Trang chủ    Thực tiễn    Kinh tế biển Việt Nam nhìn từ góc độ tài nguyên và môi trường
Thứ năm, 24 Tháng 4 2014 16:31
2415 Lượt xem

Kinh tế biển Việt Nam nhìn từ góc độ tài nguyên và môi trường

(LLCT) - Trong những năm qua, dựa trên lợi thế về tài nguyên biển, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra các chủ trương, biện pháp quan trọng nhằm quản lý, bảo vệ, khai thác biển và đã đạt được những thành tựu cơ bản, quan trọng

1. Biển Việt Nam: vị trí và tiềm năng     

Việt Nam có 3/4 tổng diện tích là biển, cứ khoảng 1 km2 đất liền thì có gần 3 km2 vùng biển đặc quyền kinh tế, gấp khoảng 1,6 lần trung bình của thế giới; với đường bờ biển dài trên 3.260 km cứ 100 km2 đất liền thì có 1 km chiều dài đường bờ biển, gấp 6 lần giá trị trung bình của thế giới; cứ khoảng 20 km đường bờ biển có một cửa sông lớn và đặc biệt có khoảng trên 3 nghìn đảo lớn nhỏ phân bố tập trung ở ven bờ (2.773 đảo) và hai quần đảo ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa.  Với 10 tuyến hàng hải khu vực và quốc tế đi qua, trong đó có tuyến quốc tế lớn từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương (điểm gần nhất cách Côn Đảo khoảng 38 km) khiến cho Biển Đông trở thành khu vực tàu thuyền hoạt động nhộn nhịp thứ hai trên thế giới.          

Đến nay, trong vùng biển Việt Nam đã phát hiện được chừng hơn 11 nghìn loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học (ĐDSH) biển khác nhau, trong đó rạn san hô (RSH), rừng ngập mặn (RNM) và thảm cỏ biển (TCB) là ba hệ sinh thái tiêu biểu của xứ sở nhiệt đới và đóng vai trò sinh thái quan trọng trong toàn vùng biển. Các HST biển và ven biển nói chung có giá trị cực kỳ quan trọng, như: điều chỉnh khí hậu (thu và giữ cácbon,...) và điều hòa dinh dưỡng trong vùng biển thông qua các chu trình sinh địa hóa; là nơi cư trú, sinh sản và ươm nuôi ấu trùng của khoảng 90% loài thủy sinh vật biển không chỉ ở ngay vùng ven bờ, mà còn từ ngoài khơi vào theo mùa, trong đó có nhiều loài hải đặc sản. Theo thống kê, diện tích có khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở vùng triều nước ta khoảng 1,13 triệu ha. Diện tích trồng lúa, cói và làm muối năng suất hiệu quả thấp ở ven biển có thể chuyển đổi sang NTTS còn khoảng gần 500 nghìn ha. Riêng các vùng đầm, phá tập trung ở các tỉnh miền Trung (từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận) có khả năng phát triển thuỷ sản khoảng 12 nghìn ha...

Ngoài mối liên kết sinh thái quan trọng trong biển và vùng bờ, ĐDSH biển và các HST nói trên đã cung cấp nguồn lợi thủy sản to lớn cho nền kinh tế: khoảng 5 triệu tấn cá biển với khả năng khai thác bền vững là 2,3 triệu tấn/năm. Năm 2012, khai thác thủy sản biển đạt khoảng 2,3 triệu tấn, nuôi trồng thủy sản khoảng 2,6 triệu tấn, đã góp phần đưa ngành thuỷ sản nước ta đạt mốc kim ngạnh xuất khẩu khoảng 6 tỷ USD.          

Ngoài tài nguyên sinh vật, biển nước ta cũng như phần đáy và lòng đất dưới nó, tiềm chứa một nguồn tài nguyên khoáng sản to lớn. Đến nay, trong vùng biển Việt Nam đã biết khoảng 35 loại hình khoáng sản có quy mô trữ lượng khai thác khác nhau từ nhỏ đến lớn, thuộc các nhóm: nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và bán quý, khoáng sản lỏng.

Trong số 3 nghìn đảo, nhiều đảo có tiềm năng phát triển thành các trung tâm kinh tế biển - đảo hiện đại với các yếu tố chính là bảo tồn thiên nhiên, du lịch sinh thái và khu hậu cần cho khai thác biển xa.         

Việt Nam cũng có lợi thế trong phát triển kinh tế hàng hải và cảng biển: dải ven biển tập trung khoảng 50% đô thị lớn, nằm sát đường hàng hải quốc tế, có khoảng 145 cửa sông lớn nhỏ, bờ biển dài và khúc khuỷu; ngoài hai vịnh lớn (vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan) còn có khoảng 50 vũng, vụng ven bờ (chiếm khoảng 60% chiều dài đường bờ biển), trong đó có 12 vũng lớn. Trên 100 điểm có thể xây dựng cảng, nhiều vị trí có thể xây dựng các cảng nước sâu, trong đó một số nơi có thể xây dựng cảng trung chuyển quốc tế. Theo đó, các dịch vụ hàng hải - cảng biển cũng có nhiều triển vọng phát triển.       

Vùng ven biển nước ta có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 134 đơn vị cấp quận, huyện có biển và có dân cư sinh sống khá đông đúc (bằng 31% dân số). Đến hết năm 2010 dân số vùng ven biển khoảng 27 triệu người với 18 triệu lao động. Dự báo đến năm 2020, dân số vùng này khoảng 30 triệu người với 19 triệu lao động, chiếm khoảng 30% dân số cả nước.          

2. Thành tựu và thách thức trong phát triển kinh tế biển Việt Nam     

Trong những năm qua, dựa trên lợi thế về tài nguyên biển, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra các chủ trương, biện pháp quan trọng nhằm quản lý, bảo vệ, khai thác biển và đã đạt được những thành tựu cơ bản, quan trọng:

Một là, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển tăng lên; cơ cấu ngành, nghề thay đổi cùng với sự xuất hiện một số ngành kinh tế mới, như: khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn,...           

Kinh tế biển Việt Nam có bước phát triển mạnh, đạt tốc độ tăng trưởng trên 10% trong các năm 2000-2005, sau đó chậm dần. Trên vùng ven biển đã hình thành 3 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc, Trung và Nam); khoảng 65 đô thị ven biển, đảo thuộc 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hơn 100 khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung; hệ thống hơn 80 cảng biển lớn nhỏ với tổng năng lực hàng hóa lưu thông gần 100 triệu tấn/năm. Ngành du lịch biển cũng phát triển khá mạnh, hàng năm thu hút khoảng gần 15 triệu lượt khách, trong đó có hơn 3 triệu khách nước ngoài, bằng 73% số khách du lịch nước ngoài của cả nước, đạt tốc độ tăng bình quân 13%/năm; giải quyết việc làm cho hơn 15 vạn lao động. Hoạt động khai thác dầu khí được duy trì tại 6 mỏ ở thềm lục địa phía Nam. Sản lượng dầu thô khai thác ở nước ta tăng hàng năm 30% và ngành dầu khí nước ta đã đạt mốc khai thác 100 triệu tấn dầu thô vào ngày 13-2-2001, năm 2011 đạt 15,18 triệu tấn dầu, 8.480 triệu m3 khí.    

Hai là, vùng biển và ven biển có đóng góp lớn cho xuất khẩu, thu ngoại tệ, chủ yếu là dầu khí và thuỷ sản. Các ngành vận tải biển, đóng và sửa chữa tàu biển, xuất khẩu thuyền viên,...bước đầu cũng đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.            

Theo các tính toán, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2010 đạt khoảng 49% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế “thuần biển” đạt khoảng 17% tổng GDP cả nước. Trong cơ cấu đóng góp của các ngành kinh tế biển, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển như: khai thác dầu khí, đánh bắt hải sản, hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển), du lịch biển, chiếm khoảng 13% GDP cả nước. Phần còn lại liên quan trực tiếp tới khai thác biển như đóng và sửa chữa tàu biển, chế biến dầu khí, chế biến thủy, hải sản, thông tin liên lạc,...bước đầu phát triển, nhưng quy mô còn rất nhỏ bé.            

Ba là, trong quá trình phát triển kinh tế theo hướng mở, bước đầu đã hình thành 15 khu kinh tế ven biển - là các trung tâm phát triển kinh tế hướng biển. Đây là những khu vực dự kiến phát triển tổng hợp các ngành, nghề biển như hậu cần nghề cá, công nghiệp gắn với cảng biển và vận tải biển, du lịch biển, đô thị hóa và nghiên cứu khoa học về biển,...           

Bốn là, đã có bước phát triển mới ở một số hải đảo, vai trò kinh tế của các đảo tăng lên rõ rệt. Hiện nay, trong 12 huyện đảo thì 66 đảo có dân sinh sống với tổng số trên 242 nghìn người, mật độ dân số trung bình trên các đảo là 95 người/km2, kết cấu hạ tầng được tăng cường, hình thành hệ thống giao thông trên đảo, nhiều đảo gần bờ có điện lưới, đảo xa bờ có máy phát điện, điện mặt trời và cơ sở cung cấp nước ngọt. Có nhiều đảo sẽ phát triển thành những trung tâm kinh tế hướng biển như Vân Đồn, Cát Hải, Côn Đảo, Phú Quốc,...

Năm là, công tác điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển đã được quan tâm hơn. Các kết quả điều tra nghiên cứu về biển đã cung cấp những hiểu biết khái quát đặc trưng về điều kiện tự nhiên và tài nguyên biển phục vụ phát triển kinh tế biển. Đặc biệt, Việt Nam đã chú ý thực hiện các cam kết quốc tế và đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên biển.    

Việt Nam hiện có 13/28 vườn quốc gia, 22/55 khu bảo tồn thiên nhiên, 17/34 khu rừng văn hóa lịch sử và môi trường nằm ở vùng ven biển và hải đảo ven bờ. Các khu dự trữ sinh quyển thế giới được công nhận đến nay đại đa số nằm ở vùng bờ biển. Quy hoạch hệ thống 16 khu bảo tồn biển được Chính phủ phê duyệt năm 2010. Năm 1994, Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới và năm 2012 trở thành Kỳ quan thế giới; năm 2003 Vịnh Nha Trang và năm 2009 Vịnh Lăng Cô được công nhận là những vịnh đẹp của thế giới. Ngoài ra, các khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới như khu phố cổ Hội An, khu thành cổ Huế, Thánh địa Mỹ Sơn và động Phong Nha đều nằm ở vùng ven biển.         

Sáu là, hệ thống thể chế quản lý nhà nước về biển và hải đảo đã được thiết lập từ Trung ương xuống địa phương.     

Năm 2008, thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đến nay đã có 20/28 Chi cục hoặc Phòng biển/biển - đảo thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường của 28 tỉnh, thành phố ven biển được thành lập. Hệ thống chính sách, pháp luật, các quy định kỹ thuật về công tác điều tra tài nguyên, quản lý môi trường biển được xây dựng để phục vụ quản lý ngành như Luật Dầu khí, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường (2004), Luật Thủy sản (2003), Luật Du lịch (2006), Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam,... Nghị định số 25/2009/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 6-3-2009 về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, đặc biệt Luật Biển Việt Nam được Quốc hội thông qua tháng 6-2012 và có hiệu lực từ tháng 1-2013 được xem là những văn bản chính sách và luật pháp duy nhất đến thời điểm này đề cập đến quản lý tổng hợp để tiến tới thống nhất quản lý nhà nước về biển, hải đảo của Việt Nam. Các ngành và địa phương đã xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực liên quan đến biển.          

Bảy là, công tác đối ngoại đã đạt được một số kết quả quan trọng, tạo môi trường pháp lý để bảo vệ lợi ích biển, bao gồm chủ quyền tài nguyên môi trường biển để phát triển và mở rộng không gian kinh tế biển của đất nước.         

Đến nay, Việt Nam đã ký kết một số thỏa thuận trên biển với các nước láng giềng nhằm duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực Biển Đông. Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia ký kết các văn kiện mang tính chất quốc tế và khu vực về Biển Đông như Phương thức ứng xử đa phương (DOC), Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật biển 1982; triển khai một số dự án hợp tác song phương và đa phương với các nước liên quan.        

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế biển và bảo tồn tính bền vững của biển Việt Nam còn gặp không ít thách thức, hạn chế:     

Một là, nhận thức về vai trò, vị trí của biển và kinh tế biển của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân còn chưa đầy đủ; quy mô kinh tế biển còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng và phù hợp với đặc thù của các nhóm tài nguyên biển, ven biển, đảo; cơ cấu ngành nghề chưa chuyển biến hợp lý; chưa chuẩn bị điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế.       

Các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020

Khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh)          

2. Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải 

(Hải Phòng)   

3. Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa)

4. Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An (Nghệ An)             

5. Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh)          

6. Khu kinh tế Hòn La (Quảng Bình)         

7. Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế)               

8. Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam)

9. Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi)

10. Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định)

11. Khu kinh tế Nam Phú Yên (Phú Yên)

12. Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa)

13. Khu kinh tế Phú Quốc (Kiên Giang)    

14. Khu kinh tế Định An (Trà Vinh)           

15. Khu kinh tế Năm Căn (Cà Mau)  

Nguồn :Quyết định 1353/QĐ-TTg ngày 23-9-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển các Khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020

Hai là, kết cấu hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn yếu kém, lạc hậu, manh mún. Thiếu hệ thống đường bộ cao tốc chạy dọc ven biển để nối liền các thành phố, khu kinh tế, khu công nghiệp, sân bay, cảng biển thành một hệ thống kinh tế biển liên hoàn. Hội chứng phát triển “tràn lan” các khu kinh tế ven biển khiến cho đầu tư không tập trung. Trong mô hình phát triển các khu kinh tế ven biển nói riêng và kinh tế biển nói chung thiếu “đầu tàu”, không áp dụng quy luật lan tỏa trong phát triển, thể chế chưa rõ ràng. Đến nay, hầu như các khu kinh tế ven biển chưa hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, mà chủ yếu dựa vào nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và các tập đoàn kinh tế nhà nước. Để đẩy mạnh phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tập trung đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2015 cho 5 nhóm khu kinh tế ven biển (xem bảng, chữ in nghiêng).          

Ba là, hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển; các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn,... còn nhỏ bé, trang bị thô sơ, năng lực yếu kém. Các phương thức quản lý mới, tiên tiến còn chậm được nghiên cứu áp dụng trong quản lý không gian biển, quy hoạch sử dụng biển bao gồm hải đảo và vùng ven biển. 

Bốn là, khai thác, sử dụng biển và hải đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững do khai thác tự phát, thiếu hoặc không tuân thủ quy hoạch biển, đảo, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng đa ngành ở vùng ven biển, biển và hải đảo. Phương thức khai thác biển chủ yếu vẫn dưới hình thức sản xuất và đầu tư nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, còn nghiêng về khai thác tài nguyên biển ở dạng vật chất, không tái tạo, các giá trị chức năng, phi vật chất và có khả năng tái tạo của các hệ thống tài nguyên biển còn ít được chú trọng, như: giá trị vị thế của các mảng không gian biển, ven biển và hải đảo; giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái; thậm chí các giá trị văn hóa biển. Cách tiếp cận “nóng” trong khai thác tài nguyên biển đang là hiện tượng phổ biến ở các lĩnh vực kinh tế biển: chú trọng nhiều đến sản lượng, số lượng, ít chú ý đến chất lượng và lợi ích lâu dài của các dạng tài nguyên.     

Năm là, môi trường biển bị biến đổi theo chiều hướng xấu. Ngày càng nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển. Một số khu biển ven bờ và cửa sông bị ô nhiễm dẫn đến hiện tượng thuỷ triều đỏ xuất hiện ngày càng nhiều với quy mô rộng, ô nhiễm xyanua liên quan đến tình trạng đánh bắt hải sản, hàm lượng kẽm ở các khu vực đóng và sửa chữa tàu biển thường cao hơn... Đây là sức ép lớn lên môi trường, hệ sinh thái và tài nguyên biển nước ta.  

Đánh giá sơ bộ (VASI-IMER-UNEP, 2010) lượng chất gây ô nhiễm biển nguồn lục địa tại một số vùng biển ven bờ cho thấy: vùng biển ven bờ Hải Phòng - Quảng Ninh mỗi năm tiếp nhận khoảng 206,4 nghìn tấn COD (các hợp chất hữu cơ có trong nước); gần 39 nghìn tấn BOD (chất thải hữu cơ); 38,8 nghìn tấn nitơ tổng số (N-T); 20,7 nghìn tấn phốt pho tổng số (P-T); 17,24 triệu tấn tổng chất rắn lơ lửng (TSS); 51,5 tấn hóa chất bảo vệ thực vật và hơn 7,8 nghìn tấn kim loại nặng. Tổng lượng chất ô nhiễm hàng năm đưa ra vùng biển ven bờ Đà Nẵng - Quảng Nam khoảng 92,6 nghìn tấn COD; 22,4 nghìn tấn BOD; 53,8 nghìn tấn N-T; 11,9 nghìn tấn P-T; 428,4 nghìn tấn TSS; gần 83 tấn hóa chất bảo vệ thực vật và khoảng 430 tấn kim loại nặng các loại. Tổng lượng ô nhiễm hàng năm đưa ra vùng biển ven bờ Bà Rịa - Vũng Tàu - thành phố Hồ Chí Minh tối thiểu khoảng 175,6 tấn COD; 38,9 tấn BOD; 125,9 nghìn tấn N-T; 23,3 nghìn tấn P-T; 384,2 nghìn tấn TSS và khoảng hơn 3 nghìn tấn kim loại nặng.         

Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của 28 tỉnh ven biển vào khoảng 14,03 triệu tấn/năm (38.500 tấn/ngày). Hầu hết chất thải rắn công nghiệp đều tập trung chủ yếu tại các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm và tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Ngành công nghiệp nhẹ, hóa chất, luyện kim là các ngành phát sinh nhiều chất thải nguy hại nhất. Trong các ngành công nghiệp ven biển, các hoạt động hàng hải, đóng tàu là nguyên nhân không nhỏ gây nên ô nhiễm. Trong giai đoạn 1989 đến 2009 có trên 100 vụ tràn dầu do tai nạn. Các vụ tai nạn này đã đổ ra biển từ vài chục đến hàng trăm tấn dầu, nhiều vụ tràn dầu từ xa không rõ nguồn gốc hoặc thải dầu cặn bất hợp pháp không được phát hiện sớm, theo gió mùa đều di chuyển về phía bờ biển Việt Nam. Ngoài việc thải nước lẫn dầu với khối lượng lớn, hoạt động này còn phát sinh khoảng 5.600 tấn chất thải rắn, trong đó có 20-30 % là chất thải rắn nguy hại còn chưa có bãi chứa và nơi xử lý.

Sáu là, đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thuỷ hải sản giảm sút. Các hệ sinh thái biển quan trọng bị suy thoái và bị thu hẹp diện tích. Rừng ngập mặn mất khoảng 15.000 ha/năm, khoảng 80% rạn san hô trong vùng biển Việt Nam nằm trong tình trạng rủi ro, trong đó 50% ở mức cao, tình trạng trên cũng diễn ra tương tự với thảm cỏ biển. Đã có khoảng 100 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau và trên 100 loài đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam. Nguồn lợi hải sản có xu hướng giảm dần về trữ lượng, sản lượng và kích thước cá đánh bắt. Năng suất tôm nuôi quảng canh trong rừng ngập mặn bị giảm sút từ khoảng 200 kg/ha/vụ (năm 1980) đến nay chỉ còn 80 kg/ha/vụ; 1 ha rừng ngập mặn trước đây có thể khai thác được khoảng 800 kg thuỷ sản, nhưng hiện nay chỉ thu được bằng 1/20. Hiệu suất khai thác hải sản giảm từ 0,92 tấn (1990) xuống 0,34 tấn/CV/năm (2005). Trong khi trữ lượng hải sản ở vùng biển xa bờ chưa được đánh giá đầy đủ.    

Bảy là, đến nay biển, đảo và vùng ven biển nước ta vẫn chủ yếu được quản lý theo cách tiếp cận mở, kiểu “điền tư, ngư chung” và chủ yếu quản lý theo ngành thông qua các luật pháp, chính sách ngành. Thiếu các luật cơ bản về biển để thực thi hiệu quả công tác quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo. Điều này dẫn đến sự chồng chéo về quản lý giữa khoảng 15 bộ, ngành về biển, chính sách quản lý thiếu đồng bộ, trong các luật hiện có không ít điểm chồng chéo, hiệu lực thi hành thấp. Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào tiến trình quản lý còn rất thụ động, chưa làm rõ vấn đề sở hữu, sử dụng đất ven biển và mặt nước biển cho người dân địa phương ven biển. Công tác kiểm tra, kiểm soát, cấp và thu hồi giấy phép sử dụng, khai thác tài nguyên biển... hiện mới đang chuẩn bị triển khai theo quy định của Luật Biển Việt Nam năm 2012.  

Tám là, ngoài thiên tai biển xảy ra thường xuyên, Việt Nam còn là một trong 5 nước chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trước hết là vùng ven biển và các đảo nhỏ. Các biểu hiện rõ nhất là tăng xâm nhập mặn vào nội đồng, tăng ngập lụt đối với các vùng đất thấp ven biển, làm ngập dần các đảo nhỏ thấp, làm thay đổi điều kiện sinh thái ven biển, biểu hiện axit hóa nước biển vốn có tính kiềm - kiềm yếu. Các quần đàn thủy sản có xu hướng di chuyển ra xa bờ hơn do thay đổi cấu trúc hoàn lưu ven biển liên quan đến biến đổi khí hậu, thay đổi tương tác sông - biển ở vùng cửa sông ven bờ, do mất đến 60% các nơi cư trú tự nhiên quan trọng.         

Những thách thức trên đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường biển, đến vấn đề sử dụng tài nguyên biển, đến phát triển hiệu quả và bền vững và khả năng công nghiệp hóa, hiện đại hóa kinh tế biển ở Việt Nam trong tương lai gần. 

3. Một số quan điểm và giải pháp           

Ngày 9-2-2007, Hội nghị Trung ương 4 khoá X đã ra Nghị quyết về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2020 Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, phát huy mọi tiềm năng từ biển với tầm nhìn dài hạn, góp phần quan trọng trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.      

Để đạt được mục tiêu đó cần bốn yếu tố cơ bản: (1) Phát triển một nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững. Đây là trục chính để giải quyết các mối quan hệ: giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển; giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội biển, đảo; giữa phát triển kinh tế với sử dụng hợp lý tài nguyên biển, đảo; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường biển; giữa phát triển vùng biển, ven biển và hải đảo với phát triển vùng nội địa; (2) Khoa học - công nghệ (KHCN) biển phải trở thành động lực phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển. Xây dựng tiềm lực KHCN biển đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, phục vụ hiệu quả quá trình CNH, HĐH đất nước. Nhà nước khuyến khích đẩy mạnh và mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực ứng dụng KHCN và chuyển giao công nghệ sạch hơn, thân thiện với môi trường biển; nhanh chóng nâng cao tiềm lực KHCN cho nghiên cứu và khai thác tài nguyên biển đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước; (3) Quản lý tổng hợp và thống nhất quản lý nhà nước đối với biển và hải đảo trên cơ sở xác lập một cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý biển, đảo, vùng ven biển để giải quyết đồng bộ các quan hệ khác nhau trong phát triển biển, đảo. Cơ cấu lại ngành nghề kinh tế biển trên địa bàn cho hợp lý, vừa bảo đảm khai thác hiệu quả tài nguyên biển, vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chuẩn bị điều kiện và cơ cấu lại đội ngũ để vươn ra vùng biển xa, vùng biển quốc tế, chú trọng hiệu quả kinh tế chung tính trên một đơn vị biển, gắn với việc xây dựng "Thương hiệu biển địa phương và quốc gia"; (4) Mở rộng hợp tác đa phương và hội nhập quốc tế để phát triển KHCN biển và kinh tế biển, cũng như duy trì môi trường hòa bình trong khu vực Biển Đông.   

Theo tinh thần đó, một trong những quan điểm chỉ đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước ta là thu hút mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường biển trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa. Phát huy đầy đủ, có hiệu quả các nguồn lực bên trong, tranh thủ hợp tác quốc tế, thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.     

Trong số các giải pháp chiến lược, cần tập trung xây dựng sớm và hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách biển quốc gia, địa phương theo cách tiếp cận liên ngành để quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Đồng thời, chú trọng tăng cường hỗ trợ pháp lý cho người dân địa phương,... bao gồm: nâng cao nhận thức về các công ước, chính sách và luật pháp quốc tế về biển, đại dương; xây dựng một chiến lược toàn diện và tổng thể với tầm nhìn dài hạn về khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững; chú trọng áp dụng các giải pháp khai thác các giá trị chức năng, phi vật chất và có khả năng tái tạo của các hệ thống tài nguyên biển, ven biển và hải đảo.

Khẩn trương triển khai các quy hoạch sử dụng biển và hải đảo ở các cấp độ khác nhau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó phân bổ nguồn lực và điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, địa phương nhằm tiến tới chấm dứt việc khai thác biển, đảo và vùng ven biển tự phát, thiếu quy hoạch. Áp dụng cách tiếp cận quản lý không gian biển thông qua các mô hình trình diễn và sau đó nhân rộng. Áp dụng phương thức đồng quản lý tài nguyên và môi trường biển dựa vào cộng đồng.           

Nhiều quốc gia trên thế giới đang “lấy đại dương nuôi đất liền”, xuất phát từ thực tế nước ta, vùng ven biển vẫn được xem là khu vực “động lực” cho phát triển kinh tế biển nói riêng và kinh tế quốc dân nói chung hiện nay và trong tương lai gần. Cần phải tổ chức lại lãnh thổ vùng ven biển trên cơ sở quy hoạch sử dụng không gian vùng hợp lý dựa trên hệ sinh thái. Chú trọng mối liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển và ven biển để phát huy sức lan tỏa của các khu kinh tế ven biển với tư cách là một “cực phát triển” cùng với việc trao cho các khu kinh tế ven biển này một thể chế mở “đẳng cấp quốc tế”, tạo sự hấp dẫn nhằm thu hút đầu tư nhanh và nhiều nhất. Cần nhấn mạnh rằng, đầu tư cho phát triển kinh tế biển lớn hơn nhiều so với các dự án trên đất liền, nhưng hiệu quả thu được sẽ rất lớn và lâu dài. Cho nên, cần chấm dứt phát triển các khu kinh tế biển tràn lan, trong phát triển phải xây dựng mô hình tiên tiến để tập trung đầu tư, để rút kinh nghiệm và nhân rộng vững chắc.   

Xây dựng khuôn khổ quản lý tổng hợp vùng bờ, bao gồm cơ chế chính sách phối hợp liên ngành, phối hợp giữa Trung ương và địa phương, các hướng dẫn kỹ thuật và phân vùng chức năng vùng bờ cho phát triển bền vững. Trước mắt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định 158/2006/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ cho 14 tỉnh miền Trung, phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ dải bờ biển của 28 địa phương ven biển được áp dụng phương thức quản lý tổng hợp. 

Xây dựng và triển khai phương án phân chia ranh giới biển cho cấp tỉnh, giao mặt nước biển cho cộng đồng sử dụng và tự quản lý dưới sự giám sát và bảo trợ của Nhà nước để phân cấp quản lý cho địa phương theo vùng chức năng và quản lý dựa vào hệ sinh thái. Áp dụng các tiêu chuẩn về chất lượng môi trường biển và tiêu chí đánh giá hiệu quả sử dụng biển và hải đảo (dựa theo tính bền vững). Xây dựng cơ chế phối thuộc kiểm soát môi trường biển (các địa phương, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng,...), mạng lưới tuyên truyền biển đảo (các hội, các tổ chức phi chính phủ trong nước, quốc tế, các viện, trường).           

Chủ động nghiên cứu các tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đến vùng ven biển, biển và hải đảo và đề xuất giải pháp thích ứng và giảm thiểu. Xây dựng năng lực giám sát, quan trắc, giảm thiểu và xử lý các thảm họa thiên tai, sự cố môi trường biển, ven biển và hải đảo. Đưa các vấn đề môi trường - tài nguyên biển và các rủi ro vào các dự án đầu tư phát triển, các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở vùng ven biển, biển và hải đảo.

Quản lý và xử lý hiệu quả các chất thải, chất gây ô nhiễm trước khi đổ ra biển từ các lưu vực sông ven biển, trên các hải đảo và từ các hoạt động kinh tế biển. Tăng cường kiểm soát và sẵn sàng ứng cứu các sự cố môi trường biển, các vụ tràn dầu không rõ nguồn gốc,...Ngăn ngừa suy thoái và phục hồi các habitat đã bị mất, các hệ sinh thái quan trọng đã bị suy thoái.   

Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2020 để phát triển nghề cá và du lịch sinh thái biển bền vững; tiếp tục nghiên cứu để phát hiện các vùng biển giàu, đẹp, có các giá trị quốc gia, quốc tế để trình cấp có thẩm quyền cũng như các tổ chức quốc tế công nhận. Bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thuỷ sản, nguồn giống hải sản tự nhiên,...đang giảm sút. Trước mắt phải kiên quyết giảm số lượng tàu thuyền đánh cá nhỏ, tổ chức lại đội hình đánh bắt hải sản và tăng cường hiệu suất khai thác hải sản, cùng với ưu tiên phục hồi các hệ sinh thái ven biển, biển và đảo đã bị suy thoái.

Khuyến khích sự chủ động tham gia của cộng đồng địa phương vào tiến trình quản lý biển, đảo và làm rõ vấn đề sở hữu/sử dụng đất ven biển, trên đảo và mặt nước biển cho người dân. Thường xuyên nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư ven biển và trên các đảo, cùng với việc cải thiện sinh kế và xoá đói giảm nghèo, trên cơ sở đó giúp họ thay đổi hành vi cá nhân trong cách đối xử với môi trường biển. Hàng năm, tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực trong Tuần lễ biển và Hải đảo Việt Nam để kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới hướng vào các vấn đề phát triển bền vững và bảo đảm an ninh, chủ quyền biển, đảo.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2013

 

PGS, TS Nguyễn Chu Hồi

Trường Đại học Khoa học tự nhiên

 

       

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền