Trang chủ    Thực tiễn    Tăng cường công tác dân vận của các cấp chính quyền và cơ quan nhà nước
Thứ sáu, 09 Tháng 5 2014 15:41
3682 Lượt xem

Tăng cường công tác dân vận của các cấp chính quyền và cơ quan nhà nước

(LLCT) - Trong điều kiện Đảng cầm quyền, mối quan hệ Đảng - dân được thực hiện  thông qua quan hệ giữa chính quyền, cơ quan nhà nước với người dân. Song Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI chỉ ra: “một số cơ quan nhà nước chưa nhận thức sâu sắc và thể hiện rõ trách nhiệm đối với công tác dân vận”. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan nhà nước, cán bộ công chức chính quyền phát huy công tác dân vận như thế nào?
 

1. Xác định rõ vị trí, vai trò của các cơ quan nhà nước đối với công tác dân vận trong tình hình mới

Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Chính quyền nhà nước là chủ thể duy nhất (trong hệ thống chính trị) có chức năng quản lý toàn diện tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không có lĩnh vực nào, không có đối tượng nào nằm ngoài sự quản lý của Nhà nước. Thông qua công tác quản lý, điều hành, các cơ quan, cán bộ, công chức chính quyền, cơ quan nhà nước thường xuyên và trực tiếp tiếp xúc với nhân dân, giải quyết những yêu cầu hằng ngày của nhân dân. Vì vậy, phong cách và thái độ làm việc của cơ quan, cán bộ, công chức chính quyền đối với nhân dân có quan hệ trực tiếp đến mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.

Thông qua hoạt động đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước đồng thời thực hiện “chức năng kép”, vừa quản lý, điều hành xã hội theo pháp luật, vừa vận động nhân dân, kịp thời phát hiện những thiếu sót, bất cập trong chủ trương, chính sách, đồng thời nắm bắt nguyện vọng của nhân dân, những nhân tố mới, những sáng tạo từ phong trào quần chúng để tham mưu đề xuất với Đảng bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối.

2. Nội dung dân vận của các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước

Để tạo sự gắn bó với nhân dân, sự ủng hộ của nhân dân với chính quyền, thì các cơ quan chính quyền phải:

a) Công khai minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành trước nhân dân. Công khai minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành là một yêu cầu cơ bản để bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia quản lý xã hội, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ công chức chính quyền. Công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành bao gồm: công khai về chủ trương, chính sách, pháp luật, về chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở; các khoản thu, chi từ ngân sách và các nguồn khác, nội quy, quy định và quy chế làm việc của cơ quan chính quyền; thủ tục hành chính và quy trình giải quyết thủ tục hành chính; phân công công việc và chế độ trách nhiệm; về chế độ khen thưởng và xử lý vi phạm... Chỉ có công khai minh bạch trong hoạt động quản lý, mỗi cơ quan, cán bộ, công chức chính quyền mới ý thức rõ trách nhiệm trước công việc và trước nhân dân, đồng thời nhân dân dễ dàng thực hiện quyền giám sát của mình.

b) Dân chủ hoá quá trình xây dựng và thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật. Nói đến nhà nước là nói đến nền dân chủ, đến nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, có nghĩa là nhà nước hoạt động vì dân chứ không phải vì bản thân bộ máy nhà nước. Nhà nước ban hành các quy định pháp lý, các thủ tục hành chính, trước hết phải nhằm bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân thực hiện quyền công dân. Hiệu quả quản lý của nhà nước được đánh giá bằng kết quả thực tế, lợi ích thực tế đem lại cho dân. Dân chủ hoá quá trình xây dựng và thực hiện chính sách là phương thức tốt nhất bảo đảm chính sách đi vào cuộc sống, phù hợp thực tiễn, phát huy hiệu quả. Quá trình nhân dân tham gia các hoạt động xây dựng và thực hiện chính sách, một mặt nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về quyền, nghĩa vụ công dân; mặt khác hình thành ý thức trách nhiệm, tính tự giác, lòng nhiệt tình cách mạng trong xây dựng đất nước, xây dựng và bảo vệ chính quyền của dân, do dân, vì dân.

Sự tham gia của nhân dân vào việc hoạch định và thực hiện chính sách càng rộng rãi thì hiệu quả thực tế của chính sách càng cao. Vì vậy, mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cần được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân; tổ chức để nhân dân tham gia ý kiến, phản ánh đầy đủ, kịp thời những ý kiến đóng góp vào các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương.

c) Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đều phải làm công tác tư tưởng, giải thích chủ trương, chính sách, pháp luật để dân hiểu; gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật để dân noi theo. Định kỳ tổ chức đối thoại với nhân dân, tiếp thu ý kiến phê bình góp ý của nhân dân về công các quản lý điều hành, thái độ và phong cách làm việc của cán bộ, công chức. Cán bộ, công chức ở Trung ương, tỉnh, huyện phải có chương trình đi cơ sở, bám sát thực tiễn, gặp gỡ tiếp xúc với dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân theo đúng tinh thần Chỉ thị số 18-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân vận. Xây dựng và thực hành phong cách công tác “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin’’.

 3. Chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân để vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ, chủ trương chung

Cơ quan chính quyền không thể một mình tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chủ trương đã đề ra, mà phải có sự phối hợp, hỗ trợ của các đoàn thể để tuyên truyền, giải thích về nội dung, ý nghĩa của chủ trương để vận động và tổ chức nhân dân hành động. Đồng thời, qua hoạt động thực tiễn thu thập ý kiến của đoàn viên, hội viên, của nhân dân để xây dựng, bổ sung chính sách, chủ trương, pháp luật. Vai trò và khả năng to lớn của các đoàn thể là ở chỗ nắm được tâm tư, tình cảm, ý kiến chân thật của đông đảo nhân dân, do đoàn thể có mặt ở từng gia đình, từng cộng đồng dân cư, từng tầng lớp dân cư.

Các đoàn thể nhân dân cần có sự hợp tác, hỗ trợ của cơ quan chính quyền trước hết là thông tin tình hình và các chủ trương, kế hoạch của Nhà nước để các đoàn thể theo sát hoạt động quản lý của chính quyền, có những điều kiện cần thiết về pháp lý và về tổ chức để tiến hành có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục. Quan hệ giữa chính quyền và đoàn thể là quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, chứ không chỉ là chính quyền quan tâm hỗ trợ các đoàn thể.

- Phương hướng phối hợp hoạt động cần hướng nhiều hơn về cơ sở, đến từng hộ dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vận động và giúp nhân dân xoá đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, hợp pháp, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc ở từng cộng đồng dân cư. Mặt trận và các đoàn thể nhân dân cần cử đại diện tham gia các uỷ ban, hội đồng, ban điều hành một số dự án, chương trình kinh tế - xã hội có quan hệ trực tiếp đến quyền lợi và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân ở cơ sở.

4. Sử dụng có hiệu quả các công cụ truyền thông, thông tin đại chúng, các loại hình văn học, nghệ thuật

Thông tin đại chúng và văn hoá - nghệ thuật là lực lượng rất hùng hậu và sắc bén của Đảng và Nhà nước trên mặt trận tư tưởng và văn hoá, cũng là công cụ quan trọng để tuyên truyền, vận động nhân dân. Nội dung tuyên truyền, vận động được chuyển tải qua phương tiện nghe nhìn đi liền với tiến bộ của kỹ thuật, công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ thông tin và các loại hình văn hoá, văn học, nghệ thuật tác động rất nhanh và  sâu rộng đến nhận thức, tư tưởng tình cảm của hàng vạn, hàng triệu người, các tầng lớp nhân dân, các lứa tuổi.

Cơ quan quản lý nhà nước phải quản lý, tổ chức chỉ đạo cụ thể, xây dựng và phát triển nhanh các cơ quan thông tin, báo chí, văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhu cầu ngày càng cao của đời sống tinh thần nhân dân, bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Để nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền và văn hoá - nghệ thuật, cần phải thực hiện các nhiệm vụ cơ bản như: đẩy nhanh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư tưởng lý luận, cán bộ tuyên truyền, có chất lượng cao; đổi mới nội dung công tác tuyên truyền, giáo dục theo hướng gắn với thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng, hiệu quả thiết thực; mở rộng sử dụng hình thức đối thoại trong hoạt động tuyên truyền giáo dục; tăng dần mức đầu tư về cán bộ, kinh phí; từng bước hiện đại hoá điều kiện làm việc, trang thiết bị thông tin tuyên truyền; xây dựng, bổ sung hệ thống quy định, cơ chế, chính sách quản lý các hoạt động liên quan tới lĩnh vực thông tin - tuyên truyền, văn hoá - nghệ thuật; xử lý kịp thời và nghiêm minh đối với những vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này.

Chính quyền cơ sở còn dân vận thông qua công tác hoà giải, qua việc phát huy vai trò của gia đình, dòng họ, các cá nhân có uy tín trong cộng đồng. Việc giải quyết những mâu thuẫn bất đồng trong cộng đồng dân cư đòi hỏi có sự tham gia của nhiều lực lượng xã hội, bằng nhiều cách thức khác nhau. Hoà giải chính là phương thức cơ bản và hiệu quả để giải quyết những mẫu thuẫn, bất đồng. Hoà giải tốt, kịp thời sẽ góp phần xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, ngăn ngừa nguy cơ tích tụ mâu thuẫn, phát sinh “điểm nóng”. Do vậy, trong hoạt động quản lý điều hành, chính quyền cần sử dụng và phối hợp tất các lực lượng tại chỗ trong mỗi địa phương, đơn vị, cộng đồng để làm công tác hoà giải.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2013

Vũ Ngọc Lân

Ban Dân vận Trung ương

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền