Trang chủ    Thực tiễn    Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay
Thứ tư, 17 Tháng 12 2014 18:22
2249 Lượt xem

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay

(LLCT) - Cán bộ công đoàn cơ sở (CBCĐCS) các trường đại học, cao đẳng gồm các chức danh từ tổ phó công đoàn trở lên, đảm nhiệm các công việc được phân công theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn cơ sở,thực hiện công tác vận động quần chúng, đa số được bồi dưỡng và trưởng thành từ hoạt động công đoàn trong nhà trường. Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Công đoàn giáo dục Việt Nam, sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của lãnh đạo chuyên môn, hoạt động công đoàn các trường đại học, cao đẳng có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng lên, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của công đoàn, góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường.

Tính đến tháng 6-2014, Công đoàn giáo dục (CĐGD) Việt Nam có 129 tổ chức công đoàn cơ sở trực thuộc, trong đó có 54 tổ chức công đoàn ở các trường đại học, cao đẳng và đơn vị trực thuộc, tổng số 8.040 CBCĐCS, trong đó có 1.095 Ủy viên Ban Chấp hành, 6.945 Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn bộ phận và tổ trưởng, tổ phó công đoàn. Đa số CBCĐCS là giảng viên. Tỷ lệ Ủy viên Ban Chấp hành CĐCS có trình độ giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ chiếm gần 5%; thạc sỹ chiếm gần 40%; 30% có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. 100% CBCĐCS là cán bộ công đoàn kiêm nhiệm, tâm huyết, nhiệt tình, có trách nhiệm với phong trào công đoàn, trưởng thành từ phong trào công đoàn của đơn vị, am hiểu thực tiễn, nắm rõ tính chất, đặc điểm và yêu cầu hoạt động công đoàn trong trường học.


Thực hiện mục tiêu 100% cán bộ công đoàn chuyên trách và không chuyên trách được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác công đoàn mà Nghị quyết Đại hội XIV CĐGD Việt Nam đề ra, trong thời gian qua, Ban Thường vụ CĐGD Việt Nam đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCĐCS. Theo đó, các nội dung, đối tượng và phân cấp trong đào tạo, bồi dưỡng CBCĐ tại các cấp được xây dựng khá bài bản. CĐGD Việt Nam tổ chức tập huấn cho CBCĐ các đơn vị trực thuộc; công đoàn cấp trên cơ sở chịu trách nhiệm tập huấn cho CBCĐ cấp cơ sở; công đoàn cơ sở chịu trách nhiệm tập huấn cho CBCĐ từ tổ phó công đoàn trở lên. Riêng trong năm học 2013 - 2014, CĐGD Việt Nam đã tổ chức 6 lớp tập huấn cho 974 lượt CBCĐCS, hỗ trợ và cử giảng viên tập huấn cho các lớp bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ công tác công đoàn ở CĐCS các trường đại học, cao đẳng và các đơn vị trực thuộc. Qua bồi dưỡng, nghiệp vụ, kỹ năng đội ngũ CBCĐCS đã được cập nhật những nội dung cần thiết về kiến thức, nghiệp vụ công tác công đoàn. Do đó, chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở các đơn vị ngày càng được nâng cao, góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo.


Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít những hạn chế, bất cập: ở một số trường, nhiều CBCĐCS trẻ, mới tham gia công đoàn nên nghiệp vụ và kinh nghiệm hoạt động công đoàn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Nhìn chung, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng CBCĐCS các trường đại học, cao đẳng bất cập: một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức; CBCĐCS kiêm nhiệm nên ảnh hưởng đến việc bố trí công việc, thời gian để tham gia các lớp bồi dưỡng; nhiều trường hợp chưa đúng đối tượng. Mặt khác, các trường đóng trên địa bàn cả nước nên việc tổ chức các lớp tập huấn còn nhiều khó khăn: chưa tổ chức được tập huấn theo chuyên đề, nhóm đối tượng: CBCĐCS mới được bầu, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thường xuyên, công đoàn trường công lập, ngoài công lập… Phương pháp, nội dung tập huấn mặc dù đã có đổi mới nhưng vẫn chưa phù hợp yêu cầu; tài liệu chưa thật phù hợp với đặc thù trường học, nội dung chưa chú ý về kỹ năng xử lý tình huống thực tế.


Để xây dựng đội ngũ CBCĐCS các trường đại học, cao đẳng có trình độ, kiến thức và nghiệp vụ công đoàn, đáp ứng yêu cầu hoạt động trong tình hình mới, cần thực hiện tốt những giải pháp cơ bản sau:


Một là, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCĐCS; gắn đào tạo, bồi dưỡng với sử dụng và quy hoạch và có chính sách đãi ngộ cán bộ tương xứng; có kế hoạch bồi dưỡng CBCĐCS phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng đơn vị. Tăng cường các nguồn lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCĐCS. Thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm và có cơ chế động viên, khuyến khích kịp thời những cá nhân, đơn vị thực hiện tốt.


Hai là, đa dạng hóa hình thức, nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi để CBCĐCS có thể tham gia. Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn tại cơ sở với các nội dung gắn với nhiệm vụ, chức năng của CBCĐCS, những nội dung xuất phát từ thực tiễn và xử lý tình huống thực tiễn. Đẩy mạnh phương pháp giảng dạy tích cực, phát huy vai trò của người học. Nâng cao chất lượng tập huấn tại cơ sở để CBCĐ có cơ hội rèn luyện, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ hoạt động công đoàn.


Ba là, xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức công đoàn ngành giáo dục có đủ năng lực tập huấn cho CBCĐCS; có cơ chế phát huy tối đa hiệu quả đội ngũ giảng viên kiêm chức công đoàn; biên soạn tài liệu bồi dưỡng CBCĐCS phù hợp với đặc thù hoạt động công đoàn trong trường học; cụ thể hóa những nội dung, kỹ năng hoạt động, giúp cho CBCĐCS có kiến thức, trình độ, kỹ năng và phương pháp hoạt động để tổ chức hoạt động và giải quyết tốt các tình huống phát sinh tại cơ sở.

 

 TS Đặng Hoàng Anh

Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền