Trang chủ    Thực tiễn    Cần thiết tăng cường hoạt động giáo dục truyền thống cho tuổi trẻ hiện nay
Thứ hai, 22 Tháng 12 2014 18:42
1919 Lượt xem

Cần thiết tăng cường hoạt động giáo dục truyền thống cho tuổi trẻ hiện nay

(LLCT) - Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng và đề cao công tác giáo dục thế hệ trẻ, “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”(1), xem đó là vấn đề chiến lược và sống còn của dân tộc. Cùng với tiến trình đổi mới, thanh niên, học sinh, sinh viên Việt Nam đã trưởng thành về nhiều mặt. Tuyệt đại đa số thanh niên, học sinh, sinh viên tin tưởng và hăng hái tham gia vào công cuộc đổi mới của đất nước. Niềm tin và sự đồng thuận ấy không chỉ dừng lại trong ý nghĩ, tình cảm mà bằng những hành động thực tế cụ thể, họ đã nhập cuộc nhanh chóng và tìm thấy thế đứng của mình trong các hoạt động học tập, lao động sáng tạo, phát huy tốt khả năng và sức trẻ, góp phần vào sự phát triển của quê hương, đất nước.

Song, những năm gần đây, bên cạnh đại bộ phận thanh niên, học sinh, sinh viên tiến bộ, tích cực, còn nổi lên một số vấn đề đáng lo ngại trong một bộ phận thanh niên, đó là: hiện tượng phai nhạt lý tưởng, tri thức lịch sử và truyền thống dân tộc còn hạn chế, giá trị đạo đức truyền thống xói mòn. Kỹ năng sống, vốn sống, tinh thần trách nhiệm với công việc, thái độ trước những hiện tượng tiêu cực, biến động và mặt trái của cơ chế thị trường... ít được gia đình, nhà trường và giới trẻ quan tâm. Thực tế đó đặt ra yêu cầu bức thiết đối với ngành giáo dục, toàn xã hội trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc; vun đắp vốn sống nhằm góp phần vào việc hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ; đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội hiện tại và tương lai.

Hiện nay, hoạt động giáo dục truyền thống, nhất là việc giáo dục các giá trị đạo đức, chuẩn bị vốn sống đối với lớp trẻ còn nhiều bất cập. Môi trường giáo dục còn tồn tại nhiều vấn đề giải quyết chưa có hiệu quả; môi trường gia đình thiếu sự quan tâm, chăm sóc chu đáo, cụ thể là:

Về nhận thức, còn tồn tại quan niệm giản đơn, xem nhẹ việc giáo dục đạo đức, tác phong, chú trọng phát triển kinh tế; kinh tế đạt nhiều thành tựu to lớn, đời sống vật chất có nhiều tiến bộ, trong khi văn hoá xã hội chưa phát triển tương xứng. Công tác giáo dục, quan điểm, chủ trương đề ra hoàn toàn đúng đắn, nhưng còn dừng lại ở tầm chỉ đạo, lãnh đạo chung, chưa phản ánh kịp những diễn biến phức tạp, những thay đổi trong nhận thức của giới trẻ trước tác động của kinh tế thị trường, nên chưa có những định hướng nhân cách rõ ràng, chưa khẳng định và đề cao các giá trị truyền thống, nhân văn của dân tộc cho tuổi trẻ.

Môi trường xã hội hiện nay cũng tồn tại những bất cập, tác động xấu đến việc hình thành nhân cách của thanh niên, như: tệ tham nhũng, buôn lậu, sự tràn ngập các kênh thông tin kéo theo sự thâm nhập của lối sống thực dụng kiểu phương Tây, sự suy thoái về đạo đức...

Hoạt động giáo dục truyền thống, trong đó có việc giáo dục các giá trị đạo đức chưa được coi trọng đúng mức. Thêm vào đó, những hình ảnh xấu, phản cảm trong xã hội tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ và hành động của thế hệ trẻ, tình trạng mất phương hướng trong định giá trị đạo đức, tội phạm trong giới trẻ và tệ nạn xã hội gia tăng.

Trong xã hội, môi trường giáo dục có nhiều yếu tố tác động xấu đến việc hình thành nhân cách, phẩm chất đạo đức của thế hệ trẻ thì trong nhà trường vấn đề này cũng gặp khó khăn không kém. Mục tiêu giáo dục của Đảng ta nêu ra là đào tạo những con người “trong sáng về tâm hồn” nhưng tình trạng bệnh thành tích, dối trá trong thi cử, tuyển chọn, bạo lực,…vẫn tồn tại. Điều đó trái với truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của các thế hệ trước. Nguy hại hơn là một bộ phận học sinh, sinh viên coi đó là hiện tượng bình thường, không đấu tranh loại trừ ra khỏi môi trường học đường.

Ngày nay, việc giáo dục các giá trị đạo đức truyền thống cho các em ở gia đình cũng chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Tuyệt đại đa số gia đình là hai thế hệ, ông bà không ở cùng con cháu, do vậy việc truyền dạy các giá trị đạo đức truyền thống bị đứt quãng. Một bộ phận phụ huynh chưa chuẩn bị kiến thức đầy đủ trong việc nuôi dạy con cái, đặc biệt, nhiều gia đình chỉ lo vật chất, kinh tế mà ít khi quan tâm dạy dỗ, chuẩn bị cho các em những kỹ năng, vốn sống xã hội cơ bản; những xung đột trong gia đình cũng ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nhân cách của các em.

Mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động khiến một bộ phận thanh niên, học sinh không theo kịp nhịp sống mới, nên cá nhân, ích kỷ, chây lười lao động…, làm mất đi bản lĩnh, khí phách và cả cái tâm cũng như cái tầm của con người Việt Nam.

Mở cửa, hội nhập đã tạo ra các điều kiện để tiếp xúc, học hỏi nhiều nền văn hoá khác nhau, làm phong phú và sâu sắc thêm truyền thống, bản sắc văn hoá của dân tộc. Với tính cách nhạy bén, năng động thích ứng về tương lai hơn là quá khứ, thanh niên dễ dàng tiếp thu các yếu tố mới lạ của thời đại. Tuy nhiên, có không ít yếu tố không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc. Các thế lực thù địch với âm mưu "diễn biến hoà bình" luôn nhắm vào thanh niên để lung lạc tư tưởng, làm phai nhạt lý tưởng, phai nhạt truyền thống, lợi dụng thanh niên để truyền bá lối sống hưởng thụ, lệch lạc, kích động sự mâu thuẫn thế hệ, phủ nhận những truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, làm mất phương hướng trong thanh niên để phục vụ những ý đồ chính trị.

Hoạt động giáo dục truyền thống của chúng ta chưa tương xứng. Cho nên khi chúng ta tập trung sức vào nhiệm vụ phát triển kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường đã nhanh chóng kéo theo những suy thoái về mặt văn hoá và đạo đức xã hội. Không ít thanh niên dễ sa ngã, thậm chí mất phương hướng trong môi trường xã hội hiện đại; bởi bản thân họ chưa đủ sức đề kháng bằng sức mạnh của những giá trị truyền thống văn hoá, đạo đức xã hội.

Quản lý Nhà nước về lĩnh vực tư tưởng văn hoá còn lỏng lẻo. Việc đấu tranh ngăn chặn tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa hiệu quả, kịp thời nên môi trường giáo dục còn nhiều bất lợi. Sự quan tâm đầu tư cho các hoạt động mang ý nghĩa giáo dục truyền thống còn thấp và chưa có cơ chế phát huy nội lực nhân dân để tạo ra phong trào mạnh mẽ tham gia vào việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống.

Các chủ thể giáo dục chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc gìn giữ và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống trong tình hình mới; chưa tìm hiểu đầy đủ và kịp thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của thanh niên để có biện pháp giúp đỡ họ tháo gỡ, hay uốn nắn, sửa chữa kịp thời những vướng mắc. Các môn học và phương pháp giáo dục trong nhà trường hiện nay nặng về kiến thức lý thuyết, chưa chú trọng cung cấp kỹ năng sống để làm hành trang để thanh, thiếu niên bước vào đời. Các trường đại học, cao đẳng và chuyên nghiệp hiện nay đang đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và căn bản, nhưng chưa có cách thức quản lý sinh viên, học sinh phù hợp; các tổ chức Đoàn, hội trong nhà trường chưa kịp đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để tập hợp đối tượng…

Phương hướng chung kết hợp giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội thành một quá trình thống nhất, liên tục và hoàn chỉnh. Đây là một nguyên tắc cơ bản của nền giáo dục XHCN nói chung và của giáo đạo đức truyền thống nói riêng. Giáo dục đạo đức truyền thống, kỹ năng, vốn sống cho lớp trẻ là việc làm không chỉ của riêng một tổ chức chuyên trách, mà là của toàn xã hội. Nếu ba môi trường đó tách rời nhau thì việc giáo dục trên sẽ không đem lại hiệu quả, sẽ trở thành khập khiễng và có khi mâu thuẫn lẫn nhau. Từ phương hướng trên, để nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục, gìn giữ và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, kỹ năng, vốn sống cho thanh niên, học sinh, sinh viên, theo chúng tôi cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tạo dựng môi trường giáo dục lành mạnh là điều kiện quyết định  trong giáo dục đạo đức truyền thống đối với thế hệ trẻ. Vấn đề nổi lên trong môi trường xã hội hiện nay là lối sống. Sự chuyển đổi cơ chế đã dẫn đến sự thay đổi trong lối sống, mà mặt tích cực đó là lối sống thực tế. Nhưng thực tế và thực dụng khoảng cách không xa, lối sống thực dụng đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu, và mọi giá trị được đo đếm bởi đồng tiền… Bởi vậy, toàn hệ thống chính trị, nhà trường và xã hội phải thực hiện chống chủ nghĩa cá nhân với các biểu hiện của nó là tham nhũng, hối lộ,…

Hai là, xây dựng gia đình văn hoá, khu dân cư văn hóa gắn liền với giáo dục đạo đức truyền thống. Giáo dục gia đình giữ vai trò tối quan trọng trong những chặng đường đầu tiên của đời người, giáo dục gia đình vì vậy là bước khởi đầu của chiến lược con người. Đầu tư cho giáo dục gia đình sẽ giảm đi những chi phí cho việc giải quyết các vấn đề xã hội. Việc giáo dục đạo đức trong gia đình phải được đặt lên trước tiên, bởi lẽ gia đình là trường học đầu tiên, thường xuyên và lâu dài.

Ba là, tăng cường giáo dục các giá trị đạo đức truyền thống, kỹ năng, vốn sống trong học đường. Đây là nhu cầu chính đáng của tuổi trẻ nhưng chưa được quan tâm đúng mức trong trường học. Nó đòi hỏi phải được sự quan tâm đúng mức của ngành giáo dục - đào tạo và toàn xã hội. Từ đó có giải pháp phù hợp cho từng cấp học, từng mục tiêu, nội dung môn học và bối cảnh dạy học… nhằm giúp cho học sinh, sinh viên phát triển đồng thời các kiến thức, thái độ, kỹ năng cần có trong cuộc sống và học tập, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên.

Đối với các trường đại học, cao đẳng và THCN, ngoài nhiệm vụ giáo dục về chuyên môn, nghiệp vụ, nên tăng cường chất lượng hoạt động của các tổ chức Đoàn, hội, câu lạc bộ,…  thông qua đó tập hợp và quản lý học sinh, sinh viên, hướng các em đến các cuộc chơi lành mạnh, bổ ích sau những giờ học chính khóa. Phương thức tổ chức tập hợp cần đổi mới, tránh cũ kỹ, sáo mòn, rập khuôn khô khan, cần không ngừng sáng tạo phù hợp nhu cầu của chủ thể.

Học đường là một trong những môi trường quan trọng trong việc giáo dục toàn diện (đức - trí - thể - mỹ) cho các em. Mục tiêu của nhà trường không chỉ là giáo dục, đào tạo ra những con người có năng lực tuân thủ mà phải là những con người có năng lực sáng tạo, nhạy bén và linh hoạt, trong sáng về tâm hồn. Nội dung đào tạo phải vừa truyền thụ tri thức vừa rèn luyện kỹ năng thực hành. Việc trang bị tri thức cho học sinh phải toàn diện, lưu ý những tri thức lịch sử truyền thống và đức tính của người Việt Nam, đặc biệt là giáo dục qua các danh nhân lịch sử để các em noi theo nhằm phát triển hoàn thiện nhân cách, trở thành những người  “vừa hồng, vừa chuyên”.

Thú tư, ngay trong gia đình, phải xem việc vun đắp kỹ năng, vốn sống, cách ứng xử cho con em là việc làm không thể thiếu, đòi hỏi phải có sự quan tâm thường xuyên của gia đình; các bậc cha mẹ, anh chị. Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên cần phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thường xuyên các chương trình truyền thông, các buổi toạ đàm, giao lưu cho thanh niên tại các trường học, cộng đồng dân cư với các chủ đề kỹ năng, vốn sống, cách ứng xử trong các mối quan hệ cuộc sống và công việc… để góp phần trang bị vốn sống lành mạnh, đầy đủ và hoàn thiện cho thế hệ trẻ.

Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự phối hợp hoạt động giữa các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ. Ngày nay, các điều kiện để tiến hành công tác giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ được đầy đủ hơn, các thiết chế văn hóa được tăng cường, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Nguyên nhân lớn là do vấn đề giáo dục truyền thống cho thanh niên chưa được xem trọng đúng mức và sự phối hợp hoạt động của các chủ thể giáo dục chưa có sự thống nhất cao. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, một khi chưa xác định rõ định hướng chiến lược về việc giáo dục, bồi dưỡng nhân cách cho thế hệ trẻ thì sẽ làm cho toàn bộ xã hội lúng túng trong các hoạt động của mình. Vì vậy, phát huy vai trò, làm tốt chức năng giáo dục của các tổ chức chính trị - xã hội là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng.

Đảng đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII); Nghị quyết 25 (khoá XI) về công tác thanh niên trong thời kỳ mới, trong đó đặc biệt chú trọng các nội dung giáo dục về truyền thống dân tộc. Các cấp uỷ cần tiếp tục kiểm tra, sơ kết, tổng kết các nghị quyết về công tác thanh niên để rút kinh nghiệm và tiếp tục đề ra giải pháp cho phù hợp thực tiễn. Các tổ chức Đảng phải thật sự quan tâm, chăm lo củng cố Đoàn Thanh niên, đoàn kết, tập hợp rộng rãi thanh niên, nhằm đẩy mạnh các phong trào hành động cách mạng, tạo môi trường tốt để thanh niên có điều kiện rèn luyện nhân cách.

_________________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.498

                                                                             Bùi Văn Hản Em

                                                                 Ban Dân vận Tỉnh uỷ Bến Tre

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền