Trang chủ    Thực tiễn    Xây dựng đội ngũ giảng viên các Trung tâm BDCT cấp huyện qua thực tiễn ở tỉnh Ninh Bình
Thứ sáu, 12 Tháng 12 2014 15:01
2984 Lượt xem

Xây dựng đội ngũ giảng viên các Trung tâm BDCT cấp huyện qua thực tiễn ở tỉnh Ninh Bình

(LLCT) - Đảng ta xác định tại Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII): Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Giáo dục và đào tạo muốn đạt được mục tiêu đề ra nhất định phải có đội ngũ giáo viên, giảng viên vừa "hồng", vừa "chuyên".

Cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của tỉnh về mọi mặt, trong đó có nhiều chủ trương, chính sách đối với đội ngũ giáo viên, giảng viên nói chung, giảng viên các Trung tâm bồi dưỡng chính trị (BDCT) cấp huyện nói riêng.

Ở Ninh Bình, việc tuyển chọn giảng viên cho các Trung tâm BDCT được chú trọng lựa chọn những người được đào tạo chính quy tại các trường công lập có kết quả tốt nghiệp đạt loại trung bình khá trở lên. Sau khi được tuyển chọn được tạo điều kiện để đào tạo lại, đào tạo nâng cao cũng như bồi dưỡng nâng cao trình độ. Đến nay, 100% giảng viên các Trung tâm BDCT của Nình Bình có trình độ đại học, 5/30 đồng chí có trình độ trên đại học về chuyên môn; 15/30 giảng viên có trình độ cử nhân, cao cấp về lý luận chính trị, 15/30 đồng chí có trình độ trung cấp về lý luận chính trị. Đối với giảng viên kiêm chức, hiện nay 8 Trung tâm có 87 giảng viên kiêm chức, trong đó trình độ thạc sĩ có 15 người, chiếm 17,2%;  đại học: 72 người, chiếm 82,8%. Về trình độ lý luận chính trị: cao cấp có 81 người, chiếm 93,1%; trung cấp 6 người, chiếm 6,9%. 100% giảng viên được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, nhiều giảng viên chuyên trách được tham gia các chương trình bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tích cực.

Các trung tâm BDCT luôn coi trọng rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống cho đội ngũ giảng viên đảm bảo,là những người gương mẫu chấp hành quy định của cấp trên, nội quy, quy định của cơ quan, hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học.Hiện nay, 100% giảng viên là đảng viên.

 Kết quả là đội ngũ giảng viên các Trung tâm BDCT cấp huyện ở tỉnh Ninh Bình đã có bước trưởng thành và tiến bộ, được rèn luyện và đã có nhiều đóng góp cho công tác giáo dục lý luận chính trị của tỉnh.

Tuy nhiên, về số lượng, cơ cấu và đặc biệt là chất lượng đội ngũ giảng viên các Trung tâm BDCT cấp huyện chưa thật sự tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn hiện nay. Công tác phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ giảng viên chưa được quan tâm đúng mức. Khi cần phân công hoặc cơ cấu đội ngũ giảng viên còn mang tính bị động, chắp vá. Nhiều giảng viên được tuyển chọn, đào tạo khi phát huy được khả năng giảng dạy thì chuyển công tác khác hoặc các cơ quan có thẩm quyền lại điều động nhiệm vụ khác. Bên cạnh những giảng viên thường xuyên cố gắng nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, tự giác phấn đấu vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ, thì một bộ phận trình độ chuyên môn còn hạn chế, bất cập, ý thức phấn đấu chưa cao.

Để phát huy ư­u điểm, khắc phục những yếu kém nêu trên, xây dựng đội ngũ giảng viên có đầy đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, có số lượng đủ, cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời thực hiện thành công mục tiêu đưa tỉnh Ninh Bình thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng vào năm 2020 và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XX (2010-2015), cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, lãnh đạo Trung tâm về vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ giảng viên

Đây là giải pháp có ý nghĩa quyết định đối với công tác xây dựng đội ngũ giảng viên các Trung tâm BDCT. Thực tiễn công tác xây dựng đội ngũ giảng viên các Trung tâm BDCT cấp huyện ở tỉnh Ninh Bình thời gian qua cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền, các cơ quan liên quan và ban giám đốc các Trung tâm BDCT nêu cao ý thức trách nhiệm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các bước trong công tác xây dựng đội ngũ giảng viên thì đội ngũ giảng viên đó không ngừng được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng. Ngược lại, nơi nào nhận thức chưa đúng đắn, chưa sâu sắc về tầm quan trọng và tính cấp thiết của công tác này thì đội ngũ giảng viên sẽ hạn chế, bất cập, kém hiệu quả.

Hai là, quán triệt và cụ thể hóa tiêu chuẩn giảng viên ở các Trung tâm BDCT cấp huyện; làm tốt công tác tạo nguồn, quy hoạch và tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên

Quán triệt sâu sắc tiêu chuẩn chung về cán bộ, đảng viên của Trung ương Đảng đồng thời căn cứ theo Quyết định 185-QĐ/TW ngày 3-9-2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm BDCT huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Quyết định số 1853-QĐ/BTGTW ngày 4-3-2010 của Ban Tuyên giáo Trung ương “Về ban hành Quy chế giảng dạy và học tập của Trung tâm BDCT huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh”. Sau khi quán triệt và cụ thể hóa những tiêu chuẩn của đội ngũ giảng viên, các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan liên quan, ban giám đốc các trung tâm phải tiến hành làm tốt công tác tạo nguồn, quy hoạch, tuyển chọn đội ngũ giảng viên - đây là các khâu rất quan trọng trong công tác xây dựng đội ngũ giảng viên.

Ba là, làm tốt công tác quản lý, sử dụng và thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với đội ngũ giảng viên

Để nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ giảng viên, đòi hỏi phải tăng cường công tác quản lý giảng viên theo hướng thường xuyên, liên tục và toàn diện trên tất cả các mặt. Quản lý chặt chẽ cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu đội ngũ giảng viên, trong đó cần đặc biệt coi trọng quản lý về phẩm chất chính trị, chuyên môn, đạo đức lối sống; về phương pháp, tác phong công tác, về các mối quan hệ với đồng nghiệp, gia đình và nhân dân nơi cư trú; quản lý hồ sơ giảng viên… Cần kết hợp chặt chẽ giữa quản lý của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị với quá trình tự quản lý của giảng viên.

Đối với công tác bố trí, sắp xếp, sử dụng đội ngũ giảng viên: Đây là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng đội ngũ giảng viên, bởi  nếu các cấp ủy, ban giám đốc các Trung tâm bố trí, sử dụng đúng, hợp lý giảng viên thì một mặt sẽ khơi dậy, phát huy được sở trường, kinh nghiệm của từng giảng viên, tạo động lực thúc đẩy người giảng viên phấn đấu vươn lên trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Mặt khác, việc bố trí, sử dụng đúng giảng viên cũng sẽ góp phần xây dựng bầu không khí dân chủ, tích cực, tạo ra phong trào thi đua sôi nổi giữa các giảng viên, từ đó củng cố và tăng cường niềm tin của giảng viên vào sự lãnh đạo của cấp ủy huyện và ban giám đốc Trung tâm.

Việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với đội ngũ giảng viên: Chế độ, chính sách đối với đội ngũ giảng viên LLCT được xem là một khâu rất quan trọng trong công tác xây dựng và đảm bảo chất lượng đội ngũ giảng viên. Do đó, việc đổi mới, hoàn thiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ giảng viên các Trung tâm BDCT là việc làm cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn quan trọng trong xây dựng đội ngũ giảng viên.

Bốn là, phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cấp huyện; đề cao tính chủ động của các Trung tâm BDCT trong việc xây dựng đội ngũ giảng viên

 Xây dựng đội ngũ giảng viên có đầy đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, có số lượng đủ, cơ cấu hợp lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao về công tác giáo dục LLCT của Trung tâm BDCT cấp huyện trong giai đoạn mới, là quá trình khó khăn, lâu dài, đòi hỏi về thời gian, trí lực và ngân sách, sự tham gia trực tiếp của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan có liên quan và ban giám đốc các trung tâm BDCT cấp huyện, sự lãnh đạo chỉ đạo sâu sát của cấp trên.

Năm là, phát huy tính tự giác trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện của đội ngũ giảng viên

Đây là nhân tố quyết định trong công tác xây dựng đội ngũ giảng viên các Trung tâm BDCT cấp huyện ở tỉnh Ninh Bình đạt chất lượng và hiệu quả. Thực tiễn đã chứng minh, nơi nào dù có quan tâm và cố gắng đến đâu trong đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên nhưng bản thân họ thiếu tính chủ động, tự giác trong tu dưỡng, rèn luyện thì cũng không thể đạt được mục đích, yêu cầu đặt ra, không thể có đội ngũ giảng viên chất lượng.

 

Nguyễn Thị Tuyền

Trung tâm BDCT huyện Yên Khánh, Ninh Bình

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền