Trang chủ    Thực tiễn    Gia Lai phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội
Thứ tư, 11 Tháng 6 2014 15:37
5104 Lượt xem

Gia Lai phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội

(LLCT) - Gia Lai là tỉnh miền núi, biên giới ở BắcTây Nguyên, có diện tích hơn 15.536km²;dân số hơn 1,3triệungười,với 34 dân tộc,trong đó đồng bào các dân tộc chiếm gần 45%. Tỉnh có 17 đơn vị hành chính, có 222 đơn vị cấp xã; có đường biên giới với Campuchia 90 km.

Gia Lai, có nguồn tài nguyên đất đai lớn. Trong đó, có diện tích đất đỏ bazan rộng lớn khoảng 760 nghìn ha (49%), rất thích hợp cho các loại cây công nghiệp như cà phê, chè, cao su và nhiều loại cây ăn quả và đồng cỏ. Tài nguyên khoáng sản phong phú, trong đó nguyên vật liệu xây dựng, bôxit, vàng, đá quý có trữ lượng lớn. 

Tổng lượng nước mặt ở Gia Lai là 23 tỷ m3 trong hệ thống chính của sông Ba, sông Sê San và một nhánh của sông Sêrêpok. Trữ lượng nước lớn của ba con sông cùng với mạng lưới sông ngòi dày đặc, suối ngắn và dốc là điều kiện để phát triển thủy điện (tổng công suất 4,7 tỷ KWh). Trong đó, sông Sê San là một trong ba sông có tiềm năng thủy điện lớn nhất Việt Nam, chiếm 11,3% tổng tiềm năng thủy điện của cả nước (sông Đà 44%, sông Đồng Nai 16,4%).

Gia Lai có diện tích rừng lớn 1.591 nghìn ha, rừng tự nhiên chiếm 78,3% diện tích đất lâm nghiệp; đa dạng địa hình và khí hậu, đa dạng về số lượng các loài sinh vật, trữ lượng gỗ 76 triệu m3. Rừng của Gia Lai chiếm 28% diện tích rừng Tây Nguyên và 38% trữ lượng gỗ. Hiện Gia Lai còn diện tích đất lớn cho trồng rừng, cây cho ngành công nghiệp giấy và trồng cao su.

Bên cạnh nhiều tiềm năng, lợi thế, Gia Lai cũng có những khó khăn nhưđịa bàn rộng và chia cắt phức tạp, đồng bào dân tộc thiểu số trình độ học vấn còn thấp ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nguồn nhân lực, đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; Gia Lai không có cảng biển, không có đường thủy, không có đường sắt.

Phát huy tiềm năng thế mạnh, khắc phục khó khăn thách thức, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Gia Lai đã nỗ lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đạt những kết quả quan trọng.

Kinh tế tăng trưởng cao và duy trì trong nhiều năm.Tăng trưởng GDPhàng năm duy trì ở mức cao: Năm 2012 đạt 12,9%, trong đó nông-lâm nghiệp-thuỷ sản tăng 7,29%; công nghiệp - xây dựng tăng 16,35%; dịch vụ tăng 15,26%. Năm 2013 đạt 12,3%, các ngành kinh tế tương ứng là 8,53%; 12,66%; 16,15%.

Do vậy, quy mô GDP tăng gấp 5,4 lần sau 13 năm, từ 2.105 tỷ đồng năm 2000 lên trên 11 nghìn tỷ đồng năm 2013.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, năm 2013 nông lâm nghiệp - thủy sảnchiếm 40,24%, công nghiệp - xây dựngchiếm 32,04%, dịch vụ chiếm 27,72%.

GDP bình quân đầu người năm 2013 đạt 30,7 triệu đồng (tương đương 1.440 USD), tăng 15,56% so với năm 2012, cao hơn mức tăng chung của cả nước.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 11.295 tỷ đồng (tăng 10% so với năm 2012). Tổng thu NSNN trên địa bàntăng bình quân 9,85%/năm đạt3.607tỷ đồng. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn được cải thiện;năm 2013 đứng thứ 31 toàn quốc, tăng 1 bậc so với năm 2012 và là năm thứ 2 đứng trong tốp đầu khu vực Tây Nguyên.

Quý I năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.870 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2013. Tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện được 2.950 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước đạt 284,6 tỷ đồng.

Toàntỉnh hiện có hơn 100 nghìn ha cao su (62 nghìn ha kinh doanh), 11.500ha hồ tiêu, gần 80 nghìn ha cà phê, 20 nghìn ha điều, 35 nghìn ha mía, 53 nghìn ha ngô, 55 nghìn ha sắn, 17 nghìn ha đậu các loại; hơn 350 nghìn con bò là một trong những địa phương có tổng đàn bò lớn nhất cả nước… Trên địa bàn tỉnh có 6 nhà máy chế biến mủ cao su với tổng công suất 100 nghìn tấn/năm; 2 nhà máy chế biến hạt điều xuất khẩu với công suất 20 nghìn tấn/năm; 2 nhà máy chế biến chè với công suất 5.500 tấn/năm; 1 nhà máy chế biến gỗ MDF với công suất 54 nghìn m3/năm; 2 nhà máy chế biến đường, công suất 16 nghìn tấn/năm; 4 nhà máy chế biến tinh bột sắn, công suất 66 nghìn tấn/năm; 2 nhà máy chế biến tiêu sạch, công suất 10 nghìn tấn/năm… Từ năm 2000 đến nay, Gia Lai đứng thứ nhất về sản xuất cao su và đứng hàng thứ 3 về sản xuất cà phê cả về diện tích và sản lượng, so với các tỉnh Tây Nguyên.

Khai thác hiệu quả tiềm năng thủy điện, nhiềuthuỷ điện lớntrên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả như: Ia Ly, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4,Sê San 4Avàhơn 100 công trình thuỷ điện nhỏđược quy hoạch với tổng công suấtgần2.000 MW.

 Gia Lai có bản sắc văn hóa các dân tộc phong phú, đa dạng, với nhiều lễ hội dân gian, có nền văn hóa cồng chiêng,… là tiềm năng phát triển ngành du lịch sinh thái, du lịch lịch sử. Trong những năm qua, các giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm bảo tồn và phát huy. Công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Gia Lai đã tổ chức Lễ khánh thành vào ngày 09/12/2012, đã phát huy tác dụng tốt. Hoàn thiện hồ sơ kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể “Lễ Sơma kơchăm, mừng năm mới“, để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển. Năm học 2013-2014, toàn tỉnh có 795 trường học (tăng 11 trường),có 90 trường đạt chuẩn quốc gia;tổng số 363.928 học sinh, tăng 2,1% so với năm học 2012-2013; 150/222 xã, phường, thị trấn đã được công nhận phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, đạt 67,6%.

Mạng lưới y tế tiếptục được củng cố; đạt tỷ lệ 21,1 giường bệnh/ vạn dân; 42% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế; bình quân 6,3 bác sỹ/vạn dân; tỷ lệ trạm y tế có bác sỹ đạt 75%. Trong năm 2013, các cơ sở y tế công lập đã khám chữa bệnh cho trên 1.370 nghìn lượt người;trẻ em dưới 1 tuổi tiêm chủng đủ liều đạt 95,5%.

Trong năm 2013 giải quyết việc làm mới cho 24.100 lao động, trong đó xuất khẩu 1.300 lao động.

Từ năm 2006 đến 2011, toàn tỉnh đã giảm được 39.977 hộ nghèo; từ 2011 đến 2013 (theo tiêu chí mới) giảm được 26.028 hộ nghèo; từ 27,56 năm 2011 xuống còn 17,23% % năm 2013. Trung bình hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3 đến 4%.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạtsự đồng thuận cao. 100% xã đã hoàn thành quy hoạch và phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 và tích cực huy động các nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Tổng vốn đầu tư trực tiếp cho Chương trình trong năm 2013 là 101,6 tỷ đồng (vốn Trung ương: 36,44tỷ đồng; ngân sách tỉnh 15,68 tỷ đồng; ngân sách huyện, thị xã, thành phố 49,48tỷ đồng). Tập trung thực hiện đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu như: giao thông nông thôn, kiên cố hóa một số tuyến kênh mương nội đồng, sửa chữa xây dựng giếng, giọt nước sinh hoạt, phát triển sản xuất nông nghiêp...

Tỉnh đã rà soát, phê duyệt lại 45 xã điểm xây dựng nông thôn mới. Đến hết quý I năm 2014 đã có 5 xã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí;92 xã đạt từ 1-5 tiêu chí, 65 xã đạt từ 6-8 tiêu chí, 23 xã đạt từ 9-13 tiêu chí, 5 xã đạt từ 14-18 tiêu chí.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Các lực lượng chức năng duy trì bám địa bàn, nắm dân và phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở thực hiện các biện pháp bảo vệ biên giới, phòng chống vượt biên, xâm nhập.                      

Để xây dựng Gia Lai nói riêng, phát triển Tây Nguyên nói chung thành vùng kinh tế trọng điểm, có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc; nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; chủ động làm thất bại âm mưu chống phá của cácthế lực thù địch, cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là,cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và ban hành một số chính sách phù hợp: Cần hợp nhất một số chương trình, mục tiêu có đối tượng, nội dung, tác động cơ bản giống nhau; cân đối đủ vốn để thực hiện các chính sách như Chương trình định canh, định cư; bổ sung dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn và cộng đồng (Chương trình 135 cũ). Sớm ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên.

Hai là, có chính sách đặc thù trong đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Nguyên, nhất là cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, tăng cường nguồn lực triển khai thực hiện đề án phổ cập giáo dục; các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục đào tạo;tăng cường công tác xã hội hóa trong giáo dục - đào tạo và dạy nghề.Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, như mở rộng chỉ tiêu dự bị đại học, có chế độ hỗ trợ đặc biệt cho đối tượng học sinh cử tuyển, học sinh dân tộc thiểu số tại chỗ nhằm đảm bảo có đủ cán bộ tại chỗ phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Ba là,cần rà soát đánh giá lại quy hoạch phát triển các công trỉnh thủy điện gắn với việc sử dụng đất đai, tài nguyên, giữ gìn môi trường sinh thái và bảo đảm không gian sinh sống của đồng bào ở các vùng dự án, kiên quyết loại bỏ những dự án hiệu quả thấp, ảnh hưởng đến rừng và sản xuất nông nghiệp.

Xây dựng các quy hoạch tổng thể thủy lợi, quy hoạch khôi phục bảo vệ bền vững hệ sinh thái rừng Tây Nguyên; Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch phát triển công nghiệp và thương mại; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa cồng chiêng...

Bốn là,các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tăng cường quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, tiếp tục sắp xếp doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn, hỗ trợ đào tạo nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

________________

Tài liệu tham khảo:

1. Tỉnh ủy Gia Lai: “Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh trong những năm qua”, Pleiku, ngày 14-4-2014.

2. Tỉnh ủy Gia Lai: Báo cáo tổng quan tình ình Gia Lai”, Pleiku, ngày 14-4-2014.

3. Văn phòng Tỉnh ủy Gia Lai: “Báo cáo đánh giá vè tình hình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới tỉnh Gia Lai”, Pleiku, ngày 14-4-2014.

4. Văn phòng Tỉnh ủy Gia Lai: “Báo cáo đánh giá vè tình hình thực hiện xóa đói giảm nghèo, định canh định cư”, Pleiku, ngày 14-4-2014

                                                                                       Nguyễn Trịnh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền