Trang chủ    Thực tiễn    Tỉnh Cà Mau thực hiện mục tiêu xóa nghèo cho đồng bào dân tộc Khmer
Thứ bảy, 27 Tháng 12 2014 16:07
2559 Lượt xem

Tỉnh Cà Mau thực hiện mục tiêu xóa nghèo cho đồng bào dân tộc Khmer

(LLCT) - Cà Mau có diện tích tự nhiên là 5.294,87 km2, gồm 8 huyện, 1 thành phố, với 101 xã, phường, thị trấn. Dân số toàn tỉnh là 1.237.414 người, với 14 dân tộc. Đồng bào Khmer có khoảng 40 nghìn người, chiếm 3,3% dân số toàn tỉnh. Đa số đồng bào Khmer ở Cà Mau di dân từ các tỉnh lân cận đến, trình độ học vấn thấp, đông con, thiếu đất sản xuất nên đời sống gặp nhiều khó khăn.

Đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh giúp nhau phát triển kinh tế (Ảnh: baocamau.com.vn)

Quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau đã cụ thể hóa và ban hành các chính sách, như: Nghị quyết số 28-NQ/TU, ngày 26-3-1992 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau) cụ thể hóa Chỉ thị số 68 của Ban Bí thư về công tác vùng đồng bào dân tộc Khmer; Quyết định số 494-QĐ/TU, ngày 14-4-2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau về việc phân công các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh phụ trách các xã, phường, thị trấn có đông đồng bào dân tộc Khmer và các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% trở lên;Quyết định số 649/QĐ-UBND, ngày 20-4-2009 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về việc hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn đi học bằng phương tiện đò; thực hiện quy hoạch, hỗ trợ, cấp đất sản xuất, xây dựng nhà cho đồng bào Khmer có hoàn cảnh khó khăn…

      Nhằm nâng cao mọi mặt đời sống cho đồng bào Khmer, tỉnh Cà Mau tổ chức xây dựng cánh đồng mẫu lớn, phát triển làng nghề truyền thống từ các nguồn vốn Trung ương, địa phương và xã hội. Đồng thời, tuyên truyền, vận động đồng bào thay đổi tập quán canh tác, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; loại bỏ dần những hủ tục lạc hậu; đưa con em đến trường; xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đã hạn chế được tình trạng đồng bào rời quê đi làm ăn nơi khác…

Kết quả là, hàng năm, số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer giảm từ 2-5%.Đến cuối năm 2013, số hộ nghèo trong đồng bào Khmer còn 27,24%(năm 2004 là 58,99%), trên 90% đồng bàođượcsử dụng nước sạch và điện sinh hoạt, điều kiện sống của đồng bào ngày càng được nâng lên... Đạt được kết quả trên, là do hiệu quả đầu tư của các chương trình, dự án, chính sách dân tộc; sự cố gắng của các cấp, các ngành ở địa phương trong công tác xóa nghèo; sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào dân tộc Khmer.

Từ quá trình thực hiện công cuộc xóa nghèo cho đồng bào Khmer ở tỉnh Cà Mau những năm qua, bước đầu rút ra một số kinh nghiệm sau:

 Một là, các cấp uỷ đảng, chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức vươn lên thoát nghèo cho đồng bào.

Thực tế cho thấy, nhiều địa phương đã hỗ trợ vốn, đất sản xuất, xây nhà cho đồng bào, nhưng đồng bào vẫn nghèo. Bởi vì, ý thức của đồng bào vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, của chính quyền địa phương, không cố gắng vươn lên để phát triển kinh tế.

Để nâng cao nhận thức cho đồng bào về xoá nghèo, đòi hỏi từng cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể phải tích cực tuyên truyền vận động đến từng hộ gia đình, giúp họ thấy được trách nhiệm của mình cùng với chính quyền địa phương trong việc xoá nghèo; trách nhiệm hợp tác, bảo vệ và khai thác các công trình hạ tầng do Nhà nước đầu tư; ý thức được đông con là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo…

 Hai là, thực hiện tốt việc hỗ trợ về phương tiện, vốn, kỹ thuật sản xuất cho đồng bào Khmer.

Đa số đồng bào Khmer còn nghèo là do không có đất sản xuất, đông con, thiếu vốn, không nắm được kỹ thuật canh tác nông nghiệp,…Thời gian qua, đời sống đồng bào Khmer tại Cà Mau ngày càng được nâng lên, là do làm tốt công tác hỗ trợ phương tiện sản xuất, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện cuộc sống. Việc hỗ trợ đất, vốn sản xuất, cây trồng, vật nuôi phải bảo đảm đúng đối tượng, dân chủ, công khai.

Để giúp đồng bào Khmer thoát nghèo bền vững, cần tổ chức giới thiệu các mô hình kinh tế, kỹ thuật có hiệu quả như: làm nấm rơm, nuôi cá chình, cá bống tượng, trồng hoa màu, nuôi lươn không bùn… để đồng bào Khmer học tập, làm theo.

Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, đơn vị kinh tế, các ngành để thực xóa nghèo trong đồng bào Khmer.

Xóa nghèo trong đồng bào Khmer là nhiệm vụ lâu dài, khó khăn. Vì vậy, cần huy động mọi lực lượng, tổ chức tham gia. Để xóa nghèo đạt kết quả tốt, các cấp uỷ đảng phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ chính quyền, các đoàn thể, tổ chức, đơn vị kinh tế hỗ trợ vốn, kỹ thuật… để đồng bào có điều kiện sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, vượt nghèo, tạo thành sức mạnh tổng hợp, sự đồng thuận xã hội để công tác này đạt hiệu quả bền vững.

Mặ khác, vận động đồng bào Khmer tham gia các tổ chức đoàn thể, như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân,… Thông qua sinh hoạt đoàn thể, đồng bào hiểu rõ chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; đồng bào được hướng dẫn, học hỏi trao đổi kinh nghiệm kỹ thuật để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế gia đình.

 Bốn là, cần thực hiện có hiệu quả các chương trình đầu tư đối với vùng có đồng bào dân tộc sinh sống; đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển các ngành nghề, tạo việc làm cho đồng bào Khmer.

Để xóa nghèo cho đồng bào Khmer có hiệu quả thiết thực, bền vững, đòi hỏi các cấp, các ngành trong tỉnh cần thực hiện tốt các chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc Khmer, như Quyết định 74 (nay được thay bằng Quyết định 29), Quyết định 1592 (nay được thay bằng Quyết định 755), Quyết định 33, Chương trình 135,… Thực hiện quy hoạch, xây dựng những công trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành nghề, khu kinh tế ở nông thôn để phát huy hiệu quả nguồn lao động tại địa phương, mở ra nhiều cơ hội cho đồng bào Khmer có việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, giảm nghèo.

 Năm là, thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, trọng tâm là xây dựng, củng cố tổ chức đảng, các đoàn thể và đội ngũ cán bộ chủ chốt cơ sở; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc.

Đây là yếu tố quyết định việc tổ chức thực hiện thắng lợi chính sách dân tộc và công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước tại địa phương. Hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh sẽ góp phần triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án đối với đồng bào dân tộc.

Trong thực hiện chính sách dân tộc phải có sự phối hợp tổ chức giữa các ban, ngành, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc tập hợp các đoàn thể, các chức sắc, sư sãi và người có uy tín trong đồng bào. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc có đủ năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có trách nhiệm, nhiệt tình, tích cực tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện tốt chính sách dân tộc.

Sáu là, đổi mới, nâng cao hoạt độngđào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cho đồng bào Khmer.

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ là giải pháp cơ bản để đồng bào Khmer thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, Nhà nước, chính quyền địa phương cần hỗ trợ kinh phí học nghề cho đồng bào và bảo đảm có việc làm sau khi học nghề.

Làm tốt công tác kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc. Phát huy vai trò người có uy tín trong vận động đồng bào thực hiện chính sách dân số.

Công cuộc xóa nghèo nói chung, cho đồng bào Khmer nói riêng phải tiếp tục được triển khai một cách khoa học, với sự phối hợp hiệu quả của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Giải quyết tốt vấn đề đất đai, vốn sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao dân trí là những vấn đề trọng yếu trong phát triển bền vững.

ThS Trương Minh Luân

Trường Chính trị tỉnh Cà Mau

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền