Trang chủ    Thực tiễn    Phát huy vai trò động viên của gia đình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Thứ tư, 22 Tháng 4 2015 10:32
2212 Lượt xem

Phát huy vai trò động viên của gia đình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

(LLCT) - Làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 là sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc Việt Nam. Nguồn gốc của sức mạnh ấy, "trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo của Đảng"(1); là sự huy động và sử dụng khéo léo mọi nguồn lực trong xã hội, trong đó có vai trò động viện của gia đình.

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc đã thể hiện rõ gia đình là gốc của nước, là thành tố quan trọng, không thể thiếu trong tam giác Nhà - Làng - Nước. Gia đình cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội nói chung, việc xây dựng quân đội nói riêng. Ngay từ thời nhà Lý, nghĩa vụ binh dịch đã được đặt ra với một chế độ đăng ký hộ khẩu cho các gia đình và tuyển lính chặt chẽ: “Dân đinh các làng, xã từ 18 đến 20 tuổi gọi là hoàng nam, từ 20 đến 60 tuổi gọi là đại hoàng nam. Đó là loại dân đinh có nghĩa vụ quân dịch phải đăng ký vào sổ quân”(2).Dân đinh sau khi tuyển mộ vào binh lính được tổ chức và huấn luyện chặt chẽ, quy củ theo phương châm đào tạo ra những “tinh binh”, sau đó được phiên chế vào các “quân, vệ”. Chính lực lượng này đã góp phần quan trọng vào củng cố quyền lực của nhà nước phong kiến tập quyền, đánh đuổi các thế lực ngoại xâm.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương động viên, tổ chức lực lượng toàn dân đánh giặc, có lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Đảng ta đã lãnh đạo, động viên toàn dân và vũ trang toàn dân, đồng thời xây dựng lực lượng vũ trang từng bước lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Chính quyền các cấp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được thiết lập nhưng việc huy động sức người cho cuộc kháng chiến gặp không ít khó khăn, nhất là vùng địch tạm chiếm. Vì thế, nguồn nhân lực tham gia lực lượng vũ trang lúc này phụ thuộc nhiều vào sự giáo dục, động viên của các gia đình.

Tiếp nối truyền thống phát huy vai trò của gia đình cho xây dựng lực lượng vũ trang, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, các gia đình đã giáo dục, động viên con em, những thành viên trong gia đình và người thân nhập ngũ, nhằm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, thống nhất Tổ quốc.

Ở miền Nam, với sự động viên và tổ chức của gia đình, rất nhiều thanh niên người thân, ruột thịt đã tập kết ra Bắc, sau đó quay trở lại miền Nam chiến đấu. Với miền Bắc, việc tuyển quân và đưa quân vào chiến trường miền Nam là một nhiệm vụ lớn, được tiến hành trong suốt cuộc kháng chiến. Cụ thể, trong cả cuộc chiến tranh, “miền Bắc đã huy động hơn 1 triệu người nhập ngũ, có địa phương chiếm 10% dân số”(3). Sự đóng góp, bổ sung, chi viện kịp thời nguồn nhân lực từ Bắc chí Nam đã góp phần xây dựng lực lượng vũ trang phát triển mạnh ở cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích; góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước.

Những đóng góp của gia đình vào Đại thắng mùa Xuân 1975 được thể hiện trước hết, gia đình đã khơi dậy, nuôi dưỡng và phát huy tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm cho các thành viên. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi vì ngay từ khi còn nhỏ, mỗi người đã được cha mẹ nuôi dưỡng và khơi dậy ý chí, tinh thần yêu nước, giúp họ luôn có được ý thức về nghĩa vụ, trách nhiệm đối với Tổ quốc, sẵn sàng nhập ngũ, tham gia quân giải phóng đánh đuổi đế quốc xâm lược.

Việc khơi dậy, nuôi dưỡng và phát huy tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm cho con em được gia đình, các bậc cha mẹ thực hiện thông qua các hoạt động, như cha mẹ kể những mẩu chuyện chiến đấu, những câu chuyện về truyền thống chống giặc ngoại xâm của gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước cho con em; cha mẹ thường xuyên dạy bảo, nhắc nhở con em về trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc khi đến tuổi trưởng thành... Những hoạt động này dù không trực tiếp như những mũi tên, hòn đạn tiêu diệt ngoại xâm nhưng lại là liều thuốc tinh thần quý giá giúp con em sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ độc lập, thống nhất đất nước. Qua đó, tạo nên nguồn nhân lực dồi dào cho kháng chiến, đóng góp, chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam.

Thực tế chiến tranh giải phóng, thống nhất nước nhà đã minh chứng, thế hệ trẻ được nuôi dưỡng, khơi dậy tinh thần yêu nước ngay từ khi còn nhỏ nên khi đến tuổi trưởng thành đã hăng hái xung phong tòng quân vào chiến đấu trong các chiến trường khó khăn gian khổ nhất, ác liệt nhất. Thậm chí, nhiều thanh niên chưa đủ tuổi nhập ngũ, không đủ tiêu chuẩn về sức khỏe đã tìm mọi cách, mọi lý do, như khai tăng tuổi, thêm gạch đá vào bên người để đủ cân; nhiều thanh niên trốn gia đình, người thân đi theo quân giải phóng, viết thư bằng máu để được nhập ngũ, ra trận giết giặc.Sự thẩm thấu tinh thần yêu nước, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm từ gia đình được thể hiện rõ trong phong trào “Ba sẵn sàng” của tuổi trẻ Thủ đô năm 1964 và của toàn miền Bắc năm 1965; phong trào “Năm xung phong” của thanh niên miền Nam năm 1965. Phong trào “Ba sẵn sàng” đã thu hút nhiều đơn vị, cá nhân và tập thể tình nguyện nhập ngũ, đánh giặc. Riêng ở Hà Nội, hơn 80 nghìn thanh niên đăng kí nhập ngũ với hàng nghìn lá đơn được viết bằng máu ngay trong tuần đầu tiên phát động phong trào. Phong trào “Năm xung phong” đã tạo nên sức mạnh to lớn, động viên 3 triệu thanh niên miền Nam đánh ngụy, diệt Mỹ. Tinh thần yêu nước và ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm được hun đúc từ gia đình của con em đãgóp phần tạo nên ý chí và sức mạnh của quân và dân Việt Nam đánh đuổi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thống nhất Tổ quốc.

Hai là, gia đình đã động viên và tiễn con em, những người thân, ruột thịt tòng quân giết giặc, gìn giữ quê hương, đất nước. Tiễn những người thân, ruột thịt trong gia đình lên đường thực hiện nghĩa vụ công dân đối với quê hương, đất nước, một phần thể hiện sự quan tâm, tình cảm, trách nhiệm giữa các thành viên gia đình với nhau; một phần cho thấy gia đình vẫn luôn là chỗ dựa tinh thần tốt nhất, nguồn động viên lớn đối với con em. Những hình ảnh của buổi đưa tiễn sẽ được con em ghi nhớ và khắc sâu trong lòng, sẽ là chỗ dựa về tinh thần vững chắc để con em có thêm nghị lực vượt qua những khó khăn, vất vả của cuộc sống người lính trận.

Trong những năm tháng đất nước chiến tranh, chia cắt, việc động viên và tiễn con em, những người thân, ruột thịt lên đường tòng quân giết giặc của gia đình là những hoạt động diễn ra thường xuyên ở các xóm làng, địa phương ở miền Bắc và ở nhiều thôn, ấp miền Nam. Việc động viên, đưa tiễn này nhiều khi chỉ là những hoạt động gia đình tổ chức gặp mặt, chia tay con em; chính quyền, đoàn thể địa phương, các chú, bác, cô, dì và hàng xóm láng giềng đến thăm hỏi, động viên con em; hay gia đình “ngầm” ủng hộ, bí mật tiễn đưa con em, người thân, ruột thịt đến với quân giải phóng nhưng có ý nghĩa tinh thần to lớn. Sau khi nhập ngũ mỗi người đều khắc sâu tình yêu gia đình, quê hương, đất nước. Họ luôn ý thức rằng, việc tham gia chiến đấu không chỉ là bổn phận, nghĩa vụ của công dân đối với đất nước, của người chồng đối với vợ, người con đối với cha mẹ... mà còn là vì danh dự của cha mẹ và gia đình họ; với động lực lớn lao như vậy, mỗi người luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinhvì độc lập tự do của Tổ quốc.

Trên đất nước ta, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hầu như gia đình nào cũng có người tham gia lực lượng vũ trang. Có những gia đình đã đưa tiễn tất cả các con, cháu trong gia đình tòng quân đánh giặc.Sự sẵn sàng đóng góp sức người của mọi gia đình là một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 của dân tộc Việt Nam.

Ba là,gia đình là hậu phương vững chắc để con em yên tâm đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vấn đề xây dựng hậu phương được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định gắn nhiệm vụ xây dựng CNXH ở miền Bắc với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc hậu phương và gắn nhiệm vụ chiến lược của hậu phương với nhiệm vụ chiến lược của tiền tuyến; ở miền Nam là nhiệm vụ phá ấp chiến lược, không để kẻ thù “khoanh dân”, “gom dân” nhằm kìm kẹp, tách dân với cách mạng. Vì thế, các chiến trường luôn được bổ sung, chi viện kịp thời về nhân lực, với số lượng tăng mạnh theo từng năm. Nếu như năm 1959, miền Bắc đưa vào miền Nam với chỉ hơn 500 người, thì năm 1964 là hơn 17 nghìn người, năm 1968 là 141 nghìn người và năm 1972 xấp xỉ 153 nghìn người.

Bên cạnh đó, để xây dựng hậu phương vững mạnh, các gia đình luôn nỗ lực phấn đấu đi đầu trong các phong trào thi đua.Các đoàn thể, các dòng họ cũng dồn sự chăm lo vào những gia đình có con em đang tại ngũ hoặc gia đình liệt sĩ, thương binh. Sự đoàn kết, cưu mang, đùm bọc trong gia đình, dòng họ, xóm làng, thôn ấp là một nguồn động viên lớn để các chiến sĩ yên tâm làm nhiệm vụ.

Ngày nay, Đảng ta xác định gia đình là đơn vị sản xuất nổi bật, tiêu biểu trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản… Gia đình được nhấn mạnh là “đơn vị sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu…”(4), phải “Kết hợp và phát huy đầy đủ vai trò của xã hội, gia đình,…”(5). Phát huy truyền thống huy động nguồn lực gia đình để phát triển đất nước.

 

Tài liệu tham khảo:

(1) ĐCSVN: Văn kiện ĐảngToàn tập, t.37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.484.

(2) Lịch sử Việt Nam, t.1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr.153.

(3) Tổng kết công tác đảng, công tác chính trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975,Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr.46.

(4), (5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.77, 76.

 

Bạch Hoàng Khánh

Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự, Bộ Quốc phòng

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền