Trang chủ    Thực tiễn    Thực hiện "Di chúc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chính sách với người có công
Thứ tư, 24 Tháng 9 2014 10:59
2280 Lượt xem

Thực hiện "Di chúc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chính sách với người có công

(LLCT) - Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Di chúc về những người có công đặt ra những vấn đề rất cơ bản, thể hiện tình cảm, tầm nhìn của Người, vừa tri ân những người có công, vừa tạo điều kiện để người có công trong cách mạng, kháng chiến tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

 Trong lá thư gửi Thường trực Ban tổ chức "Ngày thương binh toàn quốc" đăng báo Vệ quốc quân (Quân đội nhân dân ngày nay) ngày 27-7-1947, Bác viết: "Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy"

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết từ tháng 5-1965. Những năm tiếp theo cứ vào tháng 5, Người xem lại và viết bổ sung. Trong phần viết bổ sung tháng 5-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn Đảng, Chính phủ và toàn dân phải đặc biệt quan tâm và có chính sách đúng đắn với người có công trong sự nghiệp cách mạng và kháng chiến. Người viết:

“Đầu tiên là công việc đối với con người.

Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.

Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.

Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”(1).

Đó là những lớp người đã hy sinh xương máu để làm nên thắng lợi của sự nghiệp cách mạng và kháng chiến. Theo Người, cùng với sự tôn vinh, biết ơn, Đảng, Chính phủ, nhân dân cần có chính sách và các việc làm thích hợp để có sự đãi ngộ xứng đáng đối với những người có công đang còn sống và thân nhân những người đã hy sinh. Điều đó xuất phát từ đạo lý và truyền thống uống nước nhớ nguồncủa dân tộc Việt Nam.

Sinh thời, trong quá trình cùng với Đảng, Chính phủ lãnh đạo cách mạng và kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm khởi xướng các hình thức tôn vinh và chính sách đối với người có công.

Ngày 17-7-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh có Thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức “ngày Thương binh toàn quốc” với mong muốn lấy ngày 27-7 trong năm để tỏ lòng biết ơn với những người đã chiến đấu, hy sinh vì đất nước, vì nhân dân. Thực hiện chỉ thị của Người, hội nghị trù bị đã họp tại Phú Minh, Đại Từ, Thái Nguyên và nhất trí lấy ngày 27-7-1947 là Ngày Thương binh liệt sĩ. Từ đó, ngày 27-7 hằng năm trở thành Ngày Thương binh liệt sĩ.

Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Di chúc về những người có công đặt ra những vấn đề rất cơ bản, thể hiện tình cảm, tầm nhìn của Người, vừa tri ân những người có công, vừa tạo điều kiện để người có công trong cách mạng, kháng chiến tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Người nêu rõ: “Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”(2).

Người chỉ rõ sự nghiệp cách mạng và kháng chiến là của toàn dân, toàn dân đều có công lao to lớn, trong đó có sự đóng góp to lớn của phụ nữ. Người viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”(3).

Tháng 5-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành bản Di chúc lịch sử. Bản Di chúcđã được công bố ngay sau khi Người qua đời ngày 2-9-1969. Trong Di chúc, Người viết về công lao của nhân dân và trách nhiệm của Đảng:

“NHÂN DÂN LAO ĐỘNG ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức, bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh.

Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng.

Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(4).

Phải khẳng định rằng, từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện chính sách với những người có công, trước hết là với thương binh, gia đình liệt sĩ trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trong xây dựng CNXH ở miền Bắc và trên cả nước sau ngày đất nước thống nhất.

Thực hiện Di chúccủa Người về chính sách với người có công, sau ngày đất nước thống nhất, Đại hội IV của Đảng (12-1976) đã nêu rõ quan điểm: “Tổ chức việc săn sóc và giúp đỡ chu đáo anh chị em thương binh, gia đình liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng là một nhiệm vụ lớn của Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể, của các ngành, các cấp và của toàn dân. Nhân dân ta bao giờ cũng trọn nghĩa vẹn tình đối với những người con đã cống hiến đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của đồng bào. Chăm lo tốt việc chữa bệnh và thương tật, bồi dưỡng sức khoẻ của thương binh, cung cấp đầy đủ những phương tiện và dụng cụ chuyên dùng cần thiết, tổ chức chu đáo việc dạy nghề và bố trí công việc thích hợp cho anh chị em. Tận tình săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của thương binh và gia đình liệt sĩ; các chính sách, chế độ đối với thương binh và gia đình liệt sĩ phải được thực hiện đầy đủ. Những người và gia đình có công với cách mạng cần được nêu gương và khen thưởng thích đáng và được giúp đỡ chu đáo những khi gặp khó khăn”(5). Đó là quan điểm cơ bản của Đảng chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện chính sách với người có công.

Đại hội VI của Đảng (12-1986) quyết định đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có đổi mới hệ thống chính sách xã hội, phát huy yếu tố con người và lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất.Chính sách xã hội được xác định một cách có hệ thống và với tư duy mới. Phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện chính sách xã hội. Trong các chính sách xã hội, chú trọng xây dựng chính sách bảo trợ xã hội với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đại hội VI cho rằng, nước ta vừa trải qua các cuộc chiến đấu lâu dài và hiện nay vẫn phải làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và nghĩa vụ quốc tế, số lượng thương binh, cựu binh, gia đình liệt sĩ rất lớn. Cần tổ chức dạy nghề và dành những nghề thích hợp cho thương binh.

“Ưu tiên sắp xếp việc làm, tuyển lao động, tuyển sinh và chăm lo việc học của thương binh, con liệt sĩ, quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

Tổ chức nuôi dưỡng và chăm sóc chu đáo thương binh, bệnh binh nặng, thân nhân liệt sĩ và những người có công với cách mạng già yếu, không nơi nương tựa”(6).

Không chỉ ưu tiên, chăm sóc mà cần thiết phải phát huy vai trò, năng lực của những người có công. “Thu hút các cán bộ hoạt động cách mạng lâu năm, các cựu chiến binh, thương binh tham gia hoạt động chính trị, văn hoá, xã hội bằng nhiều hình thức phù hợp với sức khoẻ và kinh nghiệm của mỗi người, nhất là tham gia công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ”(7).

Công cuộc đổi mới đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế, tạo điều kiện để Đảng, Nhà nước thực hiện tốt hơn các chính sách xã hội, trong đó có chính sách với những người có công với cách mạng và đất nước. Đại hội VII của Đảng (6-1991) nhấn mạnh: “Quan tâm chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng, coi đó vừa là trách nhiệm của Nhà nước, vừa là trách nhiệm của toàn dân; sớm ban hành chế độ toàn dân đóng góp vào quỹ đền ơn, trả nghĩa để chăm lo đời sống thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng”(8).

Quán triệt chủ trương của Đảng, ngày 29-8-1994, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành hai pháp lệnh quan trọng: Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng(gọi tắt là Pháp lệnh ưu đãi người có công) và Pháp lệnh phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng.Hai Pháp lệnh này nhanh chóng được hiện thực hóa trong các chính sách cụ thể với từng đối tượng có công.

Năm 1996, đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, hoàn thành những nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đại hội VIII của Đảng (6-1996) nêu rõ: “Tổ chức tốt việc thi hành Pháp lệnh về người có công, bảo đảm cho những người có công với đất nước và cách mạng có đời sống vật chất và tinh thần ít nhất bằng mức sống trung bình của nhân dân ở nơi cư trú; bồi dưỡng và tạo điều kiện cho con em những người có công với cách mạng tiếp nối sự nghiệp của cha anh. Mở rộng phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ”(9).

Đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế càng đòi hỏi phải thực hiện tốt hơn các vấn đề xã hội, chính sách xã hội và chính sách với người có công. Đại hội IX của Đảng (4-2001) nhấn mạnh thực hiệnchính sách ưu đãi xã hộivà vận động toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đối với các lão thành cách mạng, những người có công với nước, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh và cha mẹ, vợ con liệt sĩ, người được hưởng chính sách xã hội. Đại hội X của Đảng (4-2006) chú trọng nâng cao mức sống về vật chất, tinh thần của người có công ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn.

Đại hội XI của Đảng (1-2011) nêu rõ: “Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công. Giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách người có công, đặc biệt là người tham gia hoạt động bí mật, lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong trong các thời kỳ cách mạng và kháng chiến. Tạo điều kiện, khuyến khích người và gia đình có công tích cực tham gia phát triển kinh tế để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, có mức sống cao hơn mức sống trung bình của dân cư tại địa bàn”(10).

Thực hiện Di chúc của Người, Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước đã chăm lo ưu đãi người có công với tất cả sự quý trọng, biết ơn và khả năng có thể. Chính sách với người có công không chỉ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần mà còn tôn vinh, khen thưởng, ghi nhận công lao với những danh hiệu cao quý có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Chú trọng tìm kiếm và quy tập hài cốt các liệt sĩ về các nghĩa trang hoặc về quê hương. Tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ, các di tích cách mạng, các tượng đài chiến thắng, nhà, bia, công trình tưởng niệm, để làm tốt công tác giáo dục truyền thống và đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, thực hiện chính sách với người có công có ý nghĩa sâu sắc về chính trị, xã hội, đạo đức, đạo lý gắn liền với sự phát triển và sự trường tồn của dân tộc.

Hiện nay, cả nước có 8,2 triệu người có công đang được hưởng chế độ chính sách (chiếm gần 10% dân số). Đảng, Nhà nước ta đang tiếp tục giải quyết chế độ chính sách cho những trường hợp do hoạt động bí mật, đơn tuyến không còn giấy tờ, không còn đồng đội để xác nhận, trên cơ sở bảo đảm đúng đối tượng, không để xảy ra sai sót trong thực hiện chính sách. Kiên quyết xử lý, khắc phục những biểu hiện vô cảm, tiêu cực trong việc thực hiện chính sách với người có công.

Đảng, Nhà nước đã phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, huy động nguồn lực của toàn dân, toàn xã hội trong việc thực hiện chính sách với người có công. Việc thực hiện chính sách với người có công phải luôn luôn đặt trong tổng thể các chính sách xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội và chú trọng phát triển kinh tế như cơ sở vững chắc cho thực hiện các chính sách xã hội và chính sách với người có công.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị 9-2014

(1), (2), (3), (4) Hồ Chí Minh:Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.616, 616-617, 617, 622

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.37, tr.575

(6) (7) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.47, tr.429, 429

(8) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t.51, tr.102

(9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 115

(10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 229-230

 

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền