Trang chủ    Thực tiễn    Một số giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng ở tỉnh Thái Bình hiện nay
Thứ năm, 14 Tháng 5 2015 15:58
9402 Lượt xem

Một số giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng ở tỉnh Thái Bình hiện nay

(LLCT) - Sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, đặc biệt là xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn như điện, đường, trường, trạm, nước sạch, thông tin liên lạc; nông thôn Thái Bình có nhiều đổi mới, là điểm sáng cho các địa phương khác học tập; cơ cấu kinh tế có chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp, dịch vụ phát triển…

Tuy nhiên, quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới, ở cơ sở còn bộc lộ những hạn chế. Sự kiện mất ổn định chính trị năm 1997 và năm 1998, xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người với quy mô lớn, số người tham gia đông, tính chất rất phức tạp, trở thành “điểm nóng” ở nông thôn Thái Bình. Một số phần tử xấu lợi dụng khoét sâu những mâu thuẫn làm cho tình hình phức tạp. Đó là bài học đắt giá cho công tác xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh.

Tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới đòi hỏi Đảng bộ tỉnh không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Trong thời gian qua, đặc biệt từ sau năm 1997, 1998, việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên luôn được các cấp ủy tỉnh Thái Bình quan tâm, nhiều chương trình, kế hoạch, đề án về nâng cao năng lực, sức chiến đấu của TCCSĐ được Tỉnh ủy Thái Bình ban hành, như:Chỉ thị 12-CT/TU ngày 6-4-1998 về “tăng cường công tác quản lý đảng viên”; Đề án số 26-ĐA/TU ngày 8-4-2002 của Ban Thường vụ về “đào tạo đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn có trình độ cao đẳng, đại học” (nay là Đề án số 02-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy); Quy định số 1646-QĐ/TU ngày 20/3/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chế độ học tập của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 01/3/2007 về “Chiến lược xây dựng cán bộ quản lý các cấp 2007-2020 và những năm tiếp theo”;Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 20-11-2008 về “tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và tăng cường công tác quản lý đảng viên”;đồng thời lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 02/02/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”. Qua thực hiện các chương trình, kế hoạch đó, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ ở Thái Bình đã có sự chuyển biến rõ rệt.

Tính đến 2-1-2015, toàn Đảng bộ tỉnh Thái Bình có 102.129 đảng viên sinh hoạt ở 764 TCCSĐ. Trong đó, đảng bộ xã 267; đảng bộ phường, thị trấn 19; đảng bộ, chi bộ cơ sở cơ quan hành chính 134; đảng bộ, chi bộ cơ sở đơn vị sự nghiệp 107; đảng bộ, chi bộ cơ sở quân đội 25; đảng bộ, chi bộ cơ sở công an 39, còn lại là tổ chức chi, đảng bộ cơ sở doanh nghiệp, hợp tác xã,...(1) Nhìn chung, các TCCSĐ ở Đảng bộ tỉnh Thái Bình luôn giữ vững và phát huy được vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ cán bộ cơ sở được chăm lo; đội ngũ cán bộ cơ sở, đảng viên được tăng cường về số lượng và chất lượng, trình độ, kiến thức các mặt được nâng lên, có tư duy đổi mới, có khả năng sáng tạo vận dụng, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào địa phương, cơ quan, đơn vị.

Số TCCSĐ đạt trong sạch vững mạnh năm sau cao hơn năm trước. Năm 2014, số TCCSĐ đạt trong sạch vững mạnh là 557/764 (chiếm 72,9%, bằng năm 2013; tăng 4,5% so với năm 2011 và tăng 7,1% so với năm 2012). Trong đó, đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu 159/557 (chiếm 28,5% số TCCSĐ đạt trong sạch vững mạnh, tăng 3,4% so với năm năm 2011 và tăng 2,8% năm 2012)(2).

Tuy vậy, bên cạnh đó còn một số cấp ủy, tổ chức đảng tính chiến đấu chưa cao; còn tình trạng hẫng hụt cán bộ; còn một số ít cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, của TCCSĐ ở một số nơi còn hạn chế, nhất là việc cụ thể hóa và lãnh đạo thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Năng lực lãnh đạo của một số cán bộ, đảng viên còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; một bộ phận còn tư tưởng ỷ lại, thiếu năng động, sáng tạo.

Nguyên nhân của những hạn chế là một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thực sự coi trọng vị trí then chốt của công tác xây dựng Ðảng; chưa tập trung chỉ đạo xây dựng, củng cố TCCSĐ; chưa thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ; chưa quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; thực hiện chưa nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Việc quy hoạch gắn với đào tạo, bố trí, sắp xếp để khắc phục tình trạng hẫng hụt cán bộ, cán bộ trẻ và cán bộ nữ chưa được quan tâm đúng mức…

Để xây dựng TCCSĐ, hạt nhân hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, Đảng bộ tỉnh Thái Bình lãnh đạo các TCCSĐ tập trung vào các biện pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức, làm chuyển biến sâu sắc nhận thức cho mọi cán bộ, đảng viên trước hết là cấp ủy về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng TCCSĐ thực sự trong sạch, vững mạnh và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị là yêu cầu cấp thiết, là thước đo năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng. Từ đó, chỉ đạo các tổ chức đảng thực hiện tốt chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết, với phương châm là: "Làm đến đâu chắc đến đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm kịp thời", tập trung các biện pháp hữu hiệu khắc phục những yếu kém khuyết điểm; tăng cường kiểm tra đôn đốc các cấp ủy, TCCSĐ cấp dưới triển khai thực hiện, nhất là những tổ chức cơ sở, chi bộ có khâu yếu, mặt yếu, chi bộ chưa đạt trong sạch, vững mạnh.

Thứ hai, hoàn thiện mô hình tổ chức của các loại hình TCCSĐ theo hướng gắn TCCSĐ với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội; chăm lo kết nạp đảng viên, nhất là ở những địa bàn, đơn vị chưa có tổ chức đảng, chưa có đảng viên và xây dựng mô hình tổ chức phù hợp với những TCCSĐ có tính đặc thù, vừa tạo sự thống nhất chung, vừa phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng đơn vị. Trong đó, cần quan tâm tới 32 đơn vị cơ sở chưa có TCCSĐ ở các loại hình: một là, doanh nghiệp tư nhân; hai là, công ty trách nhiệm hữu hạn; ba là, công ty cổ phần đầu tư tư nhân; bốn là, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... Sau khi hoàn thiện xây dựng tổ chức đảng, phải xây dựng và thực hiện tốt quy chế làm việc, xác định đúng đắn vai trò và mối quan hệ giữa cấp ủy, tổ chức đảng với chính quyền, chủ doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể. Đảm bảo vừa giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức đảng, vừa tôn trọng phát huy chức năng quản lý nhà nước của chính quyền, hoạt động theo điều lệ của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị ở cơ sở và điều lệ hoạt động kinh tế của doanh nghiệp.

Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30-3-2007 của Ban Bí thư; Hướng dẫn số 09-HD/TW ngày 02/3/2012 của Ban Tổ chức Trung ương; Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 20/11/2008 của Tỉnh ủy; Thông báo số 222-TB/TU của Tỉnh ủy về việc “Thống nhất thời gian sinh hoạt chi bộ và việc phân công cán bộ về dự sinh hoạt với các chi bộ, Đảng bộ các xã trong tỉnh”. Thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, nâng cao tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng, đồng thời với mở rộng dân chủ, nhằm phát huy vai trò của TCCSĐ và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; nâng cao đảng trí, bản lĩnh chính trị đội ngũ đảng viên, cấp ủy đảng các cấp và toàn Đảng bộ tỉnh.

Ba là, chăm lo kiện toàn cấp ủy các cấp (nhất là cấp chi bộ) đủ số lượng và có chất lượng; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng cấp ủy với cán bộ chủ trì, xây dựng đội ngũ cán bộ với đội ngũ đảng viên; coi trọng việc bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiệp vụ và kinh nghiệm, kiến thức công tác xây dựng đảng cho cấp ủy viên các cấp. Như vậy, cấp ủy các cấp lãnh đạo tốt công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XII; thực hiện tốt công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng theo chức danh cán bộ sau đại hội; trong đó, đặc biệt quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng cho cấp ủy viên mới, bí thư các chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và các TCCSĐ loại hình các doanh nghiệp.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tăng cường các biện pháp quản lý, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên về chấp hành Điều lệ Đảng, chỉ thị, nghị quyết và nguyên tắc sinh hoạt đảng, về giữ gìn tư cách đảng viên; thực hiện dân chủ trong Đảng, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, quy định rõ vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị; chú trọng kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm và những lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực; đồng thời coi trọng lựa chọn, bồi dưỡng nguồn, thực hiện đúng phương châm, phương hướng, điều kiện, tiêu chuẩn và nguyên tắc phát triển đảng viên mới, khắc phục triệt để biểu hiện chạy theo số lượng.

Năm là, cụ thể hóa các tiêu chí, quy trình, phương pháp đánh giá chất lượng TCCSĐ, cán bộ, đảng viên hằng năm cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, đảm bảo đánh giá sát thực hơn. Đánh giá chất lượng TCCSĐ phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, sự vững mạnh của các tổ chức trong hệ thống chính trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt công tác biểu dương, khen thưởng những tổ chức đảng, đảng viên có thành tích xuất sắc, nhân rộng điển hình tiên tiến trong công tác xây dựng tổ chức đảng ở từng loại hình TCCSĐ trong tỉnh.

Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các TCCSĐ trong Đảng bộ tỉnh Thái Bình; xây dựng các TCCSĐ trong sạch, vững mạnh là tiền đề và điều kiện đảm bảo để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội, tỉnh Thái Bình phát triển bền vững.                                                              


(1) Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình: Báo cáo tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong các loại hình cơ sở năm 2014.

(2) Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình: Báo cáo đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng năm 2011, 2012, 2013 và 2014.

Trần Đức Tuấn

Trường Chính trị Tỉnh Thái Bình

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền