Trang chủ    Thực tiễn    Bắc Giang đẩy mạnh giải quyết việc làm ở nông thôn
Thứ ba, 03 Tháng 6 2014 16:21
2869 Lượt xem

Bắc Giang đẩy mạnh giải quyết việc làm ở nông thôn

(LLCT) - Việc làm là một trong những vấn đề chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển có lực lượng lao động lớn như Việt Nam. Giải quyết việc làm cho người lao động trong sự phát triển của thị trường lao động là tiền đề quan trọng để sử dụng có hiệu quả nguồn lao động, góp phần tích cực vào việc hình thành thể chế kinh tế thị trường, đồng thời tận dụng lợi thế để phát triển, tiến kịp khu vực và thế giới. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ chương, chính sách nhằm phát huy nội lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi cơ cấu lao động, giải quyết việc làm.

 

Tỉnh Bắc Giang có diện tích 3.822 km2, trong đó có 123 nghìn ha đất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản; có 121 nghìn ha đất rừng và 55 nghìn ha đất đồi núi chưa sử dụng. Dân số 1.555.720 người (4-2009), trong đó, dân số thành thị chiếm 9,5%, dân số nông thôn chiếm 90,5%. Trên địa bàn tỉnh có 26 dân tộc sinh sống, đông nhất là người Kinh (88,1%).

Bắc Giang có cả 3 vùng: đồng bằng, trung du và miền núi cao, trong đó khu vực trung du và miền núi chiếm 80,5% diện tích, khu vực đồng bằng chiếm 10,5% diện tích. Bắc Giang nằm cáchThủ đô Hà Nội 50 km về phía Bắc, cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) 110 km về phía Nam, cách cảng Hải Phòng 100 km về phía Đông. Phía Bắc và Đông Bắc tiếp giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Tây và Tây Bắc giáp Hà Nội, Thái Nguyên, phía Nam và Đông Nam giáp các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh.

Bắc Giang cách không xa các khu công nghiệp và đô thị của vùng tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng; nằm trong hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội; và có thể khai thác hiệu quả hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội.

Nguồn nhân lực dồi dào là một trong những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Trong 95 vạn lao động có 67,7 vạn lao động đang làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản (71%). Năm 2011, lực l­ượng lao động được bổ sung thêm khoảng 15 vạn.Nguồn lao động bổ sung vào lực lư­ợng lao động hàng năm lớn, nh­ưng mức độ giải quyết việc làm cho ng­ười lao động ở nông thôn còn thấp so với nhu cầu.

Công tác giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn được triển khai đồng bộ và thu được kết quả trong các lĩnh vực sau:

1. Đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn

Bằng các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, tỉnh đã thu hút nhiều chương trình, dự án lớn đầu tư trên địa bàn như: Công ty TNHH FuHong thuộc tập đoàn Tập đoàn Hồng Hai (Foxconn Group) đã đầu tư vào KCN Đình Trám 5/6 nhà máy sản xuất một số thiết bị điện tử tạo việc làm cho 5000 lao động. Tập đoàn SANYO đầu tư vào KCN Quang Châu dự kiến hoạt động, sẽ thu hút khoảng 1000 lao động. Universal Microelectric đã đầu tư vào KCN Quang Châu, thu hút khoảng 2.000 lao động và đặc biệt là Tập đoàn Wintek đã đăng ký đầu tư vào khu công nghiệp (KCN) Quang Châu nhà máy sản xuất màn hình cảm ứng cho Apple với vốn đăng ký 250 triệu USD, dự kiến sử dụng đến 65.000 lao động,…

Kết quả trong 5 năm (2006 - 2010), đã có 369 dự án đầu tư, tăng 2,7 lần so với giai đoạn 2001 - 2005 (136 dự án) với tổng số vốn đăng ký 22.752 tỷ đồng, tăng 13,2 lần so với giai đoạn 2001 - 2005 (1.722 tỷ đồng), qua đó tạo ra hàng chục nghìn chỗ làm việc mới.

2. Phát triển chương trình đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực lao động nông thôn

tỉnh đã tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống cơ sở dạy nghề, kiện toàn hệ thống bộ máy quản lý dạy nghề từ tỉnh tới cơ sở. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân về vị trí, vai trò của công tác đào tạo nghề đối với việc phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Mạng lưới cơ sở dạy nghề tăng nhanh từ 42 cơ sở (năm 2006) lên 82 cơ sở (năm 2010); đa dạng hóa về hình thức sở hữu, các huyện, thành phố đều có cơ sở dạy nghề. Ngành nghề đào tạo được đa dạng hóa phù hợp với nhu cầu học nghề của người lao động; cơ cấu, trình độ đào tạo từng bước gắn với nhu cầu sử dụng lao động trong và ngoài tỉnh. Tổng số lao động được đào tạo giai đoạn 2006 -  2010 là 113.668 người.

3. Phát triển các làng nghề và tiểu thủ công nghiệp

Tiểu thủ công nghiệp và nghề nông thôn tiếp tục được quan tâm phát triển. Toàn tỉnh đã có 435 làng có nghề, chiếm 17% số làng của tỉnh; trong đó có 33 làng đạt tiêu chí làng nghề theo quy định,với tổng số  trên 6.400 hộ tham gia làm nghề (chiếm 65% tổng số hộ); thu hút khoảng hơn 20.800 nhân khẩu tham gia nghề, trong đó lao động trong độ tuổi chiếm 68,4%. Thu nhập từ làm nghề tại các làng nghề chiếm khoảng 80% tổng thu nhập. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp ngày càng đa dạng, nhiều sản phẩm có giá trị xuất khẩu, đời sống lao động khu vực làng nghề ổn định và phát triển.  

Làng nghề ở Bắc Giang chủ yếu tập trung ở lĩnh vực chế biến nông, lâm sản và sản xuất vật liệu xây dựng. Nhiều làng nghề có sản phẩm nổi tiếng như Dĩnh Kế làm bánh đa, Làng Vân nấu rượu; Làng Thổ Hà làm mỳ, bánh đa nem;  Làng Thổ Dương mỳ gạo; Tre đan: Xã Tăng Tiến, Làng Song Khê với nghề tre đan, đọ tôm, tằm tơ;An Lập sản xuất hương thơm,…

Gần đây, có du nhập thêm một số nghề mới như nghề tre chắp sơn mài, thêu ren, sản xuất tăm lụa, chạm khắc đá, gốm dân gian…Để phát triển hạ tầng và môi trường làng nghề, tỉnh đã dành hơn 15 tỷ đồng hỗ trợ cùng với vốn của nhân dân đầu tư xây dựng hạ tầng tại 5 làng nghề.

4. Giải quyết việc làm thông qua hoạt động xuất khẩu lao động

 Hàng năm, BCĐ XKLĐ cấp tỉnh lựa chọn và hỗ trợ từ 40 đến 50 doanh nghiệp có uy tín và có giấy phép hoạt động XKLĐ về các địa phương tổ chức các hội nghị, giới thiệu về các đơn hàng XKLĐ và tuyển chọn lao động. Đồng thời phối hợp với Bộ Lao động - TB&XH tổ chức các kỳ thi kiểm tra tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật Bản để đưa người lao động đi XKLĐ theo các chương trình hợp tác lao động có thu nhập cao, chi phí thấp. Giai đoạn 2006 - 2010, bình quân mỗi năm toàn tỉnh có 5.713 người được giải quyết việc làm thông qua XKLĐ chiếm 25,7% tổng số lao động được giải quyết việc làm hàng năm của tỉnh và là một trong 10 tỉnh có số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài lớn nhất toàn quốc. Hiện tại số lao động trên địa bàn tỉnh đang làm việc ở nước ngoài có trên 28.000 người, tập trung chủ yếu ở các thị trường như: Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc...; lượng thu nhập ngoại tệ do lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về hàng năm qua các Ngân hàng Thương mại đạt từ 50 - 70 triệu USD (chưa kể nguồn do lao động mang về bằng con đường khác).

5. Tạo việc làm thông qua hình thức cho vay vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm

Ban chỉ đạo và điều hành Quỹ quốc gia về việc làm tỉnh Bắc Giang đã  , thực hiện phân cấp quản lý, thẩm định và quyết định cho vay vốn theo quy định. Quỹ quốc gia giải quyết việc làm nhằm tạo nguồn lực vật chất để thực hiện chương trình xúc tiến việc làm. Trong 5 năm (2006 – 2010), nguồn vốn vay từ Qũy Quốc gia giải quyết việc làm được cấp bổ sung là 19 tỷ đồng cho vay theo các dự án hỗ trợ việc làm. Kết quả 5 năm có 1.447 dự án  được duyệt, vay với số tiền vay luân chuyển là 71.754 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 7.393 lao động (bình quân mỗi năm là 1.479 người), chiếm 6,7% tổng số lao động được giải quyết việc làm hàng năm của tỉnh.  

6. Hỗ trợ việc làm thông qua hoạt động dịch vụ việc làm

Trong những năm qua, các cơ sở giới thiệu việc làm hoạt động trên địa bàn tỉnh đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 37.500 người, trong đó có 10.500 người đã tìm được việc làm. Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh đã tổ chức 18 phiên giao dịch việc làm với 306 lượt doanh nghiệp tham gia, số người đăng ký tìm việc làm thông qua sàn giao dịch là 17.436 người.  

Để tăng cường thông tin thị trường lao động, từ năm 2008, Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh đã đưa vào hoạt động website: http://vieclambacgiang.vn, đến hết năm 2010 đã có trên 70.000 lượt người truy cập, tìm kiếm thông tin về việc làm qua website.

7. Hỗ trợ lao động nông thôn đi làm việc ngoài tỉnh

Nhằm hỗ trợ người lao động đi tìm việc và làm việc ngoài tỉnh, những vùng có nhu cầu sử dụng lao động lớn, có thu nhập tương đối cao và ổn định. UBND tỉnh đã chỉ đạo các hoạt động: Tập trung vào công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động, trang bị kiến thức, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, ngành nghề cho người lao động để họ thuận lợi trong tìm việc làm. Tăng cường hỗ trợ phát triển thị trường lao động nhằm cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận với thị trường lao động để tìm kiếm việc làm.

Hàng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức hội chợ việc làm, phiên giao dịch việc làm theo định kỳ; phát triển dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm,… Triển khai các chương trình phối hợp, hợp tác về lao động, thoả thuận về việc làm, điều kiện làm việc, thu nhập, nhà ở và các vấn đề liên quan đến người lao động với Trung tâm giới thiệu việc làm và các doanh nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố có nhu cầu sử dụng lao động lớn như: Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương… để đưa lao động của tỉnh đi làm việc.

 

                                                      Đỗ Thị Kim Oanh

                         Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Tân Yên, Bắc Giang

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền