Trang chủ    Tin tức    Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: 35 năm một chặng đường (28/5/1981 - 28/5/2016)
Thứ năm, 14 Tháng 4 2016 14:59
3939 Lượt xem

Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: 35 năm một chặng đường (28/5/1981 - 28/5/2016)

(LLCT)Nhận thức rõ vai trò, vị trí to lớn của khoa học lịch sử quân sự, ngay trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, đã quan tâm đến công tác nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm đúc rút bài học trong kháng chiến, nhằm kế thừa, vận dụng và phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc ta.

Ngày 28 - 5 - 1981, Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định số 172/QĐ-QP, do Đại tướng Văn Tiến Dũng - Bộ trưởng, Bộ Quốc phòng ký, thành lập Viện Lịch sử quân sựViệt Nam với nhiệm vụ: “1. Biên soạn các công trình lịch sử quân sự, lịch sử chiến tranh, lịch sử nghệ thuật quân sự, lịch sử tư tưởng quân sự...; 2. Tổng kết chiến tranh; 3. Giúp Bộ Quốc phòng chỉ đạo, quản lý công tác tổng kết và biên soạn lịch sử quân sự của toàn quân; bồi dưỡng cán bộ lịch sử quân sự về lý luận và nghiệp vụ bộ môn; chỉ đạo việc biên soạn giáo trình, sách giáo khoa lịch sử quân sự; 4. Làm công tác thông tin về lịch sử quân sự”.Viện Lịch sử quân sựViệt Nam được thành lập trên cơ sở kế thừa các cơ quan tổng kết, nghiên cứu lịch sử quân sự thuộc Bộ Quốc phòng, nòng cốt là Phân viện Lịch sử quân sựvà Ban Tổng kết kinh nghiệm chiến tranh thuộc Học viện Quân sự cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng). Cơ cấu tổ chức bộ máy gồm có: 1. Phòng Lịch sử quân sự cổ - trung đại Việt Nam; 2. Phòng Lịch sử kháng chiến chống Pháp; 3. Phòng Lịch sử quân đội; 4. Phòng Lịch sử kháng chiến chống Mỹ; 5. Phòng Lịch sử nghệ thuật quân sự; 6. Phòng Lịch sử tư tưởng quân sự; 7. Phòng Lịch sử quân sự thế giới; 8. Bộ phận Tổng kết chống Mỹ; 9. Bộ phận Tổng kết thực hiện nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Lào; 10. Bộ phận Tổng kết địch; 11. Phòng Thông tin tư liệu; 12. Văn phòng (có các ban: Cán bộ - chính trị, Hành chính - đánh máy, Hậu cần).

Viện Lịch sử quân sự Việt Nam là cơ quan khoa học đầu ngành LSQScủa quân đội, một trung tâm LSQScủa Nhà nước, có chức năng, nhiệm vụ giúp Bộ Quốc phòng chỉ đạo, quản lý và triển khai các hoạt động nghiên cứu LSQS, tổng kết chiến tranh ở cấp trung ương cũng như toàn quân. Theo đó, hệ thống tổ chức cơ quan làm công tác nghiên cứu LSQS, tổng kết chiến tranh trong toàn quân được xác lập, đánh dấu một bước phát triển quan trọng của khoa học LSQS Việt Nam.

Trong suốt 35 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, cùng với sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội, Viện và ngành LSQS đã có sự phát triển vượt bậc. Toàn ngành LSQS đã triển khai và hoàn thành hơn 3 nghìn công trình, đề tài lịch sử quân sự. Trong đó, nhiều công trình có chất lượng cao, góp phần thiết thực vào công tác phổ biến tuyên truyền tri thức lịch sử và đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, phản động; những bài học kinh nghiệm được rút ra có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, được vận dụng vào giáo dục, huấn luyện bộ đội, xây dựng lực lượng vũ trang, bảo vệ Tổ quốc, vào quá trình phát triển khoa học, nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Đặc biệt, Viện đã triển khai và hoàn thành có chất lượng 2 bộ sách: Lịch sử quân sự Việt Nam, 14 tập và Lịch sử Tư tưởng quân sự Việt Nam, 5 tập. Đây là hai bộ sách được nhiều giải thưởng khoa học, được phát hành rộng rãi trong toàn quân và trong cả nước, được các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và độc giả đánh giá cao. Ngoài ra, Viện đã hoàn thành một số công trình lớn như: “Tổng kết chiến thuật Quân đội nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”, 3 tập; “Tổng kết tác chiến chiến lược trong 30 năm chiến tranh giải phóng”; “Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)”, 7 tập; “Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)”, 9 tập…

Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, địa phương tổ chức thành công nhiều hội thảo khoa học cấp quốc gia, cấp bộ, hội thảo kỷ niệm nhân các sự kiện lớn, các danh nhân quân sự. Bên cạnh đó, Viện đã quan hệ hợp tác có hiệu quả với một số cơ quan tổ chức lịch sử quân sự các nước Lào, Campuchia, Liên bang Nga, các trung tâm nghiên cứu lịch sử quốc tế của Mỹ, Pháp, Niu Di Lân, Hàn Quốc...; tham dự các hội thảo quốc tế. Với hàng nghìn công trình nghiên cứu lịch sử quân sự, các đề tài, bài báo khoa học của đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử quân sự toàn quân được công bố và đăng tải đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử dân tộc, về các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và bảo vệ Tổ quốc, khẳng định tính chất chính nghĩa của các cuộc kháng chiến; khẳng định đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, góp phần quan trọng đấu tranh với các luận điểm phản động, xuyên tạc lịch sử, khẳng định chủ quyền, lãnh thổ quốc gia cả trên đất liền và trên biển. Kết quả nghiên cứu, khoa học lịch sử quân sự đã góp phần cung cấp luận cứ để Ðảng và Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách về quân sự, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới.

35 năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử quân sự thông qua cơ quan ngôn luận của Viện và ngành làTạp chí Lịch sử Quân sự đã có nhiều chuyển biến tích cực và toàn diện.Tạp chí Lịch sử Quân sự đã xuất bản 291 số, đã công bố nhiều chuyên luận sử học, trao đổi, thẩm định, thống nhất và làm sáng tỏ nhiều sự kiện, tư liệu, số liệu lịch sử; tích cực phản bác có hiệu quả những luận điệu sai trái và âm mưu của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc, phủ nhận lịch sử quân sự, vai trò lãnh đạo của Đảng; có tác dụng thiết thực trong giáo dục lý tưởng độc lập dân tộc và truyền thống cách mạng của nhân dân ta.

Trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử quân sự các đơn vị, quân khu, quân đoàn, quân - binh chủng được Viện tăng cường, cải tiến và nâng cao chất lượng rõ rệt. Các hội nghị tổng kết và tập huấn nghiệp vụ thật sự là diễn đàn khoa học bổ ích và cần thiết cho cán bộ làm công tác lịch sử quân sự trong toàn quân. Giúp cán bộ các đơn vị nhận thức sâu sắc hơn về công tác lịch sử quân sự; tăng cường mối quan hệ giữa Viện với đơn vị và giữa các đơn vị, tạo nên sự phối hợp công tác ngày càng có hiệu quả.

Công tác thông tin tư liệu luôn được Viện và ngành lịch sử quân sự quan tâm. Hiện nay, Viện Lịch sử quân sự đang lưu trữ, bảo quản một số lượng lớn tư liệu với hơn 49.359bản tài liệu trong nước và nước ngoài; đặc biệt, có nhiều tư liệu độc bản, tư liệu quý do các nhân chứng, nhân vật lịch sử kể lại hoặc cung cấp và một khối lượng ảnh tư liệu qua các thời kỳ làm cơ sở tin cậy để phục vụ công tác nghiên cứu, nâng cao chất lượng các công trình lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh trong toàn quân.

Là trung tâm khoa học LSQS đầu ngành, do vậy vấn đề đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ quyết định sự trưởng thành và phát triển của Viện. Trong những năm qua, Viện đã tổ chức 16 khóa học, trong đó 18 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Đồng thời, Đảng ủy, chỉ huy Viện cử nhiều cán bộ đi đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ và cử nhân tại các cơ sở đào tạo của các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội. Trong 35 năm qua, đã có 15  giáo sư, phó giáo sư, 26  tiến sĩ, 46 thạc sĩ đã và đang công tác tại Viện. Ðội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, các nhà nghiên cứu của Viện có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn cao.

Các công trình do Viện và ngành lịch sử quân sự nghiên cứu, biên soạn có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, tái hiện sinh động hiện thực lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc trong tiến trình dựng nước và giữ nước; đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Có thể thấy rằng, Viện và ngành lịch sử quân sự đã góp phần cùng giới sử học Việt Nam  khôi phục, lưu giữ, làm phong phú thêm di sản lịch sử của dân tộc và kho tàng lý luận chiến tranh cách mạng của dân tộc ta.

Ngày nay, sự nghiệp cách mạng của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta đang diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến đổi phức tạp và sâu sắc. Đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp tiếp tục diễn ra gay gắt dưới nhiều hình thức khác nhau và ngày càng phức tạp. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ tiếp tục có những bước phát triển nhảy vọt và tác động mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mặc dù trong bối cảnh và điều kiện đã khác trước, song những quy luật, bài học kinh nghiệm lịch sử về sự lãnh đạo của Ðảng và tư tưởng Hồ Chí Minh trong kháng chiến vẫn có giá trị hiện thực. Quán triệt đường lối cách mạng và quan điểm đổi mới của Ðảng, Viện và ngành lịch sử quân sự Việt Nam tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả các công trình lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh, phấn đấu đưa khoa học lịch sử quân sự phát triển mạnh mẽ, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới.

                              Đại tá, PGS, TS Dương Hồng Anh

                                  Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền