Trang chủ    Thực tiễn    Báo trên điện thoại di động - xu hướng tiếp nhận của công chúng hiện đại
Thứ năm, 02 Tháng 10 2014 12:05
7469 Lượt xem

Báo trên điện thoại di động - xu hướng tiếp nhận của công chúng hiện đại

(LLCT) - Báo trên điện thoại di động là loại hình báo chí của tương lai bởi những ưu thế vượt trội, như:có thể đo lường, định vị được người dùng, sự tiện ích, cách thể hiện, trình diễn riêng hết sức độc đáo… Hiện nay, đa số các tờ báo lớn trên thế giới đều có thêm kênh di động. Báo di động sẽ trở thành một trào lưu mới.

 

(Đọc báo trên điện thoại, nguồn: internet)

Sự ra đời của điện thoại di động và internet đã làm thay đổi cách thức tiếp nhận thông tin báo chí theo xu hướng ngắn gọn, cá nhân hóa và di động. Xu hướng di động hóa là một hành vi xã hội, chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ công nghệ truyền thông số và văn hóa tiêu dùng của nền kinh tế thị trường hiện nay. Nó làm phong phú thêm môi trường truyền thông, khẳng định vị thế, quyền lực của công chúng báo chí hiện đại và tạo ra xu hướng phát triển mới của báo chí.

Báo trên điện thoại di động (gọi tắt là báo di động) là loại hình báo chí của tương lai bởi những ưu thế vượt trội:Thí dụ trên phiên bản báo điện tử không đo lường, định vị được người dùng, không hình dung được là họ thích cái gì, họ đang ở đâu. Nhưng trên điện thoại di động giải quyết được tất cả các vấn đề đó. Báo di động lôi kéo các độc giả trẻ vì sự tiện ích, bởi cách thể hiện, trình diễn riêng hết sức độc đáo. Hiện nay, đa số các tờ báo lớn trên thế giới đều thêm kênh di động. Báo di động sẽ trở thành một trào lưu mới.

Điện thoại di động với nhiều tiện ích và giá thành rẻ đang được sử dụng nhiều ở nước ta. Ngoài việc sử dụng điện thoại thông minh thì việc hình thành thói quen đọc báo hàng ngày và sàng lọc thông tin trên internet di động là một yếu tố rất quan trọng. Không thể phủ nhận những tính năng giải trí và tác động “cực lớn” của mạng xã hội trong việc kết nối, trao đổi thông tin, tìm kiếm bạn bè.

Thực tế cho thấy phương tiện tiếp nhận khác nhau sẽ tạo ra hiệu quả thông điệp khác nhau. Việc xem báo in trên máy tính không giống như xem trực tiếp một tờ báo giấy, chưa kể đó là những hình ảnh ấn tượng hay phảng phất mùi hương của sản phẩm quảng cáo được đính kèm trên trang bìa của tạp chí chẳng hạn. Việc xem một tờ báo mạng trên máy tính hoàn toàn khác so với việc xem nó trên điện thoại di động, vì giao diện của báo mạng không tương thích với màn hình nhỏ bé của điện thoại di động. Do vậy cần có sự phát triển đúng cho loại hình báo trên điện thoại di động.

Hiện nay,báo di động ở nước ta còn rất sơ khai,đa phần mới chỉ là bản đơn giản của website, chứ chưa phải là tờ báo di động theo đúng nghĩa. Và hầu hết vẫn chỉ là các phiên bản báo mạng điện tử được tải lên mạng di động. Đây là hình thức đa dạng hóa kênh tiếp nhận thông tin của công chúng. Báo di động vẫn là những ấn bản điện tử rất mới và chưa có sự cải tiến đáng kể về nội dung và hình thức tiếp nhận theo yêu cầu về truyền thông cho di động.

Công chúng thường dành rất ít thời gian trong ngày để truy cập mạng internet. Vì thế, họ không có thời gian đọc, nghe, xem toàn bộ thông tin báo chí và họ tiếp nhận thông tin báo chí ở mọi lúc, mọi nơi. Do đó, việc nghiên cứu bối cảnh tiếp nhận là một yếu tố quan trọng để xác định hành vi, hiệu quả tiếp nhận thông tin báo chí trên điện thoại di động.

Công chúng thường tiếp nhận thông tin báo chí trên điện thoại di động trong thời gian ngắn và không có thời điểm cố định. Khi điện thoại di động ngày càng cao cấp và nhiều tính năng hơn, trong khi màn hình lớn hơn và giá lại rẻhơn, nó được coi là nền tảng lý tưởng để cung cấp các thông tin ngắn gọn mọi nơi mọi lúc.

Thời điểm tiếp nhận của công chúng liên quan chặt chẽ đến điều kiện về thời gian, không gian và của hành vi tiếp nhận thông tin. Nói cách khác, đó là tất cả những tác động  xung quanh ảnh hưởng đến hành vi như  nó diễn ra lúc nào, ở địa điểm nào hay trong bối cảnh xã hội nào. Tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể mà công chúng tìm cho mình một phương án tiếp nhận thông tin tối ưu nhất. Do đó, hành vi tiếp nhận thông tin báo chí trên điện thoại di động tuân theo logíc của mối quan hệ giữa phương tiện và mục đích tham gia truyền thông của công chúng.

Hiện nay, việctiếp nhận thông tin có chiều sâu có xu hướngngày càng giảm sút. Thay vào đó là thói quen sử dụng những sản phẩm truyền thông thiên về thỏa mãn giác quan một cách trực tiếp - đó cũng là mặt trái của văn hóa ứng xử truyền thông hiện đại. Đối với họ,sản phẩm truyền thông này càng phải nhanh hơn, nhiều hơn, ngắn hơn, trực tiếp hơn và cũng ít phải động não hơn.

Trong xã hội công nghiệp, công chúng báo chí có rất ít thời gian,trong khi đóthông tin để tiếp nhận trên mạng internet lại quá nhiều. Khi tư duy tiện ích được đề cao thì công chúng có xu hướng đọc, nghe, xem thật nhanh và chỉ đọc những thông tin thật sự cần thiết và “bắt mắt”để tiết kiệm thời gian.

 Trong bối cảnh văn hóa truyền thông thiên về thị giácnhư hiện nay, công chúng không chỉ tiếp nhận thông tin qua nghe, nhìn mà còn bằng các thao tác như chạm, trượt, bấm, vuốt... Cái mà công chúng nhìn thấy trên màn hình điện thoại không chỉ là hình ảnh mà còn phải tương tác được với nó. Chính cách thức tiếp nhận thông tin mới này đã tạo ra những kỹ thuật truyền thông mới như cách xử lý tít, xử lý ảnh, xử lý lead, xử lý đồ họa để khi nhìn vào giao diện của trang báo, độc giả phải dừng lại và đón nhận được nhiều thông tin nhất.

Có thể thấy, hình thức, nội dung và hiệu quả của thông điệp truyền thông trên điện thoại di động đã có sự khác biệt đáng kể so với các loại hình báo chí truyền thống, nó đòi hỏi tính tiện ích, chủ động, linh hoạt và đa chiều trong cách thức tiếp cận thông tin. Đồng thời nó cũng làm cho tin tức được truyền đi theo những cách thức phi truyền thống với những hệ quả không thể đoán trước được.

Có thể chia thông điệp báo chí trên điện thoại di động thành hai loại tương ứng với hai mục đích chính của công chúng: một loại để tiếp cận thông tin và một loại để giải trí. Công chúng bao giờ cũng quan tâm đến những gì gần với họ nhất. Xu hướng này đã quyết định cách thức lựa chọn thông tin để tiếp nhận của công chúng. Nhịp sống công nghiệp đã làm tăng nhu cầu tiếp nhận thông tin của công chúng nhưng mặt khác, tính giải trí cuả các sản phẩm truyền thông cũng tăng lên, tạo ra một phương thức tiếp nhận thông tin báo chí mới theo hướng nhanh hơn, trực tiếp hơn, ngắn gọn hơn. Vì thế, công chúng thanh niên đô thị chủ yếu quan tâm đến các thông tin thời sự xã hội và đời sống.

Ở nước ta hiện nay, báo di động là một thị trường tiềm năng,nhưng chúng ta chưa biết tận dụng để phát triển. Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ chế hoạt động , do đội ngũ người làm báo chưa được đào tạo đểlàm báo cho di động. Có thể thấy lý do khiến báo di động chưa hấp dẫn được công chúng là cách thức truyền truyền thông của nó chưa có sự đột phá, nó vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn báo mạng điện tử mặc dù báo di động mới là tờ báo phù hợp với hành vi tiếp nhận thông tin trên điện thoại di động. Vấn đề làm thế nào để phát triển báo di động và thu hút công chúng đến với kênh thông tin mới này.

Để phát triển báo trên điện thoại di độngdi động ở nước ta, trước tiên phải đào tạo đội ngũ làm báo di động. Người làm báo phải thay đổi tư duy và phong cách làm báo. Đa số các cơ quan báo chí trên thế giới được xem là những doanh nghiệp và họ làm báo là để phục vụ cho khách hàng, cho người tiêu thụ tin tức. Các cơ quan báo chí, đội ngũ làm báo nói chung và báo di động nói riêng ở nước ta cũng cần đặt mình vào vị trí tương tự để hiểu được khách hàng, phục vụ tốt cho khách hàng.

Phải có một chiến lược thông tin đúng đắnvà việc lựa chọn mô hình thông tin nào, chuyên biệt hay tổng hợp phải được tính toán kỹ lưỡng dựa trên nguồn lực về tài chính và con người của mỗi cơ quan báo chí. Và nội dung thông tin báo chí cho di động phải được sản xuất theo xu hướng ưu tiên cho mobile, không phải là đơn thuần đưa nội dung của báo mạng lên mobile, mà cầncó thông tin sản xuất riêng cho mobile.

Muốn làm được điều này, tờ báo phải có ê kíp sản xuất riêng cho mobile và có những dịch vụ bổ trợ riêng chứ không thể coi mobile là một thứ phụ cho báo mạng điện tử. Phóng viên làm báo di động cần được trang bị điện thoại có tính năng mạnh để có thể xây dựng mộttòa soạn di động thực sự nhằm đón đầu một thời kỳ mà các chuyên gia gọi là “thời kỳ truyền thông di động” (mobile media) được dự đoán sẽ diễn ra vào năm 2020 hoặc sớm hơn.

Về hạ tầng công nghệ. Các cơ quan báo chí đã cố gắng đón đầu các hình thức phát hành nội dung mới qua nhiều hình thức thiết bị (nhất là thiết bị di động). Nhưng vấn đề là ở Việt Nam hiện nay có quá nhiều dòng điện thoại thông minh dùng các hệ điều hành khác nhau (như iOS, Window phone, Android, RIM…) và những ứng dụng (apps) được khai thác. Do đó cần phải có một platform (nền tảng ứng dụng) thống nhất. Bộ Thông tin Truyền thông, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí truyền thông cần xây dựng  một chiến lược về công nghệ để thống nhất về nền tảng ứng dụng cho di động, tránh việc cạnh tranh không lành mạnh. Điều này sẽ góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư cho các cơ quan báo chí, tạo cơ hội thuận lợi cho người sử dụng.

Chiến lược về nội dung - chiến lược quan trọng nhất trong phát triển báo di động. Thói quen đọc báo trên điện thoại di động có sự khác biệt rất lớn so với các phương tiện truyền thông khác. Chính vì vậy, nhà truyền thông phải tính toán toàn bộ phương thức sản xuất, từ kỹ thuật xử lý tít, sapô, ảnh, đồ họa... Thông tin phải luôn luônmới,được cập nhậtliên tục, theo phong cách riêng để trong lần nhìnđầu tiên vào trang báo,độc giả phải dừng lại và đón nhận được nhiều thông tin nhất. Trong chiến lược nội dung, yếu tố đồ họa cần được đặc biệt quan tâm,vì thao tác tiếp nhận thông tin của công chúng được thực hiện trên đầu ngón tay, do đó không chỉ đơn giản là hình ảnh mà công chúng còn phải tương tác được với nó.

Chiến lược kinh doanh. Muốn kinh doanh có hiệu quảthì các tờ báo phải được vận hành như các đơn vị kinh doanh. Quảng cáo cho di động phải có tính tương tác cao hơn để thu hút công chúng. Cần tận dụng mạng xã hội để quảng bá thương hiệu cho tờ báo, thậm chí có thể biến nó thành kênh quảng cáo và tăng lượng truy cập của độc giả vào các website báo chí.

Chiến lược về độc giả. Cùng với việc sử dụngphần mềm quản trị nội dung để đo lường hành vi của công chúng, cầncó những nghiên cứu, khảo sátđể theo dõi những thay đổi của công chúng, đặt nhà truyền thông vào vị trícủa độc giảđể hiểu hành vi tiếp nhận thông tin báo chí của họ.

Chiến lược về mạng xã hội. Báo chí phải coi truyền thông xã hội là một đối tác, dùng nó để hỗ trợ quảng bá thương hiệu, hỗ trợ cho hoạt động làm báo, tạo cơ hội cho công chúng đồng sáng tạo nội dung thay vì chỉ có nội dung do tòa soạn đưa ra. Để tận dụng mạng xã hội thì bản thân cáctòa soạn, từng nhà báophải biết sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, coi nónhư một phương tiện làm báo.         

Hiệu quả xã hội của hành vi tiếp nhận thông tin báo chí trên điện thoại di động phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng và tính năng thông minh của loại điện thoại được sử dụng, vào năng lực nhận thức của công chúng. Nhưng trước hết, nó phụ thuộc vào các thiết chế xã hội mà kênh truyền thông đó là một công cụ. Việc thống nhất nền tảng ứng dụng cho báo di động cũng như việc quan tâm nghiên cứu hành vi tiếp nhận thông tin báo chí trên thiết bị di động nói chung và điện thoại di động nói riêng, đến chiến lược mobile của cả hệ thống báo chí có ý nghĩa rất quan trọng để phát triển báo chí trên nền tảng di động trong tương lai.

Để sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả, trước hết, công chúng báo chínhất thiết phải cóthái độ ứng xử “đẹp” và sử dụng nó với mục đích nghiêm túc. Giao tiếp truyền thông lịch thiệp, nhã nhặn, tôn trọngngười khác là những nguyên tắc cao nhất cần phải đảm bảo.Và công chúng cần phải xác định được thông tin của mình thuộc phân khúc nào: giải trí, PR hay thông tin cá nhân để chắt lọc, chọn lựa, suy nghĩ, đánh giá, phân tích, tự rút ra bài học cho bản thân, gia đình, xã hội. Có như vậy, việc đọc báo trên điện thoại di động mới thực sự hữu ích và phát huy tác dụng.

TS Phạm Thị Thanh Tịnh

Khoa Phát thanh - Truyền hình

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền