này càng nhịp nhàng, nhanh chóng sẽ tạo thuận lợi cho việc kê khai và nộp thuế. Bên cạnh việc phân loại các công việc và các ô tiếp nhận, giải đáp các TTHC tại bộ phận “một cửa”, có thể giao cho bộ phận này trực tiếp giải quyết một số TTHC, đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật, không để người nộp thuế đi lại nhiều lần.  

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng nhất trong các yếu tố góp phần thực hiện cải cách và hiện đại hóa quản lý thuế. Ứng dụng công nghệ thông tin cần thực hiện các giải pháp sau:  

- Xây dựng và phát triển một hệ thống phần mềm quản lý thuế thống nhất với nhiều cấu phần khác nhau phục vụ cho các chức năng quản lý thuế. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin phải trên cơ sở xây dựng được cơ sở dữ liệu thông tin chung của cơ quan thuế về người nộp thuế và các thông tin bổ trợ cần thiết cũng như có sự kết nối để sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước khác. Các phần mềm quản lý thuế cần hướng tới người sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi và mang lại nhiều ứng dụng tiện ích cho người nộp thuế chứ không chỉ cho cơ quan thuế.

- Nhanh chóng hoàn thiện hệ thống các chỉ tiêu cần có về người nộp thuế và về quản lý thuế làm cơ sở cho việc thu thập cơ sở dữ liệu cho kho dữ liệu thông tin chung phục vụ quản lý thuế. Đồng thời, cần hoàn thiện cơ chế thu thập, lưu trữ và sử dụng kho dữ liệu thông tin phục vụ quản lý thuế.           

- Tự động hoá quy trình tiếp nhận giải quyết hồ sơ, TTHC thuế của người nộp thuế thông qua các chương trình thuế điện tử. Mở rộng diện áp dụng đăng ký, kê khai thuế qua mạng internet; phát triển và áp dụng hình thức khai trực tuyến qua cổng thông tin điện tử ngành thuế. Đầu tư nâng cấp cổng thông tin điện tử ngành thuế, đảm bảo khả năng truy cập và sử dụng có hiệu quả cho hoạt động kê khai thuế qua mạng của số lượng lớn người nộp thuế, phù hợp với quy mô phát triển của nền kinh tế.       

- Tiếp tục mở rộng hình thức thu nộp thuế qua hệ thống ngân hàng thương mại, qua ATM; phát triển và áp dụng hình thức thu nộp thuế qua mạng internet, qua bưu điện và qua mạng điện thoại di động. Đồng thời, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phối hợp thu ngân sách nhà nước với các ngân hàng thương mại. 

- Triển khai hình thức cung cấp, tra cứu hoặc trao đổi thông tin về tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế qua cổng thông tin điện tử hoặc qua mạng điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác để hình thành kênh giao tiếp chủ động với người nộp thuế.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2013

(1) Tại Quyết định số 586/QĐ-BTC ngày 11-3-2011 và Quyết định số 1008/QĐ-BTC ngày 5-5-2011 (ban hành mới 73 TTHC, thay thế, bãi bỏ 35 TTHC); đã trình Bộ Tài chính ban hành Quyết định 1782/QĐ-BTC ngày 26-7-2011 công bố các TTHC thuế mới ban hành theo Thông tư 28/2011/TT-BTC, trong đó, ban hành 206 TTHC (62 TTHC mới, 143 TTHC thay thế và 1 TTHC bãi bỏ).    

(2) Xem:  Báo cáo Cải cách và hiện đại hóa công tác quản lý thuế năm 2010 và giai đoạn 2006 - 2010; mục tiêu, giải pháp cải cách và hiện đại hóa công tác quản lý thuế năm 2011 và giai đoạn 2011 - 2015, Tổng cục Thuế.

TS Nguyễn Thị Thanh Hoài

Học viện Tài chính

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền