Trang chủ    Thực tiễn    Tiền lương, mức sống tối thiểu của người lao động trong các doanh nghiệp và một số đề xuất
Thứ ba, 22 Tháng 4 2014 15:23
3509 Lượt xem

Tiền lương, mức sống tối thiểu của người lao động trong các doanh nghiệp và một số đề xuất

(LLCT) - Cuộc khảo sát được thực hiện vào cuối tháng 6-2012 tại 60 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, phân bố trên địa bàn 12 tỉnh, thành, gồm 11 doanh nghiệp nhà nước; 12 doanh nghiệp cổ phần; 13 doanh nghiệp FDI; 12 công ty trách nhiệm hữu hạn vốn tư nhân; 12 doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp được lựa chọn phân bố ở 4 vùng lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thực hiện 2 nghìn phiếu đối với người lao động, chủ yếu là đối tượng trực tiếp lao động sản xuất trong các lĩnh vực: dệt may, giày da, xây dựng, giao thông vận tải, cơ khí, điện tử, dịch vụ thương mại, nông - lâm - thuỷ sản để tìm hiểu về tiền lương, thu nhập thực tế và chi phí cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, trên cơ sở đó xác định mức sống tối thiểu của người lao động tại các vùng.

1. Về tiền lương của người lao động trực tiếp

Kết quả điều tra cho thấy, đa số các doanh nghiệp áp dụng hình thức trả lương theo thời gian (55,2% số người được hỏi) và trả lương theo sản phẩm (34,7%), số còn lại được trả lương kết hợp cả hai hình thức. Về chế độ nâng lương, qua khảo sát cho thấy 81,2% số doanh nghiệp đã xây dựng thang bảng lương, trong đó 42% đã đăng ký với cơ quan chức năng. Như vậy, còn 18,8% doanh nghiệp chưa thực hiện quy định hiện hành về xây dựng thang bảng lương và gần 40% số doanh nghiệp không thực hiện quy định về đăng ký thang bảng lương với cơ quan quản lý lao động.

- Tiền lương cơ bản của người lao động là mức tiền lương được thoả thuận trong hợp đồng, hoặc mức lương theo thang bảng lương của Nhà nước, và các khoản phụ cấp làm cơ sở để tính đóng bảo hiểm các loại cho người lao động. Kết quả điều tra cho thấy, tiền lương cơ bản trung bình của người lao động là 2.430 nghìn đồng/tháng. Nếu theo vùng thì vùng
I là 2.777 nghìn đồng/tháng; vùng II là 2.443 nghìn đồng/tháng; vùng III là 2.377 nghìn đồng/tháng; vùng IV là 2.135 nghìn đồng/
tháng. Nếu phân tích theo loại hình doanh nghiệp thì lương cơ bản trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là cao nhất, 2.967 nghìn đồng/tháng; doanh nghiệp FDI là 2.421 nghìn đồng; doanh nghiệp dân doanh là 2.365 nghìn đồng. Như vậy, tiền lương cơ bản của người lao động cao hơn mức lương tối thiểu theo vùng hiện hành từ 39 - 53% tùy theo vùng.

- Tiền lương thực nhận của người lao động là khoản tiền lương người lao động nhận được khi hoàn thành công việc được giao, được tính bằng lương cơ bản cộng với hệ số điều chỉnh tăng thêm, theo năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công việc, với hình thức trả lương thời gian hay lương sản phẩm. Qua khảo sát cho thấy, tiền lương thực nhận của người lao động thường cao hơn so với lương cơ bản tuỳ theo vùng và ngành nghề từ 10 - 20%. Cụ thể tiền lương thực nhận trung bình của người lao động là 2,8 triệu đồng/tháng, trong đó, vùng I là 3,3 triệu đồng, vùng IV là 2,4 triệu đồng; DNNN là 3,5 triệu đồng; doanh nghiệp FDI là 2,7 triệu đồng; doanh nghiệp dân doanh là 2,8 triệu đồng.

2. Về thu nhập của người lao động

Thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp gồm tiền lương công việc và các khoản tiền làm thêm giờ; trợ cấp, phụ cấp(***), hỗ trợ từ doanh nghiệp như tiền ăn ca, tiền chuyên cần, tiền hỗ trợ đi lại (xăng xe); tiền hỗ trợ nhà ở và tiền thưởng... Cụ thể:

- Tiền lương làm thêm giờ: Năm 2012, do tình hình sản xuất gặp khó khăn, nên số người lao động tại các doanh nghiệp làm thêm giờ cũng giảm so với các năm trước. Chỉ có 37,4% làm thêm giờ, có 62,6% số người lao động không làm thêm giờ; trung bình số giờ làm thêm là 26,1 giờ/tháng/người, với số tiền làm thêm là 431 nghìn đồng.

- Tiền ăn ca: Đa số các doanh nghiệp hỗ trợ tiền ăn ca cho người lao động, trong đó có 86,6% người lao động được hỗ trợ toàn bộ tiền ăn ca, bình quân mỗi suất ăn là 13,9 nghìn đồng, khoảng 368 nghìn đồng/tháng. Trong đó, có 25% số người lao động cho biết mức ăn giữa ca là 9 nghìn đồng/suất; 46,5% với mức 13 nghìn đồng và 28,5% với mức 20 nghìn đồng. Hầu hết các doanh nghiệp ở vùng I và vùng II đều hỗ trợ toàn bộ bữa ăn ca cho người lao động, phổ biến với mức 15 nghìn đồng; vùng III là 14 nghìn đồng; vùng IV là 13 nghìn đồng. Có 10,5% người lao động được hỗ trợ 50% tiền ăn ca, với mức trung bình là 8 nghìn đồng/suất. Có 3% người lao động không được hỗ trợ bữa ăn ca.

- Tiền chuyên cần: Tiền chuyên cần là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động có số ngày làm việc đầy đủ, không đi muộn, về sớm. Có thể nói người sử dụng lao động đã dùng “công cụ” này để quản lý lao động rất hữu hiệu, đôi khi được coi là khá hà khắc; vì người lao động chỉ đi muộn vài chục phút là toàn bộ khoản tiền này sẽ không có hoặc ít nhất cũng bị trừ 50%. Kết quả điều tra cho thấy 34,3% số người lao động được nhận tiền chuyên cần với mức trung bình là 200 nghìn đồng/tháng. Các doanh nghiệp vùng IV rất ít hỗ trợ tiền chuyên cần, chỉ có 16,5% người lao động nhận khoản hỗ trợ này.

- Về tiền hỗ trợ đi lại cho người lao động ở xa nơi làm việc, hằng ngày phải đi làm bằng phương tiện cá nhân. Kết quả điều tra cho thấy số người lao động được hỗ trợ tiền đi lại không cao, chỉ chiếm 25%, với số tiền trung bình là 181 nghìn đồng/tháng.

- Tiền hỗ trợ nhà ở : Trong tổng số 29% số người lao động phải đi thuê nhà trọ thì có 17,3% được doanh nghiệp hỗ trợ tiền thuê nhà, cùng với 3,6% được ở nhà trọ của doanh nghiệp miễn phí. Mức hỗ trợ trung bình là 85 nghìn đồng/người/tháng.

Bảng 1: Tổng hợp tiền lương, thu nhập của người lao động    

                                                       Đơn vị : 1.000 đồng

 

                           Phân loại

Lương, thu nhập

Tỉnh chung

Phân theo vùng lương

Loại doanh nghiệp

I

II

III

IV

DNNN

FDI

NQD

Lương cơ bản của NLĐ

2.430

2.777

2.443

2.377

2.135

2.967

2.421

2.365

Tiền lương thực nhận

2.860

3.312

2.940

2.753

2.450

3.562

2.673

2.832

Thu nhập của NLĐ

3.623

4.232

3.787

3.495

3.001

4.488

3.711

3.485

Tỷ lệ (%) tiền lương thực nhận so với lương cơ bản

117,7

119,3

120,3

115,8

117,7

120,1

110,4

119,7

Tỷ lệ (%) tiền lương thực lĩnh so với  thu nhập

78,9

78,3

77,6

78,8

81,6

79,4

72,0

81,3

                   

- Tiền thưởng: Năm 2011, người lao động được thưởng trung bình là 4,06 triệu đồng, bình quân 338 nghìn đồng/tháng. Trong đó, vùng I có mức thưởng cao hơn cả, trung bình 523 nghìn đồng/tháng; vùng II là 344 nghìn đồng; vùng III là 252 nghìn đồng; vùng IV là 202 nghìn đồng/tháng.

Ngoài các khoản phụ cấp trên, một số doanh nghiệp còn áp dụng các khoản phụ cấp khác như phụ cấp độc hại, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp cho lao động nữ nuôi con nhỏ, phụ cấp gửi trẻ, v.v..

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, thu nhập bình quân của người lao động (không kể tiền ăn ca) là 3.623 nghìn đồng. Trong đó: Vùng I là 4.232 nghìn đồng; vùng II là: 3.787 nghìn đồng; vùng III là: 3.495 nghìn đồng; vùng IV là: 3.001 nghìn đồng. Theo loại hình doanh nghiệp thì: DNNN đạt 4.488 nghìn đồng; FDI là 3.711 nghìn đồng; doanh nghiệp dân doanh là 3.485 nghìn đồng.

3. So sánh tiền lương, thu nhập của người lao động

Kết quả tính toán cho thấy tiền lương thực nhận của người lao động cao hơn tiền lương cơ bản gần 18%. Tiền lương thực nhận của người lao động bằng 79% thu nhập, tại các doanh nghiệp FDI có tỷ lệ tiền lương trong thu nhập rất thấp, chỉ chiếm 72% .

Đánh giá về thu nhập so với chi phí cho cuộc sống hằng ngày, chỉ có 6,6% số người lao động cho biết họ có tích luỹ được từ thu nhập hằng tháng; 45% cho rằng thu nhập tạm đủ sống; 31% cho rằng phải chỉ tiêu dành dụm và tiết kiệm mới đủ trang trải; 16,6% cho rằng thu nhập của họ không đủ sống.

Với thực trạng đó, khi được hỏi có hài lòng với công việc và thu nhập hiện tại không? kết quả có 28,5% số người lao động trả lời không hài lòng; 57,4% trả lời tạm hài lòng; 13,2% trả lời hài lòng. Riêng người lao động làm nghề giày da có tỷ lệ trả lời không hài lòng cao nhất, chiếm 52,2%.

4. Mức sống tối thiểu của người lao động

 - Chi phí cho nhu cầu tối thiểu về lương thực, thực phẩm.

Mức sống tối thiểu của người lao động được xác định là các chi phí tối cần thiết ở mức thấp nhất để người lao động có thể hoàn thành các công việc giản đơn nhất. Có nhiều cách xác định mức sống tối thiểu của người lao động, như xác định rổ hàng hóa 45 mặt hàng; giá cả thị trường; nhu cầu hưởng thụ văn hóa, phong tục tập quán của từng vùng.

Để xác định mức sống tối thiểu của người lao động, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn phương pháp phi truyền thống. Cụ thể là tiến hành khảo sát giá cả và tính toán bữa ăn của người lao động theo các vùng với một số mặt hàng mà người lao động thường sử dụng. Gồm 7 đến 10 mặt hàng như: gạo, thịt, cá, rau, mắm muối gia vị, đảm bảo đủ 2.300 kcalo/ngày. Kết quả cho thấy, nhu cầu lương thực thực phẩm một ngày của người lao động là 27,5 nghìn đồng. Từ đó chi phí tối thiểu hằng tháng cho nhu cầu lương thực, thực phẩm của người lao động là 826 nghìn đồng; theo vùng, từ I đến IV lần lượt là: 888 nghìn đồng; 861 nghìn đồng; 798 nghìn đồng; 756 nghìn đồng.

Bảng 2: Kết quả khảo sát mức sống tối thiểu của người lao động tính theo vùng lương

(tính theo chi phí bữa ăn hàng ngày đủ 2300kcalo)                   đơn vị: 1000 đồng

1

                                                          Vùng lương

 Các khoản chi phí

I

II

III

IV

2

Chi phí nhu cầu LTTP một  ngày

29,6

28,7

26,6

25,2

3

Chi phí LTTP một  tháng ( dòng số 2 x30)

888

861

798

756

4

Chi phí phi TLTP (dòng 3 x k) 

1.327

1.204

1.066

706

5

Chi phí LTTP và phi LTTP của một NLĐ (d3 + d4)

2.215

2.065

1.864

1.462

6

Chí phí nuôi con (d5 x70%)

1.551

1.446

1.305

1.023

7

Mức sống tối thiểu của NLĐ (d5 + d6)

3.766

3.511

3.169

2.485

- Chi phí cho nhu cầu tối thiểu về phi lương thực của người lao động được xác định bằng 90% chi phí cho lương thực, thực phẩm.Với nguyên tắc này, chi phí cho nhu cầu phi lương thực của người lao động ở các vùng là: vùng I là 1.327 nghìn đồng; vùng II là 1.204 nghìn đồng; vùng III là 1.066 nghìn đồng;  vùng IV là 706 nghìn đồng.

- Chi phí cho nhu cầu tối thiểu để nuôi con của người lao động.

Chi phí nuôi con của người lao động bằng 70% chi phí nhu cầu về lương thực thực phẩm và phi lương thực thực phẩm của người lao động. Như vậy, mức sống tối thiểu của người lao động được thể hiện ở bảng 2.

Như vậy, mức sống tối thiểu theo khảo sát thực tế đối với người lao động để đảm bảo họ có thể tái sản xuất và tái sản xuất mở rộng sức lao động, tính theo vùng là: vùng I:  3.765 nghìn đồng/tháng; vùng II: 3.510 nghìn đồng/tháng; vùng III: 3.169 nghìn đồng/tháng; vùng IV: 2.485 nghìn đồng/tháng

5. So sánh mức sống tối thiểu của người lao động và mức lương tối thiểu

Bảng 3. So sánh mức sống tối thiểu của người lao động và mức lương tối thiểu

                                                                                                  Đơn vị :1000đ

1

                                                        Vùng lương

Các chỉ tiêu so sánh

I

II

III

IV

2.

MLTT vùng theo Nghị định 103/NĐ- TTg

2.350

2.100

1.800

1.650

3.

Mức sống tối thiểu theo khảo sát

3.762

3.510

3.169

2.485

4.

So sánh MLTT theo NĐ 103/NĐ- Ttg với MSTT

62,4%

59,8%

56,9%

 66,3%

 

Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 103/2012/NĐ-CP về điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ 1-1-2013 (theo mức như bảng trên). Như vậy, mức lương tối thiểu từ 1-1-2013 chỉ mới đáp ứng được từ 56,9 - 66,3% mức sống tối thiểu của người lao động, điều này làm cho người lao động gặp không ít khó khăn trong cuộc sống.

6. Một số đề xuất

- Sớm thành lập Hội đồng lương quốc gia theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012. Đồng thời, ban hành Đề án cải cách chính sách tiền lương đến năm 2020 và lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu của người lao động.

- Các cơ quan chức năng nghiên cứu phương pháp tính toán lại mức sống tối thiểu của người lao động, xác định tỷ lệ các thành phần trong mức sống tối thiểu theo vùng, làm cơ sở để xây dựng mức lương tối thiểu chung và vùng một cách hợp lý.

- Để năm 2015 đảm bảo được mức lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu thì năm 2014 cần điều chỉnh mức lương tối thiểu ít nhất bằng 80% mức sống tối thiểu. 

- Cần có văn bản quy định bắt buộc doanh nghiệp cung cấp bữa ăn ca và định hướng giá trị bữa ăn ca bảo đảm đủ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh cho người lao động; Bộ Y tế xây dựng và công bố thực đơn mẫu bữa ăn ca cho các loại lao động (nặng, trung bình, nhẹ) theo vùng; quy định về điều kiện hoạt động, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm các bếp ăn tập thể và các đơn vị cung cấp bữa ăn công nghiệp.

- Tiếp tục chỉ đạo các cấp chính quyền, cơ quan quản lý lao động tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm việc thực hiện chính sách tiền lương; thực hiện chính sách bình ổn giá, kiềm chế lạm phát; tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất.

- Tổ chức Công đoàn cần tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện các doanh nghiệp vi phạm về chính sách tiền lương, phối hợp giải quyết những vấn đề bức xúc, vướng mắc về tiền lương, thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động, nhằm giảm thiểu số vụ tranh chấp lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định.

- Tổng kết mô hình thí điểm thoả ước lao động tập thể cấp ngành Trung ương và ngành địa phương, rút kinh nghiệm và nhân rộng. Trong xây dựng và ký kết thoả ước cần chú trọng thương lượng để đạt thoả thuận về mức lương tối thiểu, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ phúc lợi khác từ doanh nghiệp đối với người lao động.

- Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tăng cường cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở để hỗ trợ kịp thời cho các công đoàn cơ sở về kỹ năng đàm phán, đối thoại, thương lượng về tiền lương có lợi cho người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động; tham gia xây dựng thang, bảng lương phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi thanh toán chế độ bảo hiểm.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí lý luận chính trị số 3-2013

TS Đặng Quang Điều

Viện Công nhân và Công đoàn

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền