Trang chủ    Thực tiễn    Quản lí nhà nước về môi trường từ hướng tiếp cận của xã hội học
Thứ sáu, 09 Tháng 5 2014 15:42
3410 Lượt xem

Quản lí nhà nước về môi trường từ hướng tiếp cận của xã hội học

(LLCT) - Quản lý nhà nước về môi trường từ hướng tiếp cận của xã hội học, đòi hỏi các nhà lãnh đạo, quản lý nhà nước cần phải phân định rõ giữa xã hội hiểu theo nghĩa rộng - toàn bộ xã hội, xã hội như một chỉnh thể, một hệ thống toàn vẹn bao gồm tất cả các lĩnh vực hoạt động, như kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, pháp luật, môi trường… với xã hội hiểu theo nghĩa hẹp - chỉ là một lĩnh vực của đời sống, như: lao động, việc làm, tình trạng thất nghiệp, mức sống, đói nghèo, dân số, sức khoẻ, y tế cộng đồng, nhà ở, giáo dục, gia đình, cộng đồng, dân tộc, tôn giáo, môi trường, trật tự an toàn xã hội…

1. Môi trường và quản lý môi trường

Môi trường (Environment) theo nghĩa rộng nhất là tập hợp các yếu tố vật chất tự nhiên và xã hội “bao quanh” một sự vật, hiện tượng, có ảnh hưởng tương tác qua lại với sự vật, hiện tượng ấy. Bất cứ sự vật, hiện tượng nào cũng luôn tồn tại trong môi trường. Môi trường theo nghĩa rộng bao gồm cả môi trường tự nhiên vô cơ, môi trường của những vật chất không sống, tức là không có sự tồn tại của chất “abumin” ở trong đó; môi trường sinh vật tức toàn bộ thế giới vật chất sống, bao gồm tất cả các loài động vật, thực vật (trừ con người); và môi trường xã hội, tức toàn bộ không gian xã hội và những điều kiện xã hội mà con người sinh sống và hoạt động ở trong đó.

Môi trường sống (living environment) là toàn bộ các yếu tố vật chất tự nhiên, xã hội “bên ngoài” có ảnh hưởng tương tác qua lại tới sự tồn tại và phát triển của sự sống (thế giới sinh vật) trong đó bao hàm cả con người. Tuy nhiên, con người khác biệt một cách căn bản về chất đối với giới sinh vật ở chỗ, con người biết tư duy, lao động sáng tạo, có năng lực làm biến đổi tự nhiên, sáng tạo ra “giới tự nhiên mới”, tự nhiên “thứ hai”, mang những dấu ấn hoạt động có ý thức, theo quy luật, theo nhu cầu của con người trên cơ sở sự vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của tự nhiên. Theo nghĩa đó, môi trường sống gần như “trùng khít” với môi trường theo nghĩa rộng, cũng như khái niệm môi trường mà chúng ta đang bàn tới.

Môi trường sống là toàn bộ tự nhiên vũ trụ bao la, trong đó có cả trái đất, môi sinh gần nhất của con người, bao gồm sinh quyển, thủy quyển, khí quyển, thạch quyển cho tới hệ thống mặt trời, thiên hà, siêu thiên hà (thế giới vật chất vĩ mô); môi trường cũng bao hàm cả thế giới vật chất vi mô, những phần tử vật chất nhỏ bé như vi lượng, phân tử, nguyên tử, hạt cơ bản, hạt “quark”… đang tồn tại và chi phối cuộc sống của con người. Chúng ta có thể hiểu môi trường là toàn bộ các yếu tố, điều kiện tự nhiên và xã hội bao quanh con người, là “dung môi” của con người, tương tác qua lại với con người, môi sinh của con người, nuôi dưỡng con người. Con người  được sinh ra từ giới tự nhiên, là một cấu phần của tự nhiên, cùng tồn tại và đồng hành với tự nhiên, song không lệ thuộc một cách thụ động vào tự nhiên  mà là chủ thể duy nhất hoạt động sáng tạo ở trong đó. Theo nghĩa đó, con người có sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc, tái tạo, bảo tồn, nuôi dưỡng làm đẹp cho thế giới tự nhiên, làm cho “ngôi nhà tự nhiên” đó mãi mãi xanh tươi và phát triển bền vững.

Quản  lý là sự tác động liên tục, có tổ chức, có hướng đích của chủ thể lên đối tượng, theo một quy trình nhất định, nhằm đạt được hiệu quả tối ưu so với yêu cầu đặt ra. Quản lý bao gồm nhiều dạng thức, cấp độ và đối tượng khác nhau, song tựu trung lại, có thể chia ra làm ba dạng chính: quản lý giới vô sinh; quản lý giới sinh vật; quản lý xã hội.

Quản lý giới vô sinh là quản lý giới vô cơ, các chất lý học, hóa học, tài nguyên thiên nhiên vô sinh như dầu khí, quặng kim loại, chất thải, khoảng không vũ trụ (bao gồm tất cả những gì mà không có chất “abumin”, đặc trưng cho sự sống ở trong đó).

Quản lý giới sinh vật là quản lý tất cả các loài động vật, thực vật…có nghĩa là toàn bộ sinh vật sống (trừ con người)

Quản lý xã hội là quá trình quản lý con người. Đối tượng của nó là các nhóm, các tổ chức, các cộng đồng, các thiết chế xã hội đa dạng với tất cả các ngành, các cấp, các lĩnh vực hoạt động.

Đối với ba loại quản lý nêu trên, tuy chúng có đối tượng khác nhau, song có quan hệ chặt chẽ, gắn bó khăng khít với nhau và đều được thực hiện một cách trực tiếp hay gián tiếp thông qua con người. Tuy quản lý giới vô sinh và giới sinh vật không có đối tượng trực tiếp là con người, song nó liên quan trực tiếp tới những quan hệ lợi ích thiết thực của con người. Do vậy, về thực chất, hai loại quản lý này cũng nằm trong hoặc từng bước được cuốn hút vào quỹ đạo của quản lý xã hội, tức là quản lý con người.

Với sự phân tích ở trên, quản lý xã hội vừa phải bao hàm trong nó quản lý môi trường hay nói một cách khác, quản lý môi trường phải trở thành một cấu thành quản lý tất yếu của quản lý xã hội. Tuy nhiên, môi trường có những đặc trưng, đặc thù riêng. Trước hết, về mặt cấu trúc, môi trường theo nghĩa rộng bao hàm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Thứ hai, môi trường bao hàm cả những yếu tố, điều kiện thiết yếu cận kề con người, bao quanh con người, tác động và ảnh hưởng qua lại trực tiếp đối với con người như đất, nước, không khí, rừng, biển, động vật, thực vật, cụ thể hơn như lương thực, thực phẩm là những thứ nuôi sống con người, thiết yếu đối với con người (thiếu nó con người không thể tồn tại được). Thứ ba, môi trường bao gồm cả khoảng không vũ trụ bao la, những hành tinh xa xôi, cũng như những phần tử vật chất nằm sâu dưới lòng đất, lòng đại dương, chỉ tác động gián tiếp và phải qua rất nhiều những “chuỗi” tác động trung gian khác mới tới con người. Môi trường loại này, bao gồm cả điện trường, từ trường, cả những phần tử vật chất “bất định”, siêu nhỏ bé, con người chưa nhận biết được, hay tác động làm cho chúng biến đổi theo hướng có lợi, thân thiện với con người.Với sự phân tích như vậy, quản lý môi trường vừa phải mang những nét chung với quản lý xã hội, vừa phải có những nét đặc thù và những đòi hỏi đặc biệt riêng so với quản lý xã hội. Đó là, quản lý môi trường phải có vai trò chủ đạo của Nhà nước, trong đó nổi bật lên là việc sử dụng công nghệ mà tiền đề của nó là nguồn lực  tài chính, nguồn nhân lực có trình độ cao.

Như vậy, quản lý môi trường là sự tác động, điều tiết, tổ chức, kiểm soát giới tự nhiên và xã hội bởi con người một cách liên tục, có tổ chức, có hướng đích bằng một phức hợp các biện pháp, thiết chế, chính sách kinh tế, xã hội, kỹ thuật, khoa học, công nghệ thích hợp nhằm mang lại những lợi ích tối ưu, bền vững cho con người.

2. Quản lý nhà nước về môi trường

Quản lý môi trường trước hết và về nguyên tắc cần được quản lý từ phương diện nhà nước. Chỉ có nhà nước mới đầy đủ nguồn lực, sức mạnh và hội đủ các điều kiện, phương tiện cũng như các thiết chế cần thiết để đối diện, xử lý, quản lý và giải quyết một cách có hiệu quả vấn đề môi trường. Quản lý nhà nước về môi trường từ hướng tiếp cận của xã hội học, đòi hỏi các nhà lãnh đạo, quản lý nhà nước cần phải phân định rõ giữa xã hội hiểu theo nghĩa rộng - toàn bộ xã hội, xã hội như một chỉnh thể, một hệ thống toàn vẹn bao gồm tất cả các lĩnh vực hoạt động, như kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, pháp luật, môi trường… với xã hội hiểu theo nghĩa hẹp - chỉ là một lĩnh vực của đời sống, như: lao động, việc làm, tình trạng thất nghiệp, mức sống, đói nghèo, dân số, sức khoẻ, y tế cộng đồng, nhà ở, giáo dục, gia đình, cộng đồng, dân tộc, tôn giáo, môi trường, trật tự an toàn xã hội…

Chính sự phân định này đã mang lại cho các nhà lãnh đạo, quản lý nhà nước cách nhìn hết sức tường minh về từng lĩnh vực cụ thể của quản lý vừa mang lại quan điểm về tính hệ thống, tính toàn vẹn, tính chỉnh thể, thống nhất trong xem xét và việc đưa ra các giải pháp đồng bộ trong điều hành các hoạt động. Đây chính là quan niệm về một hệ thống “động”, “mở” cho phép khắc phục lối tư duy “tĩnh”, “máy móc”, “cứng nhắc” cũng như việc đưa ra các quyết định quản lý rời rạc phi hệ thống, theo kiểu “Chỉ thấy cây mà không thấy rừng”, hoặc đưa ra quá nhiều những quyết định quản lý chồng chéo, không hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước.

Tiếp cận xã hội học về môi trường cũng đòi hỏi các nhà lãnh đạo, quản lý phải xem xét xã hội như là một bộ phận của tự nhiên, một cấu thành gắn bó, không thể tách rời với giới tự nhiên (cả bên ngoài cũng như bên trong), phải hiểu trái đất là một tiểu hệ thống của một hệ thống lớn hơn, đó là giới tự nhiên (thiên hà, siêu siêu thiên hà). Do đó, con người phải vươn tới học cách quản lý trái đất, phải hiểu một cách sâu sắc về trái đất, nơi mình đang sinh sống, phải hiểu được các quy luật của tự nhiên và các quy luật vận động của chính nó cũng như những tác động thường xuyên ổn định hay thất thường của vũ trụ vào nó. Nói như vậy để thấy quản lý môi trường đòi hỏi rất nhiều ở tri thức khoa học, ở kỹ thuật, công nghệ. Cùng với sự phân tích trên, tiếp cận xã hội học về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội cũng đòi hỏi các nhà lãnh đạo, quản lý phải phân định một cách rõ ràng giữa một bên là xã hội với tính cách là một “thực thể” tồn tại trong tính toàn vẹn của nó với một bên chỉ được xem xét như là mặt xã hội “Social aspect”, khía cạnh xã hội “Social dimention”, phương diện xã hội “Social direction” của thực tại xã hội nói chung. Ở đây “mặt xã hội” vừa hiện diện như là những nét tương đối riêng biệt, đặc trưng, vừa hoà đồng, tồn tại trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tách “mặt xã hội”, “khía cạnh xã hội” bên trong ra khỏi thực tại xã hội nói chung, giới hạn sự nghiên cứu chỉ ở mặt xã hội, làm nổi bật lên những đặc trưng của mặt xã hội để từ đó hiểu biết một cách sâu sắc sự hiện diện của mặt xã hội và sự tương tác, thâm nhập qua lại giữa nó với các mặt khác của các lĩnh vực hoạt động đa dạng của đời sống xã hội (trong đó có môi trường) là một khuyến cáo hết sức đặc sắc của tiếp cận xã hội học về quản lý phát triển xã hội nói chung, quản lý nhà nước về môi trường nói riêng đối với các nhà lãnh đạo, quản lý nhà nước cũng như các cơ quan chức năng liên quan đến vấn đề này. Đến lượt nó, quản lý nhà nước về môi trường phải gắn bó với quản lý xã hội, không được tách rời nó với quản lý xã hội. Đó là một kiểu “quản lý song trùng”, một dạng thức quản lý bao hàm cả quản lý môi trường và quản lý xã hội, hàm ý rằng, quản lý môi trường phải gắn với giáo dục, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, hướng tới thay đổi hành vi…Theo tiếp cận này, các chuyên gia xã hội học đòi hỏi các nhà lãnh đạo, quản lý nhà nước về môi trường, một mặt phải chú trọng thích đáng đến mặt xã hội, khía cạnh xã hội của môi trường, mặt khác phải tìm hiểu một cách sâu sắc toàn bộ xã hội trong một chỉnh thể thống nhất, phức hợp, đa dạng, nhiều chiều cạnh với vô số những tác động qua lại giữa các bộ phận, các nhân tố hợp thành của nó.

Chỉ có trên một cơ sở nghiên cứu nghiêm túc và sâu sắc những vấn đề nói trên, hiệu quả của việc quản lý nhà nước về môi trường nói riêng, với sự phát triển xã hội nói chung mới được nâng cao.

Quản lý nhà nước về môi trường từ hướng tiếp cận xã hội học trên thực tế là sự tiếp cận hệ thống, tiếp cận “đa tầng”, “đa cấp”, dài hạn và liên tục. Mọi tiếp cận ngắn hạn, đơn tuyến, phân cắt, một chiều… phi hệ thống đều là những hướng tiếp cận không thích hợp đối với quản lý xã hội nói chung, quản lý môi trường nói riêng. Ở đây, phải bảo đảm sự thông suốt từ trên xuống dưới trong hệ thống chính quyền 4 cấp, từ Trung ương tới cơ sở. Ở mỗi cấp phải đảm nhiệm và điều hành tốt phận sự, chức trách đã được phân cấp, đồng thời phối hợp một cách nhịp nhàng, “ăn khớp”, có hiệu quả với cấp hành chính theo cấu trúc “dọc”, cấu trúc “tầng bậc” trên dưới cũng như theo chiều “ngang”, các tổ chức, cơ quan đồng cấp.

Trong khi nhấn mạnh vai trò chủ đạo của quản lý nhà nước về môi trường, không có nghĩa là xem nhẹ hay loại bỏ vai trò của các tổ chức xã hội dân sự, vai trò của cộng đồng, của các tổ chức xã hội ra khỏi lĩnh vực quản lý môi trường. Ngược lại, tiếp cận “đa tầng”, “đa cấp” đòi hỏi Nhà nước phải huy động, xác định rõ nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của họ, cũng như của toàn xã hội đối với vấn đề quản lý, bảo vệ môi trường. Quản lý nhà nước về môi trường không thể mang tính “thời vụ”, “phong trào”, mà phải được tiến hành một cách liên tục, bền bỉ, bài bản, căn cơ, xen kẽ một cách mềm dẻo, uyển chuyển giữa những mục tiêu ngắn hạn với các mục tiêu dài hạn; phải được các cấp Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức xã hội thực sự chú trọng và luôn có một thái độ trách nhiệm nghiêm túc, khoa học trong việc đề ra các mục tiêu hoạt động của ngành mình, cũng như các hoạt động phối hợp giữa các chủ thể trong quản lý nhà nước về môi trường.

Một điểm quan trọng cần nhấn mạnh là theo giác độ tiếp cận xã hội học về quản lý phát triển xã hội nói chung, quản lý môi trường nói riêng, mọi quyết định quản lý cần phải được dựa trên bằng chứng, có nghĩa là, bất kỳ một quyết định quản lý nào, cũng phải được luận chứng, điều tra, khảo sát một cách đầy đủ, thuyết phục về mặt khoa học; cần phải được tư vấn, phản biện của các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý giàu kinh nghiệm thực tiễn. Đồng thời, trước khi ban hành chính thức quyết định quản lý, cần phải đưa ra thử nghiệm, để đúc rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung, điều chỉnh để những quyết định quản lý sát hợp với tình hình thực tiễn.

Quản lý nhà nước về môi trường đòi hỏi Nhà nước phải đóng vai trò “tổng công trình sư”, tổng chỉ huy toàn bộ xã hội nhằm làm cho mọi ngành, mọi cấp, mọi chủ thể hành động một cách thống nhất, “ăn nhịp”, bảo đảm và tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật về bảo vệ môi trường. Quản lý nhà nước về môi trường cũng đòi hỏi Nhà nước phải xây dựng, nắm vững và sử dụng một cách linh hoạt, hiệu quả hệ thống các công cụ chính sách, bao gồm các văn bản pháp luật, các kế hoạch hoạt động, các công cụ kinh tế, kỹ thuật. Quản lý môi trường hướng tới phát triển bền vững là mục tiêu tối thượng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Công việc đó phải được coi trọng và đặt ở vị trí xứng đáng trong tổng thể các chiến lược phát triển kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2013

GS,TS Nguyễn Đình Tấn

Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền