Trang chủ    Thực tiễn    Phát triển thành phố Cần Thơ theo hướng bền vững
Thứ ba, 27 Tháng 5 2014 16:31
2990 Lượt xem

Phát triển thành phố Cần Thơ theo hướng bền vững

(LLCT) - Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong những năm qua, Cần Thơ đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, phát triển theo hướng bền vững.

 

1. Một số kết quả

Từ năm 2004 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố Cần Thơ đạt mức cao. Tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2004-2013 đạt 14,5%/năm. Tổng giá trị tăng thêm năm 2013 đạt 62,6 nghìn tỷ đồng, gấp 3,38 lần so với năm 2004. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ tăng gấp 4,7 lần, từ 317,6 triệu USD năm 2004 lên 1,5 tỷ USD năm 2013. Cơ cấu kinh tế cũng có những bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng, nông nghiệp ngày càng giảm.

Vốn đầu tư tích lũy của nền kinh tế ngày càng tăng. Trong 10 năm, thành phố đã huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 200 nghìn tỷ đồng, riêng năm 2013 đạt trên 36 nghìn tỷ đồng, gấp 8,83 lần so với năm 2004. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước chiếm 44,7% (tăng 8,88 lần so với năm 2004); nguồn vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước chiếm 52,4%, (tăng 9 lần so với năm 2004); nguồn vốn đầu tư nước ngoài 2,9% (tăng 5,69 lần so với năm 2004). Bên cạnh đó, thu ngân sách theo chỉ tiêu Trung ương giao tăng 4,25 lần so với năm 2004. Năm 2013, thu ngân sách trên địa bàn thành phố đạt 6.709 tỷ đồng, tăng 2,86 lần so với năm 2006.

Thu nhập bình quân đầu người: năm 2004 đạt 10,3 triệu đồng/người, đến năm 2013 là 62,9 triệu đồng/người (2.989 USD/người), tăng 6,1 lần so với năm 2004. Bình quân giai đoạn 2004-2013 tăng 122,4%.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn nằm trong nhóm tốt; môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện. Cuối năm 2013, thành phố có khoảng 11 nghìn doanh nghiệp các loại, vốn đăng ký đầu tư khoảng 39 nghìn tỷ đồng.

Kiến thiết đô thị được lãnh đạo thành phố và các sở, ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Hệ thống kết cấu hạ tầng của thành phố được đầu tư phát triển khá đồng bộ, bước đầu đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình quan trọng cấp vùng đã được đầu tư, đưa vào sử dụng. Kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng phát triển, đặc biệt là công tác thủy lợi kết hợp phát triển hệ thống giao thông nông thôn, xây dựng cụm dân cư vùng lũ, đầu tư phát triển lưới điện, cung cấp nước sạch sinh hoạt... được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt, đời sống dân cư nông thôn.

Trong 10 năm, thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 433 nghìn  lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo liên tục tăng, đạt 47,23% so với tổng số lao động năm 2012 và tăng lên 48,89% năm 2013; số lao động được giải quyết việc làm mới là 50.898 người, tăng 80,32% so với năm 2004 (năm 2004 là hơn 28 nghìn người).

Thành phố đẩy mạnh huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo, tạo cơ hội và điều kiện để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Tổng số hộ nghèo của thành phố năm 2013 giảm còn 11.867 hộ, chiếm 3,95% tổng số hộ trên địa bàn. Trong 10 năm, Thành phố đã xây dựng trên 2.377 nhà tình nghĩa, trên 18.310 nhà đại đoàn kết cho các đối tượng chính sách và người nghèo…

Công tác bảo vệ môi trường sinh thái được thành phố đặc biệt quan tâm. Ngân sách chi cho công tác môi trường không ngừng tăng: năm 2009 là 87,33 tỷ đồng, năm 2012 là 90,6 tỷ đồng và năm 2013 là 141,48 tỷ đồng. Việc bảo vệ tài nguyên, môi trường đã đi vào nền nếp. Vấn đề bảo vệ môi trường sống, chống ô nhiễm nguồn nước, không khí đã được tất cả các địa phương, các ngành và các tầng lớp nhân dân đồng thuận và cùng tham gia. Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 85% năm 2004 lên 92% năm 2013, trong đó, tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 72% năm 2004 lên 83% năm 2013.

Hoạt động hợp tác quốc tế về môi trường không ngừng được củng cố và phát triển. Thời gian qua, thành phố Cần Thơ đã tổ chức tiếp nhận và thực hiện nhiều dự án tài trợ của các tổ chức quốc tế như: Cần Thơ xanh, xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho bệnh viện Ô Môn, nâng cấp đô thị Cần Thơ, ứng phó với biến đổi khí hậu… góp phần cải thiện môi trường sinh thái của thành phố.

2. Những vấn đề đặt ra trong phát triển bền vững

Chất lượng tăng trưởng còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố. Đóng góp của nguồn lực khoa học - công nghệ vào vào tăng trưởng GDP chiếm 8,84% giai đoạn 2006-2013. Công nghiệp hoá, đô thị hóa còn chậm; quy mô sản xuất còn nhỏ, chủ yếu là công nghiệp chế biến, sản phẩm chưa có sức cạnh tranh. Các ngành dịch vụ còn nhỏ lẻ, giá trị gia tăng thấp, chưa trở thành cầu nối thúc đẩy sản xuất phát triển.

Đầu tư cho giáo dục, y tế chưa đáp ứng yêu cầu (ngân sách đầu tư hằng năm cho giáo dục khoảng 15% - 16% so yêu cầu thực tế tối thiểu là 20%)(1). Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, trình độ, kỹ năng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu. Sức ép dân nhập cư từ các tỉnh lân cận vào thành phố ngày càng tăng, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về xã hội.

3. Một số giải pháp

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, đặc biệt là về bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu. Xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông có nội dung và hình thức thích hợp cho từng nhóm đối tượng trên địa bàn. Phát huy vai trò và trách nhiệm của các cơ quan thông tin truyền thông như: truyền hình, truyền thanh, báo chí trong việc nâng cao nhận thức của người dân về các chủ trương, chính sách và chiến lược phát triển bền vững của đất nước. Tuyên truyền, phổ biến mục tiêu, chủ trương, nghị quyết của thành phố trên các phương diện kinh tế, xã hội và môi trường. Huy động sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Sinh viên, … trong công tác truyền thông về phát triển bền vững.

Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Nguồn nhân lực phải đủ về mặt số lượng và nâng cao về chất lượng, có cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn. Trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện tốt Chương trình đào tạo nguồn nhân lực thành phố Cần Thơ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, mở rộng hợp tác quốc tế, chú trọng giáo dục đạo đức, tác phong công nghiệp cho người lao động. Bên cạnh đó, cần đổi mới chính sách sử dụng, đánh giá và đãi ngộ người lao động dựa trên năng lực chuyên môn và hiệu quả thực hiện công việc.

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển sản xuất - kinh doanh, từng bước nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng CNH, HĐH đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ để nâng cao chất lượng và duy trì tốc độ tăng trưởng trong dài hạn. Tập trung nguồn lực để phát triển các ngành kinh tế có hàm lượng công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường hướng đến “tăng trưởng xanh”. Có chính sách hợp lý và tạo môi trường thuận lợi nhằm thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm bền vững, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và các chính sách an sinh xã hội. Ưu tiên phát triển kinh tế gắn với giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với tập quán truyền thống, trình độ chuyên môn…, chú trọng giảm thiểu rủi ro trong sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là trong nông nghiệp.

Thứ năm, tăng cường bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường sinh thái. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng kế hoạch khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững. Trong quy hoạch các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nên lưu ý đặc biệt đến quy trình xử lý chất thải, nước thải, đảm bảo môi trường… Tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước, đội ngũ cán bộ môi trường ở các cấp. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, có chính sách thúc đẩy sự tham gia và phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong bảo vệ môi trường…

Thứ sáu, phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ và hiện đại. Rà soát lại các dự án kết cấu hạ tầng để bổ sung những dự án mới theo quy hoạch đã được hoàn thiện và kiên quyết loại bỏ những dự án đầu tư không phù hợp, gây lãng phí. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, chống lãng phí, tham nhũng đối với lĩnh vực này.

Những kết quả đạt được của Thành phố tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện mục tiêu đến năm 2020 “xây dựng và phát triển Thành phố Cần Thơ thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mêkông; là trung tâm công nghiệp, tài chính, thương mại - dịch vụ, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế và văn hóa, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước”(2) mà Đại hội Đảng bộ Thành phố Cần Thơ lần thứ XII đã đề ra.

________________

(1)Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ.

(2)Đảng bộ Thành phố Cần Thơ, Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Cần Thơ lần thứ XII nhiệm kỳ 2010-2015, tr 122.

 

ThS Trần Hoàng Hiểu

Học viện Chính trị khu vực IV

         

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền