Trang chủ    Thực tiễn    Bình Dương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1997-2010)
Thứ sáu, 30 Tháng 5 2014 09:26
7536 Lượt xem

Bình Dương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1997-2010)

(LLCT) - Bình Dương là một trong 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển công nghiệp năng động của cả nước. Đất đai Bình Dương rất đa dạng, phong phú về chủng loại và rất màu mỡ, phù hợp với nhiều loại cây trồng, là điều kiện thuận lợi thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế (CCKT) nông nghiệp, nông thôn của tỉnh theo hướng CNH, HĐH.

 

Dựa vào những lợi thế của tỉnh và nhận thức được tầm quan trọng của nông nghiệp, nông thôn, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã xác định chuyển dịch CCKT nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH, HĐH là một nhiệm vụ quan trọng. Cụ thể hoá chủ trương đó, Đảng bộ tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp như: Chương trình xây dựng mục tiêu kết cấu hạ tầng nông thôn, giống cây, con, phát triển khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ lãi suất mua máy nông nghiệp…, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 06 NQ/TW (10-11-1998) của Bộ Chính trị Về một số vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-TU Về một số vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bình Dương, đề ra mục tiêu, phương hướng và giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thời kỳ tiếp theo nhằm xây dựng và phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện theo hướng CNH, HĐH, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững.

Để tạo bước phát triển mới cho nông nghiệp theo tinh thần Đại hội IX của Đảng và Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VII (tháng 1-2001) chủ trương: “Chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, chú trọng gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến và dịch vụ trên địa bàn nông thôn”. Thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW Hội nghị trung ương 5 khóa IX, (tháng 7-2002), Tỉnh ủy Bình Dương đã xây dựng Chương trình hành động số 14-CTr/TU Về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để triển khai thực hiện trên toàn địa bàn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VIII (12-2005), tiếp tục khẳng định: “Phát triển các ngành nông lâm ngư nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững, cung cấp hàng hóa nông sản chất lượng cao gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”.

Với sự nỗ lực trong lãnh đạo của Đảng bộ và sự đồng thuận của nhân dân trong tỉnh, trong những năm 1997 đến 2010, kinh tế Bình Dương đã có bước tăng trưởng cao và bền vững. Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn các năm 1997 - 2000 tăng bình quân 14%, 15,3% giai đoạn 2001 - 2005 và 14% giai đoạn 2006 - 2010.

CCKT ngành của tỉnh chuyển dịch nhanh theo hướng CNH, HĐH, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Tỷ trọng ngành nông nghiệp đã giảm từ 22,8% năm 1997 xuống còn 4,4% năm 2010. Ngành công nghiệp tăng từ 50,4% năm 1997 lên 63% năm 2010. Ngành dịch vụ tăng từ 26,8% năm 1997 lên 32,6% năm 2010. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 30,1 triệu đồng, gấp 2,2 lần so với năm 2005. Giá trị sản xuất (GTSX) nông, lâm, thủy sản tăng trưởng liên tục qua các năm: Giai đoạn 1997 - 2000, tăng 5,5%/năm, sang giai đoạn 2001 - 2005, tăng 6,2%/năm, và đến giai đoạn 2006 - 2010 tăng 4,7%/năm. Trong nông nghiệp, ngành trồng trọt tăng bình quân 3,2%,/năm; ngành chăn nuôi tăng bình quân 13,7%/năm.

Trong cơ cấu sản xuất nội bộ ngành nông nghiệp, đã có sự chuyển dịch theo hướng: giảm tỷ trọng GTSX trồng trọt trong tổng thu nhập của ngành từ 81,1% năm 1997 xuống 75,59% năm 2010, tăng tỷ trọng giá trị chăn nuôi từ 16,3% lên 20%, tương tự các hoạt động dịch vụ cho nông nghiệp tăng từ 2,6% lên 4,42% trong cùng kỳ. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch phù hợp với điều kiện đất đai, cơ sở vật chất, tập quán canh tác vùng tạo sự chuyển dịch cơ cấu vùng rất rõ nét, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng trong tỉnh như vùng trồng lúa năng suất cao dọc sông Sài Gòn, sông Thị Tính và sông Đồng Nai; cao su, điều ở Dầu Tiếng, Bến Cát, Tân Uyên, Phú Giáo; mía, đậu phộng ở Phú Giáo, Tân Uyên; cây ăn quả ở Bến Cát (xã Lai Uyên, Lai Hưng, xã Trừ Văn Thố, xã Cây Trường); vùng bưởi Tân Uyên; vùng trồng rau màu ở thành phố Thủ Dầu Một, huyện Tân Uyên; vườn cây ăn trái Lái Thiêu… Bên cạnh đó, Bình Dương đã triển khai xây dựng 3 khu nông nghiệp công nghệ cao: xã An Thái (424 ha), xã Phước Sang (500 ha) và xã Hiếu Liêm (89,9 ha).

Trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng cường sử dụng giống mới, công nghệ sinh học, phương thức canh tác tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, thủy sản. Chương trình giống được triển khai thực hiện với nhiều dự án: lúa, cây ăn trái chất lượng cao, Sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn heo... đáp ứng giống chất lượng cao, sạch bệnh.

Kinh tế trang trại Bình Dương phát triển theo hướng tăng về giá trị đầu tư và hiệu quả. Loại hình trang trại có sự chuyển dịch, giảm trang trại trồng trọt, tăng trang trại chăn nuôi và kinh doanh tổng hợp. Công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, ngành nghề, làng nghề truyền thống và dịch vụ nông thôn được phục hồi và phát triển, giải quyết nhiều việc làm cho người dân, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động có sự chuyển biến tích cực: lao động trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản giảm nhanh từ 57,93% tổng số lao động tại địa phương (182.715 người) năm 1997 xuống còn 11,72 % (121.865 người) năm 2010. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, giúp tăng thu nhập cho người lao động được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo cũng tăng lên từ 38 % giai đoạn 2001- 2005 lên 60% giai đoạn 2006 -2010. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn và bộ đội xuất ngũ trong quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, tình hình chính trị - xã hội, an ninh, quốc phòng ổn định vững chắc. Năm 2005, Bình Dương không còn hộ đói, đã xóa hộ nghèo theo tiêu chí cả nước. Năm 2010, Bình Dương hộ nghèo chỉ còn 1,38% (theo tiêu chí năm 2009); hiện nay tỉnh đang thực hiện nâng cao chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015, ở mức: nông thôn 800 nghìn đồng/người/tháng và thành thị 1 triệu đồng/người/tháng. Đến năm 2010, 100% số xã có đường ô tô nhựa hoá tới trung tâm, có điện lưới quốc gia, có điện thoại 97% số hộ dân sử dụng điện, 95% hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% trạm y tế xã có bác sĩ, có nhân viên y tế khu, ấp hoạt động, 88/91 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, chiếm 96,7%; xây mới, nâng cấp nhiều chợ, khu dân cư, khu đô thị.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, Bình Dương vẫn gặp không ít khó khăn, bất cập: Sản xuất nông nghiệp tuy tăng trưởng khá nhưng chưa thật sự bền vững, luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh; sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, phần lớn nông sản kém sức cạnh tranh. Cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng nhưng chậm, trồng trọt còn chiếm tỷ trọng lớn; chăn nuôi tuy phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn; ngành thủy sản có sự phát triển đột phá nhưng chưa vững chắc, chưa phát huy hết tiềm năng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn chưa đồng bộ; trình độ dân trí, thu nhập và đời sống người dân ở nông thôn nhìn chung còn thấp và khó khăn; môi trường sinh thái ở một số vùng nông thôn có biểu hiện suy giảm...

Để đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả các mục tiêu chuyển dịch CCKT, cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, gắn quy hoạch với kế hoạch để thúc đẩy nhanh chuyển dịch CCKT. Cần rà soát lại các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng ngành, từng vùng, địa phương; cập nhật các dự báo, xem xét lại thực trạng, xác định lại CCKT theo hướng phát huy lợi thế, tiềm năng của tỉnh, gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và nâng cao mức sống của nhân dân. Rà soát lại tất cả các quy hoạch ngành và sản phẩm quan trọng để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới, đi đôi với tăng cường chỉ đạo thực hiện theo đúng quy hoạch, bảo đảm kỷ cương trong công tác quy hoạch, tránh tình trạng “quy hoạch một đằng kế hoạch một nẻo”, dẫn tới phá vỡ kế hoạch và gây hậu quả xấu.

Hai là, tăng nhanh nguồn vốn đầu tư hướng vào mục tiêu chuyển dịch CCKT trong các ngành kinh tế. Các chương trình đầu tư trong thời gian tới cần hướng vào mục tiêu thúc đẩy nhanh việc chuyển dịch nhanh cơ cấu sản xuất, cơ cấu sản phẩm trong các ngành kinh tế. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách, cần chú trọng thu hút các nguồn vốn khác cùng đầu tư chuyển dịch CCKT.

Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khoa học và công nghệ. Đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, các viện nghiên cứu trực tiếp ký hợp đồng với các cơ sở sản xuất, các địa phương trong việc nghiên cứu; thực hiện cơ chế khen thưởng, khuyến khích, hỗ trợ kinh phí cho các đề tài có tính khoa học và thực tiễn cao phục vụ trực tiếp cho việc chuyển dịch CCKT. Tăng nguồn kinh phí và tăng cường đào tạo mới và bổ sung đội ngũ lao động có chất lượng cao, đặc biệt chú trọng đội ngũ công nhân lành nghề làm chủ được những công nghệ mới để hỗ trợ đắc lực cho việc chuyển dịch CCKT. Bên cạnh đó, cần mở rộng các hình thức đào tạo nghề, gắn chặt với chuyển giao công nghệ mới, chuyển giao các quy trình sản xuất, quy trình canh tác…

Bốn là, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành trong quá trình thực hiện chuyển dịch CCKT. Cần quán triệt và thống nhất một số vấn đề cơ bản có tính nguyên tắc như quan điểm phát triển, định hướng phát triển, CCKT, cơ cấu đầu tư kinh tế tỉnh theo từng giai đoạn để làm căn cứ cho các ngành, các địa phương làm căn cứ xác định CCKT phù hợp. Xây dựng chương trình hành động cụ thể về chuyển dịch CCKT, cơ cấu sản phẩm. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ và tăng cường chế độ kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, cơ chế, chính sách đã được ban hành.

_________________

Tài liệu tham khảo

1. Tỉnh ủy Bình Dương (1998), Số 25-NQ/TU, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Dương về một số vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn qua 10 năm đổi mới (1988-1998), tr. 5-7, lưu tại Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương.

2. Đảng bộ tỉnh Bình Dương (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VII, 2001, tài liệu lưu hành nội bộ, tr.41, lưu tại Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương.

3. Đảng bộ tỉnh Bình Dương (2005),Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VIII, 2005, tài liệu lưu hành nội bộ, tr. 100, lưu tại Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương.

 

ThS Bùi Thanh Xuân

Khoa Lý luận chính trị - Đại học Thủ Dầu Một

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền