Trang chủ    Thực tiễn    Một số giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở các tỉnh Tây Bắc hiện nay
Thứ năm, 25 Tháng 6 2015 16:14
5060 Lượt xem

Một số giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở các tỉnh Tây Bắc hiện nay

(LLCT) - Thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 8-4-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc triển khai, quán triệt Nghị quyết số 17- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn” (Nghị quyết Trung ương 5), Đảng bộ các tỉnh Tây Bắc đã nghiêm túc thực hiện triển khai học tập, quán triệt, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động nhằm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Tây Bắc là địa bàn rộng lớn, gồm các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hoà Bình, Hà Giang, Phú Thọ, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, các huyện phía tây của tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Nghệ An(1). Đây là địa bàn có tầm quan trọng đặc biệt trên các phương diện địa - chính trị, kinh tế, văn hoá, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái và quan hệ lân bang với 2 nước láng giềng Lào, Trung Quốc. Tây Bắc là địa bàn có nhiều thành phần tộc người cư trú đan xen, đa dạng về sắc thái văn hoá, phong tục tập quán, ngôn ngữ, trình độ sản xuất. Lợi dụng những khó khăn về địa hình và kinh tế - xã hội, các thế lực thù địch đã và đang ra sức chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Bắc. Vì vậy, hệ thống chính trị cấp cơ sở của Tây Bắc phải đảm đương vai trò lãnh đạo ở những địa bàn có điều kiện khó khăn nhất cả nước.

Thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 8-4-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc triển khai, quán triệt Nghị quyết số 17- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn” (Nghị quyết Trung ương 5), Đảng bộ các tỉnh Tây Bắc đã nghiêm túc thực hiện triển khai học tập, quán triệt, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động nhằm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Thông qua học tập quán triệt, nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân về vai trò, vị trí của hệ thống chính trị ở cơ sở được nâng lên rõ rệt; cũng qua đó, thấy rõ hơn tầm quan trọng và sự cần thiết phải củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; nắm vững nội dung, yêu cầu, mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp được Trung ương nêu trong Nghị quyết.

Triển khai Nghị quyết Trung ương 5, các tỉnh đều đã ban hành nghị quyết và đề án chuyên đề nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; nghị quyết về đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút cán bộ đến công tác tại địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Trong đó đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng, củng cố, kiện toàn nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng xã, phường, thị trấn. Đồng thời, các Đảng bộ đã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức học tập và triển khai đến toàn thể hội viên, đoàn viên thuộc tổ chức mình; chỉ đạo các cơ quan thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tuyên truyền để người dân hiểu và nắm được nội dung cơ bản của Nghị quyết.

Trên tinh thần quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Trung ương, của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, với sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp, qua hơn 10 năm thực hiện, Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX đã từng bước đi vào cuộc sống và tạo nên những chuyển biến tích cực của hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây Bắc.

1.  Nội dung và phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng có sự đổi mới rõ rệt

Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng 5 khóa IX, từ năm 2002 đến nay, các cấp uỷ vùng Tây Bắc đã ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên. Tăng cường phát triển đảng viên, nhất là ở những nơi còn “trắng” đảng viên, phát hiện bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới có chất lượng, đặc biệt là ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số.

Công tác kết nạp đảng viên, phát triển tổ chức đảng được các cấp ủy đảng quan tâm thực hiện, nhiều chi bộ cơ sở đã nâng cấp lên đảng bộ, thành lập các chi bộ thôn, bản. Riêng năm 2011, toàn vùng đã kết nạp mới được 27.368 đảng viên. Các tổ chức cơ sở đảng tiếp tục được củng cố, kiện toàn, số lượng đảng viên tăng lên, sinh hoạt đảng đi vào nền nếp, xóa được nhiều thôn bản “trắng” đảng viên. Đến năm 2013, toàn vùng có 594.272 đảng viên(2).

2. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở đáp ứng yêu cầu tình hình mới

Công tác xây dựng đảng và phát triển đội ngũ cán bộ cơ sở trong những năm qua đã được các địa phương trong vùng Tây Bắc quan tâm, chú trọng, nhất là ở các địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội. Nhiều địa phương đã xây dựng đề án quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đảm bảo đạt trình độ chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ; đảm bảo về cơ cấu dân tộc, độ tuổi, giới tính. Cùng với đó, công tác luân chuyển, tăng cường cán bộ xuống cơ sở được các địa phương thực hiện và đạt được kết quả nhất định, góp phần quan trọng củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững và ổn định an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Đội ngũ cán bộ cơ sở được bố trí cơ bản đủ theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ, chất lượng về trình độ, kiến thức chuyên môn được nâng lên. Tính đến 31/12/2011, tổng số cán bộ cơ sở của các tỉnh Tây Bắc là 174.247 người, trong đó trình độ cán bộ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn là 50,1%, cán bộ công chức đạt chuẩn là 77,1%, cán bộ không chuyên trách qua đào tạo là 44,35%(3). Nhìn chung, số lượng cán bộ đã đáp ứng được nhiệm vụ chính trị của cấp cơ sở, hầu hết có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, nhiệt tình, hăng hái trong công việc.

Các cấp uỷ đảng đã đổi mới việc ban hành nghị quyết, lựa chọn những vấn đề quan trọng, cấp thiết ở cơ sở; đề ra các giải pháp chỉ đạo tổ chức thực hiện và tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, kịp thời giải quyết những khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

3. Hiệu quả và hiệu lực quản lý của chính quyền cơ sở được tăng cường

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), hoạt động của chính quyền cấp cơ sở ở các tỉnh vùng Tây Bắc đã có nhiều chuyển biến tích cực nhất là trong quản lý, điều hành, tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy.

 Hoạt động của HĐND xã, phường, thị trấn có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng lên; chất lượng đại biểu HĐND ngày càng được nâng cao, các đại biểu phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trước cử tri; hoạt động giám sát được chú trọng, tập trung vào những vấn đề mà nhiều cử tri quan tâm.

Chính quyền cơ sở đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo phân cấp quản lý. Tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của cấp uỷ và Hội đồng Nhân dân cùng cấp. Năng lực quản lý, điều hành có bước đổi mới, thể hiện rõ trách nhiệm đối với nhân dân, việc thực hiện quy chế dân chủ đi vào nền nếp, công tác tiếp dân, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân được coi trọng, chất lượng được nâng lên, công tác giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “ một cửa” có nhiều chuyển biến tích cực. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

4. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng tiếp tục đổi mới nội dung,  hình thức hoạt động

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cấp cơ sở ở các tỉnh Tây Bắc đã có những đổi mới về nội dung, hình thức hoạt động. Tính đến năm 2014, các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn các xã, phường, thị trấn đều có cán bộ làm công tác mặt trận và các tổ chức đoàn thể. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở có nhiều đổi mới nội dung và hình thức, tăng cường kết nạp hội viên, đoàn viên. Một số tỉnh có tỷ lệ hội viên, đoàn viên cao như Lai Châu, Sơn La và Tuyên Quang. Các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận và các đoàn thể phát động đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Mặt trận và các đoàn thể đã tập hợp, đoàn kết và vận động các tầng lớp nhân dân thi đua lao động sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giữ vững vận động, an ninh.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã tích cực tham gia xây dựng đảng, chính quyền cơ sở; phát huy vai trò trong việc thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, Ngày vì người nghèo; phong trào  Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; phong trào Thi đua làm kinh tế giỏi, xoá đói, giảm nghèo, làm giầu chính đáng, công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền..., thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng các quy ước, hương ước đạt kết quả thiết thực; tích cực phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, không di cư tự do, không học và truyền đạo trái pháp luật.

Như vậy, qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, hệ thống chính trị ở cơ sở, cán bộ, đảng viên các tỉnh Tây Bắc đã có sự chuyển biến tích cực, căn bản và sâu sắc. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị nhất là cấp cơ sở, nông thôn Tây Bắc có sự đổi thay, đời sống của đồng bào các dân tộc ngày càng được cải thiện; quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Tuy nhiên, trước yêu cầu và nhiệm vụ thời kỳ cách mạng mới, chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở Tây Bắc cũng còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Đó là, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng nhiều nơi chưa cao, nhất là việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách vào tình hình cụ thể của địa phương; một số cơ sở còn lúng túng, bị động trong giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh từ thực tiễn, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tư tưởng, chính trị; công tác kết nạp đảng viên mới quan tâm đến số lượng, chưa chú trọng chất lượng.

Vẫn còn nhiều thôn, bản trên địa bàn trong yếu, vùng cao, biên giới chưa có đảng viên, chi bộ. Tuy vậy, công tác phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc còn hạn chế, nhất là đảng viên là nữ, dân tộc thiểu số. Tính đến thời điểm tháng 6-2005, trong tổng số 13.886 thôn, bản trên toàn vùng Tây Bắc (gồm 9 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hoà Bình, Hà Giang, tây Thanh Hóa và tây Nghệ An), còn 3.951 thôn, bản chưa có chi bộ, chiếm 28,45%; thôn, bản chưa có đảng viên còn 440, chiếm tỷ lệ 3,17%. Đến năm 2013, vẫn còn 2.384 thôn, bản chưa có chi bộ độc lập, chiếm 8,32% và 129 thôn, bản chưa có đảng viên, chiếm 0,45%, số thôn, bản này chủ yếu thuộc địa bàn khó khăn, vùng cao, biên giới; hầu hết chi bộ ở thôn, bản thuộc loại hình chi bộ dưới 9 đảng viên(4). Số thôn, bản chưa có chi bộ và chưa có đảng viên chủ yếu tập trung ở địa bàn các xã vùng cao, biên giới (tỉnh Điện Biên 106/1.537 thôn bản chưa có đảng viên, 530/1357 thôn, bản chưa có chi bộ; tỉnh Lào Cai 10/2.156 thôn bản chưa có đảng viên, 840/2.156 thôn bản chưa có chi bộ; tỉnh Quảng Ninh còn 47 thôn, bản chi bộ sinh hoạt ghép)(5).

Năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở ở một số nơi chưa cao, nhất là việc triển khai, thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế -xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính. Hoạt động của một số tổ chức chính trị - xã hội thiếu chủ động, hiệu quả thấp, cá biệt có nơi còn yếu kém, bị động không kiểm soát được tình hình khi có vấn đề phức tạp phát sinh…

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở các tỉnh khu vực Tây Bắc cần tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn” và Kết luận số 64-KL/TW của Trung ương tại Hội nghị Trung ương 7khóa XIvềMột số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, ngày 28-5-2013.

Hai là, làm tốt công tác phát triển đảng viên, quan tâm đến những thôn, bản chưa có tổ chức đảng và đảng viên, đảng viên nữ là người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở các xã vùng cao, biên giới. Đồng thời với phát triên số lượng phải coi trọng chất lượng, đặc biệt là tiêu chuẩn giác ngộ lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, năng lực hoàn thành nhiệm vụ. Tăng cường công tác quản lý, phân công nhiệm vụ đảng viên, xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Ba là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ công chức cơ sở đảm bảo đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng, có cơ cấu hợp lý, có khả năng vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên phù hợp với thực tiễn cơ sở. Đồng thời, làm tốt quy hoạch, tạo nguồn cán bộ kế cận, gắn với tăng cường luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tiếp tục tăng cường cho cơ sở những cán bộ có trình độ, năng lực, nhiệt tình và có triển vọng.

Bốn là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trang suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo quản lý, chủ chốt ở cơ sở. Duy trì nghiêm túc chế độ sinh hoạt trong đảng, nêu cao ý thức tự phê bình và phê bình; đẩy mạnh giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, tuyên truyền thành quả công cuộc đổi mới, thấy rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

_____________________

(1) Theo Quy định số 96-QĐ/TW ngày 28-5-2012 của Bộ Chính trị vềchức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác của các Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, địa bàn hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Bắc gồm 12 tỉnh và các huyện phía tây của tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.

(2), (3), (4) Ban Chỉ đạo Tây Bắc: Báo cáo tổng hợp tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”, năm 2013.

(5) Theo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phương, thị trấn của các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Quảng Ninh, năm 2012.

 

TS Phạm Đức Kiên

                                                                                     Viện Lịch sử Đảng

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền