Trang chủ    Thực tiễn     Thương mại hóa và văn hóa
Thứ năm, 22 Tháng 5 2014 11:09
3464 Lượt xem

Thương mại hóa và văn hóa

(LLCT) - Kể từ khi tiến hành sự nghiệp đổi mới, nền văn hóa nước ta bước sang một thời kỳ lịch sử mới: nền văn hóa trong cơ chế kinh tế thị trường. Đã nói kinh tế thị trường thì phải nói đến hoạt động thương mại. Không thể hình dung một nền kinh tế thị trường mà thiếu hoạt động thương mại. Có thể ví hoạt động thương mại như những mạch máu nuôi dưỡng nền kinh tế thị trường. Vấn đề đặt ra là, trong nền kinh tế thị trường, tác động của thị trường đối với văn hóa như thế nào, và có thể chấp nhận xu hướng thương mại hóa trong lĩnh vực văn hóa không. Câu hỏi này đã được đặt ra khá lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát. Điều đó đang tác động không tốt đến đời sống văn hóa của đất nước trên rất nhiều phương diện.

Trong nền kinh tế thị trường, với động lực là lợi ích cá nhân, sở thích cá nhân, các hoạt động sáng tạo và phổ biến các giá trị văn hóa được gia tăng. Công chúng ngày càng được tiếp cận với nhiều sản phẩm văn hóa đa dạng. Đây vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với văn hóa của các quốc gia, các dân tộc. Gọi là thời cơ vì trong kinh tế thị trường, các hoạt động văn hóa trở nên năng động, đáp ứng nhiều loại nhu cầu của con người. Mặt khác, thông qua thị trường, qua tiếp thị, công chúng tự tìm đến các sản phẩm văn hóa. Sự tiếp xúc giữa người sáng tạo, biểu diễn và người thưởng thức, hưởng thụ các sản phẩm văn hóa, được diễn ra một cách thường xuyên, nhanh chóng, càng tạo điều kiện để người sáng tạo, biểu diễn phát triển sự tìm tòi, sáng tạo của mình, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của công chúng.

Tuy vậy, bên cạnh những thuận lợi, cũng có thể gọi là thời cơ, kinh tế thị trường cũng tạo nên nhiều bất lợi, thậm chí cả nguy cơ cho sự phát triển văn hóa. Có lẽ không phải không có lý do khi C.Mác cho rằng kinh tế thị trường thù nghịch với một số ngành sản xuất tinh thần, đặc biệt nghệ thuật và thơ ca. Vậy nguyên nhân từ đâu?

Trước hết cần thấy rằng trong kinh tế thị trường, đặc biệt là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, lợi nhuận là mục tiêu cuối cùng. Vì lợi nhuận, người ta có thể bỏ qua, thậm chí hy sinh những phẩm chất và giá trị tinh thần. Với ý nghĩa đó, kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa là miếng đất thuận lợi cho sự tha hóa con người. Bản thân sự tha hóa đó đi ngược với bản chất của văn hóa. Văn hóa luôn là hoạt động khẳng định bản chất con người, tôn vinh phẩm giá con người, chống lại các hiện tượng tha hóa nhân cách.

Trong nền kinh tế thị trường, mọi sản phẩm do con người làm ra đều phải thông qua thị trường để đến với người tiêu dùng. Các sản phẩm đó được gọi chung là hàng hóa. Không chỉ các sản phẩm vật chất do kinh tế tạo nên, mà cả những sản phẩm tinh thần như văn hóa, nghệ thuật, đều phải qua thị trường để đến với người tiêu dùng. Thị trường là chiếc cầu nối giữa người sản xuất và người sử dụng. Qua đó, người sáng tạo, biểu diễn và phổ biến các giá trị văn hóa nghệ thuật nắm bắt được nhu cầu đa dạng của công chúng và đưa các sản phẩm văn hóa nghệ thuật đến với công chúng một cách nhanh chóng và rộng khắp. Không thể không thừa nhận cái gọi là thị trường văn hóa, cũng không thể không coi các sản phẩm văn hóa nghệ thuật là hàng hóa. Nhưng nếu chỉ coi các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật như những hàng hóa thông thường trên thị trường, và người sáng tạo, phổ biến các giá trị đó chỉ nhằm một mục tiêu là lợi nhuận - tức thừa nhận xu hướng thương mại hóa các hoạt động văn hóa, thì sao?

Có người coi thương mại hóa các hoạt động văn hóa như sự biểu hiện tất yếu của mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế, hay giữa văn hóa với kinh doanh. Đành rằng, ở thời đại chúng ta, vấn đề văn hóa và kinh tế, văn hóa và kinh doanh thâm nhập lẫn nhau, tác động tới nhau, nhưng văn hóa vẫn có chức năng xã hội đặc biệt, không hòa lẫn với kinh tế, kinh doanh. Trong cuộc sống bình thường, ai cũng mong có sự đầy đủ về vật chất và tinh thần, nhưng trong những hoàn cảnh thật đặc biệt, người ta sẵn sàng hy sinh các nhu cầu vật chất để bảo toàn các giá trị tinh thần như lý tưởng, khát vọng, nhân cách,... chứ không nỡ hy sinh các phẩm chất của con người để đổi lấy những nhu cầu vật chất. Đạo lý con người là vậy. Đạo lý làm người của dân tộc ta càng là vậy. Thương mại hóa văn hóa thực chất là bỏ qua hoặc hy sinh các giá trị tinh thần cho lợi nhuận. Thực trạng đời sống văn hóa của các quốc gia, trong đó có nước ta, đang chứng minh điều đó. Có phải trong những năm qua, thương mại hóa đang thâm nhập vào nhiều lĩnh vực đời sống văn hóa của đất nước, từ giáo dục, âm nhạc, văn hóa, báo chí, lễ hội,... hay không? Ở đâu lĩnh vực văn hóa bị thương mại hóa, thì ở đó các giá trị văn hóa bị biến dạng, nhân cách trở nên méo mó.

Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, hiện tượng kinh doanh nghệ thuật, thương mại hóa nghệ thuật, vi phạm bản quyền tác giả và tình trạng thẩm lậu các sản phẩm phản văn hóa đang có nguy cơ gia tăng. Kinh doanh nghệ thuật (âm nhạc) đã trở thành hoạt động đưa lại lợi nhuận nhanh nhất. Trước sự tấn công dồn dập của sản phẩm phim ảnh, ca nhạc từ nước ngoài và từ những chương trình mang tính thương mại ở trong nước, sân khấu và âm nhạc truyền thống của dân tộc có nguy cơ mất dần khán giả, có khả năng bị lãng quên. Ngay sau khi có Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, một nhà phê bình âm nhạc đã cảnh báo nguy cơ do xu hướng thương mại hóa nghệ thuật mang tới. Ông cho rằng thị hiếu lớp trẻ bị dẫn dắt, nếu không nói là bị tha hóa bởi những sản phẩm âm nhạc “làm hàng”. Nhà phê bình cho rằng những ca khúc “não tình” hoặc kém cỏi được lăng xê, lặp đi lặp lại nhiều lần, xen kẽ cùng các cuộc bình chọn theo thị hiếu, tạo nên bức màn màu xám đầy nghi vấn trong dư luận.

Như vậy là trong cơ chế kinh tế thị trường, văn hóa không thể nằm ngoài thị trường, không thể không trở thành hàng hóa trao đổi trên thị trường. Xây dựng thị trường văn hóa, cũng như đưa các sản phẩm văn hóa nghệ thuật lưu thông trên thị trường, đó không phải là thương mại hóa các hoạt động văn hóa - nghệ thuật. Thương mại hóa các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật chỉ diễn ra khi người sáng tạo, sản xuất và phân phối các sản phẩm đó bị chi phối bởi quy luật của lợi nhuận. Có nghĩa là khi các nhà văn, người nghệ sĩ, các nhà xuất bản, các hiệu sách, các đại lý băng đĩa, các tờ báo, các đài phát thanh, truyền hình,... chỉ nhằm mục tiêu lợi nhuận mà quên đi chức năng xã hội to lớn của mình là mang lại cho xã hội những giá trị tinh thần cao đẹp, thì lúc đó có sự xuất hiện thương mại hóa. Đồng tiền, với thuộc tính lạnh lùng và vô cảm, sẽ làm nguội lạnh trái tim và óc sáng tạo của người nghệ sĩ, làm suy thoái lương tâm của người quản lý, người phổ biến các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật.

Bản chất của sự sáng tạo văn hóa, nghệ thuật không đồng nhất với sự sản xuất các hàng hóa vật chất. Sản phẩm văn hóa nghệ thuật cũng là tài sản, nhưng nó có thước đo riêng, có quy trình sáng tạo riêng so với quá trình sản xuất các tài sản vật chất. Sự sản xuất hàng hóa vật chất được quy định chủ yếu bởi kỹ thuật và công nghệ. Người lao động không thể để lại dấu ấn trong các sản phẩm do mình làm ra. Bằng chứng là khi những người lao động khác nhau cùng điều khiển một cỗ máy như nhau và cùng sản xuất một mặt hàng như nhau, thì những sản phẩm do họ làm ra đều giống hệt nhau. Nhưng trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật thì khác. Quá trình sáng tạo nghệ thuật là quá trình chuyển tải toàn bộ thế giới tinh thần của người nghệ sĩ vào tác phẩm.

Do quy trình sáng tạo của nghệ thuật khác với quy trình sản xuất các hàng hóa vật chất, nên tác phẩm văn hóa - nghệ thuật cũng có thước đo khác với các hàng hóa vật chất. Người ta có thể tính ra giá thành một sản phẩm vật chất cụ thể, nếu biết được để sản xuất ra thứ hàng hóa đó cần bao nhiêu nguyên nhiên liệu, bao nhiêu thời gian lao động cần thiết và khấu hao máy móc là bao nhiêu. Nhưng liệu có thể tính được một cách thật chính xác giá thành một tác phẩm nghệ thuật, khi nguyên liệu, nhiên liệu ở đây là những giá trị vô hình, không cân - đo - đong - đếm được? Nguyên nhiên liệu ở đây là tài năng, vốn hiểu biết, là lý tưởng, khát vọng,... của người nghệ sĩ. Ai có thể cân - đo - đong - đếm được những giá trị đó...? Cái gọi là giá thành một tác phẩm nghệ thuật, chẳng qua chỉ là một ước lệ, một quy ước mà thôi. Chẳng thế mà bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Picaxô vẽ con chim bồ câu, chỉ với vài ba nét chấm phá, được bán đấu giá trên thị trường thế giới với giá kỷ lục hàng triệu đôla. Như vậy, dù các tác phẩm nghệ thuật có trở thành hàng hóa trên thị trường, thì vẫn phải coi đó là loại hàng hóa đặc biệt. Loại hàng hóa đó hoàn toàn không thích hợp với xu thế thương mại hóa.

Từ xa xưa, nghệ thuật đã là hoạt động quan trọng, không thể thiếu trong đời sống, nhưng cũng từ xa xưa ít có người nghệ sĩ chân chính nào coi hoạt động nghệ thuật là một hoạt động để làm giàu. Các Mác nói một cách chí lý: “Nhà văn cần có tiền để sống và sáng tác. Nhưng khi nhà văn sáng tác vì tiền, thì anh ta không còn là nhà văn nữa”.

Tác hại của xu thế thương mại hóa đối với văn hóa và nghệ thuật cũng là hiện tượng có tính toàn cầu. Trong tình hình hiện nay, với những thành tựu mới của khoa học và công nghệ, các ngành công nghiệp văn hóa của nhiều nước đã ra đời và phát triển. Các ngành công nghiệp đó có khả năng tạo ra nhiều công ăn việc làm, đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế. Sự xuất hiện của các ngành công nghiệp văn hóa là một bước tiến mới, thúc đẩy các hoạt động văn hóa phát triển. Tuy vậy, đã xuất hiện một nguy cơ lớn: coi công nghiệp văn hóa như một ngành công nghiệp thuần túy, có nghĩa là nó phải vận hành theo cơ chế thị trường, lấy lợi nhuận làm mục tiêu cuối cùng. Kết quả là đã cho ra đời nhiều sản phẩm độc hại, phản văn hóa. Chống thương mại hóa các hoạt động văn hóa và nghệ thuật là trả về cho văn hóa và nghệ thuật những giá trị đích thực của nó, để cho sự sáng tạo và phổ biến các giá trị đó không bị biến dạng thành hoạt động vì lợi nhuận, và để công chúng được quyền thưởng thức các giá trị đích thực của văn hóa, nghệ thuật - một trong những quyền cơ bản nhất của con người được Liên hợp quốc thừa nhận.

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã hoàn toàn đúng khi viết: “Xu hướng “thương mại hóa”, chiều theo những thị hiếu thấp kém, làm cho chức năng giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ của văn học, nghệ thuật bị suy giảm”(1). Đáng tiếc là từ đó đến nay, chúng ta chưa tạo được sự thống nhất trong nhận thức và trong hành động để ngăn chặn và loại trừ xu hướng thương mại hóa trong lĩnh vực văn hóa. Kết quả là đời sống văn hóa của xã hội bị xuống cấp, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc bị tổn thương. Một trong những bài học kinh nghiệm có giá trị mà chúng ta có thể rút ra trong quá trình tổng kết 15 năm triển khai Nghị quyết Trung ương 5 về văn hóa cũng là ở đó.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2013

(1)   ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1988, tr.48.

 

GS,TS Trần Văn Bính

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền