Trang chủ    Thực tiễn    Bộ đội biên phòng với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia
Thứ tư, 24 Tháng 9 2014 10:31
2485 Lượt xem

Bộ đội biên phòng với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia

(LLCT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Tăng cường quan hệ, hữu nghị với các nước láng giềng bằng nhiều hình thức ngoại giao nhà nước đến việc thiết lập quan hệ với chính quyền và nhân dân các địa phương sống chung cùng đường biên giới, giải quyết xung đột bằng đàm phán thương lượng”(1) để xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và quản lý bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.

 

Thực hiện chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta đã coi trọng và chủ động thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam để giải quyết các vấn đề về biên giới lãnh thổ và thúc đẩy hợp tác quốc phòng, an ninh, bảo vệ, giữ gìn an ninh, trật tự biên giới. Ngày nay, trong tiến trình hội nhập quốc tế, để phát triển và thực hiện mục tiêu chiến lược: “ổn định lâu dài biên giới quốc gia”, việctiếp tục quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, bền vững có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo môi trường ổn định phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Đây cũng là điều kiện, giải pháp quan trọng để giải quyết triệt để mọi nguy cơ xung đột trên tuyến biên giới.

Bộ đội Biên phòng (BĐBP) là lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, thường xuyên tiếp xúc với bạn bè quốc tế trên toàn tuyến biên giới, đặc biệt với nhân dân và lực lượng bảo vệ biên giới các nước có chung biên giới với nước ta. Xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, bền vững lâu dài là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu hiện nay của BĐBP. Để hoàn thành nhiệm vụ, BĐBP trước hết cần tập trung thực hiện tốt những quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này.

Một là, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Trong tuyên bố về chính sách ngoại giao của Chính phủ ta gửi Chính phủ các nước trên thế giới năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào tôn trọng quyền bình đẳng và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hoà bình và xây đắp dân chủ thế giới”(2). Tư tưởng của Người đã thể hiện rõ lập trường nhất quán trong chính sách đối ngoại của Chính phủ Việt Nam là tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị nhưng phải tôn trọng độc lập, chủ quyền lãnh thổ của nhau mối quan hệ giữa các quốc gia phải bình đẳng, chống sự áp đặt, cường quyền, nước lớn.

Thực tiễn đã chứng minh, mối quan hệ hoà bình, hữu nghị, hợp tác và ổn định giữa các nước có chung biên giới chỉ được xây dựng khi các bên tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Do vậy, trong quản lý, bảo vệ biên giới, BĐBP luôn nắm vững và chấp hành nghiêm các hiệp ước, hiệp định mà nước ta đã ký kết với các nước; tuân thủ luật pháp quốc tế để duy trì, giữ vững độc lập, chủ quyền lãnh thổ.

Trong giải quyết những vấn đề nảy sinh trên biên giới có liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc, địa phương và nhân dân hai bên biên giới, BĐBP luôn quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đối ngoại của Đảng, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên tinh thần bình đẳng, không áp đặt và can thiệt vào công việc nội bộ của nhau; không làm phương hại đến lợi ích quốc gia, tạo ra sự đồng cảm, nhất trí cao. Đồng thời, thường xuyên tham mưu cho cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương tạo dựng quan hệ với chính quyền địa phương đồng cấp của nước láng giềng nhằm hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật,… và giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng trên tinh thần đoàn kết, hiểu biết, hòa hiếu, cả hai cùng có lợi, vì sự ổn định và phát triển hai bên biên giới hòa bình, hữu nghị, bền vững lâu dài.

Nhằm giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và xây dựng mối quan hệ tin cậy lẫn nhau, các lực lượng vũ trang nói chung và BĐBP nói riêng, tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức quốc gia, quốc giới, chủ quyền, độc lập dân tộc và vận động nhân dân tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của bạn, ứng xử trên biên giới với tinh thần bình đẳng, hữu nghị. Tích cực tham gia xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh toàn diện, đặc biệt là các xã, phường biên giới, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận biên phòng toàn dân và an ninh nhân dân, tạo nên sức mạnh tại chỗ để quản lý, bảo vệ  biên giới và sẵn sàng giúp bạn khi bạn yêu cầu. Đồng thời, nâng cao vị thế của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Ta có mạnh thì họ mới không đếm xỉa đến, ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay kẻ khác, dẫu kẻ ấy là đồng minh của ta”(3).

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia là một bộ phận gắn liền với bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ. Vì vậy, khi nói chuyện với cán bộ cao cấp của lực lượng Công an vũ trang (nay là BĐBP), Người đã căn dặn: “Một mảnh đất, một ngọn suối, một rừng cây, một đảo nhỏ nơi biên giới, vùng biển là chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, ta phải kiên quyết bảo vệ”. Đồng thời, Người đề cao tình đoàn kết, hữu nghị với các nước: “Quan sơn muôn dặm một nhà/Bốn phương vô sản đều là anh em”.

Đối với nhân dân Lào anh em, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”; với nhân dân Campuchia, Người chỉ rõ: Hai dân tộc luôn đoàn kết chặt chẽ chống kẻ thù chung; với nhân dân Trung Quốc, Người khẳng định đó là mối quan hệ “vừa là đồng chí vừa là anh em”. Những mối quan hệ truyền thống ấy phải được duy trì, củng cố, phát triển để làm cơ sở cho quan hệ hợp tác quốc tế cho các thế hệ sau. Tư tưởng của Hồ Chí Minh là những giá trị chân lý, bài học kinh nghiệm quý báu để lại cho dân tộc ta. Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, BĐBP luôn kiên định về nguyên tắc phải giữ vững độc lập chủ quyền lãnh thổ, đồng thời phải có những biện pháp, giải pháp và đối sách linh hoạt, mềm dẻo; tuỳ trường hợp cụ thể mà xác định mặt hợp tác, mặt đấu tranh cho phù hợp, không nên chỉ chú trọng đến đối sách đấu tranh mà quan trọng là cần nắm bắt được chiều hướng phát triển của vấn đề - sự kiện, phán đoán và dự báo được khả năng phát triển của tình hình trên khu vực biên giới để chủ động đề xuất những phương án giải quyết trước mắt và lâu dài, vừa bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, vừa giữ được quan hệ hữu nghị với các nước có chung đường biên giới.

Hai là, giải quyết các vấn đề trên biên giới bằng đàm phán thương lượng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất yêu chuộng hoà bình và suốt đời phấn đấu cho hoà bình của dân tộc Việt Nam và các dân tộc trên thế giới. Nhưng theo Người, hoà bình phải gắn với độc lập, tự do và chủ quyền đất nước, kiên trì quan điểm lấy đối thoại thay cho đối đầu, đối thoại trên cơ sở tình, lý để phân giải các mối bất hoà. Người cho rằng: “Cần có chính sách đúng đắn, phải làm sao vui lòng được mọi người...”(4) và căn dặn: “Phải nắm vững nguyên tắc cứng rắn với sách lược mềm dẻo… lạt mềm nhưng buộc chặt”(5).

Thực tiễn biên giới, vùng biển, đảo chủ quyền của nước ta do lịch sử để lại còn nhiều vấn đề phức tạp dễ dẫn đến tranh chấp, xung đột vũ trang. Hơn nữa, do điều kiện địa lý nên biên giới Việt Nam với các nước là biên giới mở; các mối quan hệ thân tộc, dân tộc hai bên biên giới còn nhiều vấn đề cần phải được nghiên cứu giải quyết. Vì vậy, những nảy sinh trên biên giới giữa hai bên như: xâm canh, xâm cư, nhu cầu hưởng lợi từ nguồn nước trên sông, suối biên giới, thậm chí chỉ là những khu vực chăn thả gia súc trên biên giới… cũng là những nguyên nhân dễ dẫn đến bất đồng trong quan hệ hai bên. Cần giải quyết những vấn đề trên bằng đối thoại trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của nhau và chiếu cố đến lợi ích của nhau thì mới bảo đảm giữ được chủ quyền lãnh thổ, đồng thời tăng cường được tình đoàn kết, hữu nghị. Ngược lại, chính quan hệ đoàn kết, hữu nghị lại tạo ra bầu không khí cởi mở, thông cảm và hiểu biết lẫn nhau, giúp cho đàm phán giải quyết mọi vấn đề trên biên giới được nhanh chóng, thuận lợi.

Quán triệt và vận dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh về giải quyết các vấn đề về biên giới quốc gia, BĐBP đã phối hợp với các ban, ngành tham mưu cho Đảng, Nhà nước đàm phán giải quyết với các nước về vấn đề biên giới ở cấp vĩ mô. Ở các địa phương, BĐBP tham mưu cho cấp uỷ đảng, chính quyền cấp tỉnh, huyện, xã biên giới xây dựng quan hệ với chính quyền đồng cấp của bạn để trao đổi tình hình, bàn bạc giải quyết các vấn đề thấu tình, đạt lý mà hai bên đều chấp nhận. Trong quan hệ với lực lượng bảo vệ biên giới các nước có chung biên giới với nước ta, BĐBP đã phát huy yếu tố tương đồng, nhu cầu về sự ổn định của mỗi nước để thương lượng, nhân nhượng lẫn nhau. Trong đó, với Trung Quốc ta dựa vào quan hệ hữu nghị truyền thống và phương châm 16 chữ vàng: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Với Lào phát huy mối quan hệ hữu nghị đặc biệt vốn có, củng cố, vun đắp tình hữu nghị, đập tan mọi âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề biên giới chia rẽ, phá hoại. Với Campuchia, khơi dậy mối quan hệ truyền thống trong chiến đấu chống kẻ thù chung, tranh thủ lực lượng tiến bộ của bạn làm thất bại mọi âm mưu gây mất ổn định trên biên giới. Các đồn biên phòng vì lợi ích chung, toàn cục, luôn tự kiềm chế, khắc phục tư tưởng nóng vội, manh động, luôn bình tĩnh, tỉnh táo sử dụng đối sách có trọng điểm, tùy thuộc vào từng vụ việc, từng thời điểm, từng đối tượng để lựa chọn phương thức thích hợp; tổ chức các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại để tạo bầu không khí hoà dịu, thuận lợi cho giải quyết các vấn đề chung.

Ba là, vừa hợp tác, vừa đấu tranh trên tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để cùng bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới và xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác ổn định lâu dài.

Hợp tác và đấu tranh là hai mặt của những quan hệ quốc tế trong tình hình mới. Trong hợp tác, các đối tác chưa hẳn đã thống nhất nhau về lợi ích, vì vậy cần phải đấu tranh để bảo đảm lợi ích mỗi bên và hợp tác được bền vững; đấu tranh đồng thời cũng là động lực để hợp tác phát triển. Nắm bắt được tính tất yếu của hợp tác và đấu tranh trong quan hệ quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra nguyên tắc: “Sẵn sàng thân thiện, hợp tác chặt chẽ trên nguyên tắc bình đẳng để ủng hộ lẫn nhau trong sự xây đắp và giữ vững nền độc lập”(6).Tư tưởng của Người là hợp tác không phải trên cơ sở áp đặt, ảnh hưởng đến chủ quyền của nhau mà cần phải đấu tranh hạn chế tối đa những tác động xấu, tạo sự tin tưởng lẫn nhau. Mặt khác, hợp tác là thân thiện, tương trợ, ủng hộ, giúp đỡ nhau tạo ra sức mạnh cộng đồng có lợi cho các bên.

Biên giới, vùng biển của ta vẫn tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn định có thể dẫn tới tranh chấp, căng thẳng trên khu vực biên giới trọng điểm. Các thế lực thù địch lôi kéo các nước láng giềng gây xung đột biên giới, tạo cớ can thiệp. Vì vậy, hoạt động đối ngoại biên phòng giải quyết các mối quan hệ trên biên giới, lãnh thổ, biển, đảo theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh và phương châm vừa hợp tác, vừa đấu tranh là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm giữ vững chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc, đồng thời cũng là mục tiêu xây dựng và củng cố biên giới hoà bình, hữu nghị và bền vững lâu dài. BĐBP cần theo dõi, nắm chắc tình hình, vận dụng quy luật hợp tác, đấu tranh trong quan hệ quốc tế vào giải quyết các vấn đề phát sinh trên biên giới đất liền và trên biển, đảo với các nước láng giềng theo đúng luật pháp, tập quán quốc tế và bảo đảm lợi ích các bên. Trong đấu tranh phải giữ vững nguyên tắc, không thoả hiệp, nhân nhượng, nhưng không cứng nhắc, rập khuôn; linh hoạt về hình thức, phương pháp, mềm dẻo về sách lược, lấy mục tiêu giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ làm mục tiêu tối cao. Đẩy mạnh tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để tạo mối quan hệ hoà hiếu hai bên, đồng thời thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực nhằm đẩy lùi lấn chiếm, giảm tải căng thẳng đối đầu trên biên giới. Giải quyết đúng đắn mối quan hệ hợp tác và đấu tranh trên biên giới sẽ tạo được sự tin cậy lẫn nhau, tăng điểm tương đồng và hạn chế bất đồng, đó cũng chính là điều kiện môi trường cho BĐBP xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị và phát triển bền vững lâu dài.

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2014

(1), (3), (6) Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam và công tác biên phòng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.262, 277, 286.

(2)  Thông tin tổng hợp, Nxb Thông tin lý luận chính trị, Hà Nội, 1990, tr. 114.

(4) Học viện Quan hệ quốc tế: Bác Hồ nói về ngoại giao, Hà Nội, 1994, tr. 27.

(5)  Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí tuệ lớn của nền ngoại giao Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.95.

 

TS Phạm Văn Thùy

Trường Trung cấp 24 Biên phòng

 

 

Thông tin tuyên truyền