Trang chủ    Thực tiễn    Công tác kiểm tra ở Đảng bộ huyện Cầu Kè
Thứ hai, 05 Tháng 1 2015 16:35
2173 Lượt xem

Công tác kiểm tra ở Đảng bộ huyện Cầu Kè

(LLCT) - Huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh) có 10 xã, 1 thị trấn;diện tích tự nhiên 23.876,72 ha. Đảng bộ huyện Cầu Kè hiện có 58 chi, đảng bộ trực thuộc, trong đó có 45 chi bộ ban, ngành của huyện, 11 đảng bộ xã, thị trấn và 2 đảng bộ công an, quân sự. Toàn huyện có 3.248 đảng viên (264 đảng viên dự bị), trong đó có 533 đảng viên là người dân tộc Khmer, chiếm 16,41%; 748 đảng viên nữ, chiếm 23,03%. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện có 45 ủy viên; 266 đồng chí là cấp ủy viên cơ sở và 156 đồng chí là cán bộ thuộc diện cấp Huyện ủy quản lý.

Trong những năm qua, nhất là từ sau Đại hội Đảng bộ huyện Cầu Kè lần thứ X (nhiệm kỳ 2010 - 2015), chất lượng công tác kiểm tra của Đảng bộ huyện không ngừng được nâng cao, đặc biệt là việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên (kể cả cấp ủy viên cùng cấp). Trong công tác kiểm tra đã xác định đúng nội dung và đối t­ượng, thực hiện theo đúng phương châm: “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm; giám sát phải mở rộng”; tuân thủ quy trình, thủ tục gồm 3 bước: chuẩn bị, tiến hành và kết thúc; tuyệt đối chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong đó, đặc biệt coi trọng bước chuẩn bị (thu thập đầy đủ thông tin, chứng cứ, đảm bảo độ tin cậy và tính chính xác cao) và bước tiến hành, chủ yếu là khâu thẩm tra, xác minh để làm rõ nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân chủ quan, khách quan. Trong quá trình chuẩn bị triển khai công tác kiểm tra, Đảng bộ đã tiến hành công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo tâm lý thoải mái cho các tổ chức, cá nhân được kiểm tra, khắc phục việc hiểu không đúng hoặc không đầy đủ về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, dẫn đến định kiến, bất hợp tác hoặc tìm cách né tránh, qua đó khơi dậy tính tự giác chịu trách nhiệm trước Đảng của tập thể và cá nhân, phát huy tinh thần thẳng thắn trong đấu tranh tự phê bình và phê bình. Kết thúc các cuộc kiểm tra đều có kết luận nêu rõ ưu điểm để tiếp tục phát huy, đồng thời chỉ ra những mặt hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục. Nếu phát hiện có vi phạm thì kiên quyết xử lý nghiêm minh, đảm bảo đúng người, đúng mức độ vi phạm.

Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Cầu Kè đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm được 8 cuộc, chiếm 15,38% so với tổng số cuộc kiểm tra (8/52 cuộc), đối với 4 tổ chức đảng cấp dưới và 6 đảng viên (có 2 cấp ủy viên cùng cấp). Nội dung kiểm tra dấu hiệu vi phạm chủ yếu tập trung kiểm tra việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ; chấp hành quy định về những điều đảng viên không được làm; giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; cố ý làm trái và thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng ngân sách… Kết quả công tác kiểm tra đã góp phần giữ nghiêm kỷ luật, tăng cường đoàn kết thống nhất, nâng cao chất lượng và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ.

 Kết quả kiểm tra đã làm rõ mức độ vi phạm, đề xuất hình thức kỷ luật và kết luận trường hợp không vi phạm.

Việc phát hiện dấu hiệu vi phạm chủ yếu thông qua giám sát chuyên đề, qua thông tin từ báo chí, dư luận xã hội về các vụ việc nổi cộm gây bức xúc trong dân, qua các đơn thư tố cáo của nhân dân và qua kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay của tập thể và cá nhân…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng và hiệu quả của công tác kiểm tra còn chưa cao, bộc lộ một số mặt hạn chế như: chưa phát huy được tính độc lập của chủ thể trong việc quyết định đối tượng, nội dung kiểm tra, còn bị động, trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp; chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan đến nội dung, đối tượng kiểm tra, nhất là các cơ quan hành pháp và tư pháp và với Mặt trận Tổ quốc để phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, đảm bảo dân chủ, khách quan; số l­ượng các cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm còn ít, nhất là kiểm tra đối với cấp ủy viên cùng cấp; một số thành viên trong đoàn kiểm tra còn có tâm lý ngại va chạm, thiếu chủ động trong đấu tranh với các khuyết điểm của đối tượng được kiểm tra; việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các thông báo kết luận kiểm tra ch­ưa đ­ược chú trọng đúng mức, nên có tình trạng chấp hành chưa nghiêm; kết thúc các cuộc kiểm tra chưa tổ chức họp thành viên của đoàn để tổng kết, rút ra kinh nghiệm; đồng thời với việc xem xét xử lý vi phạm, chưa kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ để phát huy, động viên tinh thần.

Những khuyết điểm, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ quan là do nhận thức, trình độ lý luận, kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm tra còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Mặt khác, còn do cơ chế, chính sách; bệnh thành tích; tâm lý ngại va chạm; điều kiện, ph­ương tiện làm việc và chế độ chính sách đối với cán bộ chuyên trách kiểm tra chưa thỏa đáng; chư­a có cơ chế hợp lý để thu hút đ­ược cán bộ có năng lực, trình độ làm công tác kiểm tra, nhất là cán bộ có kiến thức pháp luật, am hiểu nghiệp vụ công tác Đảng...

Để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, Đảng bộ huyện Cầu Kè xác định các giải pháp trọng tâm là:

Tăng cường đào đạo, bồi dưỡng kiến thức về kinh tế, tài chính, pháp luật, tập huấn phương pháp, quy trình, nghiệp vụ công tác kiểm tra cho cán bộ kiểm tra cơ sở theo hướng chuyên sâu, đặt ra vấn đề và tìm cách giải quyết vấn đề cụ thể; tổ chức tọa đàm theo chuyên đề, mở hội thi cán bộ kiểm tra giỏi với các hình thức thích hợp, nhằm giải quyết các tình huống do thực tiễn đặt ra, để đội ngũ cán bộ kiểm tra có đủ năng lực trình độ thực thi nhiệm vụ.

Không ngừng rèn luyện về bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, để đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác kiểm tra đủ sức đề kháng với những biểu hiện tiêu cực. Để khi xem xét đánh giá các dấu hiệu vi phạm, cán bộ kiểm tra vì lợi ích của Đảng để kết luận đúng sự thật, không thiên vị, định kiến; xem xét dấu hiệu vi phạm của đảng viên phải dựa trên quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử cụ thể, loại bỏ động cơ cá nhân hoặc chạy theo tình cảm riêng tư và đặc biệt không bị chi phối bởi bất cứ áp lực nào.

Mặt khác, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ kiểm tra cần khắc phục hai khuynh hướng: Một là, nể nang, né tránh, e ngại, “dĩ hòa vi quí”; Hai là, ỷ thế nghề nghiệp, thiếu dân chủ, thiếu tình đồng chí, không khách quan, hoặc hù dọa gây khó khăn cho đối tượng được kiểm tra.

Mặt khác, chủ thể kiểm tra phải chú ý bảo mật hồ sơ, tài liệu có liên quan đến vụ việc kiểm tra; chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật phát ngôn trong quá trình kiểm tra. Khi tiếp xúc với đối tượng được kiểm tra, tiến hành thẩm tra, xác minh phải có ít nhất  2 - 3 thành viên trong đoàn (tổ) kiểm tra để đảm bảo nguyên tắc, tính khách quan.

Tăng cường sự phối hợp giữa Ủy ban kiểm tra và các ban, ngành liên quan trong công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Thực tế cho thấy, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan để xem xét tư cách đảng viên, tư cách cán bộ công chức, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân thì công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên gặp nhiều khó khăn, những tiêu cực ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trong bộ máy Đảng, Nhà nước và các đoàn thể sẽ chậm được khắc phục sửa chữa. Chính vì vậy, sự phối hợp với các ban đảng, thanh tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật là hết sức cần thiết.

Cấp ủy, trực tiếp là ban thường vụ, thường trực cấp ủy phải thường xuyên quan tâm nâng cao nhận thức về công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những  biểu hiện lệch lạc trong nhận thức và hành động về nhiệm vụ kiểm tra đảng viên (kể cả cấp ủy viên cùng cấp) và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm.Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin hai chiều; thường xuyên trao đổi giữa cấp trên với cấp dưới để đôn đốc, chỉ đạo, phối hợp theo chương trình, kế hoạch tháng, quý, năm. Duy trì chế độ giao ban khu vực để trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ về cách làm hay, sáng tạo, có hiệu quả thiết thực của một số uỷ ban kiểm tra huyện ủy trong tỉnh Trà Vinh.

Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm là yêu cầu, nhiệm vụ rất quan trọng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thời kỳ thực hiện CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn huyện ngày càng trong sạch vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước.

Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm là yêu cầu cấp thiết, nhiệm vụ rất quan trọng nhằm giúp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt công tác này là trực tiếp góp phần góp phần xây dựng tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn huyện ngày càng trong sạch vững mạnh, lãnh đạo thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng Cầu Kè giàu đẹp, văn minh.

Nguyễn Thanh Bình

Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền