Trang chủ    Thực tiễn    Đột phá thể chế để phát triển doanh nghiệp
Thứ tư, 23 Tháng 7 2014 11:05
2089 Lượt xem

Đột phá thể chế để phát triển doanh nghiệp

(LLCT) - Quá trình 30 năm đổi mới Việt Nam đã có nhiều thay đổi cơ bản về thể chế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và tạo động lực,nền tảng ban đầu quan trọng cho sự phát triển doanh nghiệp nói riêng, kinh tế đất nước nói chung với nhiều thành tựu đáng ghi nhận,được bạn bè quốc tế đánh giá cao.                                                           

                                      

1. Nhận diện sự bất cập thể chế về doanh nghiệp

Theo cách hiểu mở, thể chế gồmnhững giá trị nhận thức, luật định và cơ chế, chế tài thực thi, cũng như con người, tổ chức gắn với hành vi của chúng. Mỗi quốc gia và đối tượng quản lý nhà nước cần có thể chế phù hợp với đặc điểm, trình độ và mục tiêu phát triển của mình. Một thể chế nhà nước về doanh nghiệp phù hợp, hiệu quả khi làm giảm chi phí giao dịch và hạn chế được xung đột, lợi ích nhóm, tham nhũngvà tạo sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan quyền lực, cũng như phối hợp chặt chẽ với các thể chế khác (như thị trường) và các nhóm xã hội (như tư nhân, cộng đồng,..) trong quá trình xây dựng, điều chỉnh và thực hiện các chiến lược, chính sách vì mục tiêu phát triển lựa chọn. Ngược lại, một thể chế nhà nước về doanh nghiệp được coi là thất bại khi làm ngưng trệ, sử dụng sai lệch hoặc lãng phí các nguồn lực doanh nghiệp xã hội, tạo ra những thực thể doanh nghiệp yếu ớt, cô lập, rời rạc và thiếu sức cạnh tranh, trì trệ trước các biến động thị trường, với hàng loạt hệ lụy tiêu cực kèm theo khác.

Quá trình thay đổi thể chế thường diễn ra theo 2 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Bao gồm những bước tiến nhỏ, tích tụ và tiệm tiến về lượng những thay đổi thể chế bộ phận thích hợp, từ đơn giản đến phức tạp dần, từ bề rộng sang bề sâu, từ hình thức tới thực chất hơn, từ đơn lẻ tới hệ thống…

- Giai đoạn 2: Vào thời điểm ở cuối giai đoạn các tích tụ điều chỉnh trên đạt tới ngưỡng và đủ xung lực tạo bùng nổ thể chế về chất, hoặc trong bối cảnh lịch sử đặc biệt, được thúc đẩy nhanh hơn bởi cộng hưởng các sức ép từ điều kiện khách quan và ý chí mãnh liệt chủ quan, tạo ra những cải cách mang tính cấp tiến, đột phá, bước ngoặt, cách mạng. Những thể chế mới tạo ra, nếu phù hợp có thể đem lại cả sự lo ngại rủi ro, cũng như sự kỳ vọng lớn lao vào những lợi ích tiềm năng có được của chu kỳ phát triển mới.

Quá trình 30 năm đổi mới Việt Nam đã có nhiều thay đổi cơ bản về thể chế, như thừa nhận và bảo vệ quyền sở hữu tư nhân, quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng giữa các doanh nghiệp, thành phần kinh tế, mở “room” ngày càng rộng hơn trong thu hút đầu tư nước ngoài, tuân thủ ngày càng đầy đủ hơn các cam kết hội nhập quốc tế và nhiều  thể chế kinh tế mới ngày càng mang tính thị trường hơn, đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và tạo động lực, nền tảng ban đầu quan trọng cho sự phát triển doanh nghiệp nói riêng, kinh tế đất nước nói chung với nhiều thành tựu đáng ghi nhận,được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự bất cập về phân định thành phần kinh tế đã gây ra nhiều định kiến xã hội dai dẳng và sự phân biệt đối xử đối giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế cả trong nhận thức, chính sách, tâm lývà hành động; thậm chí, gây tâm lý e ngại, làm chậm quá trình sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, giải thể, phá sản các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoặc các hợp tác xã (HTX) thua lỗ, bất lợi cho sự đồng thuận xã hội và phát huy hiệu quả nội lực đất nước. Việc cải cách DNNN chậm có nguyên nhân từ việcNhà nước vẫn duy trì những chính sách ưu đãi đối với DNNN. Nhận thức về vai trò, vị trí của DNNN và yêu cầu sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN còn khác nhau. Nỗi ám ảnh về “thành phần” làm cho doanh nghiệp và cả những người thực thi công vụ cũng e dè, ngần ngại mỗi khi phải giải quyết những vấn đề liên quan đến lợi ích của khu vực tư nhân. Một bộ phận doanh nhân “vừa làm, vừa lo”, làm ăn kiểu “chụp giật” hoặc “lách luật”, che giấu vốn, doanh thu, lợi nhuận. Ngược lại, một số doanh nghiệp tư nhân (DNTN) thì tự “thổi phồng”, khai vống vốn điều lệ và năng lực, kinh nghiệm để đánh bóng với hy vọng đủ tiêu chuẩn dự thầu và có lợi thế trong cạnh tranh, thắng thầu với các DNNN và doanh nghiệp có vốn FDI. Đa số DNTN tập trung nhiều vào những ngành nghề đòi hỏi vốn ít, thời gian thu hồi vốn nhanh; tính liên kết cộng đồng còn yếu, kém bền vững. Các quan hệ hợp tác, liên kết, hỗ trợ nhau mới chủ yếu “khép kín”  trong từng thành phần kinh tế... Ngoài ra, các DNTN còn gặp những khó khăn hơn so với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác về tiếp cận những điều kiện đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh. Nhiều địa phương còn tình trạng thiếu đất cho các doanh nghiệp, trong khi tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung còn thấp.

Hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp còn yếu, chưa thu hút được nhiều hội viên, do thiếu kinh nghiệm, điều kiện hoạt động còn hạn chế, và thiếu sự quan tâm đồng bộ của các cấp, ngành liên quan.

Công tác quản lý nhà nước về phát triển đồng bộ các thị trường và trợ giúp các thể chế thị trường còn lúng túng, hạn chế, đặc biệt, về cung cấp thông tin, tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực, bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Định kiến và nhiều thủ tục chưa hợp lý đã gây khó khăn và tăng chi phí trong việc tiếp cận nguồn tín dụng chính thức. Khung pháp lý cho việc hình thành thị trường lao động vẫn chưa hoàn chỉnh, chưa tạo được cân bằng quyền lợi giữa người lao động và người sử dụng lao động. Nhiều quy định pháp lý về bản quyền, về phát minh và chuyển giao công nghệ vẫn chưa đi vào cuộc sống, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh. Chưa có những quy định pháp lý tạo điều kiện cho các DNTN tiếp cận với nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho nghiên cứu và triển khai. Thiếu những quy định và chế tài hiệu quả bảo vệ cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, bảo vệ người tiêu dùng trong xã hội. Thiếu những quy định và chính sách cần thiết tạo điều kiện cho các DNTN xâm nhập và mở rộng thị trường quốc tế, làm giảm lợi thế kinh doanh, gây thiệt thòi cho cả bản thân doanh nghiệp và cộng đồng, khiến nền kinh tế phát triển dưới mức tiềm năng.

Những vấn đề tồn tại nêu trên có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu do sự phân biệt giữa các thành phần và định kiến với khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa được đổi mới một cách cơ bản; chức năng và tổ chức của bộ máy Nhà nước, nhất là trình độ và trách nhiệm của đội ngũ công chức chưa đáp ứng được yêu cầu mới, cũng như những đòi hỏi chính đáng của doanh nghiệp. Cả ở cấp Trung ương và địa phương, một số chủ trương chưa đi liền với kế hoạch, cơ chế, trách nhiệm triển khai cụ thể, kịp thời, thậm chí được thực hiện một cách hình thức. Chưa xử lý hài hoà và hiệu quả một số vấn đề về nội dung, phương thức, mức độ quản lý nhà nước đối với các thành phần kinh tế...

2. Một số yêu cầu và đột phá thể chế để phát triển các doanh nghiệp

Thứ nhất, ưu tiên đột phá về chuẩn giá trị (vĩ mô và vi mô); đột phá về cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia (lãnh thổ, tài nguyên, môi trường, kinh tế, con người, lòng tin và truyền thống tốt đẹp…) và đột phá về công tác cán bộ.

Quá trình phát triển vàhội nhập quốc tế trong thời kỳ mới đòi hỏi phải quan tâm và đẩy nhanh hơn việc xây dựng và hoàn thiện các chuẩn giá trị chuẩn quốc gia cần thiết cả về lý luận, chính trị, luật pháp và đạo đức xã hội tạo định hướng phát triển, đo lường đúng-sai và tạo đồng thuận cao cả trong và ngoài nước, giảm thiểu những lệch lạc, tiêu cực cả vĩ mô và vi mô. Đột phá về cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia và cơ chế cán bộ đòi hỏi tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các cấu trúc thể chế, hệ thống chính trị, bộ máy quản lý, đặc biệt là tiêu chuẩn và quy trình công tác cán bộ, khắc phục tình trạng bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình, nhưng không bảo đảm chất lượng với những hệ luỵ tiêu cực to lớn và lâu dài cho xã hội; nâng cao tính thuợng tôn pháp luật, trách nhiệm giải trình, năng lực, hiệu lực và và chất lượng quản lý nhà nước, phát triển các thể chế thị truờng tiên tiến và hiệu năng cao, tăng cường giám sát xã hội, bảo đảm an ninh, an toàn kinh tế-tài chính và kiểm soát tham nhũng, khắc phục lối tư duynhiệm kỳ gắn với lợi ích nhóm, thực hiện tốt các đề án tái cơ cấu, nhất là tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế và phát triển đồng bộ các thể chế thị trường, góp phần giải phóng động lực, củng cố lòng tin, nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh phát triển bền vững…

Thứ hai, xóa bỏ những thể chế kìm hãm doanh nghiệp, điều chỉnh những thể chế làm lệch lạc, lãng phí các nguồn lực doanh nghiệp, xây dựng những thể chế cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển lành mạnh, hiệu quả.

Phân biệt rõ các khái niệm sở hữu, khu vực kinh tế và loại hình doanh nghiệp, trong đó thay cụm từ "thành phần kinh tế" bằng cụm từ "khu vực kinh tế" hoặc “loại hình kinh tế”và giảm sự phân loại từ 5 thành phần xuống còn 3 khu vực, gồm  kinh tế nhà nước,kinh tế ngoài nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này là cần thiết để loại bỏ những thành phần kinh tế“rỗng”, không có nội hàm, tiêu chí, không được đưa vào thống kê nhà nước và cũng không được điều chỉnh bởi các quy định pháp lý có liên quan.

Đặc biệt, cần khắc phục sự định kiến về kinh tế tư nhân, cũng như những định kiến về kinh tế nhà nước và DNNN, hiểu đúng về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và cơ chế quản lý DNNN. Coi trọng cả hạn chế độc quyền nhà nước (nhất là trong lĩnh vực kinh doanh vì lợi nhuận), cũng như  kiểm soát độc quyền tư nhân (đang biểu hiện khá rõ trong kinh doanh các sản phẩm sữa, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, nước uống có ga và nhiều sản phẩm, dịch vụ khác), nhằm ổn định và cạnh tranh lành mạnh, đúng quy trình và yêu cầu của kinh tế thị trường có điều tiết vĩ mô nhà nước. Tạo lập và duy trì ổn định các điều kiện thể chế và những yếu tố khách quan có liên quan để đảm bảo sự phát triển và quản lý phát triển các thành phần kinh tế trên cơ sở ngày càng tự do hóa, bình đẳng hóavà phù hợp với cơ chế thị trường, cũng như các cam kết hội nhập quốc tế và thông lệ thế giới, tăng cường sự hợp tác, gắn kết giữa các doanh nghiệp và thành phần kinh tế, cũng như tạo sự đồng thuận xã hội cao.

Thứ ba, đột phá về năng lực xây dựng và chất luợng văn bản pháp lý doanh nghiệp

Trong quá trình chuyển đổi và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục soạn thảo, thông qua và chỉnh lý các văn bản tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, phù hợp với các nguyên tắc thị trường, yêu cầu và cam kết hội nhập, không ngừng cải thiện môi truờng kinh doanh cho doanh nghiệp và từng bước xây dựng, củng cố nhà nước pháp quyền XHCN, đáp ứng các mục tiêu quản lý và phát triển đất nước trong tình hình mới... Các cơ quan chức năng ở các cấp quản lý nhà nước, các Bộ, ngành và địa phương có liên quan đã có nhiều cố gắng bảo đảm chất lượng văn bản pháp lý do minh soạn thảo; quá trình kiểm tra, xử lý các văn bản trái pháp luật cũng ngày càng đi vào nề nếp, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta.

Để nâng cao chất lượng các văn bản luật và quy phạm pháp lý các cấp trong quản lý nhà nước, cần bảo đảm việc hoàn thiện và tuân thủ đúng các quy định phân cấp quản lý nhà nước; chấp hành nghiêm túc quy trình soạn thảo, lấy ý kiến, phản biện, thẩm định, kiểm tra và thông qua các văn bản quy phạm pháp lý; tăng cường đào tạo, chấn chỉnh và nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp, kỷ luật công vụ và trách nhiệm cá nhân của đội ngũ nhân lực trực tiếp tham gia soạn thảo và thực thi văn bản pháp lý.Đồng thời, nhận diện và ngăn chặn các biểu hiện lạm dụng thẩm quyền, vì lợi ích cục bộ địa phương hoặc các biểu hiện tư duy nhiệm kỳ trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật

Thứ tư, đột phá về triển khai và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực tế các luật định liên quan đến doanh nghiệp, cần sớm xúc tiến việc tách chức năng quản lý nhà nước về kinh tế với chức năng quản lý sản xuất kinh doanh, chức năng hành chính với chức năng dịch vụ công, hoạt động kinh doanh vị lợi nhuận với các hoạt động công ích, phi lợi nhuận; xây dựng một nền hành chính hiệu quả và minh bạch, phân định và làm rõ các quy chế pháp lý khác nhau đối với các loại cơ quan, phân rõ quyền hạn và trách nhiệm của sở, ban, ngành, phối hợp với các bộ liên quan, tránh tình trạng quản lý chồng chéo, đùn đẩy công việc và trách nhiệm; giảm bớt quyền của cơ quan và công chức nhà nước từ Trung ương đến địa phương, nhất là quyền “thẩm định”, “phê duyệt”, “chấp thuận”, quyền cho phép và cấp phép kinh doanh để chuyển mạnh sang hướng dẫn, kiểm tra, xử lý việc thực thi pháp luật, đánh giá và hoàn thiện chính sách. Nâng cao năng lực đi đôi với phải làm rõ được trách nhiệm của công chức trong thi hành công vụ.

Đặt khu vực kinh tế nhà nước ngày càng bình đẳng với các khu vực kinh tế ngoài Nhà nước về pháp luật và điều kiện tiếp cận, sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra của doanh nghiệp trong sự cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật và nguyên tắc thị trường; xây dựng, triển khai các công cụ quản lý và hỗ trợ mới đối với khu vực KTTN, chuyển từ mục đích "quản chặt doanh nghiệp" sang "hỗ trợ doanh nghiệp" bằng định hướng chính sách khuyến khích, thông tin và phát triển ổn định thị trường tiêu thụ theo ngành, sản phẩm, địa bàn chứ không theo từng doanh nghiệp, dự án cụ thể hoặc tính chất sở hữu.

Xây dựng hệ thống lý lịch tư pháp công dân, hệ thống thông tin doanh nghiệp, hệ thống đăng ký thế chấp, cầm cố tài sản… được nối mạng nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, cũng như quản lý nhà nước và phòng tránh, giảm thiểu các rủi ro tín dụng, kinh doanh, các hành vi vi phạm sở hữu thương hiệu, sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp và các vi phạm bản quyền, an ninh, trật tự an toàn văn minh thương mại và thị trường khác. Tăng cường phân cấp quản lý kinh tế - xã hội cho các cấp chính quyền địa phương theo phương châm việc nào mà cấp nào, đơn vị nào làm nhanh, hiệu quả nhất thì giao cho cấp đó, đơn vị đó đảm nhận. Thúc đẩy CCHC nhằm thống nhất, đơn giản hoá và hiện đại hoá các quy trình, thủ tục, công nghệ và tiêu chuẩn quản lý doanh nghiệp ngày càng tiếp cận với yêu cầu và trình độ quốc tế. Đổi mới căn bản công tác cán bộ và quản lý DNNN theo hướng thi tuyển, thuê giám đốc và các chức danh quản lý khác làm việc theo hợp đồng có điều kiện. Gắn chặt và cụ thể hoá những yêu cầu về trách nhiệm, nghĩa vụ với quyền hạn và quyền lợi của giám đốc và các chức danh quản lý DNNN.

Cải cách, tăng cường năng lực và hiệu lực của các định chế và chế tài, kinh tế, hành chính, cũng như bộ máy tư pháp quốc gia và địa phương nhằm bảo vệ có hiệu quả lợi ích Nhà nước, lợi ích doanh nghiệp, doanh nhân và người lao động;phát triển hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm cho doanh nghiệp, bảo hiểm cho nông nghiệp, nông dân và hệ thống phòng ngừa rủi ro.

Đặc biệt, phát triển và tăng cường vai trò các hiệp hội ngành nghề trong xây dựng, ban hành các quy định và hỗ trợ quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Phát triển hệ thống thông tin doanh nghiệp và hệ thống tiêu thức, tổ chức dịch vụ đánh giá xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế; tăng cường năng lực phản ứng chính sách thích nghi nhanh chóng, hiệu quả với các biến động thị trường và bối cảnh chung trong nước và quốc tế, lấy sự phát triển nhanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệu quả kinh tế - xã hội chung, sự cải thiện chất lượng sống mọi mặt của nhân dân và phát triển bền vững làm tiêu chuẩn đánh giá tính đúng đắn của những đột phá thể chế  được lựa chọn...

 

TS Nguyễn Minh phong

                                            Ban Tuyên truyền lý luận, Báo Nhân Dân

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền