Trang chủ    Thực tiễn    Trách nhiệm kiểm tra, giám sát của người đứng đầu cấp ủy trong các đơn vị sự nghiệp công lập
Thứ ba, 22 Tháng 4 2014 15:34
3704 Lượt xem

Trách nhiệm kiểm tra, giám sát của người đứng đầu cấp ủy trong các đơn vị sự nghiệp công lập

(LLCT) - Trong các đơn vị sự nghiệp công lập, một trong các chức trách và nhiệm vụ quan trọng của người đứng đầu cấp ủy (Bí thư) là công tác kiểm tra, giám sát. Do vậy, người đứng đầu cấp ủy phải nắm vững các quan điểm, nội dung, nguyên tắc, phương châm, quy trình công tác kiểm tra, giám sát và có đủ năng lực để lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ được giao.       

Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công trên các lĩnh vực khoa học, giáo dục, y tế v.v..   

Trong các đơn vị sự nghiệp công lập, một trong các chức trách và nhiệm vụ quan trọng của người đứng đầu cấp ủy (Bí thư) là công tác kiểm tra, giám sát. Do vậy, người đứng đầu cấp ủy phải nắm vững các quan điểm, nội dung, nguyên tắc, phương châm, quy trình công tác kiểm tra, giám sát và có đủ năng lực để lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ được giao.       

Việc nhận xét, đánh giá người đứng đầu cấp ủy trong các đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu dựa trên các tiêu chí và hướng dẫn của các cơ quan đảng và xếp loại đảng viên hằng năm chưa đánh giá về trách nhiệm quản lý nhà nước theo quy định của Luật Cán bộ công chức, với tư cách là người đứng đầu cấp ủy trong đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong các cơ quan này chủ yếu căn cứ vào đánh giá của tổ chức đảng, về chức trách được giao trong công tác quản lý nhà nước chưa được xem xét, đánh giá cụ thể.           

Những bất cập nêu trên nếu không được quan tâm giải quyết sẽ nảy sinh nhiều vấn đề trong quá trình hoạt động của các cơ quan, đơn vị, cũng như trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở các cấp ủy. Trên thực tế còn nhiều khó khăn do đây là vấn đề mới và các quy định còn chưa rõ ràng, cụ thể. Làm tốt công tác đánh giá người đứng đầu cấp ủy sẽ góp phần quan trọng vào việc hạn chế tình trạng đánh giá chung chung, khắc phục tính bình quân và tạo động lực cho đội ngũ cán bộ chủ chốt khắc phục khó khăn, nâng cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.    

Để phát huy hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, trong các đơn vị sự nghiệp công lập đối với công tác kiểm tra, giám sát cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:    

1. Củng cố mối quan hệ giữa trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy với hoạt động lãnh đạo của tập thể cấp uỷ trong công tác kiểm tra, giám sát            

Hoạt động lãnh đạo của cấp ủy luôn đi đôi với việc thực hiện trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, nó ràng buộc lẫn nhau, tác động qua lại lẫn nhau như hai mặt của vấn đề, tuyệt đối hóa bất cứ một yếu tố nào đều không đúng. Một tập thể cấp ủy mạnh là một tập thể trong đó mỗi thành viên phải hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Cấp ủy mạnh là tiền đề, là cơ sở quan trọng và môi trường thuận lợi để người đứng đầu cũng như các thành viên trong cấp ủy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.     

Để ban hành các quyết định lãnh đạo, tập thể cấp ủy phải thảo luận, bàn bạc đi đến thống nhất theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Mọi vấn đề của tổ chức đảng nếu không có sự bàn bạc thống nhất của cấp ủy thì kết quả lãnh đạo sẽ hạn chế, thậm chí mắc phải những sai lầm khuyết điểm. Cá nhân người đứng đầu phải phát huy hết tinh thần trách nhiệm, năng lực, trí tuệ để tham gia vào các quyết định lãnh đạo của tập thể cấp ủy. Có như vậy mới ngăn chặn và hạn chế được tệ bao biện, độc đoán, chủ quan, đặc quyền đặc lợi, chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ, thậm chí tùy tiện xử lý các vấn đề nảy sinh trái với định hướng chung của cấp ủy. Nếu không giao trách nhiệm, quy trách nhiệm cụ thể thì người đứng đầu không phát huy được tính chủ động, sáng tạo, không dám chịu trách nhiệm, sinh ra ỷ lại, dựa dẫm tập thể. Cấp ủy cũng không đánh giá đúng mức năng lực của từng đồng chí để phân công đúng người, đúng việc.      

Khi tập thể cấp ủy lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát, trách nhiệm phải cụ thể cho các thành viên phụ trách việc thi hành. Thông qua việc chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người đứng đầu có thể phát hiện những vấn đề nảy sinh để kịp thời giải quyết, phát hiện những khiếm khuyết trong quyết định để điều chỉnh, hoàn thiện.           

Như vậy, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong đơn vị sự nghiệp công lập đối với công tác kiểm tra, giám sát có vị trí và vai trò quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của cấp ủy; việc hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của từng đồng chí cấp ủy viên, quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp ủy.     

2. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong hoạt động lãnh đạo của cấp ủy trong các đơn vị sự nghiệp công lập         

Tập trung dân chủ là một nguyên tắc cơ bản trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Việc thực hiện nguyên tắc này đã góp phần xây dựng Đảng vững mạnh trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức; ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, tạo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và trong nhân dân. Tuy nhiên, do trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, một số người đứng đầu còn hạn chế, nhận thức chưa đầy đủ, đúng mức về nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách cũng như vai trò, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong hoạt động lãnh đạo của cấp ủy nên tổ chức đảng đã bộc lộ những thiếu sót, khuyết điểm.       

Tình trạng thiếu trách nhiệm “cha chung không ai khóc” trong xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết là khá phổ biến và chậm được khắc phục. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, cấp ủy cấp trên ban hành được triển khai rầm rộ nhưng chỉ một thời gian sau thì bị lãng quên, đến khi có hướng dẫn chỉ đạo tổng kết thì cấp ủy mới phân công cán bộ chuẩn bị nội dung và tổ chức các hội nghị tổng kết. Việc phân công trách nhiệm trong cấp ủy có nơi, có việc chưa thật rõ ràng, dẫn đến việc trốn tránh trách nhiệm cá nhân. Hiện tượng gia trưởng, độc đoán, coi nhẹ sự lãnh đạo của tập thể đã xuất hiện khá phổ biến, nhất là trong công tác tổ chức cán bộ, trong quản lý điều hành của chính quyền. Tình trạng ngại va chạm, sợ liên lụy, sợ trách nhiệm trong giải quyết công việc hàng ngày, trong tham gia thảo luận, bàn định các nội dung lãnh đạo của cấp ủy diễn ra ở nhiều nơi. Tình trạng trên không được ngăn chặn, loại trừ thì vai trò, chất lượng lãnh đạo của cấp ủy nói chung, người đứng đầu nói riêng sẽ giảm sút. 

3. Xây dựng quy chế làm việc trong đó quy định cụ thể chế độ trách nhiệm (cả trách nhiệm chính trị và pháp lý) của người đứng đầu và từng cấp uỷ viên     

Trên cơ sở quy định của Điều lệ Đảng, các văn bản hướng dẫn của Trung ương việc xây dựng và ban hành quy chế làm việc của cấp ủy ở các đơn vị sự nghiệp công lập đã được triển khai. Tuy nhiên, quy chế chủ yếu mới quy định nguyên tắc làm việc, nhiệm vụ chung của tập thể cấp ủy, đề ra nhiệm vụ chung cho từng loại chức danh trong cấp ủy. Hầu hết các quy chế làm việc chưa quy định được trách nhiệm cũng như chế độ khen thưởng và xử lý các sai phạm trong công việc cụ thể của từng vị trí công tác.Vì thế, để tăng cường trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cấp ủy đối với công tác kiểm tra, giám sát, trong quy chế làm việc cần phải có quy định cụ thể về trách nhiệm với kết quả công việc được giao(1). Trong quy chế cần ghi rõ trách nhiệm của người đứng đầu trước cấp ủy, trước pháp luật về kết quả công việc được phân công. Hằng năm, phải báo cáo và kiểm điểm một cách trung thực và sâu sắc về kết quả công tác kiểm tra, giám sát của đơn vị mình.        

Thực hiện triệt để phương châm không có công việc nào, không có lĩnh vực công tác nào của cấp ủy lại không có người phụ trách. Đồng thời cũng kiên quyết khắc phục tình trạng phân công công việc chồng chéo dẫn đến việc đùn đẩy nhau, khi tổ chức thực hiện nhiệm vụ không đạt hiệu quả cao. Vì vậy, việc quy định trách nhiệm cho từng thành viên trong cấp ủy là một trong những giải pháp chủ yếu để tăng cường trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy trong đơn vị sự nghiệp công lập đối với công tác kiểm tra, giám sát.

4. Phát huy vai trò tự giác, tự rèn luyện của người đứng đầu cấp ủy    

Thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc sinh hoạt đảng, kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, các biểu hiện cơ hội chính trị trong tổ chức đảng, bảo vệ sự đoàn kết thống nhất nội bộ cấp ủy, tổ chức đảng. Mang hết tinh thần trách nhiệm và trí tuệ của mình để đóng góp vào các quyết định lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể.  

Thường xuyên rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, gương mẫu trong công việc, trong cuộc sống, thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xứng đáng là người lãnh đạo, là tấm gương đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng.           

Có trách nhiệm học tập thường xuyên để nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

5. Tăng cường giáo dục, nâng cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy đối với công tác kiểm tra, giám sát         

Thực tế cho thấy, sở dĩ tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy các đơn vị sự nghiệp công lập đối với công tác kiểm tra, giám sát có nơi, có việc chưa cao là do nhận thức của một số người đứng đầu chưa đầy đủ, chưa đúng mức. Vì vậy, để nâng cao trách nhiệm cá nhân trong hoạt động lãnh đạo của tập thể cấp ủy nói chung, công tác kiểm tra nói riêng cần phải tăng cường giáo dục tinh thần trách nhiệm, làm cho chính các đồng chí đứng đầu cấp ủy thấy được trách nhiệm của mình trong lãnh đạo công tác kiểm tra của cấp ủy.    

Người đứng đầu cấp ủy nghiên cứu kỹ quy chế làm việc của cấp ủy, nắm chắc nội dung từng công việc được phân công, có sự phối hợp công tác chặt chẽ đối với đồng chí Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra - người tham mưu cho cấp ủy về công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và trực tiếp tổ chức và chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát.          

Thực tế cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy ở các đơn vị sự nghiệp công lập còn rất nhiều hạn chế, chưa coi trọng hoạt động kiểm tra thường xuyên, kiểm tra chấp  hành mà chỉ chú trọng kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Công tác kiểm tra, giám sát là một nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của cấp ủy. Để làm tốt nhiệm vụ này, yêu cầu cấp bách và thường xuyên là phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát nhất là Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra.          

6. Thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát của cấp trên, của cấp ủy, giám sát của cơ sở và giám sát của nhân dân đối với người đứng đầu cấp ủy trong các đơn vị sự nghiệp công lập         

Để tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đối với công tác kiểm tra, giám sát, sau khi phân công công việc, cấp ủy phải tổ chức tốt khâu kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở. Muốn thực hiện hiệu quả cần phải tiến hành đồng thời những nội dung sau:         

Thường xuyên thông tin đầy đủ cho đơn vị về nhiệm vụ của các đồng chí đứng đầu cấp ủy đối với công tác kiểm tra, giám sát.      

Có quy định về cơ chế kiểm tra, giám sát của cấp ủy.           

Công khai, minh bạch kế hoạch kiểm tra, giám sát của tập thể cấp ủy đối với người đứng đầu cấp ủy (nội dung và thời gian) cho cá nhân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị công tác.      

Thực hiện nghiêm túc và đều đặn sự giám sát của quần chúng nhân dân, gắn với việc thực hiện Quyết định 76 của Bộ Chính trị về việc đảng viên giữ mối liên hệ với quần chúng.

Tập thể cấp ủy phải đảm bảo các điều kiện để người đứng đầu hoàn thành nhiệm vụ, trên cơ sở nâng cao năng lực lãnh đạo của tập thể cấp ủy, giải quyết tốt mối quan hệ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, chống bao biện làm thay, đồng thời chống cá nhân, độc đoán chuyên quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy.      

Thực hiện các giải pháp trên sẽ phát huy tốt tinh thần trách nhiệm  của người đứng đầu cấp ủy trong đơn vị sự nghiệp công lập đối với công tác kiểm tra, giám sát, tăng cường vai trò của người đứng đầu trong hoạt động lãnh đạo của cấp ủy           

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2013

(1)    Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27-10-2007 quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ. Nghị định của Chính phủ đã đề ra 4 hình thức trách nhiệm, 10 nội dung chế độ trách nhiệm và 9 trường hợp phải xử lý trách nhiệm.

 

TS Lê Văn Cường

Học viện Xây dựng Đảng

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền