Trang chủ    Thực tiễn    Một số kinh nghiệm về công tác dân vận của chính quyền trong xây dựng nông thôn mới ở Hải Phòng
Thứ hai, 01 Tháng 12 2014 11:18
3352 Lượt xem

Một số kinh nghiệm về công tác dân vận của chính quyền trong xây dựng nông thôn mới ở Hải Phòng

(LLCT) - Hải Phòng là đô thị loại 1, gồm 7 quận (Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân, Dương Kinh, Đồ Sơn, Kiến An và Hải An), 6 huyện (Thủy Nguyên, Hải An, An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo) và 2 huyện đảo (Cát Hải, Bạch Long Vĩ) với 228 xã, phường và thị trấn (70 phường, 10 thị trấn và 148 xã).
Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng, Hải Phòng được xác định là một cực tăng trưởng của vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh). Hải Phòng là đầu mối giao thông đường biển phía Bắc; là trung tâm kinh tế - khoa học - kỹ thuật tổng hợp của vùng duyên hải Bắc Bộ và là một trong những trung tâm phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước (Quyết định 1448 /QĐ-TTg ngày 16-9-2009 của Thủ tướng Chính phủ).
 

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, Thành uỷ Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 16-7-2012 về xây dựng nông thôn mới Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết số 09/2012/NQ-HĐND ngày 20-7-2012 về nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nông thôn mới thành phố Hải Phòng giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020; UBND thành phố Hải Phòng ban hành Kế hoạch số 7469/KH-UBND ngày 5-11-2012 triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2012 - 2020, xây dựng các kế hoạch cụ thể triển khai tới từng huyện để các xã đăng ký thực hiện. Theo đó đã có 6/8 huyện có đăng ký với tổng số là 41 xã. Hiện đã có 1 xã đạt 15/19 tiêu chí; 2 xã đạt 14/19 tiêu chí và 2 xã đạt 3/19 tiêu chí. Đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao, người nông dân ngày càng đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Có được những kết quả trên, một nhân tố quan trọng là chính quyền các cấp đã thực hiện tốt công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới. Từ thực tế công tác dân vận của chính quyền, rút ra một số kinh nghiệm bước đầu sau đây:
Một là, nhận thức đúng vai trò của nông dân, nông nghiệp, nông thôn trong phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở, thường xuyên coi trọng và làm tốt công tác dân vận chính quyền. Đây là vấn đề quan trọng, quyết định đến hiệu quả của công tác dân vận chính quyền ở Hải Phòng trong xây dựng nông thôn mới, là tiền đề thực hiện khối đại đoàn kết toàn dân.
Qua thực tiễn cho thấy, nơi nào chính quyền nhận thức đúng, lấy mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị địa phương vững mạnh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, xây dựng khối đoàn kết trong nông thôn và toàn xã hội làm nội dung công tác trọng tâm và tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, thì kinh tế - xã hội phát triển, phong trào nông dân mới mạnh mẽ, người nông dân ngày càng tin tưởng vào cấp uỷ, chính quyền, tình hình địa phương sẽ được ổn định. Ngược lại, nơi nào chính quyền chưa quan tâm và tập trung đúng mức cho công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới, thì phong trào nông dân hoạt động kém hiệu quả, đời sống người nông dân gặp khó khăn, lòng tin đối với với tổ chức Đảng, chính quyền giảm sút. Thậm chí, có nơi mất ổn định, như vụ việc ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng.
Hai là, để công tác dân vận của chính quyền đạt kết quả cao, phải xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, có sự phối hợp chặt chẽ các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực, mọi tiềm năng trong xã hội, tạo ra sức mạnh tổng hợp, cùng thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận.
Để làm tốt công tác dân vận cũng như những nhiệm vụ khác của địa phương, bộ máy chính quyền huyện phải thực sự trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín để lôi cuốn, tập hợp nông dân. Để đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, đòi hỏi ủy ban nhân dân huyện phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể để cùng phối hợp tạo sức mạnh trong công tác dân vận, tạo sự đồng thuận của xã hội, tạo điều kiện để kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh, bền vững, giải quyết kịp thời những bức xúc của nông dân.
Ba là, luôn bám sát đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cụ thể hoá thành chủ trương, nghị quyết, chương trình hành động của địa phương, tập trung chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết kịp thời những bức xúc trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bảo đảm dân chủ và công bằng xã hội.
Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền ở Hải Phòng luôn nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận dụng sáng tạo, linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi cơ sở; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề bức xúc trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất và triển khai các vấn đề văn hoá - xã hội, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở…Thông qua đó nguyện vọng chính đáng, lợi ích thiết thực của người dân được đáp ứng, nông dân hết sức phấn khởi, đồng tình và tích cực tham gia các phong trào.
Thực tế cho thấy tình trạng ở một số địa phương, người dân khiếu kiện vượt cấp làm cho tình hình không ổn định, nguyên nhân là do chưa giải quyết thoả đáng những vấn đề về lợi ích kinh tế. Do đó, để xây dựng nông thôn ổn định và phát triển phải tập trung giải quyết kịp thời những bức xúc của nông dân, đảm bảo hài hoà lợi ích, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo, thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Bốn là, thường xuyên đổi mới nội dung và cách thức công tác dân vận. Nội dung công tác dân vận phải gắn chặt với nhiệm vụ của địa phương, phải rất cụ thể, thiết thực đi thẳng vào những vấn đề bức xúc, những vấn đề nông dân băn khoăn mong mỏi Đảng, chính quyền giải quyết. Tránh tình trạng hô hào chung chung, đưa ra những nội dung không khả thi, không thiết thực với dân.
Chất lượng, hiệu quả công tác dân vận phụ thuộc vào cách thức thực hiện, có cách thức phù hợp thì nội dung mới được thể hiện sinh động trong thực tiễn. Nội dung và hình thức vận động nông dân luôn đòi hỏi cấp uỷ, chính quyền phải cụ thể hoá, bám sát cơ sở, trước hết cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, phải “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Phải hết sức coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục và đảm bảo công khai, dân chủ trong mọi việc.
Năm là, thường xuyên quan tâm đổi mới hoạt động của Hội Nông dân, chăm lo xây dựng Hội Nông dân ở cơ sở vững mạnh, xứng đáng là người đại diện bảo vệ quyền lợi cho nông dân, là tổ chức nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Phong trào nông dân gắn liền với vai trò thực tế của Hội Nông dân. Hội vừa là tổ chức trực tiếp vận động nông dân, đồng thời vừa tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền quyết định những chủ trương, giải pháp đúng đắn nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của hội viên. Khi tổ chức Hội Nông dân cơ sở được quan tâm xây dựng, củng cố vững mạnh thì phong trào nông dân phát triển mạnh, công tác dân vận của chính quyền ở Hải Phòng trong xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt.
Hội Nông dân ở cơ sở cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức và phương pháp vận động nông dân. Trước mắt, tập trung thực hiện tốt ba phong trào: “Nông dân giúp nhau sản xuất kinh doanh giỏi, xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng”, “Nông dân tham gia xây dựng làng xã văn hoá, gia đình văn hoá”, “Nông dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh”. Đồng thời, Hội nông dân cần thực hiện tốt các hoạt động dịch vụ vật tư nông nghiệp, khai thác nguồn vốn vay, hoạt động tư vấn và chuyển giao tiến bộ khoa học, giúp nông dân phát triển sản xuất.
Thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, trong những năm tới, công tác dân vận chính quyền ở thành phố Hải Phòng trong xây dựng nông thôn mới đang có rất nhiều thuận lợi lớn, cơ bản, đồng thời cũng có không ít thách thức. Vì vậy, chính quyền các cấp ở thành phố Hải Phòng phải tăng cường hơn nữa công tác dân vận. Phải có các chủ trương giải pháp đồng bộ, thiết thực để phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết kịp thời những bức xúc trong nông dân, nông nghiệp, nông thôn ở địa phương, không ngừng chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, đẩy lùi nghèo đói, rút ngắn khoảng cách và sự phân cực giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn.

Đỗ Xuân Trịnh

                                                Uỷ ban nhân dân huyện Kiến Thụy, Hải Phòng

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền