Trang chủ    Thực tiễn    Một số kinh nghiệm thu hút và trọng dụng nhân tài ở tỉnh Quảng Ngãi
Thứ tư, 26 Tháng 11 2014 17:18
2058 Lượt xem

Một số kinh nghiệm thu hút và trọng dụng nhân tài ở tỉnh Quảng Ngãi

(LLCT) - Quảng Ngãi là tỉnh ven biển, nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định), phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp tỉnh Bình Định, phía Tây giáp tỉnh Kon Tum, phía Đông giáp Biển Đông, có bờ biển dài gần 130 km. Tỉnh có diện tích tự nhiên 5.152,95 km2, dân số 1.227.850 người (tính đến 31-12-2012), số người trong độ tuổi lao động là 745.625 người, chiếm 61,8% dân số. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để có thể đáp ứng được yêu cầu về nguồn lực lao động của tỉnh trong sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

Nhân tài là người có những phẩm chất và năng lực lao động vượt trội, có thể đảm đương những công việc khó khăn, ít người làm được, đạt thành tựu xuất sắc trong một hoặc nhiều lĩnh vực chuyên môn, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Cơ sở của mọi tài năng là lao động sáng tạo, sự khổ luyện và những tư chất vốn có của một con người nào đó. Nguồn nhân tài rất phong phú, nhưng muốn phát hiện, thu hút được nhân tài, phải có cơ chế, chính sách trọng dụng, thu hút nhân tài, thậm chí phải vượt qua những quy định thông thường để mở rộng các kênh thu hút như điều tra, phỏng vấn, công khai chiêu hiền, đãi sĩ, thu thập thông tin, thi tuyển, giới thiệu, tiến cử và tự tiến cử... 

Phát hiện và thu hút nhân tài là phát hiện những người đã bộc lộ rõ tài năng, và nghiên cứu, xây dựng chính sách thích hợp để thu hút được những nhân tài tiềm năng như: sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, ứng viên đạt điểm cao nhất trong các kỳ thi tuyển dụng; sinh viên tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng trên thế giới; những người sớm bộc lộ các năng khiếu đặc biệt...

Chính vì vậy, để phát hiện và tuyển dụng được những người tài giỏi vào khu vực công, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, ... sử dụng nhiều phương pháp, hình thức thu hút nhân tài phù hợp với khả năng, điều kiện của cơ quan và nhu cầu, nguyện vọng của nhân tài, như: Tổ chức các cuộc tiếp xúc, làm việc với các trường đại học để thông tin chính sách sử dụng cán bộ của tỉnh và lựa chọn, sơ tuyển những ứng viên có tiềm năng đang học năm cuối; tổ chức mời gọi; thực hiện tuyển dụng không qua thi tuyển với quy trình rõ ràng, công khai, minh bạch. Trong những năm qua, Tỉnh đã có nhiều hình thức sử dụng, trọng dụng nhân tài, trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

Một là, đánh giá đúng nhân tài. Đánh giá đúng nhân tài được coi là vấn đề cực kỳ quan trọng, quyết định việc bố trí, sử dụng nhân tài đúng hay sai. Nếu đánh giá, trọng dụng nhân tài không đúng sẽ dẫn đến lãng phí nhân tài. Mặt khác, nếu không đánh giá, trọng dụng đúng thì nhân tài có thể quay lưng lại, nản lòng, thui chột, mai một nhân tài của địa phương, của đất nước.

Hai là, tin cậy nhân tài. Sự tin cậy đối với nhân tài là đặc biệt quan trọng trong trọng dụng nhân tài. Tin cậy là giao việc tương xứng với năng lực của từng nhân tài, tạo mọi điều kiện, trước hết là cơ chế để nhân tài thể hiện khả năng của mình. Tin cậy còn là sự mạnh dạn của tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị bố trí nhân tài vào việc khó, việc mới, đòi hỏi cao hơn năng lực hiện có của người tài để thử thách, rèn luyện họ. Tin cậy còn bao hàm cả việc tin tưởng nhân tài sẽ khắc phục được những hạn chế hiện tại khi được giao cương vị cao hơn.

Ba là, tôn vinh, trọng dụng nhân tài. Tôn vinh là sự ghi nhận, đánh giá đúng mức, biểu dương kịp thời những cống hiến của nhân tài. Hậu đãi là áp dụng chế độ đãi ngộ đặc biệt cho nhân tài cao hơn so với những người bình thường. Chế độ hậu đãi có nhiều hình thức: trả lương cao, nâng lương sớm; có phụ cấp ưu đãi; bố trí phương tiện đi lại và phương tiện làm việc thuận lợi;... Những hình thức, phương pháp nêu trên được Tỉnh ủy Quảng Ngãi lãnh đạo vận dụng linh hoạt trong thực tế sử dụng, trọng dụng nhân tài, góp phần phát triển nguồn nhân lực, nhân tài của địa phương.

Từ thực tế thu hút và trọng dụng nhân tài ở tỉnh Quảng Ngãi thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm bước đầu:

Một là, Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng phải luôn nghiên cứu, quán triệt kịp thời, sâu sắc các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thu hút và trọng dụng nhân tài đến các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành ở địa phương, tạo ra quyết tâm cao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thu hút và trọng dụng nhân tài. Thực hiện công tác cán bộ nói chung, công tác thu hút và trọng dụng nhân tài nói riêng phải gắn chặt với công tác xây dựng Đảng; đồng thời, phải trực tiếp và thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các thành viên trong hệ thống chính trị thực hiện tốt các yêu cầu đề ra; xác định trách nhiệm, phân công, phân cấp cụ thể, định kỳ sơ kết, tổng kết thực tiễn rút kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung kịp thời những điểm bất hợp lý trong việc thu hút và trọng dụng nhân tài cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh khách quan và yêu cầu của mỗi giai đoạn phát triển của tỉnh, của đất nước.

Hai là,các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách đã ban hành để đề ra biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời công tác phát triển nguồn nhân lực, nhân tài của địa phương. Trong quá trình thực hiện các chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài, bên cạnh việc có chính sách tốt thì vấn đề bố trí, sử dụng và đề bạt cán bộ đúng năng lực, sở trường là rất quan trọng. Đối với những cán bộ tài năng nổi trội, liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp nhiều sáng kiến cho địa phương, đơn vị, chiều hướng phát triển nhanh, có thể tham mưu đề xuất đề bạt, bổ nhiệm vượt cấp, nhằm thúc đẩy nhân tài ngày càng phát triển, nảy nở.

Ba là,cơ quan tham mưu về công tác tổ chức cán bộ nói chung và việc thực hiện thu hút, trọng dụng nhân tài nói riêng có vai trò quan trọng trong việc tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ. Vì vậy, các cấp ủy đảng cần thường xuyên quan tâm kiện toàn tổ chức, bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, trung thực, công tâm, khách quan, trách nhiệm, có năng lực trình độ tham mưu cho cấp ủy trong công tác tổ chức cán bộ.

Bốn là,nắm vững và thực hiện đầy đủ nguyên tắc Đảng lãnh đạo; xác định vai trò và tầm quan trọng của công tác “phát triển nguồn nhân lực, nhân tài là nhiệm vụ đột phát của tỉnh, vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược”, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy đảng, đoàn thể, cơ quan, đơn vị để thực hiện tốt công tác đào tạo, thu hút và trọng dụng nhân tài là mục tiêu chiến lược trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

 

Tôn Long Hiếu

                                                            Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền