Trang chủ    Thực tiễn    Hậu Giang phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội
Thứ sáu, 27 Tháng 3 2015 10:37
4958 Lượt xem

Hậu Giang phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội

(LLCT) - Hậu Giang là tỉnh thuộc khu vực nội địa của đồng bằng sông Cửu Long được thành lập vào năm 2004 do tách ra từ tỉnh Cần Thơ cũ. Hậu Giang có 7 đơn vị hành chính, gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 5 huyện.

        Trong hơn 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hậu Giang đã vận dụng sáng tạo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đề ra chủ trương, phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo sát hợp. UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, trong đó tập trung vốn cho các công trình, dự án cấp bách, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng; chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại ưu tiên vốn vay cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và các mô hìnhsản xuất có hiệu quả; tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, nhất là các nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất. Do vậy, đã phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, vượt qua những khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Năm 2014, Hậu Giang thực hiện đạt 20/20 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch (giá trị sản xuất theo giá thực tế, kim ngạch xuất nhập khẩu, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu ngân sách, tỷ lệ hộ nghèo, y tế, huy động học sinh đến trường, đào tạo nghề lao động nông thôn) và 12 chỉ tiêu đạt kế hoạch.

       Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,5%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 13.228 tỷ đồng;giá trị sản xuất đạt 59.442 tỷ đồng. Kim ngạch xuất nhập khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ đạt455 triệu USD.Thu ngân sách nhà nước đạt 5.792,855 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 31,3 triệu đồng/người/năm.Tỷ lệ hộ nghèo còn 9,58%;38,3% số trường đạt chuẩn quốc gia; 50% số xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế...

        UBND tỉnh đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án vào hoạt động; tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ cácsản phẩm chủ lực của tỉnh.

       Chương trình xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo quyết liệt, lồng ghép nhiều nguồn vốn, có sự tham gia tích cực của người dân, đến hết 2014 có 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới đã đạt 13-19 tiêu chí, đã công nhận thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 6/11 xã; 43 xã còn lại đạt từ 6 - 11 tiêu chí.

Đoàn cán bộ Tạp chí Lý luận chính trị nghiên cứu thực tế tại tỉnh Hậu Giang

       Tỉnh đã xác định rõ phát triển nông nghiệp là thế mạnh của địa phương, nên đã tập trung triển khai Đề ánchuyển đổi cây trồng vật nuôi và nâng cao chất lượng hoạt động hợp tác xãvà Đề án cơ giới hóa trong sản xuất lúa giai đoạn 2012-2015. Thực hiện các đề án, sản xuất nông nghiệp đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng: hạtầng thủy lợi và giao thông được đầu tư nâng cấp, đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa. Công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các mô hình sản xuất, phòng trừ sâu bệnh được triển khai mạnh mẽ xuống các hộ nông dân. Bước đầu có sự gắn kết, phối hợp giữa doanh nghiệp với nông dân qua hình thức liên kết cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, đã giảm được chi phí sản xuất, lợi nhuận cao hơn. Việc thực hiện cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa được đẩy mạnh, toàn tỉnhcó297 máygặt đập liên hợp, đáp ứng 75% diện tíchthu hoạch bằng máy.Năm 2014, sản lượng lúa hàng hóa đạt trên 1,26 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ; cây ăn trái đạt 262.095 tấn,tăng 20,5%.

      Tỉnh đã tập trung đầu tư, hình thành các vùng chuyên canh, tập trung với các cây trồng chủ lực, được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, trong đó cóbưởi Năm Roi Phú Thành, cam sành Ngã Bảy, khóm (dứa) Cầu Đúc, chanh không hạt, cá thát lát Hậu Giang, cá rô đồng Hậu Giang, lúa Hậu Giang 2, mía đường CASUCO, quýt đường Long Trị.  

      Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang đang triển khai thực hiện các quy hoạch chi tiết, lập các dự án đầu tư và kêu gọi đầu tư.

      Môi trường đầu tư của Hậu Giang không ngừng được cải thiện, thông qua đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh PCI.Năm 2013,tỉnh được xếp hạng 20/63 tỉnh thành trong cả nước và xếp thứ 9/13 khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh đã tăng cường tổ chức đối thoại với doanh nghiệpđểtháo gỡkhó khăn vướng mắc, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, giới thiệu tiềm năng và cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như thông qua Diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long,…

       Trên địa bàn tỉnh có 2 Khu Công nghiệplàSông Hậu giai đoạn 1, Tân Phú Thạnh và 4 Cụm công nghiệp tập trung (Đông Phú giai đoạn 1, Phú Hữu A giai đoạn 1, 3 và Nhơn Nghĩa A),đã thu hút được 44 dự án, với tổng mức thu hút đầu tư trong nước là 64.387 tỷ đồng, đầu tư nước ngoài là 663,7 triệu USD, giải quyết việc làm cho khoảng 15.300 lao động

       4 Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp do UBND các huyện, thị xã quản lý thu hút được 23 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy 70,76%, tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 1 nghìntỷ đồng, đã có 11 dự án đi vào sản xuất, giải quyết việc làm cho trên 2.800lao động.

       Hệ thống giáo dục, đào tạongày càng được phát triểnvới đầy đủ các ngành học, cấp học; các loại hình và phương thức đào tạo; quy mô giáo dục tăng nhanh;mạng lưới trường lớp mở rộng đến hầu hết các xã, phường, thị trấn.Đặc biệt,không còn xã, phường không có trường mầm non, mẫu giáo. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được tăng cường, từng bước hoàn thiện về cơ cấu, số lượng, chất lượng. Tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn của giáo viên các ngành học, cấp học được nâng lên.

      Lĩnh vực văn hóa tiếp tục được quan tâm.Đảng bộ đã triển khai tích cực Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, gắn với thực hiện cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và chương trình xây dựng nông thôn mới. Các thiết chế văn hóa được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới.

      Công tác cải cách hành chính từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được quan tâm, bảo đảm các cơ quan hoạt động ổn định, hiệu quả. Các cấp thường xuyên tiến hành rà soát, sửa đổi và công bố bổ sung các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền. Việc quản lý hành chính một cửa, một cửa liên thông mang lại hiệu quả tích cực, tình trạng sách nhiễu, thủ tục phiền hà giảm đáng kể. Toàn tỉnh đã thực hiện cơ chế một cửa ở 100 đơn vị; chất lượng hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả 3 cấp được nâng cao rõ rệt; 36 đơn vị, sở, ngành và UBND cấp huyện có trang tin điện tử thuộc Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh. Các cơ quan cấp tỉnh và cấp huyện đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008.

      Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn không ít những khó khăn, yếu kém: sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn; nguồn vốn xây dựng nông thôn mới không đáp ứng nhu cầu; công nghiệp quy mô nhỏ, một số dự án đầu tư đã đăng ký chậm được triển khai; đời sống một bộ phận người dân nhất là ở nông thôn còn rất khó khăn...  

      Để khắc phục những khó khăn, yếu kém, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, trong năm 2015, tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:                                     

      Một là, nâng cao giá trị, chất lượng sản xuất nông nghiệp, tập trung xây dựng cánh đồng mẫu lớn

     Tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Chọn loại nông sản có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với kiện đất đai, thổ nhưỡng của Hậu Giang, quy hoạch thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn tập trung, như: Lúa, mía, cây có múi, dứa, xoài, thủy đặc sản xuất khẩu...Tập trung thực hiện đề án cơ giới hóa, điện khí hóa thủy lợi tưới tiêu để tiết giảm tối đa chi phí sản xuất.

      Phối hợp các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình 04 về phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Đề án cơ giới hóa, Đề án 1000, Đề án nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác xã…Thường xuyên sơ kết, tổng kết để nhân rộng những mô hình có hiệu quả.

      Tăng cường kiểm tra giám sát chất lượng cây con giống, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật… tạo điều kiện để bà con nông dân yên tâm sản xuất. Đồng thời, giám sát chặt chẽ đầu ra sản phẩm, nhất là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

      Huy động và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; gắn xây dựng nông thôn mới với xây dựng cánh đồng lớn và nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã; phát huy hiệu quả của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã và Quỹ hỗ trợ nông dân. Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn có hiệu quả.

      Hai là, thu hút đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại, dịch vụ

     Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, đặc biệt là chính sách hỗ trợ về thuế, đất đai, nhằm giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm.

     Tiếp tục tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ ODA để đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị thành phố Vị Thanh, thị xã Ngã Bảy, huyện Long Mỹ. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, trong đó chú ý thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đầu tư; thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để có những giải pháp kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhằm tiếp tục nâng cao chỉ số PCI của tỉnh. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Kiên quyết thu hồi những dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả. Tạo mọi điều kiện thông thoáng để thu hút đầu tư các dự án nước ngoài từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản...

      Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, duy trì bền vững thị trường trong nước; tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, đa dạng hoá sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa của tỉnh.

      Tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương; sự hợp tác, liên kết, giúp đỡ của các tỉnh, thành phố bạn trong cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, nhà khoa học. Tích cực tham gia thực hiện liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long và tăng cường hợp tác phát triển với các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh.

       Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất

       Rà soát việc thực hiện Chương trình đào tạo nguồn nhân lực và Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, giải pháp và cơ chế đột phá để thực hiện; tranh thủ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài của Trung ương để cử cán bộ tham gia; quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ, công chức đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

       Tiếp tục triển khai Chương trình 141a của Tỉnh ủy về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH. Triển khai Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2012-2015 và tầm nhìn đến 2020”, trong đó tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào nông nghiệp, góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng hàm lượng khoa học trong sản phẩm và hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích từ nuôi trồng, chế biến đến tiêu thụ nông sản với các hình thức hợp tác, liên kết phù hợp.

       Bốn là, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn cho đầu tư phát triển

      Quản lý chặt chẽ thu chi ngân sách nhà nước, tăng cường huy động vốn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển các tổ chức tín dụng trên địa bàn ổn định, hiệu quả, bền vững trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế kinh tế, xã hội ở địa phương. Khai thác có hiệu quả các nguồn vốn huy động trong nhân dân.

      Duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương và định hướng của Trung ương, giám sát, điều hành các tổ chức tín dụng hoạt động ổn định, nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người vay vốn tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, từng bước tháo gỡ khó khăn, bảo đảm nợ xấu ở mức quy định.

       Sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, khuyến khích công tác xã hội hóa các lĩnh vực: giao thông, y tế, giáo dục, môi trường, văn hóa - thể thao, chợ…. Thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của tư nhân, doanh nghiệp trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua các hình thức BOT, BTO, PPP.

       Năm là, tăng cường giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội

      Thực hiện hiệu quả các chương trình dạy nghề, giải quyết việc làm, nhất là cho thanh niên, lao động nông thôn và sinh viên mới tốt nghiệp. Có biện pháp phù hợp để giữ và mở rộng thị trường xuất khẩu lao động. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc đóng bảo hiểm xã hội và bảo đảm an toàn cho người lao động. Thúc đẩy phát triển nhà ở và các công trình phúc lợi xã hội cho người lao động tại các khu công nghiệp tập trung.

       Nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở đạo tạo, trung tâm dạy nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.

      Đổi mới trong công tác giảm nghèo theo hướng bền vững, tăng cường đối thoại với hộ nghèo, có chính sách để giảm nghèo nhanh đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo trợ xã hội và “Đền ơn - đáp nghĩa”. Tăng nhanh tỷ lệ dân số được tham gia các loại hình bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

      Sáu là, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh

      Tiếp tục đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính; giảm chi phí thực thi thủ tục hành chính và pháp luật đối với nhân dân và doanh nghiệp; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính, cải tiến quy trình, thủ tục hành chính và mối quan hệ phối hợp giữa các sở ngành, địa phương.

      Tập trung hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

      Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong phối hợp đối với thực hiện nhiệm vụ; tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện chấn chỉnh, xử lý kịp thời các thiếu sót, vi phạm trong hoạt động quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội và việc chấp hành chính sách, pháp luật của các tổ chức, cá nhân; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo và những bức xúc của nhân dân.

_________________________________

Tài liệu tham khảo:

Báo cáo số 160/BC-UBND, ngày 19- 12- 2014 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về tình hình thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2014; mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2015

ThS Lê Minh Phương

Tạp chí Lý luận chính trị

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền